Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

Cái bụng thiêng liêng

Nguyễn Quang Thân


Tờ 100 tỷ đô vừa được Zimbabwe phát hành chỉ mua được 3 quả trứng. Zimbabwe là nước có mức lạm phát cao nhất thế giới, 2,2 triệu %. - Internet


Lạm phát một hay hai con số, chỉ số giá cả tăng có thể làm các nhà chính khách giật mình, các kinh tế gia đau đầu. Nhưng với người lao động, những phép tính trừu tượng ấy lại trở thành cụ thể. Đó là những đêm không ngủ, những ngày lao động vã mồ hôi và đã từng xảy ra những vụ ngất xỉu một lúc nhiều người trong trường học, trong xí nghiệp.

Vì những người lao động cũng như bất kỳ ai, có cái bụng. Nó đòi hỏi được no để làm việc dù làm như cái máy trong dây chuyền xí nghiệp hiện đại hay thổ mộc “ăn no vác nặng” trong hầm mỏ, trên cánh đồng.

Một nhà nước vì dân trước hết phải nghĩ đến cái bụng của dân. Cái bụng của dân yên thì nước thái bình, thịnh trị. Từ đầu năm 2010 đến nay, báo chí đưa nhiều tin về các cuộc đình công của công nhân từ Trà Vinh đến Thái Bình. Cao trào như tháng Tư có tới 10.000 công nhân xí nghiệp giày 100% vốn nước ngoài ở Đồng Nai đình công đòi nâng bữa trưa từ 5000 ngàn đồng lên 10 ngàn. Cũng tháng Tư, khoảng 5.000 công nhân Công ty liên doanh Chí Hùng chuyên sản xuất, kinh doanh giày tại xã Thái Hòa, huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) đã tiếp tục đình công đòi cải thiện bữa ăn. Theo các công nhân, hiện nay suất ăn dành cho công nhân rất nghèo nàn, chỉ hơn 7.000 đồng/suất không đủ tái tạo sức lao động.

Vấn đề đơn giản, đòi hỏi không cao xa. Tăng 7 lên 10 ngàn là chỉ mới thêm một cái trứng vịt, hay nửa mớ rau muống, hay một bịch cà muối vào bữa cơm. Đâu phải yến sào hay vi cá mập. Đòi hỏi ấy chưa đến mức “cầm cuốc chôn chủ nghĩa tư bản” mà các ông chủ phải sợ. Đó chỉ là tiêng sôi của cái bụng đói. Chỉ năm ngoái thôi, 7 ngàn một bữa trưa là tạm đủ sức đứng máy cả chiều. Nhưng vật giá lên gấp rưỡi, gấp đôi thì bảy ngàn chỉ còn ba ngàn rưỡi. Phép tính ấy không cần phải các nhà kinh tế mới tính được. Chỉ số CPIt hay CPIx của các vị ấy đưa ra cao siêu khó hiểu lắm, chỉ biết ra chợ mớ rau muống thấy đã lên 8 ngàn đồng.

Tiền trong ATM không bị ai lấy trộm nhưng thật sự bị bốc hơi bởi những phép nhiệm mầu mà người lao động ít học không thể biết được là phép gì. Nghe nói CPI nói được tăng giảm giá cả nhưng không đánh giá được chất lượng. Người lao động dùng cái bụng đánh giá được cả hai. Ví như ổ bánh mì, vẫn hai đến ba ngàn nhưng ổ bánh năm ngoái ăn tạm lửng bụng, ổ bánh năm nay vo viên lại chỉ bằng quả trứng chim cút. Cái bụng nó “kiểm toán” được liền. Nó vô tư, nó hồn nhiên, không có khuynh hướng chính trị tả hay hữu. Nó biết ông chủ lò bánh mì không tăng giá để lừa các siêu sao tính CPI nhưng ông bớt lại một nửa bột mì và tăng gấp đôi bột nở, ai biết chết liền nhưng cái bụng thì biết hết.

Ai cũng biết công nhân đình công là chuyện bất đắc dĩ. Mất thu nhập, có thể mất cả việc làm. Nhưng đây là mệnh lệnh của “cái bụng”. Bụng đói thì đầu gối phải bò, phải đấu tranh với chủ để được no. Có “ăn no” mới đủ sức “vác nặng”. Ông chủ nào muốn công nhân siêng năng vác nặng cho mình thì phải cho họ ăn no. Nhưng buồn thay không mấy ông chủ chịu biết điều đó hay giả vờ như không biết điều đó. Nhiều ông chủ mơ màng công nhân sống bằng không khí và những lời tán tỉnh hoa mỹ, bốc thơm nhưng lại vui vẻ “vác nặng” cho mình làm giàu. Thế mới buồn! Nhưng thế mới là ông chủ!

Xin hãy thôi đi niềm tự hào về ưu thế đầu tư trên giá lao động rẻ. Xin hãy nhìn xa hơn, tinh tế hơn một chút. Hai, ba thế kỷ trước, hàng chục triệu người lao động châu Phi phải lên tàu sang châu Âu, châu Mỹ để bán sức lao động, thực chất là nô lệ lao động. Ngày nay thế giới “hòa nhập”, người lao động hãy ở tại chỗ, anh đưa nhà máy tới để các cưng làm nha cưng! Nhưng tiền lương thì chuyện khác. Một người thất nghiệp đi lau nhà ở Paris lãnh 10 oi một giờ. Cô công nhân từ Hà Tĩnh vào đóng giày ở Bình Dương, xinh hơn, có thể chịu thương chịu khó hơn, may ra được lãnh 100 oi cả tháng, tức chỉ bằng 10 giờ của cô gái châu Âu kia. Hãy nhìn xa hơn để thấy, giá lao động rẻ có thể thu hút đầu tư, người được hoa hồng, người được lại quả, dân có thêm việc làm, ai cũng vui vẻ, nhà báo có nhuận bút ca ngợi môi trường đầu tư. Nhưng tương lai, khi các nhà máy nhả ra một thế hệ công nhân già nua, suy dinh dưỡng, bệnh tật (vì làm nhiều ăn ít), sinh ra một thế hệ còi cọc thì liệu còn có cái sức lao động dù rất rẻ ấy để tiếp tục bán nữa hay không?

Nhà thơ cộng sản Nazim Hitmet (Thổ Nhĩ Kỳ) có bài thơ về “cái bụng thiêng liêng”. Lão Tử, triết gia cổ đại Á Đông, khuyên “thánh nhân” tức các nhà cai trị rằng, với dân thì cần “hư kỳ tâm” (làm cho lòng dân yên tĩnh, nhẹ nhàng ít bất mãn), bên cạnh đó nhất thiết phải “bão kỳ phúc”! (cái bụng dân phải no đầy). Cái bụng quả thật quan trọng, quả thật thiêng liêng chứ đâu phải chỉ chứa những điều ô trọc, phàm tục.

N. Q. T.

Nguồn: Vanhocfamily

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét