Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

Nhân đọc bài “Ba điều dứt khoát của Thủ tướng”

Lê Hùng


Hôm qua tôi đọc bài: “Ba điều “dứt khoát” của Thủ tướng” đăng trên báo VnEconomy Vneconomy.vn

Cảm giác của tôi thật là buồn khi đọc bài báo đó. Buồn vì hai nhẽ:

Trước hết, buồn vì tình hình kinh tế của đất nước đang lâm vào tình trạng hết sức khó khăn: nền kinh tế mất ổn định, thâm hụt ngọai thương liên tục trong nhiều năm, mất cân đối trầm trọng về cán cân thanh toán quốc tế, nợ nước ngoài tăng nhanh, dự trữ ngọai tệ giảm mạnh, lạm phát cao, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Thế mà, tăng trưởng của nước ta (chỉ tiêu GDP) mấy năm qua, lạ thay, vẫn khá. Phải chăng, tăng trưởng của nước ta trong những năm vừa qua là không thực chất, kém hiệu quả. mà nguyên nhân xuất phát từ căn bệnh trầm kha “bệnh thành tích” của những người lãnh đạo đất nước: Tăng trưởng bằng mọi giá, duy ý chí, bất chấp các quy luật của kinh tế thị trường. Thực trạng kinh tế đất nước hôm nay cũng là kết quả sự vận hành cơ chế “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” mà Chính phủ theo đuổi.

Thực trạng kinh tế của nước ta hiện nay không phải là vấn đề đột biến. Thực trạng

này là sự di căn của căn bệnh ung thư mà mầm bệnh đã có từ nhiều năm. Từ

những năm trước, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã phát hiện ra

bệnh, nhưng Chính phủ vẫn bảo thủ, không chịu chữa chạy. Đến hôm nay, bệnh

tình trầm trọng thì mới “vái tứ phương”.

Thứ hai, buồn vì năng lực, bản lĩnh của Thủ tướng (thông qua nhận xét của tôi về Thủ tướng khi nói “ba điều dứt khóat”). Ông Thủ tướng liệu có biết rằng: tại sao lại lạm phát cao hay không? Đúng là có sự liên quan đến ngoại tệ như ông nói (thiếu ngọai tệ để thanh toán quốc tế, để nhập nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị và hàng hóa thiết yếu). Nhưng đấy chỉ là biểu hiện cuối cùng của nền kinh tế; còn các nguyên nhân chủ yếu của lạm phát là do nội tại của nền sản xuất kém hiệu quả, sự quản lý kinh tế yếu kém của Chính phủ trong suốt nhiều năm. Nếu viện vào con số tăng trưởng GDP thì ta cũng phải có cách nhìn khách quan và khoa học. Bản thân con số GDP là một con số tổng hợp, chủ yếu để đánh giá về mặt số lượng, quy mô của nền kinh tế chứ nó không phản ảnh được chất lượng của nền kinh tế, sự thịnh vượng của một quốc gia. Các chuyên gia kinh tế đã tổng kết: Nếu chạy theo thành tích tăng trưởng bằng mọi giá, đầu tư một cách tràn lan, phung phí nguồn lực của đất nước, quản lý vốn, tài sản của đất nước tồi, để tham nhũng nặng nề thì việc làm ấy là nguyên nhân chính của lạm phát và làm phân hóa đời sống xã hội. Chưa kể đến các nguyên nhân khác nữa cũng góp phần quan trọng vào vào lạm phát cao như thu ngân sách quá cao (làm kiệt sức dân) nhưng vẫn chưa đủ cho Chính phủ sử dụng, bội chi, thâm hụt ngân sách quá lớn.

Cả 3 điều ông Thủ tướng nói “dứt khoát” phải thực hiện cho được trong lúc này, theo như tôi hiểu thì hoàn toàn chỉ là mệnh lệnh hành chính, áp đặt cho nền kinh tế mà thôi. Các chính sách cho một nền kinh tế trong mọi lúc, mọi nơi không thể dựa trên sự “ra lệnh” (ngoại trừ trong chiến tranh) mà nó phải nương theo các quy luật kinh tế (tôi dùng từ nương theo có nghĩa là người lãnh đạo phải biết các quy luật kinh tế để khôn khéo hạn chế các tiêu cực và tận dụng thời cơ nhằm vãn hồi tình thế, chứ không phải là đối đầu với các quy luật).

Về điều “dứt khoát” thứ nhất: Chính vì Chính phủ từ trước đến nay luôn neo giữ tỷ giá theo chiều hướng có lợi nhất thời (kể cả vì lợi ích chính trị của người lãnh đạo) nên những năm vừa qua tỷ giá VND với các ngoại tệ là không đúng thực chất. Kinh tế Việt Nam liên tục bị lạm phát trong nhiều năm thì đương nhiên VND phải mất giá (điều này cũng nói lên là tăng trưởng của Việt nam là không thực chất). Lẽ ra khi VND luôn mất giá, tỷ giá phải thường xuyên được điều chỉnh theo đúng quy luật Cung Cầu thì đâu có sự thay đổi tỷ giá “giật cục” như những lần vừa qua. Tiền của mỗi quốc gia thực chất là “hàng hóa đặc biệt” và chỉ có Nhà nước độc quyền phát hành ra lưu thông nhưng nó còn thể hiện sức mạnh của nền kinh tế mỗi quốc gia. Muốn tăng sức mạnh cho nó thì phải sử dụng các “liệu pháp” kinh tế bồi bổ cho nó chứ đâu có thể “ấn định” mà được. Dù ông Thủ tướng có ra lệnh không thả nổi tỷ giá thì cũng chỉ là nói cho vui mà thôi vì Việt Nam đâu có phải là một “ốc đảo”. Việt Nam đã gia nhập WTO rồi, Việt Nam có đầu tư của nước ngoài và Việt Nam vẫn buôn bán với nước ngoài. Tiền VND ngày càng xuống giá, thử hỏi làm sao mà bắt các quốc gia khác trao đổi theo tỷ giá “ấn định” được? Nợ nước ngoài của Việt Nam cao lắm rồi, dự trữ ngọai tệ cũng cạn kiệt, nhập khẩu phải hạn chế thì xuất khẩu cũng sẽ hạn chế (vì nguyên nhiên liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu để làm hàng xuất khẩu giảm, tài nguyên cũng phá gần hết, còn đâu để xuất khẩu). Như vậy, thử hỏi tỷ giá ngày hôm nay sẽ giữ được trong bao lâu mà nói không thả nổi?

Về “dứt khoát thứ hai’: ông Thủ tướng so VN với các nước trên thế giới thì tôi thấy rất khập khiễng. Ông cần biết vì sao các nước đó họ không có chợ đen ngọai tệ (hoặc có nhưng nhỏ bé) và trước đây đã có thời kỳ nào họ không có chợ đen ngọai tệ hay không? Tại sao lại xuất hiện chợ đen ngọai tệ? Việc cấm thị trường chợ đen ngọai tệ và vàng có khả thi hay không? Ông Thủ tướng có còn nhớ có thời kỳ ở Việt Nam và ở các nước khác (không phải là nền kinh tế thị trường) mặc dù về mặt chính thức chỉ có “mậu dịch Nhà nước” cung cấp đủ mọi thứ hàng hóa nhưng vì thiếu thốn nên mới sinh ra chợ đen hàng hóa, thậm chí cả chợ đen bán tem phiếu (cả tem phiếu của cán bộ Nhà nước trung cao cấp), rồi quần áo bộ đội, và nhiều thứ nữa hay không? Và trong điều kiện nào thì sẽ không còn chợ đen nữa? Tự ông Thủ tướng trả lời mấy câu hỏi đó thôi, thì ông sẽ hiểu là tuy ông có “giận dữ” trong lúc nói điều “dứt khoát” thứ hai này thì chỉ thể hiện ông là người không có bản lãnh hay bất lực trước tình thế mà tức giận đấy. Ông cũng lại nói: “không một đất nước nào như đất nước chúng ta mua thịt cũng tính bằng …”đô”

“ Vậy ông có biết tại sao cái gì cũng tính bằng “đô” không? Và với nhà cửa còn tính bằng “cây và chỉ” nữa kia!

Vì dân mình thì nghèo, một nắng hai sương nên quý sức lao động lắm, nếu tính bằng VND thì VND chỉ qua tuần qua tháng đã mất giá rồi nên không thể hạch toán được sản phẩm do mình làm ra, lời hay lỗ thế nào cho đúng! Ngay cả ông Thủ tướng khi so sánh giá cả của Việt Nam với các nước (ví dụ giá điện, trừ khi nói đến tiền lương) ông cũng tính bằng “đô” đấy thôi? Còn nữa; vì đồng “đô” nó ổn định và nó có sức mạnh, là đồng tiền được dùng trong cán cân thanh toán quốc tế, nên chắc chắn là ai cũng thích rồi, có phải vậy không, thưa ông Thủ tướng? Và chắc ông còn nhớ (à quên mất, khi ấy thì ông chưa ra đời) khi đồng tiền “quan hỏa” của quân Tưởng theo phân công của Đồng minh vào tước vũ khí của quân Nhật ở Việt Nam đem vào sử dụng, người dân Việt Nam sợ còn hơn là phải cầm những tờ giấy lộn; vì thế có nơi chỉ trao đổi với nhau bằng tiền “Đông Dương” hoặc hàng đổi hàng hay không?

Về “dứt khoát thứ ba”: ông Thủ tướng ra lệnh cho các Tập đoàn Nhà nước phải bán hết ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước thì tôi hoàn toàn đồng ý và lập luận của ông rất cách mạng, chắc chắn là nhân dân đồng thuận. Nhưng tôi e rằng trước mặt ông Thủ tướng thì họ vâng dạ, nhưng vì quyền lợi cục bộ thì chưa chắc họ đã thực thi! Vì tôi thấy: điển hình như vụ Vinashin, khi ông Thủ tướng đã ký lệnh cho nó không mua tàu gì đó, vậy mà ngay hôm sau nó đã ký ngay hợp đồng “trót mua mất rồi” để hậu họa rành rành trước thiên hạ, chẳng phải là một bài học nhãn tiền hay sao? Hay như việc chống tham nhũng, chống cách làm ăn không hiệu quả của các Tập đoàn, hô hào thì to tát nhưng bao năm rồi tình hình “nguyễn y vân”.

Thôi nhân thể đọc bài báo nói về “Ba dứt khoát” của ông Thủ tướng, tôi xin mạo muội được bình luận đôi lời như trên, nói nhiều quá sợ ông nghe không lọt.

LH


Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét