Tác giả: VŨ THÀNH TỰ ANH
Số lượng FDI có thể cao, song chất lượng FDI thấp. Đóng góp cho nền kinh tế có thể bị hạn chế nhiều do hành vi trốn thuế, do làm tăng tình trạng nhập siêu, hay do không tạo được hiệu ứng lan tỏa đến nền kinh tế nội địa. Chính sách FDI hiện nay còn có nguy cơ tạo ra một cấu trúc kinh tế méo mó.
Trong ba năm liên tiếp, các siêu dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lần lượt rút khỏi tỉnh Phú Yên. Đầu tiên là dự án "Khu công nghiệp lọc hóa dầu và tổ hợp hóa dầu naphtha cracking" của Công ty SP Chemicals Ltd (Singapore) với tổng giá trị đầu tư 11 tỉ đô la xin rút năm 2009. Sau đó là dự án "Đặc khu kinh tế tại Phú Yên" của tập đoàn Sama Dubai (các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) trị giá 250 tỉ đô la xin dừng năm 2010.
Và chỉ mới tuần trước, dự án "Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa" của tập đoàn Galileo Investment Group, Inc (Mỹ) với số vốn đăng ký 11,4 tỉ đô la đã bị UBND tỉnh Phú Yên thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Không ai không phạm sai lầm, nhưng phạm cùng một sai lầm đến "quá tam ba bận" thì quả thật là rất khó chấp nhận.
Nếu nhìn sang các tỉnh khác thì hiện tượng siêu dự án FDI "có vấn đề" không phải là ngoại lệ. Điển hình phải kể đến Nhà máy Gang thép Eminence ở Thanh Hóa (30 tỉ đô la), Khu du lịch sinh thái Bãi biển Rồng tại Quảng Nam (4,15 tỉ đô la), Nhà máy Thép Guang Lian ở Quảng Ngãi (4,5 tỉ đô la), Khu liên hợp thép Cà Ná ở tỉnh Ninh Thuận (9,8 tỉ đô la). Những siêu dự án này được thổi phồng quá mức để che đậy thực chất không có gì của chúng, đồng thời là cớ để chiếm dụng đất đai và các nguồn tài nguyên khác.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến các dự án chậm triển khai hoặc thậm chí án binh bất động do địa phương chưa sẵn sàng hấp thụ một lượng vốn quá lớn, khiến cho tỷ lệ vốn thực hiện so với vốn giải ngân ngày càng thấp. Liên hợp thép Tata - Việt Nam Steel tại Hà Tĩnh (5 tỉ đô la), Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của tập đoàn Formosa cũng ở Hà Tĩnh (16 tỉ đô la), Saigon Atlantic Hotel ở Bà Rịa - Vũng Tàu (4,1 tỉ đô la) là những ví dụ như vậy.
Bên cạnh sự giống nhau về quy mô đầu tư khổng lồ, các dự án này còn giống nhau ở một điểm quan trọng khác, đó là chúng đều hướng đến việc khai thác tài nguyên giá rẻ của Việt Nam. Tài nguyên này có thể là đất, là nước, là môi trường - tất cả đều với chi phí quá thấp, hay là điện năng với mức giá quá rẻ so với các điểm đến đầu tư khác, do được nhà nước trợ cấp. Vô hình trung, việc thu hút đầu tư FDI đã được nhiều tỉnh tiến hành bằng mọi giá, kể cả việc trợ cấp trực tiếp cho các nhà đầu tư nước ngoài và bất chấp cái giá mà nhiều thế hệ con em chúng ta phải gánh chịu.
Đề phòng những dự án FDI "tỷ đô" nhưng chỉ là bánh vẽ. Tranh biếm họa của Lý Trực Dũng trên TT&VH
Nhìn rộng ra, bệnh thành tích trong thu hút FDI không chỉ có ở tỉnh mà còn xảy ra ở cấp độ quốc gia. Các báo cáo về FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường nêu lên những chỉ tiêu số lượng như tổng vốn đăng ký, vốn thực hiện, và số dự án đăng ký mới... nhưng ít nhấn mạnh đến những chỉ tiêu chất lượng như năng suất, trình độ công nghệ, hay sự liên kết giữa khu vực FDI và các doanh nghiệp trong nước...
Kết quả là mặc dù số lượng FDI có thể cao, song chất lượng FDI thấp. Hơn nữa, đóng góp của khu vực FDI cho nền kinh tế có thể bị hạn chế nhiều do hành vi trốn thuế nhờ chuyển giá, do làm tăng tình trạng nhập siêu, hay do không tạo được hiệu ứng lan tỏa đến nền kinh tế nội địa.
Không những thế, chính sách FDI hiện nay còn có nguy cơ tạo ra một cấu trúc kinh tế méo mó, kém hiệu quả mà sẽ phải mất nhiều năm để khắc phục. Ví dụ đầu tiên là ngành lắp ráp ô tô. Sau gần 20 năm bảo hộ, tỷ lệ nội địa hóa hiện nay của các doanh nghiệp FDI trong ngành này chưa tới 7%, thấp hơn rất nhiều so với mức cam kết tối thiểu 30% phải đạt được vào năm 2006. Ví dụ thứ hai là ngành thép. Hiện nay cả nước có khoảng 70 dự án sản xuất gang, thép công suất trên 100.000 tấn, trong số đó khoảng 50% nằm ngoài quy hoạch. Sự nở rộ các dự án thép do chi phí năng lượng, tài nguyên, và môi trường quá rẻ rất có thể sẽ biến Việt Nam thành một nền kinh tế thâm dụng năng lượng và ô nhiễm môi trường.
Mục tiêu quan trọng nhất của thu hút FDI là nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và nâng cấp nền kinh tế chứ không phải là tối đa hóa lượng vốn, hay thậm chí công ăn việc làm. Để thực hiện mục tiêu này, đầu tiên là phải đưa ra những khuyến khích đúng. Nếu các biện pháp khuyến khích chỉ nhắm tối đa hóa lượng vốn đầu tư thì chúng ta sẽ tiếp tục nhận được nhiều dự án "bánh vẽ" mới.
Bên cạnh đó, phải tận dụng triệt để các dự án của các công ty đa quốc gia tên tuổi, lấy đó làm điểm tựa để phát triển các cụm ngành mới. Thu hút được Intel, Foxconn, hay Nokia là những thành công quan trọng, song quan trọng hơn là liệu sau đó những công ty này có trở thành các hạt nhân để phát triển một mạng lưới cung ứng và dịch vụ hỗ trợ nội địa hiện đại hay không; mà điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của nhà nước chứ không chỉ phụ thuộc vào ý chí chủ quan của nhà đầu tư.
Thu hút FDI là công cụ chứ không phải là cứu cánh để phát triển kinh tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại thông qua việc kiến tạo môi trường vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh lành mạnh, và sử dụng các nguồn lực sẵn có một cách thông minh mới là kế sâu rễ bền gốc để thu hút đầu tư một cách hiệu quả và bền vững.
(Theo TBKTSG)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét