Vinashin – điển hình của lỗ hổng hệ thống
Ông Vũ Viết Ngoạn.
SGTT.VN - Hoạt động kém hiệu quả của một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), điển hình là Vinashin, có lỗ hổng cá biệt, có lỗ hổng hệ thống và cho thấy, việc giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động các tập đoàn, tổng công ty còn hạn chế yếu kém. Phó chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Viết Ngoạn trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp Thị bên hành lang Quốc hội hôm qua (26.10).
Theo ông, vụ Vinashin có thể coi một dấu hiệu đổ vỡ mang tính dây chuyền về quản trị doanh nghiệp nhà nước?
Có dây chuyền hay không dây chuyền phụ thuộc vào thái độ của chính chúng ta trong giải quyết, xử lý vấn đề. Nếu chúng ta thấy đó là một trường hợp điển hình cần tập trung, quyết liệt khắc phục những yếu kém mang tính hệ thống thì có thể hạn chế được những hậu quả tương tự xảy ra, còn nếu chúng ta bàng quan, thờ ơ thì ngược lại.
Như vậy, việc tiếp tục giao khối doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế có sai lầm?
Tôi cho rằng đây là một quan điểm mà chúng ta phải đánh giá đầy đủ kể cả những mặt được, chưa được. Vấn đề quan trọng là chúng ta đặt các DNNN ở vị trí nào trong việc sử dụng các nguồn lực của quốc gia, để nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất. Chủ trương của Đảng, các chương trình hành động của Chính phủ đều đã thể hiện rất rõ là phải tăng cường cổ phần hoá, giảm bớt DNNN nắm giữ, chi phối vốn. Tuy nhiên, lộ trình đó nhanh hay chậm như thế nào thì chúng ta còn nhiều quan điểm chưa đồng nhất. Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta phải đúc kết kinh nghiệm qua quá trình triển khai thực tiễn, tránh tình trạng một số ý kiến quá cực tả hoặc quá cực hữu, thì đều không có lợi cho sự phát triển của quốc gia, đất nước.
Doanh nghiệp nhà nước giữ nguồn vốn lớn của xã hội nhưng lại sử dụng kém hiệu quả, tạo ra sự không công bằng, minh bạch trong môi trường kinh doanh?
Hiện nay, hiệu quả sử dụng vốn không cao của một số DNNN do hai yếu tố: một là sở hữu, hai là quản trị. Việc sở hữu đồng vốn từ đâu không quyết định được đồng vốn đó hiệu quả hay không. Nhưng quản trị yếu kém rõ ràng dẫn đến hiệu quả thấp. Mặt khác, giữa sở hữu và quản trị có quan hệ với nhau bởi sự sở hữu, nếu không khéo, sẽ chi phối yếu tố quản trị. Chúng ta có thể so sánh với một nước rất gần chúng ta là Singapore. Theo đó, những doanh nghiệp rất lớn ở Singapore do nhà nước chi phối, hầu hết hội đồng quản trị là người của bộ máy nhà nước mà họ lại hoạt động rất hiệu quả. Điều đó cho thấy cơ chế quản trị doanh nghiệp của chúng ta hiện nay còn lúng túng.
Ông có cho rằng việc “giải cứu” các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ hiện nay không khác gì cách đã thực hiện trước đây?
Tư tưởng chỉ đạo chúng ta đã có, ví dụ việc tách vai trò quản lý nhà nước với chủ sở hữu vốn khỏi DNNN. Nhưng thực hiện nó như thế nào, việc cụ thể hoá ra hiện nay chúng ta còn nhiều hạn chế. Qua đó thấy rằng từ lý luận đến thực tiễn, từ ý tưởng đến hành động là một khoảng cách. Tôi nghĩ rằng lúc này là lúc chúng ta phải bình tĩnh, nhìn vào thực tế của mình, đâu là lỗ hổng cá biệt, đâu là lỗ hổng hệ thống để rà soát lại, thay đổi cả về luật pháp, về chính sách để giải quyết vấn đề. Chúng ta cũng không nên qua một vài trường hợp cá biệt mà có tư tưởng nao núng.
Đâu là lỗ hổng mang tính cá biệt, đâu lỗ hổng có tính hệ thống, thưa ông?
Hệ thống ở đây là tôi muốn nói trên phạm vi rộng, tức là toàn bộ các DNNN, đặc biệt trong đó có các tập đoàn, tổng công ty. Từ đó đặt ra những vấn đề về luật pháp, chính sách, quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, kiểm tra, giám sát…
Phải chăng chúng ta còn một lỗ hổng hệ thống nữa là việc thiếu lắng nghe phản biện về chính sách quản lý các tập đoàn, tổng công ty?
Quốc hội chỉ là một kênh trong phản biện xã hội. Phản biện xã hội khác, bao gồm xuất phát từ chính các doanh nghiệp, các nhà khoa học, các nhà kinh tế, các nhà chuyên môn, các hiệp hội ngành nghề và toàn thể nhân dân… Dẫu sao chăng nữa, tất cả các phản biện đó cũng nên được thẩm định, phân tích đúng, sai. Vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng những nhìn nhận, đánh giá về Vinashin và một số trường hợp khác đã có từ lâu, nhưng việc thẩm định, đánh giá, phát hiện và xử lý còn chậm. Vấn đề này Chính phủ ghi nhận có phần lúng túng, bất cập và chưa hiệu quả.
Chính phủ mới đây đề xuất “bơm” thêm 5.000 tỉ đồng cho các tập đoàn, DNNN để họ thực hiện một số nhiệm vụ. Điều này có khiến cho chúng ta thêm một lần nữa lẫn lộn quản lý nhà nước với quản trị doanh nghiệp?
Các doanh nghiệp hiện là một thực thể tồn tại, Nhà nước phải đầu tư bằng vốn nhà nước là một yêu cầu tất yếu, bằng cách giao cho địa phương, giao cho các bộ, ngành (thông qua ban quản lý) hoặc giao cho các doanh nghiệp của nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, chúng ta phải giao cho những doanh nghiệp có khả năng quản trị, quản lý tốt, còn nếu giao cho những trường hợp yếu kém thì sẽ mang đến hậu quả là tất yếu.
Mạnh Quân – Xuân Thu (thực hiện)
Nguồn: SGTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét