Để thoát khỏi nền kinh tế tiền mặt như hiện nay, Việt Nam cần nỗ lực cải thiện ít nhất 15 năm nữa, từ nay cho đến năm 2020, và có thể còn xa hơn.
Đây là nhận định được đưa ra trong Đề án tổng thể phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006 – 2010 và tầm nhìn đến 2020 do Ngân hàng Nhà nước giới thiệu mới đây.
Thoát khỏi nền kinh tế tiền mặt: Việt Nam cần ít nhất 15 năm nữa?
Từ trước đến nay, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế tiền mặt, có tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán từ 17% trở lên. Trong năm 1997, tỷ lệ này ở Việt Nam là 32,2% và phải mất 10 năm mới giảm xuống mức khoảng 21,4% như hiện nay.
Mục tiêu mà đề án nói trên đề ra là lượng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán ở Việt Nam sẽ giảm xuống còn 17% vào năm 2010. Đến năm 2020, tỷ lệ này dự kiến giảm còn 10%.
Nếu đạt mục tiêu tầm nhìn 2020 như trên thì cơ bản Việt Nam dần thoát khỏi nền kinh tế tiền mặt. Nói cách khác, văn minh trong thanh toán của nền kinh tế được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam vẫn còn kém với một khoảng cách khá xa.
Tại một số quốc gia ở Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan…, tỷ lệ này hiện ở khoảng từ 11 – 17%. Tại các nước châu Âu, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều; một số quốc gia phát triển như Thụy Điển, Na Uy… chỉ ở dưới mức 1%.
Đi cùng với mục tiêu nói trên, trong các giai đoạn, các mục tiêu hỗ trợ khác được xác định trong Đề án là phấn đấu đạt 70% các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng tự chọn… có lắp đặt các thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán vào cuối năm 2010; năm 2020 là 95%. Nếu mục tiêu này hiện thực thì sự phát triển thị trường thẻ Việt Nam sẽ có thêm một ý nghĩa lớn.
Một mục tiêu khác là tăng cường việc lập và sử dụng tài khoản cá nhân trong dân cư. Dự kiến đến năm 2010 Việt Nam sẽ có 20 triệu tài khoản loại này để thực hiện trả lương cho cán bộ hưởng lương ngân sách qua tài khoản (70%) và 50% công nhân lao động trong doanh nghiệp, tư nhân.
Đối với các khoản chi tiêu từ ngân sách sẽ có 60% phải thực hiện qua chuyển khoản (vào năm 2010), tương ứng các giao dịch thanh toán dịch vụ công cộng định kỳ là 70%. Dự kiến, đến năm 2020, 90% chi tiêu từ ngân sách và 90% thanh toán dịch vụ công cộng được thực hiện qua tài khoản.
Và lý tưởng hơn, đến năm 2020, dự kiến 100% các khoản thanh toán giữa các doanh nghiệp với nhau sẽ được thực hiện qua tài khoản tại ngân hàng, thay cho những túi tiền vẫn có người áp tải như hiện nay.
(Theo Thời báo Kinh tế VN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét