Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Hai vị “Thiếu gia” và “lông hồng… ngàn cân”

Hai vị “Thiếu gia” và “lông hồng… ngàn cân”
Posted on 29/10/2010 by Dân Báo


“Trái cấm” bô xít, con tàu Vinashin…đột nhiên trở lại trong tuần qua, với những dư luận đa chiều, quyết liệt và thẳng thắn, nhưng đều không thể tránh né một điều: đó là lương tâm và trách nhiệm của tất cả xã hội trước vận mệnh quốc gia. Và đó cũng là thông điệp của Phát ngôn và Hành động tuần này gửi tới bạn đọc.

Bài của Kim Dung


Bô xit…no bô xit…bô xít…no…no…no..

Có một loại tài nguyên được đào bới lên từ trong lòng đất, và được sinh thành hình hài – một dự án lớn, ngay lập tức, nó trở thành mối quan tâm lo lắng lớn với xã hội. Đó là bô- xít ở Tây Nguyên.

Tài nguyên – con đẻ của đất nước, bao giờ cũng hứa hẹn sự trù phú, sự giầu có cho quốc gia. Nhưng ‘chữ tài liền với chữ tai một vần“- ngay khi mới xuất hiện, dự án bô-xít lại chứa chấp nguy cơ làm phân tâm xã hội. Ngay cả giữa lãnh đạo với lãnh đạo. Giữa những quan chức và trí thức trong cùng một lĩnh vực chuyên môn. Ai cũng có lý lẽ để biện minh khá mạnh mẽ cho quan điểm của mình.

Cái chữ bô-xít nó “nhạy cảm” và dễ làm tổn thương con người đến mức, nếu một nhà văn, nhà báo nào đó nào bênh vực chủ trương khai thác bô-xít, lập tức bị dư luận số đông xã hội kết tội “văn nô, báo nô”…

Tự lúc nào, bô-xít bỗng như một “trái cấm”. Thèm “đụng chạm” lắm, nhưng đố dám ai, kể cả không ít bác trí thức rất ga lăng, đào hoa, đang độ… hồi xuân, dám mon men đến gần.

Thế nhưng mới đây, sau những tháng ngày im ắng, ấm ức, bỗng “trái cấm” bô-xít bị “lộ hàng”, bất chấp nó đang buộc phải “mũ ni che tai” thật chặt.

Người làm “lộ”, lại không phải các bác trí thức người Việt máu đỏ da vàng. Mà là người Hungari, mũi cao, da trắng ở Châu Âu xa xôi. Đó là bởi sự cố thảm họa bùn đỏ của nước Hung vừa xảy ra. Hơn một triệu m3 bùn đỏ độc hại tràn khỏi bể chứa, ô nhiễm cả một vùng rộng đến 40 km2. Nói cho đúng hơn, trái cấm bô xít tự vỡ ra những hiểm họa đang mang trong mình nó, do công nghệ và thiết bị lạc hậu mà nước Hung du nhập.

Bụi đỏ phú kín những ngôi làng, những cánh đồng, những mảnh vườn của người dân Hung. Dòng bùn độc hại đã chảy lan tới sông Ðanuyp (dài 2.850 km), con sông lớn thứ hai ở Châu Âu, chảy qua Hungari, Xecbia, Bungari, Rumani và Ucraina… trước khi đổ ra Biển Ðen. Dòng bùn đỏ theo sông Ðanuyp khiến con sông xanh thơ mộng thuở nào biến thành con sông “đau mắt đỏ”. Sự cố này không chỉ khiến nước Hung, mà bất cứ quốc gia nào có “dan díu” với bô xít đều rất lo ngại.

Bùn đỏ
Chính vì thế, một loạt các báo đưa không ngừng nghỉ về “trái cấm” bô xít với những thông tin nóng bỏng liên quan vận mệnh quốc gia. Đáng chú ý và nổi bật nhất, có thêm nhiều cán bộ lãnh đạo tỏ rõ thái độ và nhiệt huyết của mình, ký tên kiến nghị tạm dừng khai thác bô xít, như Phó CT nước Nguyễn Thị Bình, một nhà lãnh đạo cấp cao, như GS Hồ Ngọc Đại, GS Chu Hảo, GS Đặng Hùng Võ…các trí thức có tên tuổi từng làm quản lý. Tiếng nói phản biện quanh “trái cấm” xanh như lá rừng…

Ngày 25-10, ViệtNamNet có bài: “Hai lý do cho phép đóng cửa dự án alumina” của TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng, thuộc tập đoàn TKV – chủ đầu tư dự án bô xít Tây Nguyên, cảnh báo “Nguy cơ từ công nghệ thải bùn đỏ; và rủi ro về kinh tế”. Cái nguy cơ sẽ không tránh khỏi xuất phát từ sự nhập khẩu các thiết bị lẫn công nghệ khai thác bô xít lẫn xử lý bùn đỏ lạc hậu- bi kịch của các nước nghèo đang phát triển, trong bối cảnh thiên nhiên, thiên tai ngày càng thoát khỏi tầm kiểm soát của con người:

Thế nhưng, trước những lo ngại của xã hội, Bộ trưởng Tài Nguyên – Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã trấn an dư luận bằng một phát ngôn khá ấn tượng: “Bộ TNMT khẳng định, hai khu xử lý bùn đỏ này (ở Tây Nguyên- KD) là an toàn. Tuy nhiên, vì chưa vận hành nên chúng tôi mới khẳng định sự an toàn trên lý thuyết…Sau khi đi khảo sát ở Hungary, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu chỉ số an toàn ở hai khu xử lý bùn đỏ”

Một sự khẳng định của vị quan chức đầu ngành về môi trường cũng rất…lý thuyết!

Nhưng lập luận của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã bị chính người trong cuộc, ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Dự án nhôm của TKV, người từng tham gia triển khai dự án Tân Rai, phản bác: “Phương pháp xử lý bùn đỏ kiểu thải ướt đang áp dụng đối với hai dự án bô xít Tây Nguyên không phải là phương pháp tiên tiến. Mặc dù TKV cho biết thực hiện theo kiểu chia ô, nhưng mỗi ô vẫn là một hồ bùn đỏ và các hồ nhỏ này nằm trong một hồ bùn đỏ lớn. Tức nếu có biến động thiên tai thì các hồ này sẽ bị tàn phá như nhau, nguy cơ thảm họa vẫn có thể xảy ra như ở Hungary…

Còn ông Nguyễn Khắc Vinh (Chủ tịch Tổng hội Địa chất VN):

Phải dừng lại để đánh giá tác động. Nếu xảy ra vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Tây nguyên sẽ rất nguy hiểm, vì chất bùn đỏ thẩm thấu vào tất cả lớp đất đá trong khu vực Tây nguyên và ảnh hưởng đến đầu nguồn hệ thống sông Đồng Nai. Nếu xảy ra trường hợp như vậy thì hàng triệu người dân sẽ bị ảnh hưởng bởi các hóa chất độc hại từ các mỏ bô xit. .

Cũng không phải chỉ có Hungari, mà ngay ở Trung Quốc: “Chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa nhiều mỏ khai thác bô-xít trên lãnh thổ Trung Quốc để tránh thảm họa môi trường.


Khai thác bo xit, Ảnh Đất Việt
Những tấm gương bùn đỏ xa có, gần có, những sự can gián thiết tha của dư luận không biết có kết gắn được sự phân tâm xã hội, bắt đầu từ cái “trái cấm” địa đàng này không?

Mới đây, ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công thương kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản VN (TKV), phát biểu, nếu Chính phủ bảo dừng thì dự án sẽ được dừng (Tuổi trẻ, ngày 24-10)

Còn Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Chính phủ sẽ lắng nghe để thảo luận thêm nhằm đi đến quyết sách cuối cùng trong vấn đề này.

Câu chuyện bô xít của thời hiện đại sao giống câu chuyện tình yêu thuở hồng hoang của ông Adam và bà Eva lỡ ăn trái cấm đến thế. Nhưng hóa ra, ông Adam và bà Eva cũng có lúc “tàn lạnh tình yêu”? Cũng có lúc cả hai không cùng nhìn về một phía?

Vì quan niệm về tình yêu, vì con tim, hay vì lợi ích khác nhau?

Hay giờ đến lúc, cả xã hội ta cũng phải… bói hoa để tìm sự may rủi:

Bô xít… no bô xi… bô xit…no bô xit…bô xit…no…no…no..bô…xit

Các “Thiếu gia” tranh cãi…

Những ngày qua, cuối cùng, rồi tai nạn bất ngờ của chiếc xe khách bị lũ cuốn trôi xuống sông Lam, đoạn xã Xuân Lam, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cũng tạm khép lại với nước mắt của hàng triệu con tim đau đớn dõi theo từng ngày, từng giờ, từng phút. Trần Văn Trường, kẻ lái xe phiêu lưu và coi thường sinh mạng hành khách đã bị bắt và bị khởi tố. Con đường sự nghiệp của nhân vật này đã không thể dài như cái tên Trường của anh ta.

Nhưng bây giờ, vở bi kịch về lương tâm và trách nhiệm con người mới là lúc vén cánh màn tang. Đã bắt đầu có sự tranh cãi, thanh minh, thậm chí “tặng lỗi” cho nhau giữa các “Thiếu gia”- Thiếu Trách nhiện, Thiếu Lương tâm, vì không ai thấy mình có lỗi với 20 nhân mạng vô tội bỗng nhiên phải chết kia.

Câu trả lời phổ biến mà các phóng viên VietNamNet, ngày 22-10 nhận được là: “Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm”.

Ông Nguyễn Trường Tương (Công ty 474): “Sào chắn chúng tôi có quyền lập chứ không có quyền chặn hay cho xe đi, cái đó là quyền của CSGT. Chúng tôi thì không có biển, không có thẻ, không có chế tài để xử lý…Chúng tôi đã làm hết chức năng nhiệm v…Nếu lái xe cảm thấy không an toàn thì phải tự biết để dừng. Chúng tôi không có quyền chặn xe”.

Còn ông Nguyễn Thanh Bảo, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh cho rằng, việc phân luồng, lập sào chặn là trách nhiệm của ngành giao thông đường bộ: “Hàng nghìn chiếc xe tắc dồn đống, khi không có sào thì không thể chặn được. Thái độ của lái xe, thái độ của khách không hợp tác trong việc phối hợp ngăn chặn xe. Có những xe đâm thẳng vào CSGT để chạy…Khi xe CSGT quay ngang giữa đường, lái xe vẫn lách tránh để vượt đi…”


‘Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm’, Ảnh Lao Động
Trước đó, khi thông tin với báo chí, ông Bảo lại nói rằng, chiếc xe trên đã bất chấp hiệu lệnh của CGST để chạy vào đoạn đường ngập sâu nước. CSGT có đuổi theo nhưng do trời tối nên không bắt được?

Cứ theo cái đà này, cái lôgic này, thì lỗi chính là cái xe khách bẹp dúm dó, và hoảng sợ đã nằm lịm với cái bụng đầy cát suốt nhiều ngày dưới dòng lũ dữ, lỗi tại những người khách- ai bảo đã lên chiếc xe ấy- để bị lũ cuốn.

Còn nếu theo lẽ phải đạo lý thông thường, thì mặc dù, chiếc xe đã được trục vớt, được sửa chữa, và mặc dù hầu hết nạn nhân xấu số đã trở về với cát bụi, hai ông “Thiếu gia” không nên tranh cãi mà nên tự nhìn lại mình, trước khi có chiếc cẩu, trục các ông ra ánh sáng của pháp luật.

Người viết bài này chỉ day dứt, xót xa một điều: Tại sao đất nước ta, đặc biệt dải đất miền Trung, luôn phải sống chung với bão, lũ, các tỉnh có các trung tâm cứu hộ phòng khi bão lụt xảy ra, nhưng lại chưa bao giờ nghĩ đến việc sản xuất áo phao cho người dân dự phòng (giống như mũ bảo hiểm cho người đi xe máy tại các đô thị).

Nếu có áo phao cho mọi người dân, lớn, bé, già, trẻ…thì khi lũ tới, trong khi chờ đợi cứu hộ, người dân, nhất là trẻ em, phụ nữ, người già yếu…có thể chủ động chung sống với lũ, không đến nỗi phải chết oan uổng như những ngày qua? Có quá khó không khi phòng hộ cho người dân, bằng một giải pháp đơn giản và không quá đắt ấy?

Lông hồng và… ngàn cân

Và với cái đà tranh cãi giữa hai ông “Thiếu gia” đang hoành hành ngang dọc ở bất cứ lĩnh vực nào hiện nay, xã hội ta lại đang phải lắng nghe, phải chuẩn bị một cái cầu trục khác – cỡ đại.

Bởi cái con tàu khổng lồ Vinashin vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ bị chìm, trong khi hai ông Thiếu Lương tâm và Thiếu Trách nhiệm thì vẫn chưa tìm ra.

Nguyên Bí thư Nghệ An Trần Văn Hằng đưa ra con số, trận lũ lụt chưa từng có trong lịch sử Hà Tĩnh và Quảng Bình đã xóa sổ 20 xã, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, tương đương với “xóa sổ” cả một tỉnh. Vậy nhưng, so với thiệt hại 86 nghìn tỷ đồng mà Vinashin gây ra thì chưa thấm vào đâu. Ông Hằng đặt câu hỏi: “Quan trọng nhất là sau đây xử lý thế nào? Tiếp sau Vinashin sẽ là ai?”

Ai sẽ trả lời cho các đại biểu QH- cũng chính là trả lời cho dân đây?

Cho dù Thủ tướng đã thẳng thắn đứng ra nhận trách nhiệm về phía Chính phủ, thế nhưng sự tiêu tan gần một trăm ngàn tỷ đồng mồ hôi nước mắt của nhân dân từ sự yếu kém của bộ máy điều hành Vinashin đã là con dao sắc, cứa vào tâm khảm những đại biểu Quốc hội vốn “lành như đất” như xưa nay người dân thường nhận xét, khiến cho họ phải dũng cảm kêu lên. Đó thực ra cũng là tiếng kêu bi thương của người dân trước tổn thất nghiêm trọng này.


Con tàu Vinashin lại mới được ‘trục vớt’, Ảnh VietNamNet
Trong khi đó, thú thực, dù cố bám theo các sự kiện, nhưng người viết bài này cũng hoa cả mắt, đau cả đầu vì các lý lẽ tranh cãi, từ các phía, các cơ quan chức năng tới tấp đổ lên đầu Vinashin, lúc này đã nằm bẹp dúm dó, đầy nuối tiếc – “Ôi thời bạo liệt nay còn đâu?”. Bạo thì đã mất, chỉ còn…liệt mà thôi!

Ngày 25-10, trong báo cáo gửi tới đại biểu QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH dẫn lại chuyện Vinashin “Như một điển hình cho việc tuy có phát hiện dấu hiệu tội phạm nhưng không xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Ủy ban Tư phápQH đánh giá, qua 11 lần thanh tra, kiểm toán những sai phạm…Nhưng Chính phủ và các cơ quan chức năng không biết, không ai chịu trách nhiệm. Xã hội và cử tri rất bức xúc cho rằng có sự bao che cho những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin làm thiệt hại lớn đến tiền và tài sản của nhà nước”.

Ủy ban Tư pháp lưu ý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, Kiểm toán Nhà nước các cấp đã phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị thu hồi nhiều tiền và tài sản nhưng Kiểm toán Nhà nước không chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự một trường hợp nào.

Số vụ việc được cơ quan thanh tra chuyển cho cơ quan điều tra cũng rất ít.

Thêm vào đó, một số cán bộ kiểm toán đã vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, có hành vi tham nhũng“

Ngay chiều 25-10, đến lượt cơ quan Kiểm toán Nhà nước phản bác. Theo ông Vương Đình Huệ, Tổng KTNN cho hay, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) từng nhiều lần lên kế hoạch kiểm toán, ngay từ khi Vinashin còn chưa nâng cấp lên tập đoàn.

Từ lúc Vinashin đi vào hoạt động (2006) đến nay, KTNN đã 2 lần xây dựng kế hoạch kiểm toán đối với tập đoàn này…Tuy nhiên, kế hoạch này lại tiếp tục bị “trì hoãn” bởi không được phê duyệt.

Khi gửi cho Thanh tra Chính phủ, thì “Thanh tra Chính phủ thấy có sự trùng lặp về một số lĩnh vực và đối tượng kiểm toán”.

Và thú thực, người viết bài này cũng nghĩ mãi về câu phát ngôn cực kỳ ấn tượng của ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế QH trên báo VnExpress, ngày 21-10 rằng, Vinashin đã “phá sản theo kiểu Việt Nam”. Nghĩa là người lao động không bị đẩy ra đường, các khoản nợ ngân hàng vẫn được đảm bảo… và Chính phủ vẫn giữ được sự ổn định vĩ mô”.

Nhưng thưa bác Nguyễn Đức Kiên, ở các nước tư bản, doanh nghiệp phá sản, người lao động bị đẩy ra đường, và phải hưởng lương thất nghiệp. Còn ở ta, người lao động ở Vinashin vẫn không bị đẩy ra đường, các khoản nợ ngân hàng vẫn được bảo đảm…thì tiền đó là tiền thuế của nhân dân, của toàn xã hội đóng, hay là quỹ riêng của Nhà nước?

Và trong khi một số đại biểu trách Chính phủ, thì có lẽ, cũng nên nhìn nhận lại trách nhiệm giám sát của Quốc hội khi từ cách đây vài năm, các chuyên gia trong và ngoài nước đã cảnh báo mạnh mẽ về những bất ổn của mô hình Vinashin.

Dư luận cũng có quyền đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan ban Đảng, những đầu mối nắm quản lý các nhân sự đứng đầu các tập đoàn như ông Phạm Thanh Bình, người đã bị bắt vì những sai phạm ở Vinashin.

Hay có lẽ vì mô hình quản lý tập đoàn nhà nước “kiểu Việt Nam”, phá sản “theo kiểu Việt Nam”, mà trách nhiệm quản lý cũng theo “kiểu Việt Nam”, chẳng giống ai, quá nhiều đầu mối chịu trách nhiệm, chẳng biết cá nhân nào phải chịu trách nhiệm?

Có lẽ, chưa bao giờ xã hội ta, nhân dân ta buộc phải đóng hộ cho Nhà nước một khoản “học phí” khổng lồ đến vậy.

Và cho dù, các đại biểu QH đã thẳng thắn đề cập đến “văn hóa từ chức” nhưng xem ra văn hóa này ở xã hội ta, còn là của “quý và hiếm”. Với các nước văn minh trên thế giới, người ta hành xử theo kiểu trách nhiệm “nặng ngàn cân” và việc từ chức “nhẹ như lông hồng”.

Còn ở ta, thì có khi trách nhiệm “nhẹ như lông hồng”, và từ chức lại “nặng ngàn cân”. Khổ thế đấy!

Chợt nhớ nụ cười hóm của nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến: “Tại cái nước Việt mình nó thế”.

Kim Dung.

Bài đăng trên Tuần Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét