Dân chủ và bài học từ khóa Quốc hội đầu tiên
- Tại kỳ họp đặc biệt của QH khóa III (năm 1969), Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh thay mặt Quốc hội đọc diễn văn tưởng nhớ Hồ Chủ tịch. Nhân đó, ông nhắn nhủ tới đại biểu Quốc hội: "Hãy góp phần tích cực vào việc củng cố và tăng cường chính quyền dân chủ nhân dân do Hồ Chủ tịch và Đảng ta chiến đấu gian khổ mà tập luyện nên".
LTS: Cách đây 65 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội khóa I.
Nhìn lại chặng đường đã qua, không thể phủ nhận QH đang ngày càng đổi mới, xứng đáng là cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước. Có thể việc này diễn ra chưa đủ nhanh, nhưng đều đặn và vững chắc.
Hôm nay, VietNamNet khởi đăng loạt bài "Quốc hội trong hành trình dân chủ". Mời bạn đọc cùng theo dõi.
Bài 1: Dân chủ và bài học từ khóa Quốc hội đầu tiên
65 năm kể từ sau cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, khi người dân tự tay cầm lá phiếu bầu ra Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đến nay, hoạt động Quốc hội đang ngày càng công khai và dân chủ hơn.
Vẫn còn nhiều việc phải làm để "dân chủ" trong Quốc hội ngày càng thực chất hơn nữa. Nhưng việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn, việc bình luận, đưa tin của báo chí về các hoạt động của Quốc hội cũng đóng góp rất lớn vào tiến trình dân chủ, góp phần đưa Quốc hội trở thành cơ quan thực sự đại diện cho tiếng nói nhân dân.
Đây cũng chính là mục tiêu được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định ngay từ những kỳ họp Quốc hội đầu tiên. Đó là tinh thần phải xây dựng một Quốc hội thật sự dân chủ, từ đó tạo nền tảng pháp lý xây dựng đầy đủ các luật lệ cần thiết củng cố pháp chế nhà nước dân chủ nhân dân.
Bác Hồ tại kỳ họp thứ 2, QH khóa I. Nguồn: Trung tâm thông tin tư liệu, Văn phòng QH Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra ngay khi đất nước vừa giành độc lập. Mọi tầng lớp nhân dân hồ hởi đi bỏ phiếu với nguyên vẹn khao khát và kỳ vọng vào chế độ dân chủ mới.
Hiến pháp 1946 được xây dựng trên tinh thần ấy. Tiếc là, do điều kiện chiến tranh, Hiến pháp chưa được thi hành. Hoàn cảnh chiến tranh cũng khiến đất nước vận hành theo một cơ chế đặc biệt. Các nhu cầu và đòi hỏi quyền dân chủ tạm thời gác qua một bên để tập trung cho nhiệm vụ cứu nước. Quốc hội thời chiến chỉ họp một kỳ duy nhất (năm 1953) thông qua Luật cải cách ruộng đất. Không có thời gian để bàn về những đạo luật khác xây dựng nhà nước pháp quyền.
Phải đến năm 1957, Quốc hội mới đưa một số nội dung vào chương trình nghị sự của kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa I để thảo luận thẳng thắn và chính thức. Đó là chủ đề "phát triển dân chủ" và "kiện toàn pháp chế nhà nước dân chủ".
Chính phủ đã trình ra một số dự án luật như các Luật về tự do dân chủ, tự do thân thể, tự do tổ chức, tự do hội họp, tự do công đoàn...
Trong hồi ký được lưu giữ tại Trung tâm thông tin tư liệu, Văn phòng QH, ông Lâm Quang Thự, ĐBQH khóa I nhớ lại, ngay trong phát biểu chào mừng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ý nghĩa kỳ họp thứ VI: "Đây là kỳ họp phát triển dân chủ của nhà nước, dân chủ với nhân dân... Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường chuyên chính để làm cho chính quyền của ta ngày càng thực sự là chính quyền của nhân dân".
Ông Lâm Quang Thự cũng không ngần ngại nêu thẳng trong tham luận đọc tại kỳ họp: "Từ ngày nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, việc xây dựng và củng cố chế độ đã trải qua nhiều giai đoạn... Chế độ ta là chế độ dân chủ nhân dân nên được nhân dân ủng hộ, nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót. Những thiếu sót ấy đã hạn chế sự phát triển dân chủ".
Theo ông Thự, từ ngày hòa bình lập lại, việc đảm bảo quyền tự do dân chủ, xây dựng nền luật pháp dân chủ vẫn chậm trễ. Thậm chí, Quốc hội vẫn kéo dài cách làm việc trong tình trạng không bình thường của thời kháng chiến. Hội đồng nhân dân các cấp chưa được bầu lại. Các quyền tự do dân chủ của nhân dân qua cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, quản lý công dân... đã bị xâm phạm nghiêm trọng.
Trước yêu cầu cấp bách của tình trạng mất dân chủ trong đời sống xã hội, Quốc hội đã đưa vào chương trình nghị sự để ĐBQH thảo luận về phát triển dân chủ và kiện toàn pháp chế nhà nước dân chủ. "Đó là hành động cụ thể rất hợp thời, hợp với mong mỏi của các tầng lớp nhân dân", ông Thự bình luận.
Tại kỳ họp này, Bộ Nội vụ đã trình dự luật quy định quyền lập hội và quyền tự do hội họp.
Bộ Tư pháp trình dự luật đảm bảo quyền tự do thân thể và bất khả xâm phạm về nhà ở, thư tín của nhân dân, Luật về báo chí... QH cũng bầu ban sửa đổi Hiến pháp 1946.
Vấn đề dân chủ đã "lôi kéo" được sự tham gia của nhiều ĐBQH. Chẳng hạn, ĐB Đinh Gia Trinh (Hà Nam) phát biểu về kiện toàn chế độ pháp trị dân chủ. ĐB Nguyễn Thành Lê (Thái Bình) nói về tự do ngôn luận và tự do báo chí. Nhiều ĐB khác phân tích các dự luật đảm bảo tự do dân chủ...
Bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Kỳ họp lần này đã nêu cao tinh thần đoàn kết nhất trí trong toàn dân, phát huy thêm một bước tinh thần dân chủ của chế độ ta". Các ĐBQH cũng kỳ vọng, việc ban hành các đạo luật về mở rộng dân chủ, đảm bảo quyền tự do dân chủ cũng phải được làm thường xuyên, liên tục.
Hoạt động nghị trường của Quốc hội khóa I tuy ngắn ngủi nhưng luôn tập trung vào nhiệm vụ xây dựng nền móng dân chủ. Những giá trị nền tảng người xưa đã gây dựng nên, suốt 65 năm qua có những giai đoạn đã tiếp thu, phát triển. Song cũng có không ít bước lùi.
Nhà sử học Dương Trung Quốc bình luận: "Quốc hội khóa I đã thông qua được một số luật nhưng hoàn cảnh chiến tranh khiến đất nước không thể vận hành theo luật. Mọi hoạt động được điều hành theo chính sách là chính. Và điều này đã làm mất dần đi năng lực dân chủ của nhân dân".
Trong khi đó, những dự án luật cần thiết để đảm bảo quyền làm chủ của người dân như Luật tiếp cận thông tin, Luật về hội, Luật về phản biện xã hội... sau nhiều lần bàn thảo, đến nay, vẫn chưa thể ban hành.
Lê Nhung - Thu Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét