Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

MÓN NGON NGÀY TẾT

MÓN NGON NGÀY TẾT
16 Tháng 1, 2010 mục Món Ăn Ngon Ngày Tết
Cách thị xã Trà Vinh khoảng 10 km theo hướng Quốc lộ 53 về huyện Duyên Hải, tại đây đang hình thành một cái “chợ” bánh tét mang “thương hiệu” Trà Cuôn
Gọi là chợ, bởi khu vực bán bánh nằm cạnh chợ xã Kim Hòa của huyện Cầu Ngang. Hơn hai năm nay một số hộ dân đã dựng sạp ngay trước nhà mình để bày bán bánh tét. Thật ra, bánh tét Trà Cuôn đã có mặt ở Trà Vinh từ mấy chục năm nay.
Nguồn gốc của đòn bánh tét Trà Cuôn xuất phát từ đôi bàn tay khéo léo của bà Thạch Thị Lý - người dân tộc Khmer ở xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang. Ở tuổi 70 nhưng bà Lý có 37 năm tay nghề gói bánh tét, nhờ nghề này mà bà đã nuôi được 12 người con khôn lớn. Hồi trước, bà Lý gói bánh chỉ để bán ở chợ Hiệp Hòa và một số ít được các con mang đi bán dạo hoặc ở một số chợ xã lân cận.
Các con của bà hiện nay có 9 người nối nghiệp. Các chị: Thạch Thị Vui, Thạch Thị Di và Thạch Thị Trơn chuyên làm bánh bỏ mối cho các sạp ở Trà Cuôn. Riêng gia đình chị Vui, hằng ngày còn “độc quyền” cung cấp trên 100 đòn bánh ở quán bánh canh Bến Có vốn rất nổi tiếng với du khách thập phương.
Nhờ vào đặc điểm này mà lâu nay các lò làm bánh tét Trà Cuôn không có sự cạnh tranh nhau, tất cả chị em trong gia đình bà Lý đều thống nhất với nhau về kích cỡ, trọng lượng của từng loại bánh để giữ uy tín cho thương hiệu, chứ không tự “giết” nghề bằng hình thức cạnh tranh không lành mạnh.
Bánh tét Trà Cuôn có 3 kích cỡ chủ yếu, loại nhỏ có trọng lượng 900 g với giá 10 ngàn đồng, loại trung 1,2 kg giá 15 ngàn đồng và loại lớn giá 18 ngàn đồng có trọng lượng 1,5 kg. Để có đòn bánh tét mang “thương hiệu” Trà Cuôn với mùi vị đặc trưng, thơm ngon chị Thạch Thị Vui cho biết:
“Hồi trước, bánh tét Trà Cuôn được làm ra từ loại nếp do địa phương cung cấp, ngày nay do nhu cầu tăng cao không đủ nếp để gói nên phải nhập về loại nếp sáp Thái có nguồn gốc từ tỉnh Long An. Để làm ra được đòn bánh ngon, người làm phải trải qua nhiều công đoạn. Từ đem nếp đi vo khoảng 5 nước, để ráo, sau đó trộn nếp đều với nước lá rau ngót (loại rau dùng để nấu canh ăn) để tạo màu và mùi thơm. Đặc biệt, để đòn bánh có vị vừa ăn, tất cả các nguyên liệu từ thịt, mỡ, đậu xanh (trừ lòng đỏ trứng vịt muối) đều được tẩm ướp các loại gia vị như: Hành lá, muối, đường, bột ngọt… kể cả cho loại bánh nhân chuối”.
Thịt nạc, mỡ heo, lồng đỏ trứng vịt muối và đậu xanh là những nguyên liệu chính dùng làm nhân bánh tét Trà Cuôn
Để chuẩn bị bánh bán trong lễ hội Oóc-Om-Bok và nhất là vào dịp Tết Nguyên đán 2008, hiện chị Vui đã đặt làm thêm một cái nồi lớn dung lượng khoảng 200 lít để có thể nấu 200 đòn bánh cùng lúc. Nâng tổng số nồi nhà chị lên ba cái và sẽ vận hành “hết công suất” tương đương 1.200 đòn bánh mỗi ngày.
Nhờ có hương vị khá đặc trưng, mà thời gian gần đây đòn bánh tét Trà Cuôn đã vươn ra khỏi địa phương, theo các chuyến xe đò, khách du lịch và người dân Trà Vinh đi khắp các tỉnh ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh… Đặc biệt, nhờ bảo quản được lâu, một số kiều bào còn mang cả đòn bánh tét Trà Cuôn ra các nước phương Tây.
Đối với các sạp quanh khu vực chợ Kim Hòa, thì hiện tại số người kinh doanh bánh tét Trà Cuôn đã lên con số 12 sạp. Trong đó, hiệu bánh tét Trà Cuôn - Hai Lý được xem như người đi đầu. Chị Hoàng Loan - Chủ cơ sở nói: Trước đây, khu vực này chỉ có gia đình tôi bán, mấy năm gần đây thấy bán được, hơn 10 hộ khác cũng đóng sạp bày bánh tét ra bán.
Hiện tại vào ngày thường sạp của tôi bán được khoảng 250 đòn các loại, còn vào các ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật thì số lượng tăng gấp hai, ba lần. Riêng vào các ngày tết Nguyên đán cũng như lễ hội Oóc-Om-Bok của người dân tộc Khmer vào ngày rằm tháng 10 âm lịch tới đây, nhiều khi không đủ bánh để bán.
Bánh tét Trà Cuôn giờ đã có tiếng vang lớn, mỗi ngày có hàng trăm đòn bánh tét tới tay người tiêu dùng. Chứng tỏ con đường hình thành một thương hiệu made in Trà Cuôn đang tiến triển rất tốt đẹp và đây là mong ước của người dân Trà Cuôn, cũng như các cấp chính quyền địa phương. Thông qua việc xây dựng thương hiệu sẽ giữ uy tín và chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, hay xa hơn nữa là giúp địa danh Trà Cuôn ngày một in sâu trong cảm tình du khách gần xa.

Bánh tét ba màu
16 Tháng 1, 2009 mục Món Ăn Ngon Ngày Tết
Bánh tét không có gì lạ lẫm với dân miền Nam, nhưng hiện thị trường bánh tét đã có thêm bánh ba màu. Nổi tiếng nhất ở Cần Thơ là lò của chị Tư Đẹp, Tư Cẩm, Minh Tân… Độc đáo nhất là bánh tét ba màu, một loại bánh vừa thơm ngon vừa thẩm mỹ, đặc biệt dành riêng cho các ngày lễ hội quan trọng hoặc làm theo đơn đặt hàng của khách.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, chủ cơ sở Minh Tân, có sạp bánh tại 44 Tân Trào, Cần Thơ cho biết, muốn có một đòn bánh tét ba màu chất lượng cao, người gói phải nhiều công phu. Trước hết, chọn cho được nếp dẻo, xào nhân, nấu lá cẩm, xay lá dứa để lọc lấy nước. Màu tím lá cẩm, màu xanh lá dứa và màu vàng của đậu xanh. Mỗi màu toát lên một hương vị đặc trưng, không giống với bất cứ loại bánh tét thường ngày nào.
Bánh tét ba màu trước khi gói, nếp phải vo sạch, để ráo, sau đó đem xào với nước cốt dừa, thêm chút muối. Nước lá cẩm và nước lá dứa phải xào riêng hai chảo để phân biệt màu. Đậu xanh được xào chung với nước cốt dừa, nêm nếm vừa ăn. (Nhân có thể là nhân chuối, nhân ngọt, nhân thịt, nhân mỡ hoặc nhân thập cẩm gồm đậu xanh, tôm khô, lạp xưởng, giò heo bắc thảo, trứng, đậu phộng, nắm đông cô…).
Đặc biệt bánh ba màu chỉ hấp chứ không nấu như bánh tét thường. Nhờ hấp, hạt nếp dẻo và thơm ngon. Người có kinh nghiệm thường hấp bằng củi và luôn giữ độ nóng thật đều.
Mặc dù thị trường Tết hiện nay tràn ngập đủ loại bánh mứt từ bình dân đến cao cấp, nhưng đòn bánh tét 3 màu, ăn kèm thịt kho tàu hoặc tôm khô củ kiệu quả là món ăn lý thú và đậm hương vị ngày xuân.
(Theo ngoisao
Tháng 1, 2009 mục Món Ăn Ngon Ngày Tết
Giò, chả là món ăn có tính cổ truyền của nhiều nước châu Á nói chung, nhưng có lẽ món giò, chả của Việt Nam là được chế biến công phu và có hương vị đậm đà đặc biệt.
Ngày Tết có nhiều món ăn ngon, những món cổ truyền dân tộc như bánh chưng, bánh tét, măng, miến, bóng cá, bóng heo, cá kho, dưa hành, củ kiệu, và nhiều nữa, món ăn Tết của ba miền nước Việt. Còn có những món sang trọng hơn như bào ngư, vây, yến, ba ba, lươn, ếch… song không thể thiếu trong ngày Tết xưa, là giò - chả.
Giò là thịt giã trong cối đá cho thật nhuyễn, gói lá chuối thành hình ống, buộc lạt giang, rồi mang luộc, nhưng hấp thì giò ngon hơn. Giò thái theo khoanh, trắng mịn, bày lên đĩa, phải sắt giò cho gọn, trông đẹp mắt và dễ gắp. Khoanh giò trắng mịn, có vài lỗ nhỏ bằng hạt gạo do nước thoát ra thành bọt khi hấp, đó là giò lụa, làm bằng thịt heo (người Bắc gọi là thịt lợn). Nếu dùng thịt bò thì chỉ còn tên là giò bò.
Giò dùng thịt đầu heo thì gọi là giò thủ. Làm Giò thủ, tai heo, thịt thủ, không giã mà thái nhỏ, trộn thêm mộc nhĩ (nấm mèo), nước mắm, hạt tiêu rồi xào chín (xào là chiên trong chảo, giữ lửa cho đều và đảo luôn tay). Xong, gói bằng lá chuối tươi, buộc lạt cho chặt rồi luộc hoặc hấp cách thủy. Khi giò chín, vớt ra rồi ép, dùng 4 thanh tre cặp quanh khoanh giò, cột cho chặt, treo trên bếp. Khi ăn cũng thái như giò lụa.
Chả có nhiều thứ, nhưng đây là chả quế đi kèm giò lụa. Thịt heo cũng giã như làm giò nhưng trộn thêm bột quế, không gói lá chuối mà ấp bao tròn trên một ống bương, vầu (một loại tre to) rồi mang nướng trên lò than, vừa nướng vừa quay ống cho Chả chín đều. Thỉnh thoảng phết lên chút mỡ nước, da chả sẽ bóng loáng, vàng ươm, thơm phức.
Giã giò thời xưa - Xuất xứ từ đất Bắc, trai giã giò, gái dệt vải. Người giã cần có đôi cánh tay cuộn bắp thịt và giã cho điệu nghệ. Heo (lợn) vừa giết, thịt còn tươi ấm, lọc thịt nạc ra là phải giã ngay. Dùng cối đá nhỏ, sâu lòng và đôi chày bằng gỗ ổi, gỗ mít, khi giã không thôi mùn. Mỗi cối được một cái giò chừng 1, 2 kg. Thịt sắt ra từng miếng bằng quả cau, bỏ vào cối vài miếng một, người giã bắt đầu vung hai tay múa đôi chày lên xuống, thật đều tay, chày xuống cối hơi nghiêng hình chữ V cho thịt không bắn ra ngoài. Thỉnh thoảng tưới muổng nước mắm, ngoáy một vòng chày, rồi giã tiếp. Tiếng phập phập đều đều, không có tiếng to, tiếng nhỏ là người giã thuộc loại lành nghề, nổi tiếng.
Từ lúc cho thịt, thêm mắm (thường do người phụ làm), người giã giò không được nghỉ tay, chừng nửa giờ là được một cối. Dùng mắt và kinh nghiệm để thấy thịt nhuyễn, mịn, trắng quánh, độ mắm ngấm đều, không mặn, nhạt. Gói giò cần trải lá chuối phẳng, đều hai lượt, bao kín, tròn khoanh, buộc lạt chặt nhưng không “thít”, khi hấp giò mới nở tròn đều, không thắt ngấn. Nếu gói nhiều lá và buộc quá chặt thì giò cứng, không “ròn”, gọi là giò “sượng”. Người giã giò thì không gói giò. Đội giã giò thuê, đi từng cặp, hoặc vài ba người, dụng cụ có chày, cối và lạt giang. Gia chủ giết heo khi anh em giã giò tới nhà. Sau tuần trà, điếu thuốc là bắt tay vào việc. Giã giò là nghề của đàn ông vì cần sức đôi cánh tay dẻo dai và kinh nghiệm, giữ được hơi thở cho đều suốt mấy giờ, thường cũng nửa ngày tới mỗi gia đình trước Tết.
Thưởng thức giò chả – Thường ăn kèm với xôi. Có nhiều loại xôi như xôi lạc, xôi đỗ, xôi gấc, nhiều tên gọi như xôi vò, xôi xéo, xôi bắp, xôi lúa …nhưng giò chả chỉ ăn với xôi nguyên nếp, mới thấy hết hương vị. Xôi phải là lúa nếp mới gặt, xay xong thổi liền, xôi còn tươi nhựa, thơm dẻo, bốc hương nên gọi là xôi nếp hương.
Như đã nói ở trên, giò bó thành hình ống, thái ngang từng khoanh, nằm vừa lòng đĩa “con phượng”, loại đĩa cổ, nông lòng có vẽ hình chim phượng. Chả thì thái thành hình thoi, xếp trên đĩa thành ngôi sao 8 hoặc 10 cánh. Vì Tết có nhiều món ngon nên Giò Chả được thưởng thức trước món chính cho khỏi “nhàm”, thỉnh thoảng điểm chút chua ngọt cho khỏi “ngấy”. Món chính nhiều chất mỡ như món nấu, món xào, thịt, cá kho. Món quánh chất bột như bánh chưng, món “chua cay mặn ngọt” như nộm, dưa chua, kiệu, hành tỏi ngâm dấm.
Gắp miếng giò đưa gần miệng, trước hết thoảng mùi lá chuối, mùi đồng quê Việt Nam khó tả, vì cây tre, cây chuối thân thiết với dân ta ngàn đời. Giò thì ngây ngất, đầu óc dịu xuống, an hưởng ngày Xuân, quên hết lo âu, phiền muộn. Tự nhiên lòng ta lắng xuống, bàng bạc hương quê, nghĩ đến xóm làng, thiết tha với thửa ruộng, khóm chuối, bờ ao.
Chả khác giò ở độ cứng, độ thơm do nướng. Mùi quế gây cảm giác ấm cúng ngày đầu Xuân se lạnh, mưa phùn. Miếng chả dậy mùi hương quế cùng vị ngậy của lớp da bì phết mỡ, nướng thật công phu sao cho lớp da chả vàng mượt, mỏng mà không “rộp”, long ra khỏi miếng Chả khi thái hình thoi, da chả đủ vàng thì lòng Chả cũng vừa chín tới, không bị “bở”, dù bao quanh ống bương, thịt vẫn mềm như giò. Nhai miếng chả, cảm thấy lớp da dai, quấn quít với thịt chả, người ta nói là chả giòn và thơm. Ăn miếng chả nghĩ đến công phu người làm và tình nghĩa đùm bọc, thương yêu, khăng khít như thịt với da.
(Theo thugian)
Tháng chạp Huế vẫn còn mưa và lạnh. Song trời như thương người, thế nào rồi cũng có những ngày nắng - cái nắng đủ để làm khô những thứ củ quả cho thẩu dưa món, làm cho héo những cây cải muối dưa cho ba ngày Tết.
Tết là dịp được xả hơi sau một năm tất tả làm ăn, là thời gian được làm mới, trẻ lại đời mình giữa tiết trời êm ả. Tết là lúc con người có thì giờ hơn để nghĩ về mình, về tổ tiên, về bạn bè… Để có thời gian vọng tưởng tổ tiên, ông bà, thăm thú bạn bè, từ xa xưa cho đến ngày nay người Huế thường chuẩn bị những món "ăn liền", tiết kiệm tối đa thời gian mà không cần đến tủ lạnh (ngày xưa làm chi có tủ lạnh).
Một món ăn phổ biến nhà nào cũng có là bánh tét - dưa món, nó khắn khít với nhau như hình với bóng, tựa hồ dưa món là người tình trăm năm của bánh tét. Tầm giữa tháng chạp đến sau 25 Tết, nhìn vào tủ đựng thực phẩm gia đình, giữa muôn sắc màu mứt bánh, các món đồ nhắm, nổi bật lên và làm ấm lòng, vui mắt nhất là thẩu dưa món với màu đỏ cà rốt, màu trắng đu đủ và củ cải, màu vàng của thơm, trắng xanh củ kiệu, màu đỏ ớt chín… Tất cả ẩn hiện trong nước mắm đã lên màu hổ phách.
Đây là món ăn có đầy đủ chất bổ dưỡng và sinh tố A, B, C… của củ, quả chín mùa đông xuân và đạm của nước mắm cá: đu đủ, cà rốt, củ cải trắng, thơm (dứa), sau này có thêm su hào đưa vào từ Hà Nội, củ kiệu, ớt trái chín đỏ.
Trong các mâm cúng tất niên, cúng giao thừa và các ngày Tết, người Huế thường dâng cúng tổ tiên bánh tét - dưa món. Đặc biệt là bánh tét nấu bằng nếp làng Chuồn thì dẻo, thơm và rất ngon. Đi chơi về hoặc khách đến chơi nhà, đây là món chủ lực giải quyết cái bụng đã đói meo.
Có người giữ bánh đến Tết Nguyên tiêu. Sau ba ngày Tết, bánh tét hơi sống lại, đem chiên giòn dùng với dưa món càng ngon đậm đà. Cắn một miếng bánh tét chiên, kẹp vài miếng dưa món, hít hà, cay, thơm. Chén cơm nóng bốc khói, gắp ít dưa món, chan tí nước mắm dẻo quánh, cắn trái ớt dầm, cay xé đầu lưỡi, ôi tuyệt vời!
Vị Tết xưa đó, bình dị thôi mà đầm ấm vô cùng. Cách làm cũng dễ, phải không các bạn?
Nguyên liệu cho một thẩu dưa món:
Đu đủ 0,5kg, cà rốt 0,5kg, củ cải trắng 0,5kg, su hào 0,5kg, thơm 1 trái nhỏ, củ kiệu (cắt bỏ phần lá) 200gr, ớt trái nhỏ chín 100gr, nước mắm ngon 1 lít, đường tinh luyện 1kg
Cách làm:
- Tất cả các thứ củ quả được cắt tỉa thành miếng nhỏ, khéo tay chăm chút cắt tỉa đủ hình dạng, bông hoa… xong đem phơi nắng hoặc sấy thật khô, khô đến nhăn nheo lại.
- Nấu nước muối loãng rửa các củ quả đã cắt tỉa cho sạch bụi, vắt khô.
- Nấu nước mắm ngon với đường, vớt sạch bọt.
- Cho tất cả củ quả vào thẩu thủy tinh sạch, khô, nhớ không xếp đầy thẩu để dành độ nở của rau củ.
- Đổ nước mắm nấu đã nguội vào ngập rau củ, đậy nắp kín. Sau 10 ngày đã có một thẩu dưa món ngon lành.
(Theo monngon)
16 Tháng 1, 2009 mục Món Ăn Ngon Ngày Tết
Mặt kem láng mịn, bóng màu hổ phách, vị thơm ngọt, béo ngậy của sữa và vani, món tráng miệng này sẽ mang đến cho chúng ta một cảm giác thú vị sau bữa ăn chính ngày Tết.
Chọn được trứng gà ngon và bổ dưỡng
Cách đơn giản nhất là bạn hãy thả trứng vào nước sạch, trứng tươi sẽ chìm xuống đáy còn trứng để lâu ngày sẽ nổi hoặc lơ lửng giữa chừng. Tuy nhiên, cách này hơi khó áp dụng khi bạn chọn mua trứng ngoài chợ, hoặc trong siêu thị. Bên cạnh đó, nó còn khiến cho trứng dễ bị nhiễm khuẩn do bị mất lớp màng bảo vệ ngoài vỏ trứng khi bị ngâm trong nước.
Với những lý do đó, bạn nên sử dụng cách kiểm tra khác thay cho phương pháp trên. Đó là soi trứng dưới ánh sáng để nhận biết độ tươi của trứng, phải soi nhiều quả để có thể lấy căn cứ so sánh. Những quả trứng đã để lâu sẽ có khoảng trống trên đầu lớn hơn là trứng còn tươi. Trứng càng tươi thì khoảng trống này càng nhỏ, bạn cần soi và so sánh để chọn mua được những quả trứng ngon.
Trứng gà ngon và bổ dưỡng
*Nguyên liệu
- ½ hộp sữa đặc có đường
- 4 lòng đỏ trứng gà ta.
- Đường, va ni.
- Khuôn làm caramen đường kính khoảng 6 cm, dày 5 cm.
- 2 cốc nước.
*Thực hiện
- Cho 1 ít đường vào chảo nóng, vặn lửa vừa, đảo đều tay đến khi chuyển màu nâu thì đổ nhanh tay vào khuôn và láng đều.
- Đun nước sôi rồi pha với sữa, đợi cho sữa nguội bớt.
- Trứng đánh kỹ, đổ vào sữa, khuấy đều.
- Đổ hỗn hợp trên vào khuôn, hấp cách thủy khoảng 40 phút.
- Kiểm tra caramen chín bằng cách lấy đũa chọc vào kem, nếu thấy đũa khô là kem đã được.
- Chú ý: Trong khi đun cách thuỷ, khoảng 30 giây lau nắp vung một lần để nước không nhỏ giọt vào kem.
- Cho kem vào tủ lạnh chừng 2 giờ, khi dọn ra ăn úp kem vào 1 cái đĩa.

(Theo thugian
16 Tháng 1, 2009 mục Món Ăn Ngon Ngày Tết
Những ngày giáp Tết, vùng Quảng Nam - Đà Nẵng thường thấy xuất hiện các loại bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in - bốn loại bánh chủ lực trong những ngày đầu năm mới ở xứ Quảng.
Bốn loại bánh này hầu như không nhà nào ở vùng quê Quảng Nam - Đà Nẵng không làm vào dịp Tết. Gặp gỡ nhân ngày đầu năm, trao đổi, chuyện trò công việc đồng áng, mùa màng…, chủ nhà thường mời khách bát nước chè xanh hoặc bát nước lá gối (vối) cùng với các loại bánh trên.
Các cụ cũng luận bàn may mắn, hên xui dựa trên các loại bánh đó. Cứ theo quan niệm dân gian, bánh tét vàng được xem là không tốt cho nhiều việc trong năm, còn bánh trắng, đẹp báo hiệu cho nhiều điều may mắn suốt cả năm mới. Còn với các loại bánh khô nếu cứng mà không xốp, đường không kéo thành sợi như tơ được xem là chưa đạt kỹ thuật làm bánh. Chính vì vậy, việc chuẩn bị gói bánh tét hay làm bánh tổ, bánh nổ, bánh in và các loại bánh khác là hết sức quan trọng.
Bánh tét

Để có một đòn bánh tét "đạt tiêu chuẩn" không phải dễ. Nếp dùng làm bánh phải được chọn lựa kỹ, ngâm nước vừa đủ sao cho khi nấu chín, tét ra từng lát không thấy lợm cợm những hạt gạo lẫn vào nếp, bánh không quá dính cũng không quá rời.
Gói bánh phải chú ý sao cho nhân đậu nằm ngay ở giữa và tròn đều để khi tét ra, lát bánh là một vòng tròn lớn có màu xanh của nếp chín bao bọc chung quanh một vòng tròn đậu xanh màu vàng mỡ. Lại phải chú ý đến khâu nấu, sao cho bánh không ngả vàng mà có màu xanh nhạt.
Và cuối cùng là tét bánh thành từng lát bằng một sợi dậy nhợ (nay dùng dây cước) - chính sợi dây này sẽ góp phần làm cho lát bánh trơn láng, đẹp mắt. Ngày xưa, các cô, các bà trước tết phải kiếm cho được một nhánh lá gai, vài lá thơm tước lấy chỉ làm dây nhợ để dành tét bánh.
Có người gọi bánh tét là bánh chưng tròn, chính vì sự tương đồng gần như hoàn toàn về chất liệu giữa hai thứ bánh này, chỉ khác ở chỗ: tỷ lệ thịt mỡ trong nhân và tỷ lệ nhân so với nếp ở bánh tét ít hơn bánh chưng. Song ngày trước nhân bánh tét thường chỉ là mè rắc vào giữa bánh. Mè được rang chín, bóc vỏ sạch, trộn với muối khi gói bánh để bánh được sánh và đậm đà hơn.
Riêng ở vùng Đại Lộc nhân bánh tét còn làm bằng đậu xanh đãi vỏ, hong chín, có thêm một ít muối ăn và tiêu nhưng hoàn toàn không có mỡ, được gói bằng lá chuối sứ nên rất thơm ngon và giữ được lâu ngày. Những nhà giàu có thường làm vài ang nếp để gói bánh tét, bánh để lâu ngày đem chiên giòn, ăn nửa buổi khi đi làm đồng áng. Có gia đình dùng đến tháng hai mới hết bánh tét.
Bánh tét thường phải có dưa món ăn kèm. Nếu các tỉnh phía Bắc có dưa hành thì đến vùng Quảng Nam, ngoài dưa hành có thêm củ kiệu, đu đủ, gần đây có cả củ cà rốt trong lọ dưa món, tất nhiên có cả ớt; thêm nhiều màu sắc, hương vị phong phú. Tên gọi dưa món cũng không ngoài ý nghĩa ấy: phong phú, đa dạng, nhiều món.


Bánh tổ
Loại bánh mang đậm hồn quê kiểng này có thể ra đời từ thời Lê Thánh Tôn. Khi đó, những người từ miền Bắc di cư vào vùng đất mới Quảng Nam nhớ về quê cha đất tổ, nên vào dịp tết họ làm một loại bánh bằng chất liệu sẵn có tại địa phương dâng cùng tổ tiên, tạ ơn trời đất đã được bình yên sau một năm cày sâu cuốc bẫm trên những cánh đồng vừa mới khai phá không lâu.
Bánh tổ, có nơi gọi là bánh ổ, được làm từ đường đen và nếp hương. Đường đen là loại đường bát, cứng, sản xuất từ các lò đường thủ công trong làng, còn nếp chọn loại dẻo, thơm ngon. Người ta thắng đường bát ra nước, lọc hết các tạp chất; nếp vo thật sạch, để ráo rồi đem xay mịn thành bột. Hai chất liệu ấy trộn với nhau theo tỷ lệ thích hợp, có pha thêm chút nước gừng để bánh có hương vị thơm hơn. Dùng một cái giỏ đan bằng tre (như cái rọ bịt mõm bò) miệng rộng hơn đáy, lót lá chuối chờ sẵn.
Đổ bột làm bánh vào giỏ, xong đưa vào nồi có lót một cái vỉ tre nhỏ gần với đáy nồi. Đổ nước vào nồi, cách chừng 5-6cm, chụm lửa cho sôi đều đến khi bánh chín. Khi vớt bánh ra rải ít hột mè lên mặt bánh cho đẹp rồi phơi nơi thoáng mát đến chừng bánh ráo trên mặt thì đem cất, dùng trong các ngày Tết; có thể xắt từng lát ăn ngay hoặc đem chiên giòn, kiểu nào cũng có cái thơm ngon riêng.

Bánh nổ
Đặc trưng của vùng nông nghiệp lúa nước, với thành phần gạo nếp là chủ yếu. Gạo nếp được rang lên cho nổ đều, hạt nở to, bung ra khỏi vỏ, bỏ những hạt nổ này vào cối đá (hoặc gỗ) giã cho mịn vừa phải. Thắng đường bát loại tốt, ngọt thanh, cho thêm ít gừng. Lửa đun riu riu đến lúc đường kéo thành sợi là có thể ép bánh được. Đổ bột nổ vào đường trộn đều, rắc thêm một chút vani, rồi tất cả đưa vào khuôn, ép lại thành bánh. Khuôn để ép bánh phổ biến có hình chữ nhật, dài chừng 10 cm và rộng 6 cm, dày chừng 2-3 cm.
Làm bánh in cũng hết sức công phu. Nếp thơm, dẻo vuốt với nước sạch, vớt ra giữ độ ẩm thích hợp đến khi ráo nước. Dùng một cái trã (nay người ta dùng chảo) rang nếp cho chín, phồng lên, ngả màu vàng mật, thoảng mùi thơm của nếp là được. Cho nếp vào cối đá hoặc gỗ, giã mịn (bây giờ đã có máy xay bột vừa nhanh vừa tiện lợi). Bột mịn, khô xốp nên cần phải phơi một hoặc hai sương cho có độ ẩm thích hợp.
Kế đó, đường bát cũng được nạo thành bột mịn, trộn đều vào bột bánh. Để bột có thể in thành lát được, người ta dùng tay hoặc một đoạn gỗ nhồi thật kỹ, thật đều, cho tới đường - đến khi có thể nắm thành từng viên là được, lúc đó mới có thể cho bột vào khuôn in được.




Bánh in
Nhẹ tay úp khuôn bánh lên nong, nia có lót giấy hoặc lá chuối cho sạch, để lấy bánh ra. Để bánh được cứng hơn, có thể phơi một nắng, hoặc dùng than củi nướng qua một lần, bánh sẽ cứng hơn và có mùi thơm hòa quyện của đường và nếp. Nay, phổ biến là bánh in có trộn thêm bột đậu xanh. Cũng có loại bánh in chỉ làm hoàn toàn bằng bột đậu xanh đã được rang chín xay mịn, trộn với đường đã thắng keo lại.
Ngoài bốn loại bánh trên, ở Quảng Nam - Đà Nẵng dịp Tết còn có vài loại bánh khác như bánh rò, bánh khô, bánh gừng…
Bánh rò
Được làm trong các ngày kỵ giỗ, đám tiệc trong năm nên đến ngày Tết nó chỉ xuất hiện vài chiếc trên bàn thờ tổ tiên, còn thì nhường chỗ cho một loại bánh anh em ruột: bánh tét. Từ quê hương đồng bằng Bắc bộ, chiếc bánh chưng khi vào đến vùng Quảng Nam có thể đã trở thành chiếc bánh rò. Chất liệu hoàn toàn giống nhau, chỉ có khác thay vì hình dạng vuông vắn, bánh rò được gói thành hình tháp, mặt trên nhỏ hơn mặt dưới, mô phỏng các tháp của người Chăm!
Bánh khô
Rất phổ biến ở vùng Hòa Vang, Đà Nẵng. Về mặt hình thức, có hai loại: bánh mè và bánh nổ và đều được làm rất công phu. Một cái bánh khô ngon là khi bẻ đôi mà nổ hoặc mè không rơi rụng, xốp, giòn (do công đoạn nướng và độ ẩm thích hợp mà có).
Ở Quảng Nam, nếp ngon có ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, còn ở Đà Nẵng có cánh đồng xã Hòa Liên thuộc huyện Hòa Vang trồng được loại nếp thơm. Nếp dẻo và thơm dùng gói bánh tét, làm bánh khô, bánh nổ, bánh in rất ngon. Nhưng nơi sinh thành của chiếc bánh khô lại là làng Quan Châu thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang (phía nam TP Đà Nẵng).
Bánh gừng
Bánh làm bằng bột nắn thành hình trông như củ gừng, đem chiên dầu cho phồng lên và có màu vàng như màu gừng. Người ta cắm những củ gừng ấy vào tăm tre nhỏ rồi đem đặt thành hình tháp chung quanh một cái lõi làm bằng thân cây chuối. Tất cả đặt trên chiếc mâm gỗ trông như một khối tháp, toàn khối như vậy gọi là "quả bánh gừng".
Bên cạnh bánh gừng còn có khối bánh thuẩn, bánh ngũ sắc, bánh quai vạc, bên cạnh lát bánh khô, bánh rò, bánh in còn có xôi đường. Tất cả đều góp phần tạo nên phong vị Tết Quảng Nam - Đà Nẵng thêm phong phú. Rất nhiều loại bánh tết xứ Quảng có thể dự trữ lâu, dễ mang xách. Mang theo vài đòn bánh tét, vài cái bánh tổ là có thể yên trí ngao du vài ngày xem hội đua ghe, hát bội đầu xuân. Ra giêng, đi làm ngoài đồng, ngoài bãi có thể mang theo ít bánh khô để "uống nước" nửa buổi, kéo dài hương vị ngày xuân…
(Theo amthuc)
Thực đơn chống ngấy ngày Tết
16 Tháng 1, 2009 mục Món Ăn Ngon Ngày Tết
Ngày tết nhà nào cũng dự trữ sẵn nhiều thực phẩm, bánh trái. Các món ăn ê hề thường dễ khiến mọi người lên cân sau Tết. Tâm lý "ăn chơi thỏa thích" ngày Tết sẽ khiến các bà nội trợ khó mà cân bằng được thực đơn.
Chúng tôi xin giới thiệu với bạn thực đơn 10 ngày, vẫn với những món quen thuộc ngày tết nhưng kết hợp trái cây và rau xanh trong những cách chế biến khác nhau để chống ngấy và chống béo.
Ngày 1
Sáng: Phở cuốn, cà phê sữa.
Trưa: Gà hấp cải bẹ xanh, canh bí đỏ, ngó sen trộn cua. Bánh trái cây nướng.
Chiều: Phá lấu gà, lưỡi heo, gỏi nấm mè, xúp tàu hũ non. Sơ ri.
Ngày 2
Sáng: Cháo gà. Ca cao sữa.
Trưa: Bông cải bọc chả tôm chiên giòn, móng giò hầm hạt sen, trứng hấp hành, bánh tart dâu tây.
Chiều: Xúp kem cà chua, cơm chiên rau củ thịt gà, salat trái cây. Trái cây ướp lạnh.
Ngày 3
Sáng: Bánh canh tôm nước dừa, nước tắc ép.
Trưa: Cá chẽm nướng cà chua, súp cá tôm cua, salat trứng. Yaourt trái cây.
Chiều: Gỏi chân vịt rút xương, sườn xào chua ngọt, canh củ sen. Bánh bò nước dừa.
Ngày 4
Sáng: Bún riêu cua ốc, trà chanh.
Trưa: Cá saba nướng tỏi cuốn rau sống, bánh tráng, cơm xào hạt sen, xúp khoai tây, xoài..
Chiều: Cá chẽm chiên xù sốt chua ngọt, huyết xào giá, canh bầu nấu tép, bánh nho nướng.
Ngày 5
Sáng: Miến xào cua. Sinh tố đu đủ.
Trưa: Salat kem cà chua, sườn nướng mật ong, xúp nấm, rau câu dưa hấu.
Chiều: Vịt quay kho dưa cải, canh cải xoong thịt bằm, thơm xào tép, chè bạch quả.
Ngày 6
Sáng: Bánh ướt tôm cháy, nước cam ép.
Trưa: Canh bóng (da heo) nấu rau cá thập cẩm, tôm rang me, mì xào thập cảm, gà hấp măng tươi. Bánh da lợn.
Chiều: Gỏi xoài tôm khô, bồ câu nướng giấy bạc, cơm chiên ngũ sắc, lẫu hải sản kiểu Thái, cocktail mứt.
Ngày 7
Sáng: Bánh tét chuối, sữa đậu nành.
Trưa: Nem chua, chả từ bi, ragu hướng dương. Chè khoai lang.
Chiều: Khoai tây hỉ lạc, canh đậu hũ bún tàu, mì căn xào sả ớt. Quýt.
Ngày 8
Sáng: Bánh tét chiên, tôm khô củ kiệu, trà bông cúc.
Trưa: Thịt kho trám và trứng cút, kiệu trộn rong biển sụn, canh gà xào dứa, chè hạt sen long nhãn.
Chiều: Khổ qua dồn cá thác lác chiên giòn, patê chả lụa và dưa chua thập cẩm, canh khổ qua lê, mứt dừa non.
Ngày 9
Sáng: Bánh chưng gấc, dưa món. Nước bưởi ép.
Trưa: Thịt nấu đông và dưa chua thập cẩm, canh riêu cá diêu hồng, gỏi rau nhút. Chè bí.
Chiều: Salat tôm trái bơ, cá chim chưng tương, xúp cua nấu măng. Mứt chùm ruột.
Ngày 10
Sáng: Bánh mì và phá lấu, lưỡi heo, dưa chua. Sữa tươi.
Trưa: Gỏi xoài cá cơm, giò heo hầm hải sâm, nui sốt sò huyết. Mứt me.
Chiều: Khô cá đuối mắm me, cá basa quấn sả, lẩu bò. Bánh macaron.
(Theo tintuconline)
Món ngon ngày Tết
16 Tháng 1, 2009 mục Món Ăn Ngon Ngày Tết
Ẩm thực trong ngày Tết hết sức quan trọng: phải làm sao ăn ngon, đơn giản, dễ làm mà còn trang trọng để có thể dùng cúng tổ tiên.
Ngày Tết người miền Nam thường dùng các món để lâu được như khổ qua hầm, thịt kho tàu, đầu heo ngâm giấm… để ai cũng được thảnh thơi đi chơi, chúc tết không bận bịu chuyện bếp núc. Nhà văn Sơn Nam từng viết: "Dịp cúng giỗ tổ tiên, chẳng ai hiểu rõ ông bà thời xa xưa khi vào Nam thích ăn món gì, chế biến các vật tư ra sao, nhưng tùy hoàn cảnh mà có bốn món: hầm, thịt, luộc, xào, kho…".
Vài món ăn ngày Tết sau đây được tác giả Dương Văn Minh Lộc chế tác dựa theo truyền thống nhưng đơn giản, ít chất béo, phù hợp cách ăn uống hiện đại. Thêm nữa, các món này còn là những lời chúc đầu năm đến bà con cô bác.
Ba món khổ qua

Nguyên liệu:
1kg khổ qua nhỏ, 300gr nạc giò heo, 500gr tôm hoặc cá thu, 100gr bột gạo, 100gr cà rốt, 2 quả trứng gà, 5 tai nấm mèo, 1 lọn bún tàu (miến), hành lá, hành tím, tỏi, nước mắm, muối, tiêu, đường.
Chế biến:
29 Tết: chuẩn bị nguyên liệu
Mua khổ qua nhỏ cỡ hai ngón tay, rửa sạch, rạch bỏ hết ruột, ngâm trong nước muối pha loãng. Nạc giò heo, cá thu hoặc tôm băm nhuyễn. Bún tàu, nấm mèo ngâm nước cho mềm, cà rốt, củ năng rửa sạch gọt vỏ, thái hạt lựu tất cả.
Trộn nạc giò heo, cá thu (tôm), củ năng, cà rốt, bún tàu, nấm mèo với 1 quả trứng gà, nước mắm, tiêu, đường, hành tím, tỏi (mỗi thứ khoảng một muỗng cà phê), 1 muỗng canh hành lá thái nhỏ để làm nhân. Khổ qua vớt ra để ráo nước, nhồi nhân vào vừa phải. Xếp khổ qua vào hộp nhựa cất tủ lạnh.
30 trới mùng 2 Tết
Mỗi bữa ăn, chỉ việc lấy vài trái khổ qua ra, có thể làm các món sau:
Chả giò khổ qua: hòa bột gạo với trứng gà, nhúng từng trái khổ qua và bột trứng chiên giòn, ăn với xà lách, nước mắm ớt. Ăn giòn, ngon, không ngán.
Hoa mai khổ qua: trụng khổ qua trong nước cho săn lại, cắt từng khoanh và chiên chừng 5 phút trong dầu nóng, cà rốt sẽ nổi lên giữa nhân như hoa mai vàng.
Khổ qua hầm: nấu nước dùng với tôm khô, trụng sơ khổ qua rồi cho vào nồi hầm trong vòng 20 - 30 phút là chín mềm.
Thịt luộc trộn trái sung (Sung túc quanh năm)

Nguyên liệu:
1kg thịt đùi, 200gr sung muối, 100gr tôm khô ngon, 300gr bắp cải, 50gr ớt sừng trâu, 1 củ hành trắng, hành lá, hành tím, tỏi, rau răm, nước mắm, tiêu, đường, dầu mè, tắc (quất).
Chế biến:
29 Tết: chuẩn bị nguyên liệu
Sửa soạn đầy đủ nguyên liệu, sung muối có thể mua trong siêu thị rất nhiều vào dịp gần Tết, nhưng có thể tự làm như sau:
Ngâm sung xanh trong nước pha 1 muỗng canh vôi ăn trầu khoảng 3 tiếng, sau đó xả thật kỹ bằng nước lạnh. Nấu nước muối: 50gr muối/1 lít nước, bỏ vào vài tép tỏi cho thơm. Ngâm sung trong nước muối nguội chừng 3 ngày là dùng được.
30 đến mồng 2 Tết:
Nấu nước sôi bỏ vào chút muối, khi nước sôi mạnh cho vào nồi 5 nhánh hành lá nõn vô rồi mới cho thịt vào luộc chừng 20 - 25 phút, lấy đũa xiên thấy thịt mềm là chín (kích thước miếng thịt chừng 5 x 20 cm là vừa). Pha sẵn nước chín hòa 1 muỗng cà phê dầu ăn, thịt vừa vớt ra nhúng ngay vào để thịt giòn và có màu trắng hồng. Thái thịt thành lát mỏng ngâm trong nước mắm pha chanh, ớt, đường, tỏi nhưng thật loãng vì sung muối rất mặn.
Sung xắt miếng, củ hành trắng thái mứt cam, hành lá cắt khúc 3cm, ớt sừng, bắp cải rửa sạch thái sợi. Vắt lấy nước 3 trái quất (tắc) trộn cùng 1 muỗng canh dầu mè, 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê tiêu. Hỗn hợp này dùng để trộn sung, bắp cải, hành lá và hành tây thật đều.
Phi hành tím, tỏi băm vàng, bỏ thêm tôm khô vào cho thơm. Trộn thịt thái mỏng, tôm khô phi hành tỏi với bắp cải, sung, hành trắng… đã trộn. Thái rối vài cọng rau răm bỏ lên mặt đĩa trộn. Dùng với bánh tráng tôm đỏ nướng.
Gợi ý thêm:
Nếu trong vườn nhà bạn có cây sung, hãy hái những trái chín cây đỏ rực đem ngào đường, ăn dẻo và ngon như một thứ mứt tết. Cách làm như sau:
Ngâm sung chín trong nước vôi ăn trầu khoảng 2 tiếng rồi rửa sạch. Cứ 1kg sung, 1 kg đường, 0,75 lít nước lạnh, đặt lên chảo sên đều cho tới khi đường kéo chỉ là được.
Thơm dừa kho tứ quý (Thơm khắp nhà suốt năm mới)

Nguyên liệu:
1 trái dừa tươi, 1 trái thơm, 1kg thịt đùi heo, 0,5kg cá lóc, 0,5kg mực tươi, 300gr măng le tương, 100gr giò heo, 30 quả trứng cút, hành lá, hành tím, tỏi, gừng, nước mắm, muối, tiêu, đường.
Chế biến:
29 Tết: chuẩn bị nguyên liệu
Dừa tươi đã lấy hết nước ra, dùng dao nhọn róc cơm dừa bên trong sao cho trái dừa vẫn nguyên vẹn, nếu ít thời gian bạn có thể nhờ người bán dừa làm công việc này. Thịt heo rửa sạch, thái miếng cỡ 5 x 3cm, ướp với nước mắm (2 muỗng cà phê), tiêu, hành tím, hành lá, tỏi, đường chừng 30 phút. Lấy hành lá đã trụng nước sôi quấn quanh miếng thịt.
Cá lóc cắt khoanh dày 1cm, ướp nước mắm (2 muỗng cà phê), gừng, hành lá, hành tím, tỏi. Thơm cắt lát mỏng 1cm, chiên sơ hai mặt trong dầu ăn (có phi tỏi) chừng 3 phút. Thịt nạc giò heo băm nhuyễn, mực tươi băm nhuyễn trộn đều với tiêu, hành lá, nước mắm. Măng le trụng nước sôi hai lần, xả kỹ bằng nước lạnh cho hết đắng, cắt khúc cỡ 3cm. Nhồi hỗn hợp mực, giò heo vào ruột măng. Trứng cút luộc chín bỏ vỏ. Lót thơm vào trái dừa, kế đến là một lát cá, một miếng thịt, vài cái trứng cút, sau đó lại thêm hai lát thơm. Xếp trái dừa, măng le vào nồi.
Làm nước mắm dừa: phi hành, tỏi cho vàng rồi đổ vào một chén nước mắm ngon, khi sôi thêm 3 muỗng cà phê đường, cho hết nước của 5 trái dừa vào, để lửa to cho đến khi sôi. Nước mắm dừa kho chung với thịt cá, măng le… chừng 1 tiếng (lửa nhỏ); lúc nguội cho vào tủ lạnh.
30 tới mùng 2 Tết:
Mỗi bữa ăn, lấy một hoặc hai trái dừa kèm trứng cút và măng le kho lại. Cuốn với bánh tráng, dưa giá hoặc ăn với cơm nóng đều ngon.
Bao tử heo hầm đu đủ (Đầy đủ suốt năm)

Nguyên liệu:
3 cái (khoảng 2kg) bao tử heo, 2 trái đu đủ xanh (khoảng 1kg), 300gr đu đủ xanh, 200gr bạch quả, 2kg xương heo, 60gr táo đỏ, 300gr cà rốt, 300gr củ cải trắng, hành lá, hành tím, tỏi, gừng, nước mắm, muối, tiêu, đường.
Chế biến:
29 Tết: chuẩn bị nguyên liệu
Bao tử heo rửa sạch, dùng muối chanh xát kỹ, đảo đều hai mặt với 1 muỗng canh nước mắm trong chảo nóng để bao tử heo thơm. Củ cải trắng, cà rốt, đu đủ gọt vỏ tỉa hoa, cắt khoanh tròn. Sen tươi, bạch quả, táo đỏ rửa sạch nấu cho mềm, xong dồn vào bao tử heo, khâu kín lại bằng chỉ.
Xương heo nấu với 3 lít nước, cô lại còn 2 lít nước dùng. Nướng 3 củ hành tím, 1 củ gừng cho thơm, bỏ vào nước dùng đã lọc kỹ, tiếp theo là bao tử heo, củ cải trắng, đu đủ, cà rốt hầm với nước dùng khoảng nửa tiếng để lửa nhỏ. Nguội cho vào tủ lạnh.
30 tới mồng 2 Tết:
Mỗi bữa ăn, lấy 1 bao tử cùng đu đủ, củ cải trắng, cà rốt, nước lèo vừa đủ ăn, hâm với lửa liu riu trong vòng 1 giờ. Múc ra tô, cắt bao tử heo thành lát mỏng hoặc vuông. Dùng nóng với cơm hoặc bún tươi, mì trụng.
Phèo tim xào xoài xanh (Xài ít tiết kiệm nhiều)
Nguyên liệu:
350gr tim heo, 500gr phèo heo, 2 trái xoài xanh, cần tây, ớt sừng trang trí, hành lá, hành tím, tỏi, nước mắm, tiêu, đường, dầu mè.
Chế biến:
29 Tết: chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu
Cần tây, xoài xanh, ớt sừng rửa sạch. Phèo heo rửa sạch bằng nước muối, trụng nước sôi, để ráo nước. Tim heo luộc chín. Bỏ tim, phèo heo vào tủ lạnh.
30 tới mồng 2 Tết
Phèo, tim heo thái quân cờ 3cm ướp nước mắm, tiêu, dầu mè, đường, hành lá, hành tím, tỏi băm (mỗi thứ 1 muỗng cà phê). Xoài xanh băm sợi ngâm nước muối, cần tây cắt khúc 3cm, ớt sừng thái sợi. Phi hành tím, tỏi băm cho thơm, bỏ thêm vài nõn hành lá, xong cho tim, phèo heo vào xào với lửa lớn, rồi cho tiếp cần tây, ớt sừng vào. Nêm thêm 1 muỗng cà phê nước mắm, 1 muỗng tiêu.
Bày ra đĩa, xoài xanh rắc chung quanh. Ăn với cơm nóng hoặc cuốn bánh tráng chấm nước mắm tỏi ớt.
(Theo tintuconline
Món gỏi cá đầu năm
16 Tháng 1, 2009 mục Món Ăn Ngon Ngày Tết
Mùa xuân đến, tiết trời tươi mát cũng là mùa cây cối đâm chồi nẩy lộc, sinh vật sung túc nhất. Theo người Trung Quốc, Nhật Bản thì món cá giúp người ta năng động hơn trong sự khởi đầu của việc làm ăn.
Do đó người Singapore gốc Hoa luôn có món gỏi cá trong mâm thức ăn ngày đầu năm. Đặc biệt món gỏi cá của người Singapore khi ăn phải tung gỏi lên cao thì may mắn sẽ đến thật nhiều trong năm mới.
Món gỏi được pha trộn bởi nhiều hương vị và màu sắc biểu thị cho sự tươi đẹp của mùa xuân. Nguyên liệu sống và nguyên chất mang ý nghĩa của sự hồi sinh. Từ cá với âm đọc nghe gần giống âm của chữ thịnh vượng.
Để nấu món ăn này, bạn cần chọn các nguyên liệu phải tươi sống mới bảo đảm cho chất lượng.
Người ta thái cà rốt, củ cải trắng, đu đủ, cần tây, sứa thành sợi; hành tím, kiệu, gừng bào mỏng, tất cả đều được ngâm chua. Khoai thái sợi chiên giòn. Cá hồi và cá mú phải chọn thật tươi, lọc lấy phi lê, thái mỏng. Và không thể thiếu bưởi tách múi và quả tắc (quả quất).
Các nguyên liệu được xếp vào một dĩa lớn. Bên ngoài là những chén đựng nước cốt tắc, dầu mè, xốt cay Singapore, nước tương, đậu phộng rang giã nhỏ, mè rang.
Nhưng giây phút thú vị nhất là cách ăn gỏi cá. Tất cả các nguyên liệu, gia vị được trộn đều. Mọi người trong bàn vừa cố tung gỏi lên thật cao vừa hô to: “lo hei”, từ này có nghĩa là trộn đều.
Nhưng khi nghe ra đồng âm với từ “Thịnh vượng! Thịnh vượng hơn nữa”. Một kiểu chơi chữ đầy ý nghĩa. Chính vì vậy mà người Singapore còn gọi đây là món gỏi “tung”.
Đĩa gỏi đầy màu sắc với cá mú hồng tươi, cá hồi đỏ cam. Bên cạnh khoai chiên vàng ươm, gừng vàng nhẹ, hành tím thẫm, củ kiệu, củ cải trắng muốt… Cá tươi, rau quả ngọt giòn, gia vị thơm phức, chưa ăn đã thấy thèm. Món gỏi cá lạ miệng bởi sự phong phú, tươi mới của nguyên liệu đầu mùa.
(Theo monngon
Mứt nữ hoàng
16 Tháng 1, 2009 mục Món Ăn Ngon Ngày Tết
Ngày Tết, thị trường bánh mứt rất phong phú, mỗi loại mỗi màu, mỗi vị riêng, song mứt gừng vẫn được xem là mứt nữ hoàng
Theo Đông y, gừng là loại thảo dược dùng để làm thuốc chữa trị nhiều bệnh: đau bụng, ăn khó tiêu, cảm lạnh, ho hen… rất tốt. Ngoài ra, mứt gừng sẽ làm ấm cơ thể có khả năng chống lại cái giá rét của tiết Đông Xuân. Chính dược tính quý này mà dân gian dùng gừng để làm mứt ăn trong ngày Tết. Trong cơ man nào những bánh mứt ngọt, thịt béo… có thêm một vài lát mứt gừng tráng miệng sẽ giúp tiêu hóa tốt hơn.
Có hai loại mứt gừng: nhiều và thông dụng là mứt gừng khô: Mua gừng về, gọt sạch vỏ, xắt lát thật mỏng, phải thật khéo tay lát gừng mới mỏng và đầy đủ góc cạnh trông như một đóa hoa đẹp mắt. Để gừng được trắng, thơm và đẹp thì luộc gừng với nước có pha chanh. Sau khi luộc, xả gừng với nước vài lần để hết vị chua của chanh và giảm bớt độ cay nồng của gừng, rồi vớt gừng ra để ráo nước. Cho gừng và đường trắng vào thau trộn đều, tỉ lệ đường - gừng bằng nhau, nghĩa là 1 kg gừng bằng 1 kg đường. Bắc thau gừng đã trộn đường lên bếp, lửa vừa độ. Làm mứt gừng là phải ngồi cạnh bên để canh chừng. Phải chú ý khi nước đường vừa cạn là nhanh và nhẹ tay trộn liên tục. Hạ lửa thật nhỏ, tách những miếng gừng còn dính vào nhau, vuốt cho phẳng từng góc cạnh rồi rải cho khô đều. Nếu khi đường trong thau mứt gừng vừa cạn mà để quá lửa chút ít thì sẽ bị cháy một lớp mỏng dưới đáy thau, lớp mứt cháy này cũng thật là tuyệt.
Mứt gừng dẻo làm gọn nhẹ hơn mứt gừng khô. Hãy tận dụng số gừng vụn, gừng già khi làm mứt gừng khô còn lại. Gọt sạch vỏ, xắt lát mỏng, ngâm qua nước muối, xắt sợi nhỏ, rửa sạch, luộc chín, vớt để ráo nước. Thêm cam sành, gọt vỏ xanh, bỏ hạt, xắt sợi nhỏ, trộn chung với gừng đã luộc theo tỉ lệ 2 gừng 1 cam. Cho tất cả vào thau, bắc lên bếp trộn đều, cho sôi nhè nhẹ khoảng 10 phút rồi nhắc xuống để qua đêm cho mứt (gừng, cam) thấm đường. Hôm sau, cho lên bếp lửa rất nhỏ, trộn đều đến lúc gừng dẻo là được. Mứt gừng dẻo có màu hổ phách, trong và vàng au như mật ong, trông rất hấp dẫn. Đây là món mà người lớn thích vì mềm mại thơm tho đậm đà, ăn rất ý vị, trẻ con cũng thích vì có vị chua, dẻo, ít cay. Đặc biệt, các thiếu nữ vô cùng ưu ái bởi các cô đã nghiệm ra rằng ăn mứt gừng dẻo giúp tiếng nói thanh tao hơn, hơi thở thơm tho hơn.
Ngày nay, mứt gừng dẻo được xem như là món mứt của ngày xưa, không mấy ai quan tâm và trẻ con không hề được nếm thử để biết đầy đủ về hương vị Tết. Nhớ lắm về ngày ấy, đến mùa Tết chị em chúng tôi cứ lăng xăng quanh bếp để mong mẹ cho nếm thử và xuýt xoa: Cay quá, ngon quá, mứt gừng ơi!
(Theo nld
Khai vị tiệc đầu năm
16 Tháng 1, 2009 mục Món Ăn Ngon Ngày Tết
Trong ẩm thực, món khai vị là từ để chỉ những thứ đầu tiên được phục vụ để kích thích sự ngon miệng cho thực khách trước đi bước vào các món ăn chính trong một bữa tiệc…

Khai vị kiểu Âu


Một món khai vị tiện lợi kiểu Âu
Khai vị được cho là nét truyền thống ẩm thực của người phương Tây và cũng tại vùng đất này, món ăn và thức uống khai vị có những màu sắc riêng khá bài bản. Trong các bữa tiệc cocktail đứng, món khai vị thường được phục vụ di động trên các khay nhỏ, vừa là để khách nhâm nhi trong lúc chờ đợi, vừa tạo cảm giác thèm ăn vừa đủ cho phần tiệc chính.
Thông thường, đó là các món bánh nhiều hình thù ngộ nghĩnh nhỏ nhắn, còn gọi là finger food, có thể nhón lấy gọn trong hai ngón tay, cũng có thể là những lát bánh mì be bé kẹp cá ngâm dầu, bơ, phô mai hoặc thịt nguội được trang trí đẹp mắt. Vị bánh mằn mặn đủ để tạo kích thích khẩu vị, hình dáng bánh nhỏ cũng là để những món khai vị không khiến thực khách phải no ngang.
Thông thường, thức uống phục vụ kèm theo là các loại rượu trắng có độ cồn thấp như rượu sherry hoặc cocktail nhẹ nhàng và mỗi thực khách thường chỉ nên dùng đúng một ly cho mục đích tạo vị. Ở nhiều bữa tiệc, người phục vụ còn từ chối tế nhị khi có vị khách muốn dùng đến ly rượu khai vị thứ hai.
Trong các bữa tiệc ngồi, món khai vị thường được dọn ra trước khi phục vụ món chính khoảng 10-15 phút. Đôi khi món ăn rất đơn giản: salad trộn và một miếng phô mai! Ngoài ra còn có rau củ ngâm ăn kèm thịt nguội, xúc xích… (mỗi thứ chỉ vài ba lát mỏng). Người Pháp có món khai vị là crudités, một kiểu rau củ ăn kèm với dầu giấm hoặc nước xốt rất ngon miệng.
Những loại rau củ được chần sơ qua nước sôi hoặc để tươi rồi cắt thành từng que dài như cà rốt, rau cần, ớt chuông, củ cải… thoạt trông chẳng khác gì các món bánh que nhiều màu sắc. Riêng món phô mai khai vị thường có vị mặn, mùi thảo dược thơm nhẹ chứ không nồng để tránh tạo dư vị khó phai cho thực khách trước khi bước vào tiệc chính.
Thực đơn khai vị sang trọng trong các nhà hàng lớn

Riêng ở Ý, các món khai vị được gọi là antipasto, nghĩa là “trước khi ăn”. Thông thường đó là trái ôliu ngâm chua, rau ướp dầu giấm, prosciutto (món jambon Parma làm từ đùi heo muối sấy khô). Bruschetta cũng là một món ăn quen thuộc của người dân miền Trung nước Ý, nay đã nổi tiếng khắp nơi. Đó là những lát bánh mì tỏi nướng cùng với dầu ôliu, muối và tiêu, đơn giản mà dễ gây thèm, đôi khi được gia giảm ít cà chua, đậu hoặc phô mai cho thêm phần hấp dẫn.
Khai vị kiểu Việt
Ẩm thực Việt có danh sách các món khai vị khá phong phú, từ các loại xúp, gỏi, thịt nguội đến vài ba món chiên giòn để nhâm nhi trước khi vào món chính. Xúp vốn là món ăn ngoại nhập, khi vào nước ta thì phát triển phong phú và nhiều hương vị, từ xúp hải sản chua cay, xúp rau thanh mát, xúp bóng cá, bắp cua đặc sánh thơm hương biển đến xúp gà, xúp bí đỏ, xúp đuôi bò. Thịt nguội thì có chả lụa, giò thủ, nem chua…
Trong các bữa tiệc, đĩa thịt nguội thường có ít nhất năm thành phần khác nhau gồm chả lụa, chả quế, giò thủ, nem chua và trứng vịt bắc thảo, tạo thành một món khai vị nhiều lựa chọn cho thực khách. Phong phú nhất phải kể đến các món gỏi. Cách làm gỏi thường rất nhanh chóng và đơn giản, còn nguyên liệu sử dụng để làm gỏi thì thật đa dạng, từ rau, củ, quả đến thân, lõi cây hoặc rong!

Khai vị kiểu Việt với gỏi cuốn

Đặc trưng của món gỏi Việt là có vị chua nhẹ nhàng dễ kích thích khẩu vị, rất hợp với tiêu chí làm món ăn đầu tiệc. Ngoài gỏi, còn phải kể đến các món cuốn. Miền Nam có gỏi cuốn tôm thịt, miền Trung có cuốn diếp, tương tự món gỏi cuốn nhưng thay bánh tráng bằng lá cải cay, miền Bắc có phở cuốn với nhân thịt bò nướng, bọc bên ngoài là bánh phở tươi chưa xắt sợi.
Cũng không thể quên liệt vào danh sách cuốn món “quốc hồn quốc túy” của người Việt là chả giò. Xưa, món cuốn là nơi để đo tài vén khéo trong cách ăn uống của người Việt. Nay, để cho tiện lợi, món cuốn được chế biến sẵn, tạo hình xinh xắn vừa đủ cho một cái nhón tay. Vậy thì có thể ví món cuốn xứ mình là finger food ở xứ Tây e cũng không sai.
Tuy nhiên, việc sắp xếp thứ tự các món này như thế nào cho cân bằng cũng không phải dễ dàng. Nhiều nhà hàng thường dọn theo thứ tự gồm xúp, gỏi, thịt nguội kèm với ly rượu trắng để khai tiệc. Sự sắp xếp này có phần hơi… ngược. Theo lý thuyết, trình tự khai vị phải mở đầu bằng các món nguội như gỏi, thịt nguội, gỏi cuốn; kế đến là các món nóng như chả giò, thịt và hải sản nướng hoặc chiên.
Món khai vị không ăn kèm những món nhiều tinh bột (bún, cơm, mì…), chỉ đơn giản đi cùng với bánh phồng tôm là đủ. Xúp được xem là món trung gian giữa hai nhóm này nhằm “tráng” bao tử, thanh lọc đi dư vị của rượu khai vị còn cồn cào trong ruột gan trước khi đón nhận những món có vị nóng tiếp theo. Nếu có sự sắp xếp như thế, món khai vị mới thể hiện được hết công năng của nó.
(Theo DNSGCT
Bánh tráng thịt heo
16 Tháng 1, 2009 mục Món Ăn Ngon Ngày Tết
Đến Đà Nẵng nên đi Khuê Trung ăn bánh tráng thịt heo.
Khuê Trung có thương hiệu riêng vì một số bí quyết như: thịt cuốn phải là heo mọi, heo cỏ, nuôi bằng rau lang và cám. Rồi thì chỉ tiêu cảm quan chất lượng cũng được giới thiệu là mỡ thật trong, nạc hồng, thịt mềm và thơm. Rau sống được tuyển từ cải xanh, sà lách, húng quế, diếp cá, hành lá, rau thơm, rau đắng, giá, dưa leo, chuối chát… thuộc loại tươi non và không thể thiếu bắp chuối thái mỏng, rau muống chẻ.
Người lớn tuổi còn kể rằng, trước kia các danh sĩ đất Quảng khi ăn món này phải kiếm bằng được giống rau muống cạn trồng theo một kỹ thuật riêng, sao cho cọng rau vừa dòn vừa dai mà màu sắc thì xanh lục pha trắng nom như ngọc bích… Bánh dùng để cuốn thì phải khô dai, không mỏng như bánh đa nem của người Bắc nhưng cũng không dày như ở một số địa phương khác. Bánh ướt vừa dai, ấm nóng, không mỏng như bánh cuốn Bắc cũng không dày như bánh làm mì Quảng, mắm nêm cũng có công thức pha chế riêng, bí hiểm hơn.

Thịt heo bánh tráng nằm trong nhóm các món muốn ăn thì phải dùng tay. Cách cuốn bánh tráng cũng là một kỳ công: Trải bánh tráng lên lòng bàn tay, lật bánh ướt đặt lên bánh tráng, bốc rau sống rải đều theo chiều ngang của bánh, tiếp đến là để miếng thịt cùng chiều rau, ai thích thì kẹp thêm miếng bánh tráng nướng, cuốn cái bánh như cách quấn nem, múc nước chấm vô bát và… chấm.
Ăn bánh tráng thịt heo ở Đà Nẵng, cảm giác giống như mình ngồi giữa một cái chợ quê, có cái thú rất riêng.
(Theo TNO)
Bánh Chưng, nét đặc sắc của người Việt trong dịp Tết Nguyên Đán
16 Tháng 1, 2009 mục Món Ăn Ngon Ngày Tết
Tết Nguyên Đán là Tết cổ truyền của người Việt Nam, một dịp lễ quan trọng và vô cùng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Tết là dịp để mọi người sum họp dưới mái ấm gia đình, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, chia sẻ cuộc sống trong một năm đã qua. Ngày Tết đem lại sự hứng khởi mới, là dịp rũ bỏ những gì không tốt đẹp của năm qua, nên mọi người đều cố gắng vui vẻ độ lượng với nhau, bỏ qua hiềm khích cũ. Lòng người nào cũng tràn đầy hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới.
Tết Nguyên Đán theo phong tục của người Việt Nam, mọi nhà từ nông thôn đến thành thị, từ gia đình khó khăn đến khá giả, trong ba ngày Tết ai ai cũng sắm sửa mọi thứ, và bánh chưng cũng không thể thiếu được. Cái Tết sẽ kém thi vị và ý nghĩa khi vắng bóng bánh chưng.
Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với Cha ông và Đất trời xứ sở. Bánh chưng là sản phẩm lâu đời của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Bánh chưng vừa bình dị, thân thiết với người Việt Nam, vừa thể hiện tính tư duy sâu sắc của người xưa và thấm đượm triết lý Âm dương, Tam tài và Ngũ hành.
Sự tích bánh chưng, bánh dầy đã đi vào truyền thuyết của dân tộc từ thời vua Hùng thứ 6, nó chứa đựng tâm tình quê hương, ruộng đồng. Đó là thứ bánh thơm ngon được dâng lên cúng Tổ tiên và cũng từ đó thành tục lệ hàng năm cứ đến ngày Tết Nguyên Đán mọi nhà đều có bánh chưng để thờ cúng.
Bánh chưng được làm từ sản phẩm nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi đó là: gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, gia vị (thảo quả, hạt tiêu, muối). Tất cả những thứ ấy được gói lại bằng lá dong hay lá chuối vuông vức và được cột bằng dây lạt mềm mại buộc chặt.

Bánh chưng trông đơn giản như thế nhưng thể hiện tính tư duy sâu sắc của người xưa. Khi cắt bánh chưng ra, một tổng thể 5 màu sắc thật hấp dẫn: Màu vàng ngà của nhân đậu bùi thoảng hương thơm, màu đỏ hồng của thịt heo chín, màu trắng ngần của nếp dẻo thơm, màu xanh biếc của lá dong hay lá chuối và chấm đen của thảo quả, hạt tiêu. Từ trong ra ngoài của chiếc bánh thể hiện triết lý Âm dương, Tam tài, Ngũ hành. Năm màu sắc ấy tượng trưng cho Ngũ hành trong triết lý phương Đông. Thủy (màu đen), Hỏa (màu đỏ), Mộc (màu xanh), Kim (màu trắng), Thổ (màu vàng). Ngũ hành tương sinh tương khắc hài hòa bổ trợ cho nhau trong tổng thể vuông vức ấy.
Bánh chưng còn thể hiện triết lý Âm dương trong cách bố trí hình thể và nhân chiếc bánh. Bánh chưng hình vuông (là Âm), bên trong nhân bánh hình tròn (là Dương). Cùng bao bọc của nhân đậu, thịt heo (Âm – Dương) là màu trắng của nếp. Nếp – đậu – thịt heo (Âm – Dương – Âm, thực vật – động vật – thực vật) tạo thành Tam tài. Tam tài với 3 cặp phạm trù Âm – Dương: nếp – thịt heo (Âm – Dương), đậu – thịt heo (Âm – Dương), nếp – đậu (Âm – Dương, nếp được trồng dưới nước là Âm, đậu trồng trên cạn là Dương).
Từ Âm dương, Tam tài đã phát triển lên thành Ngũ hành, đó là lạm bàn bản chất của bánh chưng. Ngay cả quá trình luộc bánh chưng cũng thể hiện triết lý Ngũ hành: Thủy, Hỏa, Mộc, Kim và Thổ. Khi nấu bánh phải dùng nồi kim loại lớn (Kim), xếp bánh vào nồi rồi đổ nước (Thủy) vào, lửa (Hỏa) được đốt từ củi (Mộc). Cả 5 yếu tố trên luôn bổ trợ cho nhau, hài hòa bên nhau.
Chiếc bánh chưng trong Tết cổ truyền của dân tộc là cả một quá trình tư duy độc đáo của cha ông. Nó không chỉ đơn thuần là vật chất, là loại bánh, là món ăn bình thường mà còn là văn hóa tinh thần chứa đựng triết lý Âm dương sâu sắc, mang đậm nét của tính tổng hợp, tính cộng đồng của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước.
Bánh chưng bánh dầy là thức ăn trang trọng, cao quí nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như Trời đất của Cha mẹ
Bánh chưng là biểu trưng của ngày Tết cổ truyền của dân tộc, chúng ta cần giữ gìn và phát huy vị thế của nó trong ngày Tết.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu (2009) sắp đến, BACSI.com kính chúc các bạn đón chào năm mới tràn đầy hạnh phúc, dồi dào sức khỏe. Các bạn cũng nên thường xuyên cập nhật BACSI.com để biết cách chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho ngày tết, tìm hiểu những thông tin bổ ích cho sức khỏe của bạn và gia đình bạn.
Giò lụa – Món Tết ba Miền
16 Tháng 1, 2009 mục Món Ăn Ngon Ngày Tết
Giò lụa giòn, thơm, đậm mùi thịt với hương thơm của những tàu lá chuối tươi từ lâu đã trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người Việt.
Dù ba miền của Việt Nam có khẩu vị ẩm thực rất khác nhau, nhưng đều có những món ăn chung cho ngày Tết như dưa hành, dưa kiệu, và đặc biệt là giò lụa, miền Nam gọi là chả lụa. Giò lụa là món ăn đơn giản, không cần chế biến cầu kỳ và rất dễ ăn. Một đĩa giò lụa cắt lát, ăn cùng với dưa hành có thể là món nhâm nhi của cánh đàn ông, là một món ăn vui giúp đậm đà câu chuyện của các bà, và là món ăn trẻ nhỏ cũng khó lắc đầu từ chối.


Giò lụa món ăn không thể thiếu trong ngày tết -
Được làm từ hai nguyên liệu cơ bản là thịt lợn nạc giã nhuyễn kết hợp với nước mắm ngon, gói trong lá chuối và luộc chín. Tuy chế biến đơn giản song lại là món có thể để dành được vài ngày, vừa để ăn, vừa có thể biếu người thân hoặc đãi khách mà không mất công nấu nướng. Ngày Tết, khi các món đã được dọn ra xong xuôi chủ nhà mới bắt đầu mang gói giò cắt lấy một khoanh, đặt vào đĩa. Thế là có một mâm cỗ Tết trọn vẹn.
Giò lụa thường được thái thành khoanh ngang và xắt làm năm hay sáu miếng theo đường kính, bày trên đĩa thành hình hoa thị và chấm nước mắm ngon rắc chút bột tiêu thơm nhẹ hay gia thêm chút tinh dầu cà cuống. Ngoài cách ăn thông thường như một thức ăn trên mâm cỗ ngày lễ tết, giò lụa cũng thường sử dụng ăn kèm với bánh giầy, xôi hoặc cơm gạo tám.


Giò lụa làm từ thịt đùi gà -
Giò là món ăn đặc biệt của ngày Tết Việt Nam. Mâm cỗ Tết cỗ truyền của người Hà Nội không thể thiếu món giò lụa. Tết, mâm cỗ nhà nào cũng đủ đầy và chứa chan hương vị cùng màu sắc. Đĩa giò ít màu sắc hơn các món khác, vì không phải rắc rau mùi, rau thơm cũng không đặt quả ớt xanh hay hạt tiêu màu đen nhưng nếu thiếu nó là thiếu hẳn một món quan trọng, món đặc trưng của mâm cỗ Tết.
Giò lụa ngon khi khoanh giò có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt, bề mặt có một vài lỗ rỗ, không khô rắn, không mềm nát và không bị bã. Miếng giò ăn béo bùi, giòn tấm tức, làm cho chén rượu ngày xuân thêm nồng say. Không chỉ là loại thực phẩm ưa chuộng được dùng trong giỗ chạp, lễ Tết, giò lụa còn rất thích hợp làm quà biếu trong các đám dạm hay cưới xin.
(Theo MNHN
Món canh trong mâm cỗ Tết ba miền
16 Tháng 1, 2009 mục Món Ăn Ngon Ngày Tết
Xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp, cơ cấu bữa ăn của người Việt thiên về thực vật. Vì thế không có gì là khó hiểu khi trong bữa ăn thường ngày và lễ Tết canh, rau là món không thể thiếu. Tuy nhiên món canh ngày Tết ở ba miền lại có sự khác biệt do phong cách ẩm thực từng miền.
Những người phụ nữ khéo tay bao giờ cũng dành thời gian chăm chút cho món canh, bởi nó là sự tổng hợp màu sắc, hương vị của những món ăn trong mâm cỗ Tết. Qua hương vị, màu sắc món canh khách có thể nhận biết, đánh giá phần nào sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ trong gia đình. Người phụ nữ qua món canh cũng là để thể hiện tài đảm đang nội trợ của mình.


Ảnh: thuvienhoasen
Nếu trong những món ăn thường ngày ba miền đã có sự phân biệt khá rõ nét thì trong món canh Tết sự phân biệt đó càng dễ nhận thấy. Quen thuộc và hợp khấu vị với người miền Nam đó là món canh bóng nấu tôm khô hay món canh khổ qua dồn thịt, đó là những món canh không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Những món ăn không chỉ ngon mà còn có tác dụng giảm bớt sự béo ngậy của các món ăn khác. Ngày Tết bên cạnh những món ăn như thịt kho hay bánh trưng thì nồi canh bóng nấu tôm hay canh khổ qua rất được ưa chuộng. Đây là hai món không khó chế biến tuy nhiên lại đòi hỏi sự khéo léo của người phụ nữ. Làm sao để khổ qua bớt đắng, bóng bì mềm mà vẫn có độ giòn là cả một nghệ thuật.


Ảnh: nangchieucali
Khác với người miền Nam, món canh trong mâm cỗ Tết của gia đình miền Bắc bao giỡ cũng có bát canh chân giò nấu măng. Măng thực chất là một loại rau vì thế món canh này không những giúp bạn dễ ăn, ngon miệng mà còn cung cấp chất xơ cho cơ thể. Tên gọi nghe có vẻ đơn giản nhưng thực chất đây là một món tổng hợp của rất nhiều nguyên liệu và phụ gia: chân giò, nấm hương, măng khô… Tất nhiên món canh cũng không thể vắng hành hoa, vừa là gia vị nhưng đồng thời cũng để trang trí cho tô canh them đẹp mắt, hấp dẫn người ăn.Yêu cầu của món canh này là phải có vị thơm đậm đà của chân giò, ngan ngát của măng và nấm. Nếu khéo chế biến canh măng nấu chân giò có thể để được vài ngày trong thời tiết lạnh của Tết miền Bắc.

Ảnh: biethet
Điểm qua một vài món ăn Tết cũng không thể không nhắc đến canh thập cẩm của người Miền Trung. Gọi là canh thập cẩm bởi đó sự tổng hợp phong vị của cả hai miền . Đó có thể món canh tôm khô, khổ qua của Miền Nam, món măng nấu sườn của Bắc hay món canh thập cẩm bao gồm su hào, khoai tây, cà rốt với chân giò…cũng có thể là một bát miến măng hầm cổ cánh gà…
Sự đa dạng trong phong vị ẩm thực vùng miền góp phần làm nên nền văn hóa ẩm thực đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Món canh nói riêng và món canh ngày Tết nói chung là nét ẩm thực độc đáo của người Việt cần được gìn giữ.
(Theo MonngonH
Mâm ngũ quả đẹp cho ngày Tết
22 Tháng 1, 2009 mục Ẩm thực
Tết, hầu như gia đình nào cũng có mâm ngũ quả để chưng trên bàn thờ, bên cạnh bánh chưng xanh, lọ hoa, nến. Năm loại quả, mỗi quả một dáng vẻ và màu sắc riêng, hợp lại thành bức tranh sống động, vui mắt.
Với triết lý “cầu vừa đủ xài sung túc”, người miền Nam chuộng năm loại quả: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung. Trong khi đó, người miền Bắc lại chưng chuối, bưởi, đào, hồng và quýt.
Mâm ngũ quả Miền Nam
Chuẩn bị: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung.
Trình bày: Người ta thường chọn ba loại quả có hình dáng to và trọng lượng nặng là đu đủ, dừa, xoài đặt lên mâm trước để lấy thế. Sau đó, bày những quả khác chèn lên, để tạo thành một ngọn tháp.
Mâm ngũ quả Miền Bắc

Chuẩn bị: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt.
Trình bày: Cách trình bày truyền thống sẽ là nải chuối được đặt dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các trái cây khác. Quả bưởi đặt giữa nải chuối, xung quanh là hồng, quýt, đào bày đan xen vào nhau.
Ngoài ra, bạn cần tham khảo vài cách chọn quả sau đây:
- Chọn quả đang xanh hoặc chín cây để chưng được lâu.
- Không nên rửa quả vì dính nước, quả sẽ mau héo.
- Chọn quả chắc, không trầy, còn cuống và lá để mâm quả xum xuê.
- Dưa hấu: Muốn biết quả ngon hay không, bạn búng tay vào vỏ dưa. Âm thanh trầm, nghe bịch bịch, tức quả chưa bị nẫu. Quả quýt lõm phía dưới thường ngọt hơn. Quả bưởi tươi, ngon thường chắc, nặng.
(Theo Vào Bếp
Mâm ngũ quả đẹp cho ngày Tết
22 Tháng 1, 2009 mục Ẩm thực
Tết, hầu như gia đình nào cũng có mâm ngũ quả để chưng trên bàn thờ, bên cạnh bánh chưng xanh, lọ hoa, nến. Năm loại quả, mỗi quả một dáng vẻ và màu sắc riêng, hợp lại thành bức tranh sống động, vui mắt.
Với triết lý “cầu vừa đủ xài sung túc”, người miền Nam chuộng năm loại quả: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung. Trong khi đó, người miền Bắc lại chưng chuối, bưởi, đào, hồng và quýt.
Mâm ngũ quả Miền Nam
Chuẩn bị: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung.
Trình bày: Người ta thường chọn ba loại quả có hình dáng to và trọng lượng nặng là đu đủ, dừa, xoài đặt lên mâm trước để lấy thế. Sau đó, bày những quả khác chèn lên, để tạo thành một ngọn tháp.
Mâm ngũ quả Miền Bắc
Chuẩn bị: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt.
Trình bày: Cách trình bày truyền thống sẽ là nải chuối được đặt dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các trái cây khác. Quả bưởi đặt giữa nải chuối, xung quanh là hồng, quýt, đào bày đan xen vào nhau.
Ngoài ra, bạn cần tham khảo vài cách chọn quả sau đây:
- Chọn quả đang xanh hoặc chín cây để chưng được lâu.
- Không nên rửa quả vì dính nước, quả sẽ mau héo.
- Chọn quả chắc, không trầy, còn cuống và lá để mâm quả xum xuê.
- Dưa hấu: Muốn biết quả ngon hay không, bạn búng tay vào vỏ dưa. Âm thanh trầm, nghe bịch bịch, tức quả chưa bị nẫu. Quả quýt lõm phía dưới thường ngọt hơn. Quả bưởi tươi, ngon thường chắc, nặng.
(Theo Vào Bếp
Các kiểu cắt tỉa hoa làm đẹp mâm cỗ Tết
22 Tháng 1, 2009 mục Ẩm thực Đóa hồng từ trái cà chua, bông mai vàng bằng vài lát cà rốt, những cánh buớm, đuôi công từ quả dưa chuột… Chỉ mất vài công đoạn đơn giản, bạn có thể làm cho đĩa thức ăn hấp dẫn hơn nhiều nhờ những hình trang trí đẹp mắt.
Mời bạn tham khảo các kiểu cắt tỉa đơn giản, sinh động dưới đây và cùng trổ tài vào dịp Tết này nhé.


Những hình trên được các chuyên gia ẩm thực của Trung tâm nấu ăn Ezcooking thực hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét