Ngậm ngùi phiên chợ trăm năm
Võ Ðắc Danh
Quê bà ở Mười Tám Thôn Vườn Trầu nổi tiếng với những cô gái tóc dài, da trắng, đằm thắm nết na. Hồi nhỏ, sáng nào bà cũng theo mẹ lên xe ngựa ra chợ Cầu Muối để bỏ mối trầu cau. Đến năm 19 tuổi, bà phải lòng anh con trai của bà chủ vựa hành, hẹ, rau thơm rồi về chợ Cầu Muối làm dâu, bắt đầu một phiên chợ gần trọn một đời người.
Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào phản ánh một cách đầy đủ về sự hình thành và phát triển của chợ Cầu Muối và chợ Cầu Ông Lãnh dù nó vốn nổi tiếng và tồn tại song song hơn một thế kỷ qua.
ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
Theo Sài Gòn năm xưa của cụ Vương Hồng Sển thì chợ Cầu Muối có từ triều Nguyễn. Hồi ấy, người ta đào một con kinh rẽ vào từ rạch Bến Nghé - tức đường Nguyễn Thái Học bây giờ - và bắc một chiếc cầu dưới bờ kinh để vận chuyển muối. Kho muối là những dãy nhà lá nằm dọc hai bên bờ kinh. Muối từ Phan Thiết và Bạc Liêu được vận chuyển về đây để xuất qua Campuchia. Đến khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn thì những kho muối trở thành hoang phế. Dân tứ xứ chạy giặc về đây cư trú rồi dần dần họp chợ, gọi là chợ Cầu Muối.
Theo nhà văn Sơn Nam thì chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối cùng ra đời vào một thời điểm như nhau, khoảng cách chỉ vài trăm mét bởi một dòng kinh. Cả hai chợ đều là "trên bến dưới thuyền" nhưng con kinh đào sau này lấp lại nên chợ Cầu Muối trở nên xa với bến sông.
Vì sao gọi là chợ Cầu Ông Lãnh? Một bài báo của Phong Vũ Trần Văn Hai (tức Khuông Việt) đoạt giải nhất cuộc thi lịch sử trên báo Tri Tân xuất bản tháng 6-1942 đã kể lại rằng: Năm 1874, triều đình Huế ký hiệp ước cắt đứt Nam Kỳ giao cho Pháp, theo hiệp ước này thì chính quyền Pháp được đặt lãnh sự quán ở Hà Nội và ngược lại, nhà Nguyễn được đặt lãnh sự quán ở Sài Gòn, trụ sở đóng tại góc đường Đề Thám - Trần Hưng Đạo ngày nay, vị lãnh sự ấy là ông Nguyễn Thành Ý (hiện còn tên đường ở phường ĐaKao, quận 1). Công việc chủ yếu của lãnh sự quán lúc bấy giờ là làm thị thực cho người miền Trung vào Sài Gòn mua bán nên ông Nguyễn Thành Ý thường đi chiếc xe song mã qua lại khu vực chợ dưới bến Chương Dương, chỗ chiếc cầu neo đậu xuồng ghe của giới thương hồ. Từ đó mới có tên gọi là chợ Cầu Ông Lãnh.
Năm 1875, chính quyền Pháp ở Sài Gòn chính thức cho phép thành lập chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh. Nếu tính từ mốc thời gian ấy thì đến nay đã tròn 125 năm, còn khoảng thời gian trước đó bao nhiêu năm nữa thì vẫn chưa có lời giải đáp.
ĐỜI CHỢ - ĐỜI NGƯỜI
Trải qua hơn một trăm năm, lịch sử đầy biến cố nhưng chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh vẫn tồn tại và phát triển không ngừng với vai trò đầu mối tiêu thụ, giao lưu nông sản từ miền Trung đến miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, cung cấp cho 36 chợ lớn nhỏ ở Sài Gòn. Nó gắn liền với sự phát triển của nền nông nghiệp và văn minh miệt vườn của khu vực miền Nam.
Người ta gọi chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh là một phiên chợ trăm năm vì nó hoạt động 24/24 giờ, không có phút giây ngừng nghỉ, không có phiên sáng phiên chiều như nhiều chợ khác. Vì thế, suốt hơn trăm năm qua, chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh là sự tiếp nối từ đời này sang đời khác với những buồn vui, thăng trầm của bao thế hệ truyền lại cho nhau một cuộc mưu sinh.
Bà Lê Thị Hoa, 76 tuổi, chuyên kinh doanh hành, hẹ, rau thơm gần sáu chục năm nay, sau một ngày buôn bán ở chợ mới Tam Bình, bà trở về chợ Cầu Muối, ngồi buồn hiu trước gian hàng cũ. Bà cho biết, nhà bà ở bên quận 4 nhưng ít khi bà về bên ấy dù ở đây chật hẹp có mấy mét vuông. Khi được hỏi về tâm trạng của bà khi dời chợ, bà nói một cách rất thật lòng: "Thành phố chủ trương dời mười chợ đầu mối ra ngoại thành là chuyện đương nhiên rồi. Nhưng ở đây cả đời, bây giờ ra đi cũng buồn lắm!".
Khi tôi hỏi duyên cớ nào để bà trở thành tiểu thương ở chợ Cầu Muối, đôi mắt bà bỗng sáng lên như xua tan nỗi buồn hiện tại. Bà kể, quê bà ở Bà Điểm, Hóc Môn, xứ sở của Mười Tám Thôn Vườn Trầu nổi tiếng với những cô gái tóc dài, da trắng, đằm thắm nết na. Hồi nhỏ, sáng nào bà cũng theo mẹ lên xe ngựa ra chợ Cầu Muối để bỏ mối trầu cau. Đến năm 19 tuổi, bà phải lòng ông Nguyễn Văn Ba - con trai bà chủ vựa hành, hẹ, rau thơm - rồi về chợ Cầu Muối làm dâu, bắt đầu cho một phiên chợ gần trọn một đời người. Và bây giờ, khi đã về già, bà lại giao quyền làm chủ vựa lại cho con dâu. Cái vòng đời ở đây là như thế.
Một buổi chiều mưa lắc rắc, trong quán cà phê vỉa hè trên đường Nguyễn Thái Học, tình cờ tôi được trò chuyện với ông Sáu Măng, một người có thâm niên trên bốn mươi năm hành nghề bốc vác. Quê ông ở Cái Bè, Tiền Giang. Ông theo cha lên đây từ năm tám tuổi. Hồi ấy cha ông làm cặp - rằng vệ sinh cho Tây ở chợ Cầu Ông Lãnh. Thuở ấy ông vừa đi học, vừa kiếm sống bằng cách đi nhặt củ hành, củ tỏi rơi rớt trong chợ Cầu Muối về rửa sạch và tách ra rồi bán lẻ. Cho đến khi đủ sức lao động, ông xin vào làm bốc vác cho đến bây giờ.
Cuộc đời ông là một phiên chợ hơn năm mươi năm. Bây giờ sắp nghỉ hưu rồi giật mình nhìn lại mới thấy nó dài, mới thấy có ngày có đêm chớ mấy chục năm qua gần như ông không thấy. Ông nói thông thường thì người ta ngủ vào buổi tối và thức dậy vào buổi sáng, còn dân bốc vác ở chợ Cầu Muối là thức hay ngủ tùy theo những chuyến hàng.
Hỏi chuyện xưa ở chợ Cầu Muối, ông Sáu Măng kể rành mạch như kể chuyện nhà mình. Hồi ông trở thành dân Cầu Muối thì cái chợ này còn đất bùn lầy lội. Tiểu thương phải cặm cây, lót ván làm sạp, mái lợp bằng lá dừa nước. Tuy chợ nhóm suốt đêm nhưng thắp sáng chủ yếu bằng đèn dầu, ngoại trừ một số sạp lớn thì có đèn măng - xông. Bắt đầu sáu giờ chiều là xe ngựa, xe bò từ các nơi chở hàng về tấp nập, vây kín các ngõ đường. Phía bên chợ Cầu Ông Lãnh thì xuồng ghe vây kín một khúc sông. Hàng về dù trên bờ hay dưới sông cũng đều được phân chia thành bến: Bến Mỹ Tho, bến Long Xuyên, bến Sóc Trăng, bến Phan Thiết, bến Nha Trang, bến Huế... và hầu hết các bến bãi đều do dân giang hồ quản lý, điều hành để thu tiền bốc vác. Ai mạnh thì được, ai yếu thì thua. Đó là quy luật không chỉ của giới giang hồ. Những cuộc tranh giành bến bãi bằng gậy gốc, đao kiếm xảy ra liên tiếp. Cụm từ dân Cầu Muối nổi tiếng khắp Sài Gòn lục tỉnh cũng bắt đầu từ đó.
Tuy nhiên, theo ông Sáu Măng thì trong giới giang hồ ở chợ Cầu Muối hồi ấy cũng rất nhiều người tốt. Những tên tuổi như Kim Anh, Xuân Cầu Muối, Minh Cầu Muối là những tay anh chị vang bóng một thời ấy tuy hung hăng với đối phương trong việc tranh giành bến bãi nhưng rất thương người lao động nghèo. Bản thân ông Sáu Măng cũng từng được họ cưu mang, đùm bọc trong những lúc khó khăn.
NGẬM NGÙI KẺ Ở, NGƯỜI ĐI
Dù nhìn ở góc độ nào đi nữa thì sự tồn tại của các chợ đầu mối nông sản thực phẩm giữa lòng thành phố vẫn là điều nghịch lý. Và cái nghịch lý ấy sẽ đi theo tỷ lệ nghịch với tốc độ phát triển của bất kỳ một thành phố văn minh nào. Vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề trật tự giao thông và hàng loạt các vấn đề xã hội khác càng ngày sẽ trở thành nan giải. Cho nên việc di dời các chợ đầu mối nông sản thực phẩm ra ngoại thành đang là một vấn đề bức xúc. Tuy nhiên, đã gọi là chợ thì việc di dời tiểu thương từ chợ này sang chợ khác hoàn toàn không đơn giản như ta chuyển một hòn đá vô tri từ điểm A sang một điểm B, bởi hàng loạt vấn đề xã hội đã ăn sâu bám rễ trong đời sống con người. Càng không đơn giản đối với hai chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh vốn đã mang đậm màu sắc lịch sử trên một trăm năm.
Ông Tư Bốn, 60 tuổi, kinh doanh nghề rau củ quả, đang mang một nỗi lo bế tắc: "Cũng như hàng trăm tiểu thương ở đây, nếu tính đời con của tôi nữa thì coi như ba đời gắn bó với cái chợ Cầu Muối này rồi. Nhưng bây giờ tôi phải ở lại đây nhìn bà con ra đi mà muốn rơi nước mắt, còn mua bán tại chỗ thì cứ phập phồng lo sợ không biết sẽ bị dẹp lúc nào!". Tôi hỏi lý do thì được ông giải thích: "Năm 1995, Nhà nước điều chỉnh quy hoạch lộ giới thì trên tuyến đường này có 40 hộ bị xem là lấn chiếm lòng, lề đường nên không được cấp giấy phép kinh doanh. Thế nhưng, hằng năm chúng tôi vẫn được bán môn bài và làm nghĩa vụ thuế đầy đủ. Vậy mà bây giờ khi dời chợ, chúng tôi không được đăng ký mặt bằng ở chợ mới vì lý do không có giấy phép kinh doanh?!".
Chị Nguyệt, một tiểu thương chuyên bán cà chua, còn cho chúng tôi biết thêm, ngoài những đối tượng như ông Tư Bốn, ở đây còn có trên 400 hộ mua bán nhỏ, không đăng ký kinh doanh nhưng mỗi ngày vẫn đóng hoa chi 10.000 đồng, bây giờ không biết phải về đâu, đăng ký sang chợ mới thì không được giải quyết, mà ở lại thì không biết sẽ bị giải tỏa lúc nào.
Đó mới chỉ là những nghịch cảnh trong giới tiểu thương, còn các thành phần lao động khác, theo ông Sáu Măng thì... hằng hà sa số!
Ông Sáu Măng cho biết, chỉ tính riêng Hợp tác xã Bốc xếp Cầu Ông Lãnh thôi thì hiện có 396 người đang thất nghiệp. Mấy ngày qua, ông cùng với Ban Quản lý Hợp tác xã chạy đôn chạy đáo sang ba chợ đầu mối mới là Tam Bình (Thủ Đức), Bình Điền (Bình Chánh) và Tân Xuân (Hóc Môn) gặp các Ban Quản lý chợ để tìm việc cho anh em. Nhưng ở đâu người ta cũng trả lời rằng công việc bốc xếp không đủ giải quyết cho người địa phương thì lấy đâu ra chỗ để giải quyết cho người quận khác. Ông nói lúc từ giã ra về, tìm không được việc cho anh em đã buồn, khi nhìn thấy bà con tiểu thương ở chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh về bên ấy mà buồn muốn khóc. Dù gì cũng đã gắn bó với nhau mấy chục năm qua.
Ngoài 396 công nhân bốc xếp là xã viên chính thức của Hợp tác xã Cầu Ông Lãnh, ông Sáu Măng cho biết ở đây còn có trên 500 người chuyên đẩy xe cho bạn hàng và gần 2.000 lao động chuyên làm các dịch vụ khác như: rửa rau, lặt rau, gọt củ, dọn hàng, đóng gói... đang bị mất việc không biết sẽ sống ra sao.
Có lẽ đó là những yếu tố không được đưa vào bàn nghị sự của các nhà làm quy hoạch chợ.
Buổi sáng ngày 23 tháng 10, tức 3 ngày sau khi kết thúc vai trò lịch sử 150 năm của hai khu chợ đầu mối nổi tiếng này, chúng tôi bước vào nhà lồng chợ rau quả Cầu Ông Lãnh. Khu nhà vừa đang trở thành hoang vắng. Trong cái sự hoang vắng sau một phiên chợ trăm năm ấy, tôi cảm nhận có cái gì đó khác thường, một sự ngậm ngùi khó tả. Ngồi trong quán cà phê nhỏ nhoi của ai đó mới bày ra, anh Nguyễn Minh Trung rầu rĩ nói: "Hồi năm 1950, cha tôi đã đến đây làm nghề bốc vác. Ông qua đời từ năm 1980. Lúc ấy tôi mới 20 tuổi, đành phải bỏ học để tiếp tục nghề cha nuôi sống gia đình. Bây giờ đến lượt hai thằng con trai và một thằng rể cũng nối nghiệp tôi. Vậy mà đùng một cái, tất cả đều thất nghiệp. Mà một người thất nghiệp thì ảnh hưởng đến năm bảy miệng ăn". Anh Trần Quang Dũng đưa mắt nhìn xuống bến sông, giọng như nghẹn lại: "Gia đình tôi cũng ba đời làm nghề bốc vác ở cái chợ này. Tôi có hai đứa con trai, một đứa đang học lớp 12, một đứa vừa thi đậu vào trường cao đẳng kỹ thuật công nghệ, tôi làm ngày làm đêm để cho con ăn học với hy vọng đời nó sẽ khác hơn. Học phí của thằng con lớn một năm 3 triệu đồng, tôi mới đóng được 1,3 triệu. Bây giờ mất việc, hai đứa nó chắc sẽ không còn cửa nào để ăn học tiếp".
Một lúc sau, từng tốp người kéo đến, kẻ ngồi người đứng vây kín chiếc bàn. Tôi cố làm ra vẻ lạnh lùng rồi tìm cách rút lui bởi không biết phải nói gì, làm gì trước bao nhiêu số phận.
Đứng trên cầu Ông Lãnh, nhìn xuống bến Chương Dương, tôi có thể hình dung ra tương lai của một đại lộ Đông - Tây với bờ kè thênh thang đầy cây xanh bóng mát. Và con rạch Bến Nghé rồi sẽ là một dòng sông lấp lánh màu xanh soi bóng nền trời đầy mây trắng. Nhưng tương lai của mấy đứa con anh Dũng, anh Trung thì tôi không thể nào hình dung ra được.
Võ Ðắc Danh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét