Nguyễn Hữu Quý
Có lẽ chỉ có Thống đốc NH mới hiểu thực trạng nền kinh tế?
(Ảnh: vnexpress.net, ngày 25/12/2010)
Ngày 25/12/2010 mạng Bauxite Việt Nam đăng bài “Vào năm 2011, Vinashin trả nợ hay tiếp tục khất nợ???”, của tác giả Lê Trung Thành, người có nhiều bài viết về Vinashin trên mạng Bauxite Việt Nam. Có thể nói, ngoài việc am hiểu về Vinashin, về lĩnh vực tài chính – ngân hàng, tác giả Lê Trung Thành còn có lối viết để những người không am hiểu về hai lĩnh vực này rất dễ hiểu và bị cuốn hút.
Là người theo dõi Vinashin, không chỉ vì khoản nợ khổng lồ của nó mà mọi người đã biết, sau khi sự kiện này đi ra từ diễn đàn QH, thực tình, là người VN ai cũng mong Vinashin qua cơn hoạn nạn, bởi vì, có lần người viết bài này đã từng nói “Việt Nam – một quốc gia biển thì không thể không có ngành công nghiệp đóng tàu…”, nhưng thực tế, Vinashin đang gặp muôn vàn khó khăn.
Đọc qua bài viết, tôi “thu hoạch” được các dữ liệu sau:
1. Nói về việc trả nợ của Vinashin:
Theo tác giả Lê Trung Thành, trong năm 2011, VNS cần có 300-350 triệu USD để thanh toán các khoản nợ nêu trên. Số tiền này không bao gồm phần trả lãi, gốc đã quá hạn hoặc đến hạn của rất nhiều ngân hàng thương mại và ngân hàng phát triển trong nước mà VNS đã vay mượn.
Khoản nợ phải trả gốc, trả lãi bình quân mỗi năm là 240-250 triệu USD sẽ kéo dài từ năm 2012 tới năm 2015.
Đến đầu năm 2016, VNS phải thanh toán đủ 750 triệu USD vay từ tháng 10-2005 cho các chủ nợ quốc tế.
Năm 2017, đến hạn trả gần 10 ngàn tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD) trái phiếu công ty mà VNS phát hành năm 2007.
2. Nói về lãi suất vay:
Nếu như ta biết rằng, lãi suất vay của Vinashin đối với các tổ chức tài chính nước ngoài chỉ là 4,50-5%/ năm (trích dẫn trong bài), mà đã đưa Vinashin đến tình trạng phá sản [tất nhiên nguyên nhân chính để Vinashin sụp đổ là ở góc độ khác], thì lãi suất tiền đồng VN mà các ngân hàng cho các doanh nghiệp VN vay ở mức 15-17%/ năm; thì việc doanh nghiệp VN không phá sản hàng loạt trong những năm tới thì mới là chuyện lạ?!
Cũng trong ngày 25/12, các báo đều đưa tin: Uỷ ban kinh tế và Thường trực QH làm việc với Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu, và báo vnexpress.net đã đăng bài “Thống đốc ngân hàng: Lạm phát không phải do quản lý tiền tệ”. Mặc dù không am hiểu về lĩnh vực này, nhưng theo tôi, chính cái tiêu đề bài báo này đã nói lên rằng, nền kinh tế nước nhà, xem ra là rất mong manh.
Có lẽ, chỉ có những người am hiểu về nó như Thống đốc Nguyễn Văn Giàu mới hiểu hết được, và nhìn khuôn mặt đăm chiêu của ông trong buổi “điều trần tại Văn phòng Quốc hội sáng 25/12” đã cho ta thấy điều đó.
Có một điều cũng rất lấy làm lạ, các báo nói rằng, “đây là lần đầu tiên Ủy ban tổ chức một buổi làm việc như vậy”. Vậy thì, hoá ra, 65 năm qua, QH Việt Nam và UB kinh tế của QH xem như “khoán trắng” cho các Bộ, ngành trong điều hành hai lĩnh vực xương sống này (?!); phải chăng, có điều gì đó rất nghiêm trọng cho nên mới có “ngoại lệ” này?
Cũng trong bài “Thống đốc ngân hàng: Lạm phát không phải do quản lý tiền tệ”, có một câu phát biểu của cựu Thống đốc Ngân hàng, ông Cao Sỹ Kiêm, rằng, “Tôi thấy năm suy thoái ngân hàng cũng có lãi. Năm nay lạm phát cao mà nhiều ngân hàng vẫn lãi tới 2.000 tỷ đồng. Trong khi doanh nghiệp thì khó khăn. Nhìn vậy "ngứa mắt" lắm”.
Cũng vì tò mò, mà tôi đã viết một bài có tựa đề “Doanh nghiệp Việt Nam lao động chỉ để nuôi hệ thống ngân hàng?”, phải chăng đúng là như vậy?
Và nếu đúng vậy thì nguy to thật rồi!
Vì không phải là chuyên gia trên bất kỳ lĩnh vực nào và ngại đọc các tài liệu nghiệp vụ về tài chính – ngân hàng, nhưng là người Việt, tôi quan tâm đến đất nước thông qua việc theo dõi tình hình quan hệ VN-TQ, được biểu hiện trên các vấn đề như Biển Đông, dự án Bauxite Tây Nguyên, Innov Green… và tất nhiên, không quên quan sát sự vận hành của nền kinh tế, xã hội của đất nước nói chung…
Dự thảo “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH”, mà Đảng đã công bố lấy ý kiến rộng rãi, theo đó, Đảng vẫn khẳng định “Ði lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh”, khẳng định “Nâng cao vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; phải chăng, một nền kinh tế mà “Với mức lãi suất hiện nay 17-18%, thậm chí 20-21%, dù là về lý thuyết lãi suất rất hợp lý…” là sản phẩm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng đang hướng đến (?!).
Và “…Năm nay lạm phát cao mà nhiều ngân hàng vẫn lãi tới 2.000 tỷ đồng. Trong khi doanh nghiệp thì khó khăn. Nhìn vậy "ngứa mắt" lắm”, … cũng là một mặt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng đang hướng đến (?!).
Thế thì... Hu hu!!!
N. H. Q.
26.12.2010
Nguồn: Nguyenhuuquy Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét