Tác giả: HẢI LÝ
Một khi tỷ giá liên ngân hàng ở mức thấp hợp lý, NHNN sẽ mua vào ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối, tiền đồng sẽ được đưa ra, cung tiền đồng tăng, lãi suất sẽ giảm. Giờ G đồng nghĩa với mức tỷ giá hợp lý nhưng mức đó là bao nhiêu, chỉ có NHNN xác định được. Nó đang rất gần!
Thứ Sáu tuần trước, đúng một tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng rơi về mức 20.900 đồng/USD. Đây là mốc cả thị trường tài chính chờ đợi.
Nguồn tin đáng tin cậy từ NHNN cho biết có thể từ tuần này tỷ giá do NHNN công bố hàng ngày sẽ rất linh hoạt, linh hoạt hơn hẳn những tuần qua. Có thể hiểu là độ dao động mỗi ngày của tỷ giá sẽ rộng hơn.
Những động thái bề mặt
Công ty Tài chính quốc tế (IFC) tuần trước đã bán 110 triệu đô la Mỹ cho Vietcombank theo tỷ giá niêm yết. Đây là khoản ngoại tệ lớn trong nhiều tháng qua mà Vietcombank mua được. Còn IFC thì cần tiền đồng để thanh toán tiền mua cổ phiếu của Ngân hàng Công thương.
Cũng thời điểm đó một số ngân hàng nước ngoài chào bán đô la Mỹ nhiều hơn trên thị trường liên ngân hàng. Giới tài chính phỏng đoán nguồn cung ngoại tệ này có thể xuất phát từ việc ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam vay đô la Mỹ từ ngân hàng mẹ với lãi suất thấp khoảng 2-3%/năm, chuyển đổi sang tiền đồng cho doanh nghiệp trong nước vay hoặc kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất 20%/năm. Không ít ngân hàng nước ngoài tin rằng trong 3-6 tháng tới, tỷ giá giữa đô la Mỹ và tiền đồng sẽ không có nhiều biến động, nên mức chênh lệch lãi suất sẽ mang lại cho họ khoản lợi nhuận đáng kể.
Ngay cả trong trường hợp tiền đồng có mất giá thêm 1-2% trong vòng nửa năm thì họ vẫn có lời. Ngoài ra, lãi suất tiền đồng đang ở đỉnh, khó mà cao hơn. Nếu không tận dụng ngay cơ hội, một khi lãi suất đồng nội tệ giảm xuống, mức chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền sẽ không còn hấp dẫn.
Một khi tỷ giá liên ngân hàng ở mức thấp hợp lý, NHNN sẽ mua vào ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối (ảnh TBKTSG)
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ VinaCapital, cho biết Quỹ VOF (quỹ lớn nhất do VinaCapital quản lý) sau khi thanh lý một số khoản đầu tư vào các công ty tư nhân (private equity) đang có trong tay 140 triệu đô la Mỹ. VOF đang đợi giải ngân vào chứng khoán và một trong những dấu hiệu mà VinaCapital theo dõi hàng ngày là chênh lệch tỷ giá chính thức và thị trường tự do.
"Chúng tôi đang quan sát diễn biến của lạm phát và lãi suất. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tỷ giá. Nếu khoảng cách giữa tỷ giá của ngân hàng và thị trường tự do thu hẹp ở mức kỳ vọng, tôi nghĩ không chỉ VOF mà nhiều quỹ nước ngoài khác cũng sẽ giải ngân".
So với ngày 11/2/2011, ngày tỷ giá mới có hiệu lực, tỷ giá do NHNN công bố ngày 12-3-2011 đã giảm 30 đồng/USD, từ mức 20.693 xuống 20.663 đồng/USD. Trong năm tuần qua, có lúc tỷ giá liên ngân hàng đã "nhảy" lên tới 21.370 đồng/USD, nhưng sau đó giảm dần khi NHNN liên tiếp ban hành các văn bản thắt chặt cung tiền đồng thông qua việc tăng mạnh hai lần liên tiếp một số loại lãi suất. Tỷ giá liên ngân hàng đã có nhiều ngày "tranh chấp" quyết liệt ở ngưỡng 21.000 đồng/USD, song cuối cùng cũng đã mất mốc trên.
Vẫn thắt chặt cung tiền đồng
Những ngày qua NHNN ban hành cùng lúc ba văn bản. Thứ nhất là Thông tư 04 áp dụng lãi suất không kỳ hạn ở mức thấp nhất đối với những khoản tiền gửi có kỳ hạn rút trước hạn.
Thứ hai là Thông tư 05 cho phép các ngân hàng thu phí trong trường hợp trả nợ trước hạn và thu luôn phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng. Với hai thông tư này, doanh nghiệp cũng như người dân phải tính toán kỹ khoản tiền gửi/vay, thời hạn vay cũng như trả nợ, tránh gây xáo trộn vốn trong hệ thống. Sâu xa hơn, nó xóa bỏ một số điều kiện để đầu cơ. Chẳng hạn nếu nhà đầu cơ đột ngột muốn rút tiền đồng để chuyển sang ngoại tệ thì phải chịu lãi suất tiền đồng thấp, do đó buộc phải tính toán lại kỳ vọng tỷ giá tăng.
Văn bản thứ ba yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo việc huy động và cho vay vốn bằng vàng. Văn bản này nhắc lại quy định của Thông tư 22 ngày 29/1/0/2010 yêu cầu các ngân hàng không được chuyển đổi vàng huy động thành tiền và số vàng đã chuyển thành tiền trước đó phải tất toán trước ngày 30/6/2011. Số vàng đã chuyển thành tiền lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Mặc dù còn hơn ba tháng để chuyển ngược lại tiền thành vàng, nhưng việc chuyển ngược lại đòi hỏi một lượng tiền đồng lớn và đây là áp lực không nhỏ đối với một số tổ chức tín dụng.
Cung tiền đồng ngày càng trở nên eo hẹp. Các ngân hàng nhỏ đã khó lại càng khó. Lượng vốn "bơm" ra qua thị trường mở đang bị rút xuống dần. Một ngân hàng có nhiều trái phiếu Chính phủ cho biết mấy ngày nay họ phải "xếp hàng" trên thị trường mở từ sớm mà cũng chỉ "mua" được vài chục tỉ tiền đồng. Các ngân hàng nhỏ không dám xin tái cấp vốn với NHNN, vì các hồ sơ tín dụng với doanh nghiệp phần lớn cho vay bất động sản, chưa kể một số ngân hàng có những khoản đảo nợ. Vay tái cấp vốn là phải thế chấp hồ sơ tín dụng, chẳng khác nào "vạch áo cho người xem lưng", mời thanh tra NHNN vào, nên kênh tái cấp vốn hầu như đang ngưng trệ.
Giờ G
Một khi tỷ giá liên ngân hàng ở mức thấp hợp lý, NHNN sẽ mua vào ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối, tiền đồng sẽ được đưa ra, cung tiền đồng tăng, lãi suất sẽ giảm. Giờ G đồng nghĩa với mức tỷ giá hợp lý nhưng mức đó là bao nhiêu, chỉ có NHNN xác định được. Nó đang rất gần!
Trước giờ G, một động thái dứt khoát nữa sẽ được thực thi: giảm lãi suất huy động ngoại tệ. Việc sửa đổi Thông tư 25 hạn chế đối tượng cho vay ngoại tệ đã gần như hoàn tất và thời điểm ban hành đang tính từng ngày. Đầu ra của ngoại tệ bị "bóp" lại, tất yếu lãi suất tiết kiệm đô la Mỹ sẽ giảm. Eximbank đã giảm ngay lãi suất huy động ngoại tệ từ 0,1-0,25%/năm các kỳ hạn khi lượng vốn huy động bằng ngoại tệ của ngân hàng này tuần qua tăng lên. Chỉ cần lãi suất tiền gửi ngoại tệ giảm một, hai phần trăm/năm so với mức hiện tại, chênh lệch lãi suất huy động đô la Mỹ và tiền đồng sẽ vượt mức 10%/năm; tiền đồng sẽ càng có giá và việc người dân chuyển từ đô la Mỹ sang tiền đồng sẽ xảy ra.
Các doanh nghiệp có nguồn thu đô la bắt đầu bán ngoại tệ cho ngân hàng. Tuy nhiên, NHNN sẽ không mua ngoại tệ dồn dập, mà khối lượng cũng như tiến độ mua sẽ phụ thuộc vào diễn biến lạm phát. Cung tiền đồng không thể được nới lỏng mạnh nếu chỉ số CPI giảm chậm chạp. Vì thế, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng sẽ còn xuống thang trong tuần này và những tuần sau. Theo tin mới nhất, ngày 16/3, NHNN đã bắt đầu mua ngoại tệ vào với giá thấp hơn so với giá niêm yết của một số ngân hàng.
Một quan chức cấp cao của cơ quan quản lý ngành ngân hàng cho biết, trong thời gian tới sự biến động của tỷ giá do NHNN công bố hàng ngày sẽ rộng hơn, không chỉ 5-10 đồng/ngày mà có thể 20-30 đồng/ngày và có thể xuống/lên cả tuần liền. Chỉ cần tỷ giá công bố biến động 100 đồng/tuần thì doanh nghiệp sẽ không còn tính toán có bán ngoại tệ cho ngân hàng hay không, mà là canh bán lúc nào cho có lợi nhất.
Trong bối cảnh đó, biết đâu câu ngạn ngữ "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" lại có giá trị? Một khi tỷ giá liên ngân hàng ở mức thấp hợp lý, NHNN sẽ mua vào ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối, tiền đồng sẽ được đưa ra, cung tiền đồng tăng, lãi suất sẽ giảm.
(Theo TBKTSG)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét