Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Trả khoản tiền nhỏ, Vinashin sẽ làm yên lòng chủ nợ

Tác giả: LUẬT SƯ NGUYỄN MINH VỌNG

(VEF) - Nếu Vinashin trả nợ quá dễ dàng thì tạo ra tiền lệ không hay ho chút nào trong bối cảnh hiện nay. Một khoản tiền nhỏ có thể làm "yên lòng" được nhiều chủ nợ mà Vinashin vẫn còn nhiều có cơ hội để tiếp tục xem xét cấp thêm tiền để thúc đẩy hoạt động phát triển của mình.

LTS: Bình luận về phản ứng của "con nợ" Vinashin trước các nhà băng - chủ nợ nước ngoài, luật sư Nguyễn Minh Vọng cho rằng, do đây là khoản nợ đầu tiên nên tập đoàn phải làm căng, tạo tiền lệ vì con đường trả nợ rất dài. Tốt nhất, tập đoàn nên trả một khoản nhỏ để làm yên lòng các chủ nợ.

Mời độc giả xem xét ý kiến này qua bài viết dưới đây. Bạn có đồng ý với quan điểm này? Vinashin nên làm gì với các khoản nợ tiếp theo, nếu các chủ nợ nước ngoài cũng làm căng với tập đoàn này thì sao? Hãy cùng tham gia tranh luận và gửi ý kiến của bạn về: vef@vietnamnet.vn.

Credit Suisse và các chủ nợ nước ngoài đều biết đòi nợ ở nước ngoài (Việt Nam) là việc khó, đặc biệt là đòi nợ các doanh nghiệp nhà nước đang gặp khủng hoảng. Vinashin thì xem 60 triệu USD là khoản nợ nước ngoài đầu tiên do đó có thể sẽ là khoản tạo ra tiền lệ, chính vì vậy xét về tình thế, Vinashin buộc phải làm găng đến mức "không thể đàm phán được nữa".

Vinashin phải tính đến bài toán "làm mẫu" cho những lần tiếp theo, vì con đường trả nợ là rất dài.

Trong chính sách chi trả nợ của Vinashin, như chúng ta đã biết, việc trả nợ nước ngoài phải được ưu tiên hơn so với việc trả nợ trong nước. Dù sao, trong nước, tập đoàn này cũng dễ dàng đàm phán hay thực hiện những biện pháp cơ cấu.


Các nhà băng - chủ nợ nước ngoài sẽ trông chờ vào số tiền Vinashin thu được từ phần chuyển sang Vinalines và PVN quản lý? (ảnh Phạm Huyền)
Bản thân các ngân hàng và chủ nợ trong nước khác đang tìm cách "cơ cấu" để một mặt hỗ trợ cho Vinashin, mặt khác nhằm thắt chặt các yếu tố rủi ro tiềm ẩn. Có lẽ, chưa ngân hàng nào thu được một cách thực tế các khoản nợ này, trừ việc thu được do cơ cấu lại.

Việc chi tiêu - trong đó có việc trả nợ của Vinashin - đương nhiên phải được kiểm soát chặt chẽ. Việc trả nợ nước ngoài phải có căn cứ đầy đủ về mặt pháp lý, tình thế cấp bách có khả năng ảnh hưởng đến "sinh mạng" của Vinashin và phải có nguồn tiền thì mới được xem xét chi trả.

Về mặt pháp lý, ngoài các vấn đề chứng từ nợ thì phải có căn cứ chứng minh yếu tố "không thể đàm phán được". Theo tôi, yếu tố này không hẳn có tính pháp lý mà là chỉ mang tính chỉ đạo nội bộ trong chế độ quản lý tài chính hiện nay của Vinashin. Vì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng vậy, khi lâm vào tình trạng khó khăn, mất khả năng thanh toán chung thì phải đàm phán để tìm cách hoãn, xin miễn, giảm nợ.

Tuy nhiên, phía các ngân hàng nước ngoài đang ở thế chủ động khi nắm bắt được việc đó, và chắc chắn đã có điều tra về các nguồn tài chính mà Vinashin hiện có.

Không chỉ nước ngoài mà trong nước đều nắm được quá trình "tái cơ cấu" của Vinashin theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại Quyết định 926/QĐ-TTg ngày 18/06/2010 sẽ làm phát sinh các nguồn thu mà Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) và Tập đoàn Dầu khí (PVN) phải trả cho Vinashin. Nguồn tiền này hiện chưa được công bố, nhưng sẽ là một trong những khoản mà Vinashin sử dụng để phục vụ cho hoạt động của mình và cho việc trả nợ.

Chủ nợ sẽ mong đợi từ những khoản tiền này hơn là khoản tiền mà Chính phủ Việt Nam tài trợ.

Bản thân Vinashin cũng cần có những hành động tích cực để chứng tỏ khả năng, cũng như sự thiện chí, trong việc trả nợ để các chủ nợ không ép và tạo áp lực phá sản hay áp lực lên Chính phủ Việt Nam.

Để làm việc này, Vinashin sẽ đáp ứng phần nào nhu các khoản nợ của nước ngoài. Nhưng để trả nợ, Vinashin sẽ phải làm và chứng minh rằng, việc hoàn trả một phần khoản nợ này là không đơn giản, phải khó khăn đấy, có điều kiện đấy như về gia hạn, miễn giảm phần còn lại thì "chúng tôi" mới trả. Vì nếu trả quá dễ dàng thì tạo ra tiền lệ không hay ho chút nào trong bối cảnh hiện nay.

Với cách làm tương tự, một khoản tiền nhỏ có thể làm "yên lòng" được nhiều chủ nợ mà Vinashin vẫn còn nhiều có cơ hội để tiếp tục xem xét cấp thêm tiền để thúc đẩy hoạt động phát triển của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét