Tin liên quan:
Tôi xin gửi đến tất cả những ai đọc bài viết này lời cảnh báo rằng những kẻ thủ ác có thể cướp đi cuộc sống
người thân của bạn hoặc cuộc sống của chính bạn vào bất
cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu.
Tôi không nói đến những vụ tai nạn giao thông xảy ra hàng
ngày, hàng giờ khắp nơi trên đất nước, mỗi ngày trung bình
cướp đi hơn 30 mạng sống của nhân dân ta.
Tôi không nói đến cái chết của những người xấu số trong
những trường hợp gọi là hy hữu như sập cầu, lở núi,
đắm tàu, đắm đò, hỏa hoạn.
Tôi cũng không nói đến cái chết tức tưởi của những
người vì lý do này, lý do khác mà quyên sinh. Những người treo
cổ, nhảy sông, nhảy lầu, uống thuốc độc hay tự đâm vào
trái tim để kết liễu đời mình. Cho dù những cái chết gọi
là tự tử này phần lớn trách nhiệm vẫn thuộc về người
đang sống.
Trong bài viết này tôi muốn nói đến những cái chết khác,
cũng là cướp đi sinh mạng con người nhưng nó dã man như thời
Trung cổ. Đó là những cái chết do kẻ thủ ác trực tiếp gây
ra mà nạn nhân hầu hết là những người lương thiện. Có khi
đó là hậu quả của một âm mưu, cũng có khi từ những xung
đột bất ngờ, có khi chỉ là những lí do hết sức "lãng
nhách".
Không ngày nào báo chí không đưa tin một vài vụ giết người
dã man. Đừng cho là báo "lá cải". Tôi cho rằng việc đưa
tin người bị sát hại có thật là những thông tin cần thiết
phản ánh thực trạng xã hội. Nó có tác dụng cảnh báo, thúc
đẩy con người phải mau chóng thủ tiêu tội ác.
Bạn hãy cùng tôi điểm lại đầu đề của những bản tin như
thế hằng ngày trên báo chí:
TP Hồ Chí Minh – 2 thanh niên bị đâm chết giữa đường /
Bị đâm chết khi đang nói chuyện cùng bạn gái / Một bảo vệ
dân phố bị đâm chết / Bị đâm chết khi trèo vào nhà người
lạ / Bị đâm chết vì can bạn gái cãi vã với người yêu cũ
/ Gái bán dâm bị đâm chết / Một học sinh lớp 10 bị đâm
chết trước cổng trường / Bị đâm chết khi đang uống nước
chè / Một học sinh lớp 9 bị đâm chết giữa sân trường / Vô
cớ bị đâm chết / Một thanh niên bị đâm chết khi đang ngủ
trong nhà / Nam sinh lớp 10 bị đâm chết trên đường Tú Xương
/ Một cảnh sát bị đâm chết / Đâm chết người tình trong
nhà trọ/ Một cô gái bị cắt cổ trôi sông / v.v...
Tôi biết rằng báo chí chỉ đưa được một phần thông tin.
Nhiều vụ giết người dù là dã man cũng chỉ được biết
trong phạm vi một vài xã. Nhiều vụ bị bưng bít thông tin. Và
khi người xấu số nấm mồ chưa xanh cỏ thì người sống đã
vội quên rồi.
Tôi không phải là nhà nghiên cứu, nhưng tôi cũng liệt kê
những vụ giết người dã man mà báo chí đưa tin, tìm hiểu xem
xảy ra ở những nơi nào ? Và tôi thấy nó xảy ra ở khắp
nơi, từ thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh đồng
bằng làng quê yên tĩnh và các tỉnh miền núi xa xôi. Và nó
xảy ra bất kể thời gian nào trong ngày, trong tháng, trong năm.
Như thế đã đáng gióng lên hồi chuông báo động chưa ?
Đã đáng báo động chưa khi cháu gái giết bà ngoại, con giết
bố, bố giết con, chồng giết vợ, vợ giết chồng, bạn học
cùng lớp giết nhau, học trò giết thày giáo, có kẻ vừa làm
tình xong là cắt cổ người tình.
Đã đáng báo động chưa khi những kẻ máu lạnh, thủ ác không
phải là những kẻ du thủ du thực, đầu đường xó chợ mà
lại là những trí thức với đôi tròng kính trắng, con nhà khá
giả hoặc quan chức?
Đã đáng báo động chưa khi nạn nhân là cụ bà 90 tuổi, là
cô sinh viên trong trắng xinh đẹp trước ngưỡng cửa cuộc
đời, là cậu bé học trò còn làm nũng mẹ?
Đã đáng báo động chưa khi nạn nhân không còn là "người
trong một nước" mà chính là anh em, họ hàng, bạn bè của
chúng ta. Trước tết Tân Mão 2011 nửa tháng, một người cháu
gọi tôi là cậu ruột, một cựu chiến binh chống Mỹ sống
tại phường Bến Tắm, TX Sao Đỏ tỉnh Hải Dương đã bị kẻ
ác sát hại một cách man rợ ngay tại nhà, đến nay chưa tìm ra
thủ phạm và mới cách đây mấy ngày con gái một người bạn
của tôi tại TP Hồ Chí Minh cũng bị một thanh niên đâm chết
tại chân cầu thang nhà. Tôi và cha của cô gái chưa đủ thời
gian để trở thành bạn thân nhưng cái chết của con gái ông
thật sự làm tôi đau lòng.
Trên báo chí có người viết rằng người Việt Nam mình bây
giờ vô cảm lắm rồi. Vâng, có thể nhưng theo tôi chỉ là
một bộ phận. Tôi vẫn tin rằng số đông đồng bào ta vẫn
còn lương tâm, như bạn, như tôi đây. Và vì thế tôi thấy
mình cần phải lên tiếng.
Chúng ta là con người. Chúng ta mong muốn được sống như con
người. Quyền sống là quyền thiêng liêng nhất nhưng cũng là
quyền tối thiểu nhất. "Cái quý nhất của người ta là
đời sống" (Axtropsky) Nhưng phải sống trong hạnh phúc
chứ không phải trong sợ hãi. Những kẻ thủ ác, những kẻ
máu lạnh có thể bất ngờ cướp đi cuộc sống của ta. Tất
nhiên mỗi người phải biết bảo trọng cuộc sống của mình.
Song le mỗi con người thì rất nhỏ bé, rất yếu đuối. Vậy
thì ai bảo vệ cuộc sống yên lành cho người dân? Chả lẽ
người dân ở một quốc gia không có ai bảo vệ ư? Tôi biết
gửi tới ai những câu hỏi này? Liệu những ai đó có để tâm
đến những câu hỏi như là tiếng kêu cứu của tôi không.
Vâng, có người sẽ nói: pháp luật bảo vệ nhân dân. Chắc
chắn rồi, kẻ gây tội ác nếu điều tra ra sẽ bị kết án
tù tội hoặc nghiêm khắc hơn là tử hình như đối với tên
Nguyến Đức Nghĩa. Nhưng đó chỉ là biện pháp bất đắc dĩ.
Vấn đề là làm sao để tội ác không xảy ra. Chúng ta cần
một môi trường sống mà tội ác không thể phát sinh. Đó là
một xã hội con người sống trong sự bình đẳng và tôn trọng
lẫn nhau, trong tình bạn và tình yêu, trong đức tin và tấm
lòng vị tha. Dù những điều tôi viết ra đây mới là ước mơ
mà dân tộc ta hướng tới. Nhưng cũng phải công nhận rằng
đã có một thời chúng ta có được một xã hội tốt đẹp
hơn bây giờ, cho dù của cải ít hơn. Một vị đại tá công an
về hưu nói với tôi rằng: "Chúng tôi trong nghề chúng tôi
biết, trước đây những vụ án giết người dã man thật sự
hãn hữu". Thế mà bây giờ ? Ma nào đưa lối, quỉ nào dẫn
đường ?
Các nhà nghiên cứu (chính trị, xã hội, pháp luật, giáo dục,
tâm lý,…) rồi sẽ chỉ ra mọi nguyên nhân, rồi sẽ đề
xuất nhiều biện pháp để ngăn ngừa tội ác. Nhưng trước
hết là các vị lãnh đạo đất nước, tôi muốn biết các vị
nghĩ gì khi tình trạng tội ác càng ngày càng gia tăng trong xã
hội ta? Sinh thời cụ Hồ, để nói về sự xấu xa, suy đồi
của chủ nghĩa tư bản, trong các bài báo, Người thường dẫn
ra số liệu các vụ giết người xảy ra ở ngước Mỹ. Trộm
nghĩ bây giờ mà Người đọc được những tin giết người
đăng hàng ngày trên các báo chắc là Người đau lòng lắm?
Còn với người dân, trong khi chờ đợi tương lai tươi sáng
hơn, buộc chúng ta phải có kỹ năng sống để tự bảo vệ
mình. Kỹ năng ấy ông bà ta đã dạy rồi, chín bỏ làm mười,
lời nói chẳng mất tiền mua, tránh voi chẳng hổ mặt nào,
chọn bạn mà chơi, chọn mặt gửi vàng, ăn tùy nơi, chơi tùy
chốn, đừng dây vơi hủi (nghĩa bóng)…v..v
Ngày hôm nay, để tồn tại, buộc chúng ta phải cảnh giác ngay
cả với đồng bào của mình. Buồn quá!
TP Hồ Chí Minh, 04/03/2011
[*] Bài viết do tác giả Bùi Công Tự gửi trực tiếp cho
Nguyễn Xuân Diện-blog vào đêm 4.3.2011.
Xin chân thành cảm ơn tác giả!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét