Vai diễn mới của Trung Quốc?
Tác giả: HUỲNH PHAN
Bài đã được xuất bản.: 18/10/2010 06:00 GMT+7
In
Email
Thảo luận
Theo GS Carl Thayer, Trung Quốc đã buộc phải đánh giá lại chính sách trước đây của mình, và đi tới quyết định cần phải thể hiện một vai trò mang tính xây dựng hơn, ít nhất trong hiện tại.
Khi các nước không muốn mạo hiểm quan hệ
Biển Đông với cách tiếp cận mềm tại ADMM+
Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, đã kể rằng, trong cuộc nói chuyện kéo dài 2 tiếng đồng hồ ở Khách sạn Majestic Sài Gòn đầu tháng 8, bên lề Hội nghị Quan chức quốc phòng chuẩn bị cho ADMM+8, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nói: "Tôi theo dõi rất kỹ những bài viết của ông về Việt Nam từ nhiều năm nay. Có những bài tích cực, và có cả những đánh giá còn tiêu cực."
Lần này, chắc hẳn cái hũ đựng "đậu trắng", dành cho vị chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á, sẽ được Tướng Vịnh bỏ vào ít nhất thêm một hạt nữa.
Giáo sư Thayer đã đánh giá rất cao về kết quả ADMM+8, mà Tướng Vịnh được coi là người đã bỏ nhiều công sức chuẩn bị thông qua các chuyến công du hàng tháng ròng thuyết phục các quốc gia được mời cử đại diện tham gia ở cấp cao nhất, cũng như dành một bất ngờ "thú vị" cho "người nổi tiếng" - Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc.
"Hội nghị đã cực kỳ thành công. Trung Quốc đã tham dự. Việt Nam đã khéo chuẩn bị một chương trình nghị sự khiến cho không nước nào cảm thấy bị cô lập", Giáo sư Thayer nhận xét với Tuần Việt Nam.
Ảnh: Lê Anh DũngTheo Giáo sư Thayer, tiến bộ mang tính thực tiễn, được phản ánh trong Tuyên bố chung, sẽ được triển khai trong các hội nghị ở cấp quan chức cao cấp, với hội nghị đầu tiên vào ngay tháng 12 này. "Chẳng hạn, Úc và Malaysia sẽ đồng chủ trì nhóm công tác về an ninh biển", Giáo sư Thayer dẫn chứng.
Một điểm thành công nữa, tuy gián tiếp, của ADMM+8, theo Giáo sư Thayer, là các cuộc trao đổi song phương quan trọng đã diễn ra bên lề hội nghị giữa bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc với những người đồng cấp đến từ Mỹ và Nhật Bản.
Sự "đổi vai" giữa quốc phòng và ngoại giao, hay vai diễn mới của Trung Quốc
Vấn đề an ninh ở Biển Đông được hơn một phần ba số bộ trưởng quốc phòng nêu thẳng ra trong tham luận của mình, trong đó có Mỹ, Malaysia và Nhật Bản, sau sự khơi mào khéo léo của Thủ tướng nước chủ nhà trong diễn văn khai mạc. Tuy ông Nguyễn Tấn Dũng đề cập tới an ninh biển nói chung, nhưng ai cũng ngầm hiểu rằng trong Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng, với ASEAN là nòng cốt, vấn đề an ninh biển không thể không bao gồm chủ yếu là vùng biển liên quan tới tranh chấp giữa một nửa thành viên ASEAN với Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã nhẫn nại ngồi nghe từ đầu đến cuối, dù không phải không có lúc ông sa sầm nét mặt.
Nhưng, dù sao, rõ ràng nhà quân sự chuyên nghiệp này đã có cách hành xử khá mềm mỏng, theo phong cách của một nhà ngoại giao. Hoặc chí ít không đến nỗi "võ biền" như nhà ngoại giao chuyên nghiệp Dương Khiết Trì cách đây gần 4 tháng tại diễn đàn an ninh khu vực (ARF) tại Hà Nội. Ngoại trưởng Trung Quốc lúc đó đã bỏ ra khỏi phòng hội nghị, khi người đồng cấp phía Mỹ nêu quan ngại về nguy cơ bất ổn ở Biển Đông. Và, khi quay trở lại, Dương Tiên sinh đã "giận cá chém thớt" bằng cách hướng về phía ngoại trưởng Singapore, khi cao giọng "tràng giang, đại hải" về một âm mưu chống lại Trung Quốc.
Giáo sư Thayer nhận xét rằng Trung Quốc đã buộc phải đánh giá lại chính sách trước đây của mình, và đi tới quyết định cần phải thể hiện một vai trò mang tính xây dựng hơn, ít nhất trong hiện tại.
Truyền thông chính thống của Trung Quốc đã khẳng định điều này. Tại ADMM+4, vị đại diện phía Trung Quốc đã đưa ra 3 đề nghị hợp tác cụ thể. Đó là phối hợp nghiên cứu và xây dựng khuôn khổ cho hợp tác an ninh phi truyền thống, tăng cường trao đổi kinh nghiệm về đào tạo, trợ giúp vật chất và chia sẻ thông tin, cũng như sẵn sàng cùng Việt Nam đồng chủ trì nhóm công tác về "hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai".
Có một điều trùng hợp khá thú vị là ngay sau khi ADMM+8 nhất trí thành lập nhóm công tác này, Trung Quốc đã có cơ hội thể hiện vai trò mới mang tính xây dựng của họ. Những ngư dân Việt Nam do Trung Quốc thả như đòi hỏi kiên quyết của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngay trước thềm ADMM+8, sau đúng một tháng bị phía chính phía Trung Quốc bắt giữ trái phép để đòi tiền chuộc, trên đường trở về đã gặp sự cố tàu chết máy. Khác với những lần trước, tàu họ đã được tàu tuần tra phía Trung Quốc đưa về một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa để lánh nạn.
Gặp song phương với Mỹ, Trung Quốc muốn thoát khỏi sự cô lập
Cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng của hai nước Mỹ - Trung là một cơ hội thuận lợi để Trung Quốc chủ động nối lại sự gián đoạn của các cuộc tiếp xúc quân sự cấp cao giữa hai cường quốc này, do chính Trung Quốc chủ động tạo ra đầu năm nay. Theo như Trung Quốc đã tuyên bố, hành động này nhằm trả đũa việc chính quyền Obama quyết định bán 6,4 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan.
Ảnh: Kỳ ThanhNhững diễn biến gần đây trong quan hệ quân sự giữa hai nước, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ, đã khẳng định điều này. Khoảng hai tuần trước khi ADMM+8 diễn ra, theo yêu cầu của Trung Quốc Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael Schiffer đã đến Bắc Kinh trong hai ngày, để thảo luận về việc nối lại quan hệ quân sự với Trung Quốc. Cuộc thảo luận nhằm mục đích chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ giữa ông Robert Gates và Thượng tướng Lương Quang Liệt tại Hà Nội, và xa hơn nữa là chuyến viếng thăm Trung Quốc sắp tới của ông Gates, thay cho chuyến đi mà Bắc Kinh đã hủy hồi tháng Sáu vừa qua.
Cũng theo Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Schiffer và các quan chức quân sự Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch cho các cuộc đàm phán quân sự ở Hawaii vào giữa tháng Mười, và sau đó sẽ là cuộc gặp cấp thứ trưởng giữa hai nước, ở Washington DC vào cuối năm nay.
Giáo sư Thayer cho rằng điều quan trọng nhất là Trung Quốc đã nhận được một thông điệp hữu ích. Sau khi đã "đi quá xa", họ đã chợt giật mình thấy quá lẻ loi và bị cô lập.
"Những hành động hiếu chiến trên biển của nước này đã trở thành một mối quan ngại về an ninh của các nước trong khu vực. Và, hơn nữa, Trung Quốc đã buộc phải thích ứng với một thực tế rằng Mỹ đang sử dụng rất tốt "con bài đa phương", Giáo sư Thayer chỉ rõ.
Giáo sư Thayer đã lưu ý rằng hành động trả đũa của Trung Quốc với Mỹ không phải xuất phát từ hợp đồng mua bán vũ khí đó. Bởi, theo ông, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan đã diễn ra nhiều năm nay, và nằm trong khuôn khổ một chương trình đã được cơ quan lập pháp nước này phê chuẩn.
"Đó chỉ là cái cớ. Lý do chủ chốt thực ra nằm ở chỗ các sĩ quan cao cấp của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung quốc (PLA) lúng túng không biết phản ứng ra sao trước vvụ chìm khu trục hạm của Hàn Quốc. Sự cố này đã làm hỏng mọi công sức mà PLA đã bỏ ra từ năm 1995 nhằm ngăn Hải quân Mỹ tiến gần bờ biển nước này", Giáo sư Thayer giải thích.
Theo phân tích của ông, vụ chìm tàu Cheonan đã làm khăng khít lại mối quan hệ đồng minh, đã phần nào lỏng lẻo, giữa Mỹ và Hàn Quốc. Hai quốc gia ở hai bờ Thái Bình Dương này đã tiến hành tập trận chung ở khu vực ngoài khơi Trung Quốc, và Nhật Bản đã ngay lập tức "quay trở lại vòng tay của đồng minh Mỹ".
"Trung Quốc khó có thể hòa giọng với Hàn Quốc và Mỹ trong việc chỉ trích CHDCND Triều Tiên. Vì vậy PLA đã đánh lạc hướng bằng cách tổ chức một cuộc tập trận hải quân một cách ồn ào, và bật đèn xanh cho các sĩ quan cao cấp đã nghỉ hưu nổ trên các phương tiện truyền thông", Giáo sư Thayer phân tích.
Việc ông Robert Gates vui vẻ nhận lời mời của người đồng cấp Trung Quốc, và chuyến thăm này dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1 năm 2011, cho thấy phía Mỹ cũng thực sự muốn tăng cường quan hệ quân sự với cường quốc Đông Bắc Á này. Nhằm đảm bảo cho không có sự cố nào xảy ra làm ảnh hưởng đến tự do hàng hải và thương mại - lý do chủ yếu khiến họ can dự trở lại Đông Á, trong đó có khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.
Nhật muốn hữu hảo, Trung Quốc bớt làm cao
Trong khi đó, cuộc gặp giữa những người đứng đầu ngành quốc phòng của hai quốc gia Đông Bắc Á, không phải trong phòng họp chính thức mà tại quán cà phê trong khách sạn. Dường như hai bên vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng thảo luận giải pháp cho cuộc khủng hoảng liên quan tới "sự kiện biển Hoa Đông".
Nhà báo Greg Torode tờ nhật báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), khi đến Hà Nội đưa tin về ADMM+8, đã nói với người viết rằng nếu phải viết lại bài Chuẩn kép (đăng trên SCMP khoảng 3 tuần trước hội nghị này và Tuần Việt Nam đã đăng bản dịch với tiêu đề Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo), ông không biết phải bổ sung thêm gì vào cái kịch bản giả định đó. Bởi, diễn biến sau đó đã vượt quá xa so với sức tưởng tượng của nhà bình luận, được coi là khá am hiểu về Biển Đông, của SCMP.
Hơn một tháng trước khi ADMM+8 diễn ra, một tàu đánh cá Trung Quốc lao vào tàu tuần tra của Nhật gần khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản đang kiểm soát. Thuyền trưởng tàu đánh cá đã bị bắt giữ để thẩm vấn về mục đích của hành động này.
Trưởng ban châu Á của SCMP đã đưa ra giả định trong bài viết:
"... Chúng ta cũng hãy "tưởng tượng" xem nếu thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc hiện đang bị giam giữ chỉ là một trong hàng trăm ngư dân đã bị phía Nhật Bản bắt và tống giam trong suốt 18 tháng qua? Lại "tưởng tượng", nhiều người trong số đó còn bị lực lượng tuần tra Nhật Bản đánh đắm tàu thuyền, bị tịch thu phương tiện đánh bắt?
Và "tưởng tượng" tiếp, Nhật Bản ra giá hàng ngàn đô la để đổi lấy tự do cho mỗi ngư dân? Chính phủ dĩ nhiên phản đối việc trả tiền chuộc, trong cơn tuyệt vọng để được gặp lại chồng, cha, con, anh em mình, gia đình các nạn nhân đành phải cắn răng thanh toán khoản tiền chuộc "tự cứu mình". Các tin đồn còn cho rằng một số ngư dân thậm chí đã bị giết."
Người sinh viên đại lục được Torode hỏi cũng đã chỉ có thể tưởng tượng rằng "sẽ có một làn sóng căm giận đối với chính phủ Nhật" và "không thể tin rằng bất cứ thường dân Nhật Bản nào có thể được an toàn tại Trung Quốc". Nhưng, những phản ứng sau đó của giới lãnh đạo Trung Quốc cho thấy linh cảm của chàng trai này rất nhạy, khi anh dự đoán rằng "không thể tưởng tượng nổi hậu quả".
Chưa kịp chờ phía Nhật đòi tiền chuộc, như giả định được đưa ra trong bài Chuẩn kép, Trung Nam Hải đã chủ động phản ứng lại một cách cực kỳ mạnh mẽ. Và không chỉ bằng lời nói.
Phía Trung Quốc đã cho bắt 4 công dân Nhật với cáo buộc họ quay phim trái phép khu vực quân sự. Đây là một hành động trả đũa khá cứng rắn, nhưng không phải ít xảy ra theo thông lệ quốc tế. Tiếp theo là tuyên bố tạm ngừng các tiếp xúc từ cấp địa phương đến cấp cao với Nhật Bản.
Nhưng trang hảo hán đang lên cơn say đòn không chỉ dừng lại ở đó, mà tiếp tục tung ra hai cú đòn quyết định về kinh tế và chính trị về phía võ sĩ đạo xứ Phù Tang. Đòn đầu tiên là quyết định ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật, gây nguy cơ khốn đốn cho hai ngành công nghiệp ô tô và điện tử nước này. Đòn thứ hai là, sau khi viên thuyền trưởng đã được thả, chính phủ Trung Quốc đã không chỉ một lần yêu cầu chính phủ Nhật phải chính thức xin lỗi.
Đặc biệt, cảnh viên thuyền trưởng được chào đón ở sân bay, với vòng hoa được trang trọng quàng lên người, khiến những người xem truyền hình không khỏi phải suy nghĩ. Nhất là người Nhật Bản và đồng bào của hàng trăm ngư dân Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt trong nhiều năm qua.
"Dường như ông ta không phải là một ngư dân vừa được thả nhờ sức ép mọi mặt của chính phủ Trung Quốc, mà là một vị anh hùng vừa hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ quốc gia quan trọng", một phóng viên của NHK (Nhật Bản), đài truyền hình đã phỏng vấn được những ngư dân ở Quảng Ngãi đã bị phía Trung Quốc bắt để đòi tiền chuộc để phát trên kênh quốc nội của đài này vào cùng thời điểm với bài báo của Greg Torode), nhận xét với người viết.
Có một chi tiết đáng lưu ý là cuộc gặp này chỉ diễn ra sau khi cuộc gặp song phương Nhật - Mỹ, khi Nhật muốn tham khảo lập trường của đồng minh số một này. Giới quan sát đều nhận xét, cuộc gặp song phương Trung - Nhật dường như chỉ mang nặng tính xã giao và thăm dò lẫn nhau, trước khi nguyên thủ hai quốc gia này có thể gặp nhau, cũng tại Hà Nội vào cuối tháng này, như phía Nhật Bản vừa công bố.
Còn nhớ, trong cuộc gặp song phương Trung - Nhật kéo dài gần nửa tiếng bên lề ASEM 8 tại Brussels (Bỉ), Thủ tướng Ôn Gia Bảo, người được săn đón nhất tại diễn đàn này, đã thẳng thừng từ chối đề cập tới "sự kiện biển Hoa Đông" trước đề nghị của người đồng cấp Naoto Kan.
Những hệ quả tất yếu
Cũng cần nói thêm rằng NHK là hãng truyền thông nước ngoài đầu tiên được tiếp xúc với các ngư dân bị Trung Quốc tịch thu tàu và ngư cụ, cũng như phải nộp tiền chuộc để được tự do. Trong đó có một ngư dân đã bị khuynh gia bại sản và hiện đang phải kiếm sống qua ngày trên đất liền với nỗi nhớ biển đến nôn nao, sau khi 4 lần bị phía Trung Quốc bắt.
Phóng sự này đã được phép thực hiện xong khoảng 10 ngày sau khi Nhật bắt tàu cá Trung Quốc và một tuần sau khi Trung Quốc bắt tàu cùng 9 ngư dân Việt Nam. Và NHK, sau đó đã phát tiếp trên kênh quốc tế của đài này thêm hai lần nữa trước khi ADMM+8 khai mạc.
Nhà quay phim của một hãng truyền thông nước ngoài, người may mắn quay được cảnh hai bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Nhật Bản gặp nhau tại quan cà phê khách sạn, đã nhận xét: "Có lẽ, sau những chuyện này, mối quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nhật sẽ được mở rộng, chứ không chỉ bó gọn trong lĩnh vực kinh tế, hay sự ủng hộ lẫn nhau về ngoại giao nữa."
Còn Giáo sư Thayer cho rằng bài học cho Trung Quốc là những hành động của họ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông không thể được coi là tách rời nhau và nhận thức về sự hiếu chiến của họ đã dẫn tới hệ quả là các quốc gia trong khu vực đang đòi hỏi Mỹ phải có vai trò mạnh mẽ hơn.
"Tóm lại, Trung Quốc hẳn đã nhận thức được rằng lối hành xử của họ từ trước đến nay đã hoàn toàn phản tác dụng", Giáo sư Thayer kết luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét