"Nền kinh tế tiền mặt" được hiểu là thị phần thanh toán hầu như dùng tiền mặt là chính. Tiền mặt ở đây không chỉ là nội tệ mà cả ngoại tệ. Cả về hai mặt này (nội tệ, ngoại tệ) thì Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới có thị phần thanh toán bằng tiền mặt. Lý giải tình hình trên, các chuyên gia đã đưa ra ba nguyên nhân chủ yếu.
Một mặt, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế quản lý theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung và bao cấp bằng hiện vật sang nền kinh tế thị trường, vai trò của đồng tiền đã được mở rộng và phát huy tương đối đầy đủ các chức năng của nó. Mặt khác cũng thể hiện sự yếu kém, và việc đổi mới phương thức thanh toán không dùng tiền mặt của ngân hàng diễn ra rất chậm.
Mặt khác nữa, do thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân chưa giảm cũng như quy mô thanh toán của cá nhân dân cư còn nhỏ. Chính vì vậy mà hai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được các ngân hàng đưa ra thực hiện từ hàng chục năm trước, nhưng chỉ có thẻ thanh toán còn được duy trì và mở rộng, do được một bộ phận dân cư, nhất là lớp trẻ, đón nhận, còn séc cá nhân thì gần như chẳng còn. Riêng về ngoại tệ, thì tình trạng "đô la hóa" đã được đề cập từ rất lâu rồi, nhưng vẫn không giảm được bao nhiêu!
Tác hại của "nền kinh tế tiền mặt" gọi là "kép" nhưng không phải là hai, mà được hiểu theo nghĩa rộng là ba, bốn...
Thiệt hại thứ nhất là chi phí cho việc thanh toán bằng tiền mặt từ khâu in ấn, vận chuyển, tính đếm, bảo quản, thất thoát khá tốn kém. Đối với các đồng tiền mệnh giá nhỏ, thì việc in, vận chuyển, tính đếm còn hơn nhiều.
Thiệt hại thứ hai có lẽ còn tốn kém hơn nhiều và không thể đo đếm được, đó là rất dễ dung dưỡng cho kinh tế ngầm, cho buôn gian bán lận, trốn thuế, cho tham nhũng tiêu cực phát sinh, phát triển và rất khó kiểm soát. Đây cũng là một trong những cản trở cho các cuộc điều tra, phát hiện các hiện tượng trên.
Thiệt hại thứ ba là khó kiểm soát chính xác thu nhập để thực hiện Luật Thuế thu nhập đối với cá nhân có thu nhập cao.
Thiệt hại thứ tư mà "nền kinh tế tiền mặt" gây ra là chưa bảo đảm cho sự an toàn của đồng tiền mỗi khi thanh toán, vận chuyển, bảo quản..., kể cả đối với các cơ quan, doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Đã có không ít các vụ thụt két, cướp tiền của người đi lĩnh tiền hay nộp tiền vào ngân hàng; tạo thuận lợi cho tình trạng rửa tiền...
Để khắc phục hậu quả của "nền kinh tế tiền mặt", cần khẩn trương áp dụng đồng bộ các giải pháp và có sự phối hợp chặt chẽ:
Đối với các cơ quan, đơn vị phải thực hiện việc trả lương, trả bảo hiểm cho công nhân viên và các đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội qua tài khoản.
Đa dạng hóa, hiện đại hóa hình thức không dùng tiền mặt, như thẻ thanh toán (thẻ cá nhân, thẻ thương mại,...), thanh toán qua mobile, internet...
Phát triển và bảo đảm tính thuận tiện của hạ tầng thanh toán, trong đó cần quan tâm hơn việc phát triển mạng lưới chấp nhận phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Hệ thống thanh toán gồm các máy ATM, đặc biệt là các điểm chấp nhận thanh toán (POS) không nên chỉ tập trung ở các khách sạn, nhà hàng, siêu thị lớn như hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 291/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020. Ngân hàng Nhà nước đang có kế hoạch triển khai thực hiện quyết định này với 10 đề án cụ thể. Trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã có trên 20 ngân hàng thương mại phát hành khoảng 6,2 triệu thẻ thanh toán; 4 liên minh thẻ với trên 3.800 máy ATM. Số lượng tuy tăng khá như vậy, nhưng vẫn tập trung ở TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng; mật độ so với dân số còn thấp, việc hợp tác với nhau cùng chia sẻ cơ sở hạ tầng thanh toán thẻ qua việc kết nối để cùng hoạt động hiệu quả, thuận lợi cần làm tốt hơn.
N.M
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét