ĐÊM CỦA MỘT NGÀY NHIỀU CHUYỆN
Ngày hôm nay, quả là phải nghe, xem, đọc quá nhiều câu chuyện. Dưới đây xin kể lại vài đầu mục để hầu chư vị:
1. Vụ xe khách gặp nạn lao xuống sông Lam và nằm dưới sông mấy ngày nay đã được trục vớt thành công vào lúc sẩm tối nay là sự kiện được chú ý nhất trong ngày. Hiện vẫn còn 5 nạn nhân mất xác dưới lòng sông. Tang thương phủ kín một mạn sông Lam khiến cho ai cũng phải đau lòng, khi xem tường thuật trực tiếp trên Dân Trí, VietNamNet, VNExpress, Tuổi Trẻ, Tiền Phong...
Lực lượng cứu hộ đã được huy động với tất cả những gì có thể có. Trên trời là trực thăng, trên sông là tàu và ca nô, trên bờ là các cần cẩu hạng nặng và xe chuyên dụng. Nhà báo Hồ Trung Tú viết trên FB: "Thấy thợ lặn ngậm ống hơi bình bơm lốp xe lặn tìm xe chìm dưới sông mà thương. Huy động được đến cả máy bay mà không huy động được đồ lặn chuyên nghiệp chút hay sao?". Qua đây, đúng là phải xem lại công tác cứu hộ cứu nạn thật!
Thợ lặn Nguyễn Văn Son lao xuống dòng nước - Ảnh: PHƯỚC TUẦN (Tuổi trẻ Online).
2. Được biết, sáng nay, Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm Hoa Kỳ (VNPF) vừa trao tặng giải thưởng Balaban 2010. Đây là giải thưởng được VNPF trao tặng hằng năm cho cá nhân hay tập thể có đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn di sản chữ Nôm và các tư liệu Nôm cổ dành cho người trong và ngoài Hội. Năm 2009, có hai người được trao giải này là: GS. TS Nguyễn Quang Hồng (nguyên cán bộ Viện Hán Nôm) và Ông Phạm Thế Khang (nguyên GĐ Thư viện Quốc gia VN).
Giáo sư Nguyễn Quang Hồng đã có những đóng góp quan trọng như làm chủ biên cuốn Tự điển chữ Nôm, là tác giả cuốn Khái luận văn tự học chữ Nôm cùng những nỗ lực của ông trong suốt 12 năm (1994-2006) để đưa gần 10.000 chữ Nôm vào chuẩn quốc tế Unicode và ISO 10646. Ông Phạm Thế Khang được vinh danh nhờ tầm nhìn xa trong việc tạo ra Thư viện số thức đầu tiên đối với tuyển tập 4.000 văn bản cổ Hán Nôm của VN tại Thư viện Quốc gia. Thư viện này đã góp phần đưa di sản chữ Nôm đến với toàn thế giới.
Đáng tiếc, và là điều sỉ nhục cho văn hóa và học thuật nước nhà, năm nay, Giải thưởng Balaban được trao cho Ông Đào Thái Tôn (nguyên cán bộ Viện Hán Nôm). Điều này cho thấy những người trong BTC Giải thưởng không hiểu biết gì về tình hình học thuật Việt Nam nên đã tự hạ thấp danh giá của giải thưởng mang tên thi sĩ Balaban - Chủ tịch Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm và cũng là người dịch thơ Hồ Xuân Hương sang Anh ngữ, xuất bản tại Mỹ.
Ông Đào Thái Tôn là PGS. TS, từng là cán bộ Viện Văn học, Viện Hán Nôm, nay đã nghỉ hưu. Năm 2009, Nguyễn Xuân Diện đã phải mở Hồ Sơ Lưu Hương Ký gồm 72 kỳ tại địa chỉ này, để buộc Ông Đào Thái Tôn phải trả cuốn Lưu Hương ký của Thư viện Viện Văn học mà ông mượn từ từ năm 1970. Bốn mươi năm Lưu Hương ký lưu lạc với biết bao tình tiết ly kỳ làm hao tâm tổn trí và tiền bạc của các học giả: Hoàng Xuân Hãn, Tạ Trọng Hiệp, Thụy Khuê, Kiều Thu Hoạch, Đỗ Lai Thúy, Trần Đình Sử ...
3. Liên quan đến giới trí thức, được biết Hội đồng chuyên ngành xét phong học hàm giáo sư và phó giáo sư năm nay đã hoàn tất công việc. Các ứng viên đã nằm trong danh sách "ok" đã có thể ăn mừng. Được biết, năm nay, dư luận giới trí thức rất bức xúc khi biết có những người hoàn toàn xứng đáng với học vị Giáo sư thì đã bị trượt mà không có lý do rõ ràng và minh bạch. Hóa ra, bên cạnh việc xem xét các điều kiện "cứng", "mềm" như: giờ dạy, bài báo, hướng dẫn thạc sĩ tiến sĩ, giáo trình ...thì còn một điều cốt tử nữa. Đó là không bị ai trong hội đồng không ưa. Nếu chỉ cần 3 hoặc 4 người trong hội đồng không biết tới mình là ai, hoặc là không "yêu" mình thì coi như "toi".
Lại cũng được biết, có những ứng viên rất non. Vậy mà vẫn chạy đôn chạy đáo để trình hồ sơ xin phong học hàm. Kết quả là cũng đỗ! Ôi! Thật đúng là có tới "thập loại giáo sư"!
Còn đây, sự lịch lãm của Ông Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước.
4. Lại thêm một đêm nữa, đồng bào Miền Trung nằm chờ nước rút. Nước rút đi, lúa và hoa màu không trồng lại kịp. Đói. Nước rút đi, biết bao nhiêu thứ bệnh sẵn sàng xông đến: tả, lỵ, thương hàn, đau mắt. Nước rút đi, chăn màn quần áo, đồ đạc ti vi ...có cái gì dùng được, cái gì bị trôi mất...
Chiều nay, ngồi mãi đến 7h tối ở 62 Nguyễn Chí Thanh với Đoàn Tử Hoan và Nguyễn Quang Thạch. Thạch nói đã liên hệ được với một số huyện, xã ở Hà Tĩnh để đưa hàng cứu trợ của bà con ngoài này vào giúp bà con trong ấy.
Dự tính, số tiền quyên góp được, ngoài gạo còn mua thêm một ít cá khô làm thức ăn cho bà con, vì rau cỏ bị ngập hết rồi không còn gì mà ăn nữa. Ngoài ra, còn mua thêm ít thuốc tra mắt để phát cho những nơi mà y tế chưa phủ sóng kịp.
Thương các cụ già và trẻ em, có thể tính đến cả việc mua một ít sữa Ông Thọ mang vào biếu tặng. Trẻ em sơ sinh, trong điều kiện mẹ bị đói ăn và quá lo lắng có thể dẫn đến mất sữa hoặc không đủ sữa cho trẻ bú, nên việc đưa sữa vào để thêm dinh dưỡng là rất cần thiết.
Đêm đã khuya, ngày mai Nguyễn Xuân Diện phải đi sớm, xin dừng lời ở đây. Ngày mai, Nguyễn Xuân Diện không có mặt ở Hà Nội, nên việc đưa bài mới có thể không thực hiện được, mong chư vị thông cảm.
Kính chúc chư vị một đêm an giấc!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét