TIỀN HẢI, “ CÁI NÔI “ CỦA NGÀNH DẦU KHÍ VIỆT NAM ĐANG “ HỤT HƠI “ ?!
Giếng khoan thứ 2 khoan 1976 đã phun dầu
Ghi chép của Phạm Viết Đào
Chủ nhật, Nguyễn Xuân Dĩnh nguyên Vụ phó Vụ Dầu khí của Bộ Công thương, Bỳ Văn Tứ nguyên Trưởng Ban Dự án Đầu tư Đạm Phũ Mỹ, vốn là 2 anh bạn cùng học với tôi hồi ở Romania; 2 anh học ngành dầu, còn tôi theo nghiệp văn chương, kéo tôi đi cùng với 2 nhà doanh nghiệp trẻ Nguyễn Văn Năng, Phó Giám đốc Công ty Citygas và Hải-Đồngminhgas về thăm Tiền Hải, Thái Bình thăm một cái nôi của ngành dầu khí Việt Nam.
Phó Giám đốc Sở Công thương Thái Bình Nguyễn Tuấn chủ trì buổi hội thảo
Các anh rủ tôi về Tiền Hải bởi theo các anh đây nơi đích thực cắt “ cái rốn” đầu tiên cho những bước đi chào đời của ngành dầu khí, cái ngành gắn bó, duyên nợ với cả cuộc đời của các anh; cái duyên cái nợ này có thể khiến cho một kẻ luôn máu mê viết những chuyện “ phù suy “ như tôi có đất mà múa bút...
Theo anh Bỳ Văn Tứ, các chuyên gia Liên Xô đã khảo sát và dự đoán từ những năm sáu mươi: vùng Tiền Hải, Thái Bình có khả năng có dầu và khí; thế nhưng công việc khoan thăm dò, một công việc bắt buộc đối với công nghiệp khai thác dầu khí chính thức bắt đầu từ năm 1974 và năm 1975, hai giếng khoan đầu tiên tại đây đã phun dầu. Hình ảnh này được Tivi nhiều lần đưa và coi nó như “ chiếc rốn “ đầu tiên của ngành dầu khí Việt Nam…
Trên đường về Tiền Hải, chúng tôi ghé nhà anh Nguyễn Xuân Nhữ ở thành phố Thái Bình, một kỹ sư địa chất đã lăn lộn từ những ngày đầu ở Tiền Hải, để rủ anh đưa đường đến thăm cái rốn dầu đầu tiên khoan sâu 1700 m và đã có dầu phun lên năm 1975.
Chúng tôi tìm đến vị trí của 2 giếng khoan hiện đang nằm trong khuôn viên của Công ty Dầu khí sông Hồng, cái giếng khoan đầu tiên, theo anh Nhữ cho biết được đặt tên là Giếng khoan 61, khởi công khoan năm 1974, năm 1975 đã có dầu phun lên, hiện giờ được rào vây quanh bằng lưới B 40.
Giếng khoan đầu tiên phun dầu năm 1975...
Cái giếng này bây giờ không còn dầu và khí nữa, Xý nghiệp khai thác nước khoáng Tiền Hải đang sử dụng giếng này để khai thác nước khoáng. Chúng tôi đành đứng ngoài để chụp mấy kiểu ảnh làm tư liệu. Chúng tôi chỉ có thể tiếp cận cái giếng khoan thứ 2 được khoan năm 1976, cũng trong khuôn viên hiện nay được giữ lại như một thứ di tích.
Theo anh Nhữ cho biết: Công ty Sông Hồng trong năm 2010 có khả năng chỉ khai thác được cỡ 4 triệu tấn m3 khí; thời điểm thịnh vượng ở đây hút lên được 50 triệu m3/năm; năm 2009 còn hút lên được 10 triệu tấn…Đây là một điều đáng báo động đối với khu Công nghiệp Gốm sứ, gạch men Tiền Hải được xây dựng lên ồ ạt để đón khí Tiền Hải.
Tiền Hải được coi là thủ phủ của ngành gốm sứ Việt Nam, hiện có hàng chục xý nghiệp đầu tư vào đây với số lượng công nhân ngót nghét vạn người, có xý nghiệp có tới cả ngàn công nhân… Nếu không có nguồn năng lượng thay thế cho khí Tiền Hải thì khả năng khu công nghiệp Tiền Hải sẽ sập tiệm.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất gốm sứ ở đây đang tích cực tìm nguồn năng lượng thay thế, một giải pháp đã được triển khai là dùng than hóa khí để cung cấp cho lò nung nhưng xem chừng tiền đồ không mấy sáng sủa. Dùng than hóa khí vừa có giá thành cao, gây ô nhiễm và chất lượng của sứ ra lò không đạt chất lượng bằng sử dụng khí gas thiên nhiên.
Đây cũng chính là đầu đề bài toán nan giải của khu công nghiệp này; đây cũng chính là lý do, đề tài để 2 anh Nguyễn Xuân Dĩnh và Bỳ Văn Tứ kéo tôi đi theo để chứng kiến một cuộc “xe duyên” giữa các doanh nghiệp gốm sứ Tiền Hải, Thái Bình với 2 doanh nghiệp cung cấp khí đó là Citygas và Đồngminhgas…
Hai doanh nghiệp này có tham vọng sẽ là nhà đầu tư tham gia cung cấp khí gas thay thế cho khí gas đang “ hụt hơi” của khu công nghiệp Tiền Hải Thái Bình. Cuộc gặp gỡ, tiếp xúc này để các doanh nghiệp cung cấp khí gas trình bày phương án đầu tư, trình bày phương án đầu tư bằng một giải pháp công nghệ kỹ thuật mới, được tổ chức vào sáng thứ 2 ngày 18/10/2010 do Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Tuấn chủ trì. Tham dự có khoảng một chục các các doanh nghiệp gốm sứ, gạch men, thiết bị vệ sinh Tiền Hải.
Theo anh Dũng, Giám đốc Công ty Đonglamcera thì hàng năm khu công nghiệp Tiền Hải Thái Bình đang cần một lượng khí gas khoảng 70-80 triệu m3; nếu nhà đầu tư có giải pháp kỹ thuật để đưa được khí gas từ miền nam ra với giá bán không cáo hơn giá của than hóa khí, các doanh nghiệp sẽ hết sức hoan nghênh, sẵn sàng tham gia đầu tư để dự án này nhanh chóng được triển khai…
Anh Hải, Giám đốc Đồngminhgas, một người từng học ở Nga, nhà cung cấp giải pháp kỹ thuật đã lên trình bày giải pháp kỹ thuật biến gas từ thể khí chuyển sang thể lỏng. Với giải pháp và giây chuyền công nghệ này, khi hạ nhiệu độ của gas xuống 162 độ bách phân thì thể tích của gas sẽ giảm xuống 600 lần…Như vậy, nếu đầu tư cho công nghệ này thì trước mắt mỗi ngày bình quân chỉ cần 3-4 xe chuyên dụng chở tù miền nam ra là đủ cung cấp khí đốt cho khu công nghiệp Tiền Hải. Với giải pháp kỹ thuật này, nếu các bên quyết tâm đầu tư thì trong vòng 6 tới 9 tháng, Citygas và Đồngminhgas có thể mang khí hóa lỏng cung cấp cho Tiền Hải thay thế công nghệ than hóa khí…
Theo anh Hải thì giải pháp kỹ thuật này là một phát minh của người Nga và đã được ngành công nghiệp Trung Quốc áp dụng rộng rãi. Hiện nay Trung Quốc đã sử dụng công nghệ này để chở khí gas từ vùng Tân Cương, về cung cấp cho vũng Đông Bắc Trung Quốc với một cung đường đúng bằng từ Tiền Hải đến miền Đông Nam Bộ.
Đó là giải pháp chữa cháy trước mắt, còn sau khi thành công, ổn định thì Đongminhgas có thể thay thế phương tiện vận tải bằng ôtô bằng tàu biển thì giá thành sẽ hạ hơn…
Các nhà doanh doanh nghiệp Tiền Hải đang chăm chú nghe giải pháp
Ngồi nghe thuyết trình và sự trao đi đổi lại thì thấy cuộc xe duyên này có vẻ có nhiều triển vọng thành công vì cả hai bên đều thật sự cần đến nhau; nhưng để có thể tác thành được thì lại phải có một điều kiện cần và đủ: giá thành, điều kiện và giải pháp kỹ thuật đáp ứng và môi trường sử dụng và cung cấp khí gas ổn định trong một thời gian nhất định; có như thế nhà đầu tư mới thu hồi được vốn đầu tư, nhà sản xuất được hưởng nguồn nhiên liệu mới với giá hợp lý…
Về giải pháp kỹ thuật của giây chuyền công nghệ thì: đây là một công nghệ mới hoàn toàn đối với Việt Nam nhưng không mới với thế giới; nhiều nước đã áp dụng công nghệ này. Vấn đề để công nghệ này áp dụng được môi trường Tiền Hải nói riêng và trong ngành dầu khí nói chung thì cần phải có sự xác lập một trường ổn định ở các nhân tố sau:
- Nhà đầu tư và các cố đông sẵn sàng góp vốn với điều kiện Petrovietnam cam kết cung cấp đủ nhu cầu khí cho khu công nghiệp Thái Bình theo giá bán giành cho ngành điện và ngành phân bón;
- Nhà đầu tư và nhà cung cấp kỹ thuật giây chuyền công nghệ đảm bảo cung ứng, cung cấp nhiêu liệu tới cổng nhà máy an toán, đầy đủ và đúng tiến độ với giá bán hợp lý được 2 bên thỏa thuận…
Hai điều kiện này rõ ràng cần sự bảo lãnh, bảo hiểm từ cả phía nhà nước địa phương: Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình phải làm việc được với Petrovietnam, để được Petrovietnam cam kết cung cấp nguồn khí ổn định trong khoảng 10 năm vì ngành dầu khí là ngành do nhà nước thống nhất quản lý. Có sử dụng ổn định trong thời gian đó thì mới đảm bảo cho vốn đầu tư được thu hồi…
Đây là một bài toán, đối với kẻ ngoại đạo về kinh doanh như tôi cũng thấy là không khó, cái khó là những người chơi có thật lòng, có thiện chí, có sòng phẳng, minh bạch với nhau không, cùng nhau chia mọi khó khăn thuận lợi với nhau. Nếu dự án này thành công thì mở ra một chân mới cho các khu công nghiệp phía bắc đang thiếu khí, trong khi lượng khí chủ yếu vẫn nằm ở khu vực phía nam…
Anh Nguyễn Tuấn, người chủ trì cuộc hội thảo đã kết luận: UBND tỉnh Thái Bình sẽ vào cuộc, sẽ là đầu mối chắp nối để các doanh nghiệp gắn kết với nhau vì sự nghiệp nhiên liệu cho công nghiệp Thái Bình. Muốn tỉnh ra tay, các doanh nghiệp phải thỏa thuận được với nhau, phải đồng thuận được với nhau thì tỉnh mới vào cuộc được; tức phải có được sự liên kết của “ ba nhà “.
Cuộc họp kết thúc gần 12 giờ trưa, khá mệt vì cả một buổi đầu tôi ong lên bởi những thuật ngữa kỹ thuật, kinh tế cả tiếng Anh pha tiếng Việt…Trên đường về, không chỉ tôi mà cả Bỳ Văn Tứ cũng đăm chiêu suy nghĩ. Tôi hiểu, đối với Bỳ Văn Tứ là người lăn lộn với ngành dầu khí Việt Nam từ những ngày đầu tiên. Anh tốt nghiệp trường dầu năm 1971, chuyện dầu đã gần như ngấm vào trong máu, vào trong nhịp thở của các anh giống như tôi chữ nghĩa đối với tôi. Đã mang lấy nghiệp vào thân, đối với những kẻ như tôi, hàng ngày làm cái việc “dở khôn dở dại” tìm cách chuyển tải những điều suy nghĩ, cảm xúc của mình về nhân tình thế thái, về chuyện đời vào blog, để tung lên trời thì đối với những con người như Bỳ Văn Tứ, bao năm lăn lộn với nghề, nếu không bàn đến chuyện dầu khí, không trăn trở về chuyện dầu khí có khi ăn không ngon, ngủ không yên…
Bỳ Văn Tứ nguyên là Trưởng ban Dự án Đạm Phú Mỹ, anh đã bị bắt bỏ tù vào đúng ngày dự án mà anh là Trưởng Ban khánh thành. Ban quản lý được khen thưởng vì đã hoàn thành đúng tiến độ, được thưởng huân chương còn Trưởng ban thì bị tống vào nhà giam để rồi ngồi bóc lịch 16 tháng. Bỳ Văn Tứ cho biết, những ngày đó nếu không nghị lực lắm thì cũng đã tìm cách tự tử trong tù vì uất ức.
Từ phải sang trái: Anh Nguyễn Xuân Nhữ, Nguyễn Xuân Dĩnh, Bỳ Văn Tứ...
Theo bạn bè ngành dầu khí của tôi cho biết, hiện nay Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ vẫn là dự thành công nhất của ngành dầu khí. Dự án được Chính phủ duyệt 450 triệu USD như khi quyết toán chi tiêu hết 385 triệu USD. Hiện nay hàng năm thu lãi khoảng 1000 tỷ đồng nộp ngân sách. Thế nhưng Bỳ Văn Tứ và một số anh em đã bị ông Lương Cao Khải và bộ sậu của Thanh tra Chính phủ vào thanh tra kết cho những tội tài đình và bị tống giam vì đã gây thiệt hại cho nhà nước. Nhưng rồi trời cũng có mắt, sau 16 tháng, Bỳ Văn Tứ được ra và kẻ thay thế anh lại là Lương Cao Khải…Bỳ Văn Tứ vẫn hứa với tôi sẽ có ngày kể cho tôi nghe về những duyên nợ của anh với cái nghề, cái nghiệp mà anh đã chọn.
Nguyễn Xuân Dĩnh, Bỳ Văn Tứ những người đã về hưu kéo tôi về Tiền Hải lần này cũng để cho tôi hình dung ra được phần nào cái sự gian truân, khốc liệt, đen bạc của cái ngành dầu khí, một ngành thu được nhiều tiền và thời thượng hiện nay.
Tôi biết, Bỳ Văn Tứ được các công ty mời làm tư vấn cho dự án này vì tin vào tiếng nói và uy tín của anh. Dự án làm ăn lớn nào mà không phải có những khó khăn, phải chấp nhận phiêu lưu và trả giá; ngoài trí tuệ, tiền của đôi khi cả sinh mạng chính trị của cả một đời người. Tóc đã bạc vì phong sương, Bỳ Văn Tứ và Nguyễn Xuân Dĩnh lao vào dự án đầu tư khí cho Tiền Hải như một thứ trách nhiệm bảo trì, bão dưỡng một biểu tượng của ngành, nơi mà các anh đã dốc một phần tâm sức của tuổi trẻ cho công trình này.
Do ngành dầu khí lên tiếng là có dầu, có khí, thế là các xý nghiệp đổ xô vào đầu tư…Thế nhưng ở đời ai dám chắc chữ ngờ; chỉ được hơn 30 năm, nguồn khí đã cạn dần, còn dầu thì không đủ trữ lượng khai thác. Nhà văn Văn Chinh quê ở Tiền Hải kể với tôi: cũng có lúc do người Thái Bình ta vung phí khí gas, dùng nó để nung vôi. Do kỹ thuật không giải quyết được nên khí thì mất mà vôi thì khộng đạt chất lượng. Còn giờ đây sự lay lắt của khu công nghiệp gốm sứ này bắt đầu le lói. Có những lô hàng xuất phải xuống hạng vị chất lượng không đạt. Giá thành bắt đầu đội lên? Tất cả những cái đó đều không thể trách ai. Phải làm cách nào cứu nó; ngành dầu khí không thể để cho những bạn hàng ruột của mình tự vật lộn với rủi ro. Thế là bài toán tìm công nghệ khí hỏa lỏng cung cấp cho Tiền Hải được đặt ra và Nguyễn Xuân Dĩnh và Bỳ Văn Tứ lao vào…
Trạm thu khí của Công ty Sông Hồng
Tôi tin Petrovietnam sẽ không bỏ mặc cho Tiền Hải, Thái Bình tự xoay xở mà sẽ chung tay để cứu một biểu tượng liên kết làm ăn của ngành dầu khí không bị sụp đổ. Cách đây hơn một năm ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước đã dắt một đàn trâu tương đương 5 tỷ đồng để tặng cho đồng bào vùng Bắc Bó- Cao Băng, nơi được coi là một trong những cái nôi của cách mạng. Cách mạng đã thành công hơn 60 năm nhưng bà con ở đây có đổi đời được bao nhiêu.
Tôi tin ý chí của Bỳ Văn Tứ, Nguyễn Xuân Dĩnh, của Citygas, Đồngminhgas của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình sẽ được Petrovietnam hỗ trợ, đáp ứng tối đa. Vấn đề còn lại đó là bài toán công nghệ, bài toán kỹ thuật không mới với thế giới nhưng là lần đầu đối với Việt Nam. Các nhà kỹ thuật có khả năng đảm bảo khí gas mang được về Tiền Hải an toàn và hợp lý giá? Đây là câu hỏi, bài toán giành cho các nhà kỹ thuật…
Con đường ngổn ngang cho thấy sự khó khăn đã xuất hiện của khu công nghiệp Tiền Hải hôm nay
P.V.Đ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét