Lê Trung Thành
imageCho đến hôm nay, các chủ nợ từ ngân hàng Thụy Sĩ làm đại diện chưa chính thức trả lời có cho Vinashin (VNS) khất nợ 60 triệu USD phải trả đợt đầu hay không. Nếu chủ nợ đồng ý, ông Chủ tịch Hội đồng thành viên VNS – Nguyễn Ngọc Sự sẽ tạm yên lòng mừng đón lễ giáng sinh và có thể ngủ giấc ngon lành vào đêm giao thừa chuyển sang năm mới 2011?
Là một chuyên gia tài chính, ông Nguyễn Ngọc Sự đang giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nên có nhiều người lãnh đạo hy vọng vào khả năng “chuyển bại thành thắng” khi điều động ông sang VNS dọn dẹp “đống đổ nát, hoang tàn” mà mấy người tiền nhiệm “tạm vắng mặt” gây ra?
Ông hẳn không vui vẻ gì khi được “tín nhiệm” giao trọng trách này vì phải dời bỏ nơi rủng rỉnh tiền bạc, tha hồ chi tiêu. Hình như ở nơi làm việc cũ, việc nợ quá hạn, nợ khó đòi vài ba chục, thậm chí năm, sáu chục tỉ đồng chẳng là nghĩa lý gì nên khi có đơn tố cáo từ các cán bộ công nhân viên làm việc ở Công ty Nhập khẩu thiết bị Dầu khí PVN (Machinoimport PVN), ông Sự đã ký công văn số 3726/DKVN ngày 05/05/2010 trả lời nhưng theo bài báo “Phản biện thư trả lời của Phó TGĐ Dầu khí Việt Nam Nguyễn Ngọc Sự” thì công văn này “có biểu hiện bao che của cá nhân ông Sự trong khi lại nhân danh Tập đoàn, không tập trung vào các sai phạm, hành vi phạm tội của giám đốc công ty Machino Trần Đức Trương cũng như công nợ, giải quyết chính sách cho người lao động […]” (Trích từ trang mạng Machinoimport PVN ngày 7 tháng 5-2010).
Sơ qua một chút về ông Chủ tịch thành viên VNS để thấy ông là người quyền biến, có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý công nợ và biết đâu rằng ông sẽ có cách để giải quyết khối công nợ khổng lồ của VNS.
Dù mới đến VNS hơn 80 ngày, ông kịp nhận ra rằng những người công nhân đóng tàu có tay nghề giỏi và nhiều sáng tạo, chỉ “tiếc” là, VNS có quá nhiều cán bộ năng lực yếu kém và hư hỏng nên ông đã mạnh tay sắp xếp lại tổ chức ngay tại cơ quan đầu não và “phế truất” mấy lãnh đạo chủ chốt ở Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, điều động lãnh đạo mới từ Hạ Long về thay thế. Ông cũng kêu gọi sự hợp tác sản xuất giữa các cơ sở đóng tàu nhằm đẩy nhanh tiến độ và giảm lãng phí nhân lực, thiết bị…
Một bầu không khí mới, lóe lên một chút sức sống mới và hy vọng mới ở khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Sài Gòn, nhiều ngàn thợ đã có việc làm,… Ấy là những điều có thực dẫn đến một loạt con tàu được bàn giao, được bán đi mang lại năm bảy chục triệu đô la Mỹ. Chính phủ cũng nhiệt tình hỗ trợ cho VNS một khoản tiền lớn bù đắp vào số vốn điều lệ còn thiếu, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị cho VNS vay không lãi suất để thanh toán hơn 230 tỷ tiền lương và tiền bảo hiểm xã hội nợ đọng nhiều năm nay.
Thế nhưng, những “cái mới” còn mong manh lắm. Có việc làm nhưng nhiều công ty không có tiền trả lương, nhiều kỹ sư, cán bộ kỹ thuật có tay nghề giỏi vẫn đành dứt áo ra đi. VNS bán được tàu, giao được tàu nhưng trừ tiền nợ, tiền ứng trước chẳng còn bao lăm. Có ký được hợp đồng với các đối tác trong nước, ngoài nước nhưng hầu như “chỉ để làm dáng” nhằm xoa dịu nỗi hoài nghi của dư luận xã hội…
Muốn thực hiện, chủ hàng phải có tiền, có rất nhiều tiền và bản thân VNS cũng cần có nhiều vốn lưu động mới có thể thực hiện được những hợp đồng này.
Do vậy, trên thực tế, dù đã có đôi chút chuyển biến nhưng khó khăn vẫn chồng chất, nếu VNS nuôi sống được hơn 40.000 công nhân vượt qua những năm tháng đầy cam go. Tết âm lịch 2011 sắp tới, dù là ăn tết “khiêm tốn” VNS cũng cần phải có 60-70 tỷ đồng để chia cho mỗi cán bộ CNV hơn một triệu đồng và đó đã là một kỳ tích.
Với các khoản nợ đến hạn chi trả trong năm 2011 và các năm sau, ông Nguyễn Ngọc Sự sẽ tìm tiền ở đâu???
Vào ngày 15.01.2011, VNS phải trả lãi vay (từ khoản trái phiếu quốc tế 750 triệu USD thông qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển) số tiền 25,78 triệu USD. Sáu tháng sau, vào ngày 15.7.2011, tiếp tục trả đợt 2 là 25,78 triệu USD. Cộng lại: 51,56 triệu USD.
Ngày 20.6.2011, trả gốc lần 2 số tiền 60 triệu USD vay của Ngân hàng Thụy Sĩ. Ngày 20.12.2011, trả gốc lần 3: 60 triệu USD. Nếu được khất nợ, VNS phải thanh toán tiền lãi khoảng 40 triệu USD của khoản vay 600 triệu USD. Và đến ngày 20.12.2011 VNS phải thanh toán 60 triệu USD tiền trả gốc đợt 1. Tổng cộng khoản trả lãi và trả gốc đợt đầu là khoảng 100 triệu USD.
Cũng năm 2011, VNS phải trả khoảng 1.000 tỷ đồng lãi phát hành trái phiếu trong nước năm 2007 tương đương 50 triệu USD.
Với ba khoản lãi, gốc như trên, VNS cần có khoản tiền 210 triệu USD để thanh toán cho các chủ nợ. Còn nếu không được khất nợ, khoản phải trả cộng thêm 120 triệu USD nữa trả cho ngân hàng Thụy Sĩ.
Chưa hết, khoản vay tín dụng 70 triệu USD của Chính phủ Ba Lan thông qua Chính phủ Việt Nam (theo Hiệp định ký ngày 06.6.1998 giữa chính phủ CHXHCN Việt Nam và chính phủ Cộng hòa Ba Lan) “toàn bộ số tiền vay được hạch toán vào ngân sách nhà nước. Bộ tài chính có trách nhiệm trả nợ khi đến hạn”. Được Chính phủ cho vay lại, VNS chịu trách nhiệm nhận nợ và hoàn trả cho ngân sách nhà nước theo đúng hợp đồng vay ký với Tổng cục Đầu tư và Phát triển (nay là Tổng công ty Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước).
Theo đó, các khoản tín dụng cho việc mua tàu đóng tại Ba Lan hoặc mua vật tư, thiết bị đóng tàu ở Việt Nam có thời gian vay 13,5 năm (có 3 năm ân hạn trả gốc vay), lãi suất 5%/năm và khoản tín dụng hiện đại hóa nhà máy đóng tàu có thời gian vay 15,5 năm (có 5 năm ân hạn trả gốc vay), lãi suất 4,5%/năm. VNS sẽ phải thanh toán các khoản vay thông qua Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam theo chỉ định của Bộ tài chính.
Cuối cùng, món nợ 25 triệu USD của Ngàn hàng Natixis (CHLB Đức) lẽ ra VNS phải trả hết vào quý III/2010 nhưng chủ nợ đã chấp nhận cho trả vào năm 2011 sau khi tạm thanh toán 3 triệu USD bằng nguồn vay của Bộ Tài chính.
Như vậy, trong năm 2011, VNS cần có 300-350 triệu USD để thanh toán các khoản nợ nêu trên. Số tiền này không bao gồm phần trả lãi, gốc đã quá hạn hoặc đến hạn của rất nhiều ngân hàng thương mại và ngân hàng phát triển trong nước mà VNS đã vay mượn. Số tiền vay khá lớn nhưng nhờ được “cơ cấu nợ”, được giãn nợ, khoanh nợ nên tạm bỏ ra ngoài danh sách trả nợ năm 2011. Tất nhiên, các chủ nợ nội địa sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải “gồng mình” chịu đựng. Họ cũng bị vạ lây khi các định chế tài chánh quốc tế giảm hạng tín nhiệm do các khoản nợ khó đòi mà VNS gây ra.
Khoản tiền rất lớn tìm ở đâu khi Chính phủ đã tuyên bố không trả nợ thay VNS? Ông chủ tịch HĐTV Nguyễn Ngọc Sự đặt kỳ vọng vào số tiền bán tàu, bán vật tư tồn đọng, tiền thu được từ việc rao bán hơn 200 công ty cháu, chắt, tiền cổ phần hóa doanh nghiệp…
Đóng tàu là việc VNS có thể chủ động điều hành nhưng bán công ty chắc chẳng dễ dàng gì. Có một số công ty bán được giá cao hơn giá gốc nhưng không đáng kể so với hầu hết các công ty èo uột, hữu danh vô thực và nợ đầm đìa, nợ lẫn nhau theo kiểu “đánh bùn sang ao” không thể xác định được, chiếm phần lớn. Giữa cơn khủng hoảng tiền tệ, lãi suất vay cao ngất trời thì mấy ai dám bỏ triệu, triệu đô ra mua doanh nghiệp đang đình đốn mọi bề?
Bởi vậy, năm 2011 sẽ là năm cực kỳ khó khăn khiến ông Sự cùng ban lãnh đạo VNS sẽ có nhiều đêm dài không ngủ để tìm ra những biện pháp khả thi, có hiệu quả kinh tế cao mới tìm được nguồn trả nợ.
Còn những năm tiếp sau?
Khoản nợ phải trả gốc, trả lãi bình quân mỗi năm là 240-250 triệu USD sẽ kéo dài từ năm 2012 tới năm 2015.
Đến đầu năm 2016, VNS phải thanh toán đủ 750 triệu USD vay từ tháng 10-2005 cho các chủ nợ quốc tế.
Năm 2017, đến hạn trả gần 10 ngàn tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD) trái phiếu công ty mà VNS phát hành năm 2007.
Ông Nguyễn Ngọc Sự là người đứng đầu VNS nên ông có nhiều cơ hội lập lại trật tự sản xuất kinh doanh ở VNS theo kế hoạch tái cơ cấu. Tuy nhiên, khoản nợ khổng lồ mà VNS phải trả, ông không thể tự “cơ cấu” theo ý chủ quan.
VNS chậm trả nợ đồng nghĩa với uy tín của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế bị giảm sút nghiêm trọng. Ngày 21.12, theo công bố của Ngân hàng Hoàng gia Scotland, chứng chỉ hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) do chính phủ Việt Nam bảo lãnh đã leo tới 295 điểm cơ bản tại Singapore vào hồi 13h18’. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 17 tháng kể từ ngày 17-7-2009. Trước đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ cấp trái phiếu của Việt Nam từ hạng B3 xuống B1 do những hệ lụy liên quan tới các khoản vay của VNS.
“Vinashin vay được thì trả nợ được!”, lời tuyên bố hùng hồn của cựu lãnh đạo Phạm Thanh Bình còn văng vẳng bên tai các chủ nợ.
Ông Sự cũng dõng dạc tiếp lời trong cuộc họp báo do Bộ GTVT và VNS tổ chức tháng 11-2010: “Không ai có thể thay VNS trả nợ. Chúng tôi vay thì sẽ trả bằng mọi cách. Các chủ nợ hãy đến gặp chúng tôi để cùng giải quyết”.
Tôi tin ông sẽ có cách trả, và tìm được nguồn tiền để trả số nợ này.
Tôi cầu mong cho ông “chân cứng đá mềm”, bảo trọng sức lực bởi vào tuổi ngoài sáu mươi, có mấy ai đoán được mình sẽ “phục vụ” được bao lâu nữa?
L. T. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Tin mới:
Vinashin chưa trả được nợ
Lan Anh
SGTT.VN - Theo một nguồn tin thân cận với các chủ nợ nước ngoài, đến 5 giờ chiều giờ Hà Nội ngày 23.12.2010, tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Vinashin vẫn chưa chuyển trả số nợ 60 triệu USD, khoản tới hạn đầu tiên trong tổng gói nợ 600 triệu USD mà tập đoàn này vay từ năm 2008.
Theo thông lệ quốc tế, Vinashin có ba ngày ân hạn kể từ khi đến hạn trả vào ngày 20.12. Trước đó, các nguồn tin nước ngoài cho biết Vinashin đã gửi một thư thông báo sẽ thanh toán khoản lãi trong một thời gian ngắn, nhưng không đả động gì đến việc tập đoàn này có trả khoản gốc 60 triệu USD. Tuần trước, trả lời báo chí trong nước, ông Nguyễn Ngọc Sự, chủ tịch Vinashin cho biết đang đề nghị các chủ nợ cho hoãn việc trả nợ đến tháng 12 năm sau để công ty có thời gian sắp xếp ổn định kinh doanh. Cho đến cuối ngày 23.12, theo các nguồn tin của SGTT, chưa có một thoả thuận nào đạt được giữa hai bên.
Các chuyên gia có kinh nghiệm về xử lý nợ cho biết theo quy định quốc tế, trong trường hợp bên vay không trả nợ, bên cho vay có quyền đòi tất cả số tiền cho vay ngay lập tức mà không cần phải theo cam kết ban đầu. Trong trường hợp của Vinashin, cam kết vay quy định khoản vay này được trả số nợ gốc làm 10 lần, mỗi lần 60 triệu đôla Mỹ.
L. A.
Nguồn: SGTT
Vinashin không kịp trả vay đáo hạn nên sẽ đàm phán với các chủ nợ
Đức Tâm
clip_image001
Nợ của Vinashin lên tới 4,4 tỷ đô la, tương đương 4,5% GDP (DR)
Hôm nay, tờ báo kinh tế Wall Street Journal đưa tin là Tập đoàn Vinashin đã không trả được một khoản nợ quốc tế đến hạn trong lúc tình trạng gần như phá sản của doanh nghiệp nhà nước này tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam.
Dựa theo một nguồn tin thông thạo, tờ báo kinh tế Wall Street Journal cho biết là Vinashin đã không thể thực hiện được đợt trả nợ đầu tiên 60 triệu đô la, đáo hạn vào ngày 20/12 vừa qua. Đây là một phần trong khoản tín dụng 600 triệu đô la mà một nhóm các ngân hàng, đứng đầu là Crédit Suisse cho Vinashin vay vào năm 2007.
Mặc dù vậy, vẫn theo nguồn tin trên, thì tình hình có vẻ “khả quan”, bởi vì Vinashin cho biết muốn thanh toán phần lãi của khoản nợ đáo hạn đầu tiên này. Giữa tháng giêng năm tới, lãnh đạo của Vinahsin sẽ đàm phán với các chủ nợ về việc thanh toán phần vốn.
Theo báo chí Việt Nam, nợ của Vinashin lên tới khoảng 4,4 tỷ đô la, tương đương 4,5% tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam trong năm 2009. Theo AFP, một phát ngôn viên của tập đoàn này đã từ chối bình luận những thông tin của tờ Wall Street Journal.
Đầu tuần này, tân tổng giám đốc Vinashin Nguyễn Ngọc Sử nói với báo chí Việt Nam là tập đoàn không đủ khả năng thanh toán ngay khoản nợ đáo hạn đầu tiên. Trong khi đó, nhiều quan chức trong chính quyền Việt Nam nhấn mạnh là Vinashin phải tự thanh toán các khoản nợ của mình.
Ngày 22/12 vừa qua, chính phủ Việt Nam cho phép Vinashin được hoãn trả một số khoản thuế trong vòng một năm. Theo giới phân tích, biện pháp này là một cách thức giúp đỡ gián tiếp tập đoàn. Những khó khăn về tài chính của Vinashin gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là hệ thống ngân hàng của Việt Nam.
Hôm qua, công ty thẩm định tài chính Standard & Poor’s đã hạ điểm về khả năng thanh toán nợ dài hạn bằng ngoại tệ của Việt Nam, trước nguy cơ hệ thống ngân hàng phải đối phó với một cú sốc về kinh tế hoặc tài chính. Trước đó, vào ngày 15/12, công ty thẩm định tài chính Moody’s đã hạ điểm về khả năng thanh toán đối với công trái do Nhà nước Việt Nam do có những lo ngại về khủng hoảng cán cân thanh toán, lạm phát phi mã và món nợ khổng lồ Vinashin.
Đ. T.
Nguồn: RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét