Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

Quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, nên như thế nào?

Quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, nên như thế nào? (phần 1)

Ngọc Trân và Trân Văn, thông tín viên RFA

2010-08-15

Kể từ khi Trung Quốc gia tăng những hoạt động nhằm xác lập chủ quyền tại khu vực biển Nam Trung Hoa – tên quốc tế cho vùng biển mà Việt Nam gọi là biển Đông, người ta bắt đầu bàn đến vấn đề “Quốc tế hóa các tranh chấp ở biển Đông”.

Vì sao cần “Quốc tế hóa các tranh chấp ở biển Đông”? Việt Nam phải làm gì để có thể đạt được lợi ích tốt nhất cho mình khi tham gia vào tiến trình này?

Đây sẽ là chủ đề chính của cuộc thảo luận giữa Trân Văn và Ngọc Trân với hai nhà nghiên cứu, một đang sống tại Việt Nam là ông Đinh Kim Phúc – chuyên nghiên cứu lịch sử Việt Nam, làm việc tại Khoa Đông Nam Á học, Đại học Mở TP.HCM, và một đang cư trú tại Hoa Kỳ là ông Lê Xuân Khoa – từng là Viện phó Viện Đại học Sài Gòn, sau đó nghiên cứu và giảng dạy về quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins.

Cơ hội đi kèm thách thức

Trân Văn: Thưa các ông, các tranh chấp về chủ quyền ở biển Đông càng ngày càng có vẻ nghiêm trọng cả về tính chất, lẫn mức độ tác động của chúng đến cục diện chính trị không chỉ riêng ở khu vực Đông Nam Á.

Có lẽ đây là lý do chính khiến càng ngày càng nhiều người đề cập đến ý tưởng “Quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông”.

Với những gì đã diễn ra trên thực tế, một số người cho rằng, “Quốc tế hóa các tranh chấp ở biển Đông” sẽ vừa là thách thức, vừa là cơ hội của Việt Nam . Các ông có nghĩ như thế không?

Ông Đinh Kim Phúc: Theo tôi, bước đầu chúng ta nên thống nhất tên gọi biển Đông là biển Đông Nam Á.

Ở đây có hai vấn đề: Trước nhất, sự thách thức là bắt nguồn từ tham vọng truyền thống của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á. Hiện nay vì luận cứ và luận chứng của họ yếu nên họ không muốn nói chuyện đa phương để giải quyết việc tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa nói riêng và khu vực biển Đông Nam Á nói chung. Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương, với mục đích sử dụng lợi thế của một nước lớn, mặc cả và gây sức ép với từng nước nhỏ đang tranh chấp.

Mặc dù việc tranh chấp liên quan đến nhiều nước trong khu vực, nhưng các nước không hợp lại với nhau thành một khối để có tiếng nói chung trong vấn đề tranh chấp.

Còn cơ hội là Việt Nam, các nước Đông Nam Á và đa số cường quốc trên thế giới đều có chung một quyền lợi chiến lược ở khu vực này là an ninh khu vực và tự do hàng hải theo thông lệ quốc tế.

Mỹ đã lên tiếng ủng hộ quan điểm quốc tế hóa biển Đông của các nước đang tranh chấp, qua bài phát biểu của bà Clinton, Ngoại trưởng Mỹ tại Diễn đàn Khu vực ASEAN cuối tháng 7 vừa qua.

Ngọc Trân: Còn ông Lê Xuân Khoa, thưa ông, ông nghĩ thế nào về vấn đề mà chúng tôi vừa nêu?

Ông Lê Xuân Khoa: Trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, tôi muốn nói đến cơ hội cho Việt Nam trước khi nói đến thách thức.

Đây là cơ hội vô cùng thuận lợi cho Việt Nam vì tại diễn đàn ASEAN hồi tháng bảy vừa qua, Hoa Kỳ và các nước ASEAN đều phát biểu quan điểm chung là cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình trên căn bản đa phương và tôn trọng luật lệ quốc tế về lưu thông hàng hải.

Quan điểm chung này ngăn chặn chính sách “chia để trị” của Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á bằng những cuộc thảo luận song phương, vừa mua chuộc vừa đe dọa với từng nước, để rồi sau hết sẽ thống lĩnh toàn thể khu vực. “Quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông không những chỉ giúp cho Việt Nam thoát ra khỏi hiểm họa Trung Quốc mà còn giúp cho các nước ASEAN vì không nước nào muốn thấy Trung Quốc dùng Việt Nam làm bàn đạp để thực hiện tham vọng bành trướng chủ quyền trong khu vực. Vì vậy các nước ASEAN sẽ càng phải đoàn kết và hậu thuẫn mạnh mẽ cho Việt Nam.

Bây giờ nói đến thách thức thì đây là thách thức đối với chính quyền Việt Nam, vì cho đến rất gần đây chính quyền Việt Nam vẫn cho thấy sự thiên lệch, có thể nói là lệ thuộc, của họ đối với Trung Quốc nhằm bảo vệ quyền lực và quyền lợi của Đảng và chế độ.

Trước thái độ ngang ngược và lấn tới của Trung Quốc, những khẩu hiệu “bốn tốt” và “mười sáu chữ vàng” đã trở thành trò hề, và nguy cơ mất nước đã trở nên quá hiển nhiên, Đảng và Nhà Nước cần phải chọn giải pháp “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, thay đổi chính sách lệ thuộc đối với Trung Quốc, thay đổi chính sách đối nội tức là từ bỏ chế độ độc tài toàn trị và thực hiện tiến trình dân chủ hóa. Liệu Đảng và Nhà nước có đủ quyết tâm và dũng cảm chấp nhận thách thức này và biến nó thành cơ hội để cứu nước và tự cứu mình hay không?

Tại sao nên thay đổi cách gọi biển Đông?

Trân Văn: Thưa ông Phúc, hình như ông không phải là người đầu tiên đề nghị thay đổi cách gọi biển Đông thành biển Đông Nam Á. Đề nghị thay đổi cách gọi biển Đông của học giới hình như là một phần của nỗ lực chung trong cuộc vận động “Quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông”. Ông có thể giải thích thêm vì sao cần thay đổi cách gọi biển Đông không?

Ông Đinh Kim Phúc: Tôi nghĩ, mặc dù tên gọi không phản ánh chủ quyền quốc gia theo những quy định của luật pháp quốc tế, nhưng tên gọi biển Nam Trung Hoa hiện đang được Trung Quốc sử dụng như một vũ khí để đánh lừa dư luận quốc tế.

Việc đề nghị đổi tên biển Nam Trung Hoa thành biển Đông Nam Á một mặt để đấu tranh chống lại cái gọi là “miền Đông Hải của Trung Quốc”, mặc khác nó cũng thể hiện ý chí hòa bình và hữu nghị giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Lê Xuân Khoa: Tôi đồng ý với câu trả lời của ông Đinh Kim Phúc. Tôi muốn nhận xét thêm rằng việc đổi tên biển sẽ không được đặt thành vấn đề nếu Trung Quốc không lạm dụng tên Biển Nam Trung Hoa để đòi hỏi chủ quyền của họ.

Việc một quốc gia dùng tên nước của họ để đặt tên cho vùng biển kế cận chỉ là một cách thuận tiện để ấn định vị trí địa lý chứ không phải để xác nhận chủ quyền. Như vậy, Biển Nam Trung Hoa chỉ có nghĩa là vùng biển ở phía Nam của Trung Hoa, cũng như Biển Đông Việt Nam chỉ có nghĩa là vùng biển ở phía Đông của Việt Nam.

Từ xưa đến nay giữa hai nước không có vấn đề tranh chấp vì những tên gọi như vậy, cho đến gần đây khi Trung Quốc thấy có cơ hội bành trướng trong khu vực đã tuyên bố chủ quyền của họ trên toàn thể vùng biển tiếp giáp tất cả các nước Đông Nam Á.

Việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên Biển Nam Trung Hoa không thể được quốc tế chấp nhận, vì như vậy, Ấn Độ cũng có thể đòi hỏi chủ quyền của nước họ trên toàn thể Ấn Độ Dương, hay ít ra cũng trên hai vùng biển tiếp giáp với bờ biển phía Đông và phía Tây của Ấn Độ, gây tranh chấp với một số các quốc gia Đông Nam Á và một số các quốc gia Trung Đông và Phi châu.

Bởi thế, để vô hiệu hóa đòi hỏi phi lý của Trung Quốc, cần chính danh hóa vùng biển phía Nam của Trung Quốc và phía Đông của Việt Nam bằng tên đúng của nó là Biển Đông Nam Á. Giới học giả Việt Nam và ngoại quốc đã đưa ra đề nghị đổi tên Biển Nam Trung Hoa thành Biển Đông Nam Á từ mấy chục năm nay rồi.

Trong tranh chấp về chủ quyền ở biển Đông Nam Á, khi Trung Quốc hơn hẳn cả về thế lẫn lực, lúc “Quốc tế hóa các tranh chấp ở biển Đông Nam Á” trở thành một cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng, nhằm bảo vệ hữu hiệu chủ quyền của mình ở vùng biển phía Đông, Việt Nam cần làm những gì để có thể đạt được lợi ích tốt nhất cho mình nếu tranh chấp được quốc tế hóa? Đó sẽ là nội dung được chúng tôi nêu ra để thảo luận với các ông Đinh Kim Phúc, Lê Xuân Khoa trong lần phát thanh tới, mời quý vị đón nghe.


(Phần 2)


Lần trước, trong cuộc trò chuyện giữa Trân Văn và Ngọc Trân với ông Đinh Kim Phúc - chuyên nghiên cứu lịch sử Việt Nam, làm việc tại Khoa Đông Nam Á học, Đại học Mở TP.HCM và ông Lê Xuân Khoa – từng là Viện phó Viện Đại học Sài Gòn, sau đó nghiên cứu và giảng dạy về quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins, qúy vị đã nghe ông Phúc và ông Khoa trình bày vì sao cần “Quốc tế hóa các tranh chấp ở biển Đông Nam Á”, cũng như nếu tham gia tiến trình này, Việt Nam có thể được gì và phải đối diện với những thách thức nào.

Lần này, Trân Văn và Ngọc Trân tiếp tục thảo luận với ông Đinh Kim Phúc và ông Lê Xuân Khoa về một vấn đề khác, đó là làm sao để có thể đạt được sự đồng thuận nơi người Việt, nhằm tạo ra sự hậu thuẫn, giúp Việt Nam đạt được lợi ích tốt nhất khi các tranh chấp ở biển Đông Nam Á được quốc tế hóa. Mời qúy vị cùng nghe…

Cần đồng thuận nhưng làm gì để đạt đồng thuận?


Ngọc Trân: “Quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông Nam Á” sẽ là một tiến trình liên quan đến nhiều bên. Trong tiến trình đó, chắc chắn là từng bên sẽ có những mục tiêu riêng phù hợp với lợi ích của riêng mình.


Điều này tạo ra mâu thuẫn có tính tất nhiên là làm sao có thể vừa đạt được lợi ích riêng, vừa tạo ra được sự ủng hộ của nhiều bên có liên quan.


Riêng với trường hợp Việt Nam, ngoài yếu tố chính quyền phải có chính sách đối ngoại khôn khéo, linh hoạt, thực tế còn cho thấy là khi đã xác định cần phải “Quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông”, không thể không quan tâm đến sự ủng hộ của người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam.


Tiếc là trong thời gian vừa qua, chính quyền Việt Nam chưa tạo được niềm tin, vốn là tiền đề của sự hậu thuẫn cho nỗ lực “Quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông Nam Á”, theo hướng có lợi nhất cho Việt Nam. Nhiều người vẫn có cảm giác rằng, chính sách đối ngoại của chính quyền Việt Nam vẫn chỉ nhắm đến lợi ích riêng của đảng cầm quyền, chứ chưa xem lợi ích lâu dài của dân tộc là ưu tiên tối thượng.


Theo các ông, chính quyền Việt Nam cần làm gì để tạo ra được niềm tin và sự hậu thuẫn của mọi người Việt?


Trân Văn: Có lẽ ông Đinh Kim Phúc trả lời câu hỏi này trước sẽ hợp lý hơn. Thưa ông Phúc, ông thấy thế nào?


Đinh Kim Phúc: Tôi không nghĩ rằng chính sách đối ngoại của nhà nước Việt Nam chỉ là phục vụ cho đảng cầm quyền vì Việt Nam là một nước nhỏ và đang sống đan xen trong quyền lợi của các nước lớn nên bước đi phải thận trọng.


Để tạo niềm tin đối với người dân, theo tôi nhà nước Việt Nam cần phải đẩy nhanh hơn nữa việc "quốc tế hóa, dân tộc hóa, công khai hóa và phi nhạy cảm hóa" trong vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông Nam Á.


Không nên ngăn cản các học giả tự do tự do nghiên cứu. Không nên định hướng các nghiên cứu, vì như thế sẽ không cho ra kết quả chính xác, trung thực.


Nên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các học giả, trí thức trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp tiếng nói chung để bảo vệ chủ quyền đất nước. Việc thạc sĩ Hoàng Việt của Đại học Luật TP.HCM không được tạo điều kiện để tham gia hội thảo hè ở Đại học Temple vừa qua là điều nên không có.


Vì sao một đất nước hơn 80 triệu dân, mà các hội thảo quan trọng liên quan đến chủ quyền quốc gia như Hội thảo hè 2010 tại Đại họcTemple vừa qua, ngoài những người đại diện cho nhà nước, không có nhiều học giả trong nước tham gia? Phải chăng giới học giả, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã không còn quan tâm tới chủ quyền quốc gia? Nếu đúng như vậy thì thật là nguy hiểm cho dân tộc.


Ngọc Trân: Thưa ông Khoa, ông có muốn góp thêm ý kiến nào vào vấn đề này không ạ?

Ông Lê Xuân Khoa: Quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông Nam Á sẽ không tạo ra mâu thuẫn giữa lợi ích riêng của mỗi nước và lợi ích chung của các nước liên quan, nếu tất cả các nước liên quan đều chấp nhận rằng quốc tế hóa vấn đề Biển Đông là giải pháp tối ưu và duy nhất có thể ngăn chặn được hiểm họa Trung Quốc. Ở đây, cần phân biệt chủ quyền ở Hoàng Sa là vấn đề riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc, với chủ quyền ở Trường Sa là vấn đề liên quan đến một số quốc gia Đông Nam Á.
Vấn đề chủ quyền ở Trường Sa rất phức tạp, đòi hỏi những bằng chứng lịch sử vững chắc và được giải quyết trên cơ sở Luật Biển của Liên Hiệp Quốc. Tôi không chuyên nghiên cứu về mặt này nhưng đã được đọc những tài liệu cho thấy rằng chính sử Trung Quốc không có bằng cớ gì chứng minh được Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Chính sử Trung Quốc cho đến đời nhà Thanh cũng đều ghi cương vực của Trung Quốc chấm dứt ở Đảo Hải Nam. Ngoài ra, việc Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm đóng Hoàng Sa năm 1974 là một hành động vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, vấn đề Trường Sa rắc rối hơn nhiều vì ngoài Trung Quốc và Đài Loan, mấy nước ASEAN như Mã Lai, Phi-líp-pin, Brunei, Nam Dương đều có liên quan, chưa kể đến những tuyên bố chủ quyền của Pháp và Anh trên một số đảo ở Trường Sa từ trên dưới 100 năm trước.
Lãnh đạo các nước ASEAN cần tạm ngưng tranh chấp với nhau và giao cho các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu các để án giải quyết. Ưu tiên trước mắt là thống nhất lập trường phủ nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc và đối thoại đa phương với Trung Quốc trên căn bản chung sống hòa bình, hợp tác và phát triển.

Về việc chính quyền cần phải làm gì để tạo được niềm tin và sự hậu thuẫn của người Việt cả ở trong lẫn ngoài nước cho những cuộc thương thuyết có lợi nhất cho Việt Nam, thì tôi đã nói đến khi trả lời câu hỏi về vấn đề thách thức và cơ hội cho chính quyền Việt Nam. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng đây là “thời cơ vàng” cho lãnh đạo Việt Nam xoay chuyển tình thế từ bất lợi sang thuận lợi, vừa có hậu thuẫn của quốc tế vừa tạo được niềm tin của nhân dân trong nước và cộng đồng hải ngoại. Muốn như vậy, chính quyền phải từ bỏ chế độ độc tài toàn trị, thực thi những quyền tự do căn bản cho nhân dân, dựa vào sức mạnh của nhân dân để thương thuyết với Trung Quốc, và đón nhận sự hợp tác của trí thức trong và ngoài nước trong các quyết định về chính sách đối nội và đối ngoại.
Trân Văn: Vừa rồi, ý kiến của ông Phúc gợi ra nơi tôi một thắc mắc, mong ông giải đáp, đó là ông có đề cập đến sự nguy hiểm do thờ ơ. Một số người không gọi sự thờ ơ ấy là nguy hiểm, họ bảo đấy là đại họa cho tương lai của dân tộc.


Là một người nghiên cứu về biển Đông Nam Á và theo dõi sát các diễn biến có liên quan đến khu vực này nói riêng cũng như chủ quyền quốc gia nói chung, theo ông, đâu là các dấu hiệu của đại họa?


Ông Đinh Kim Phúc: Theo tôi, khi người dân thờ ơ với chủ quyền quốc gia, dân tộc, và giới học giả, nghiên cứu, trí thức quay lưng lại với đất nước do các trở ngại nào đó… Một khi nhà nước lo không nổi, người dân thờ ơ, trí thức thì quay lưng, ngoảnh mặt…đấy sẽ là đại họa cho dân tộc.


Học giới cũng cần ngồi lại với nhau


Trân Văn: Trên thực tế thì những diễn biến liên quan đến biển Đông nói riêng, rồi quan hệ Việt – Trung, tương quan giữa thế và lực của Việt Nam, của Trung Quốc trong khu vực nói riêng, trên thế giới nói chung, đã cũng như đang khiến người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam thực sự lo âu.


Sự âu lo này khiến nhiều người cảm thấy cần phải làm gì đó trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Ngoài các nỗ lực cá nhân, còn có sự ra đời của nhiều nhóm. Tuy có những khác biệt nhất định về cách thức, thậm chí là về quan điểm song các cá nhân và nhóm đều cùng hướng đến mục tiêu là khơi dậy lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm, củng cố chứng cứ, luận cứ về chủ quyền.


Riêng trong lĩnh vực củng cố chứng cứ, luận cứ về chủ quyền, có một thực tế không thể không quan tâm là những nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông của học giới người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam có vẻ còn chủ quan, phiến diện.


Ngọc Trân: Tôi thấy sự chủ quan, phiến diện này, một phần là do tâm cảm, phần khác quan trọng hơn là vì tư liệu, tài liệu phân tán. Ở hội thảo hè do giới nghiên cứu người Việt vừa tổ chức tại Philadelphia, Hoa Kỳ, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao cho biết, tại Pháp, hiện có nhiều tài liệu gốc liên quan đến chủ quyền của Việt Nam chưa được khai thác. Tiến sĩ Vũ Quang Việt thì đề cập đến tình trạng Việt Nam chưa nghiên cứu kỹ các châu bản triều Nguyễn...


Ai cũng biết, trong tiến trình “Quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông Nam Á”, Việt Nam chỉ có thể đạt được lợi ích lớn nhất nếu có chứng cứ vững chắc về mặt lịch sử và xác lập được luận cứ phù hợp về công pháp quốc tế. Tuy nhiên do tư liệu, tài liệu phân tán, học giới Việt Nam đã và hiện có những mâu thuẫn lớn trong biện giải về chủ quyèn lãnh thổ. Có lẽ chỉ có thể giải quyết được tình trạng này khi học giới Việt Nam, ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam chia sẻ cho nhau cả về tư liệu lẫn quan điểm.


Theo các ông, làm sao để học giới Việt Nam trên khắp thế giới có thể cùng thảo luận với nhau, thuyết phục được nhau trước khi thuyết phục thiên hạ?


Ông Đinh Kim Phúc: Đầu tiên cần nhấn mạnh về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là quyền phát hiện, chiếm hữu và khai thác liên tục có hiệu quả phải thuộc về nhà nước. Vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia là việc của nhà nước. Nhưng nhà nước có việc của nhà nước, các nhà khoa học có việc của các nhà khoa học và người dân có việc của người dân, miễn sao phải có sự đồng thuận trên - dưới, trong - ngoài.


Theo tôi, trong tình hình hiện nay, các học giả phải ngồi lại với nhau, để sang một bên vấn đề ý thức hệ để thống nhất hướng nghiên cứu, tập trung mọi khả năng tìm ra những tư liệu mới để củng cố quan điểm của Việt Nam . Để đạt được điều này chính phủ Việt Nam phải là người tổ chức và tập hợp.

Ông Lê Xuân Khoa: Quả thật, học giới Việt Nam trong và ngoài nước, dù là cá nhân hay nhóm, đều đang nỗ lực tìm kiếm chứng cứ và củng cố luận cứ về chủ quyền Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng đúng là do nguồn tài liệu khác nhau, các học giả Việt Nam đã có những luận giải khác nhau, có khi mâu thuẫn với nhau về chủ quyền trên các đảo này. Ý thức được điều này, học giới Việt Nam đã có những trao đổi cả về tư liệu lẫn quan điểm, nhưng còn giới hạn giữa những cá nhân hay nhóm quen biết nhau từ trước. Muốn đạt được sự đồng thuận về giá trị của tư liệu và sự vững chắc của quan điểm, cần có những cuộc trao đổi rộng rãi hơn qua những cuộc hội thảo trên mạng lưới điện tử, hay hội thảo trực tiếp tại hội trường.

Cuộc hội thảo của học giới Việt Nam tại Đại học Temple ở Philadelphia cuối tháng Bảy vừa qua là một thí dụ minh chứng cho những trao đổi cần thiết này. Chỉ tiếc là số học giả trong nước tham gia quá ít, vì gặp khó khăn trong việc xin phép chính quyền. Cụ thể là trường hợp thạc sĩ Hoàng Việt thuộc Đại học Luật TP.HCM được ông Phúc nói đến hồi nãy là đã “không được tạo điều kiện để tham gia”. Tôi và nhiều người khác đều nhận được tin tức là luật gia Hoàng Việt đã bị chính bà hiệu trưởng không cho phép và đe dọa mặc dù ông đâ có giấy giới thiệu của Bô Ngoại giao ở Hà Nội. Trường hợp lạm quyền này nếu xảy ra ở một nước dân chủ thì chắc chắn chính bà hiệu trưởng sẽ bị kỷ luật và có thể mất việc.

Những bài tham luận trong cuộc hội thảo Philadelphia đều là những công trình nghiên cứu có giá trị khoa học mà chính quyền cần tham khảo để hoạch định chính sách về Biển Đông Nam Á. Thí dụ nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo đã phản bác tửng điểm một trong tập tài liệu đồ sộ của học giả Trung Quốc Hàn Chấn Hoa, vạch rõ những sai lầm, ngụy biện và gian trá của họ Hàn nhằm chứng minh chủ quyền của Trung Quốc ở “Nam Hải chư đảo”. Tôi được biết sau cuộc hội thảo này, Tiến sĩ Vũ Quang Việt đã bổ sung và hoàn tất bản dự thảo của ông thành một tài liệu nghiên cứu gần 100 trang về cuộc tranh chấp Biển Đông Nam Á, vừa được ông công bố trên trang mạng Thời Đại Mới. Đây là một đóng góp quan trọng cho những nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình và công lý dựa trên chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế.

Đến đây thì cuộc hội luận giữa chúng tôi với các ông: Đinh Kim Phúc, Lê Xuân Khoa chuyển sang phần cuối cùng, đó là nếu như chính quyền Việt Nam thật sự muốn đạt được sự đồng thuận làm hậu thuẫn cho tiến trình “Quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông Nam Á”, theo hướng có lợi nhất cho Việt Nam thì họ phải làm gì trước. Nội dung phần cuối của cuộc hội luận này sẽ được giới thiệu trong lần phát thanh tới, mời qúy vị đón nghe…

(Phần 3)


Trong cuộc hội luận giữa Trân Văn và Ngọc Trân, các ông: Đinh Kim Phúc - chuyên nghiên cứu lịch sử Việt Nam, làm việc tại Khoa Đông Nam Á học, Đại học Mở TP.HCM và ông Lê Xuân Khoa – từng là Viện phó Viện Đại học Sài Gòn, sau đó nghiên cứu và giảng dạy về quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins, đã trình bày những suy nghĩ có liên quan đến vấn đề “Quốc tế hóa các tranh chấp ở biển Đông”, các điều kiện để đạt được sự đồng thuận làm hậu thuẫn về chứng cứ, luận cứ, dư luận.


Nếu muốn tiến trình “Quốc tế hóa tranh chấp ở biển Đông Nam Á” diễn tiến theo hướng có lợi nhất cho Việt Nam, chính quyền Việt Nam cần phải làm gì trước? Mời qúy vị nghe tiếp phần cuối của cuộc hội luận này…


Hỗ trợ học giới: Chuyện cần mà chưa làm


Ngọc Trân: Vì các ông đề cập đến việc phối hợp nghiên cứu giữa học giới trong và ngoài Việt Nam nên xin nêu thêm một thắc mắc khác, đó là hình như đa số nghiên cứu của học giới người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam thường mới chỉ ngừng lại ở mức nói cho nhau nghe. Hầu hết các công trình nghiên cứu mang tính học thuật, liên quan đến chủ quyền Việt Nam của học giới người Việt chỉ nhằm giới thiệu với độc giả người Việt.


Tại sao các công trình nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông Nam Á không được công bố với học giới nước ngoài để phản biện lại các luận cứ của Trung Quốc. Chắc ông cũng biết là Trung Quốc đầu tư rất sâu và làm rất tốt điều này?


Ông Đinh Kim Phúc: Chính phủ nên tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu, ngoài việc chủ động lập ra các tổ chức nghiên cứu mang tính quốc tế để phản biện lại các quan điểm của Trung Quốc mà phía Việt Nam cho là không đúng.


Các tổ chức tư nhân cũng như chính phủ nên đưa các nghiên cứu của mình ra áp dụng, chẳng hạn như sử dụng các kết quả nghiên cứu để phản bác lại các quan điểm phía Trung Quốc đưa ra


Nếu không làm được điều này thì rất khó phản biện lại các quan điểm không đúng của Trung Quốc. Và hệ quả cuả nó là gì? Có lẽ Tân Cương, Tây Tạng sẽ là một hình ảnh không xa với dân tộc Việt Nam .


Trân Văn: Ông Lê Xuân Khoa có muốn chia sẻ gì thêm về vấn đề này không ạ?

Ông Lê Xuân Khoa: Trong cuộc hội thảo Philadelphia, chính tôi là người phát biểu nhận xét rằng hầu hết công trình nghiên cứu và đề nghị của học giới trong và ngoài nước về chủ quyền Việt Nam chỉ là viết cho nhau đọc và nói cho nhau nghe. Nhưng mục đích của tôi qua nhận xét ấy không nhằm vào sự cần thiết phải công bố với học giới nước ngoài để phản biện lại các luận điểm của Trung Quốc mà muốn nhấn mạnh vào một mục đích khác cũng rất quan trọng là những tư liệu và ý kiến của học giới Việt Nam phải được sự chú ý của những người làm chính sách ở trong nước và các nước liên quan.

Tôi không biết người ở trong nước có thể làm cách nào để ảnh hưởng tới các quyết định của nhà cầm quyền, nhưng ở nước ngoài như ở Mỹ thì tiếng nói của người dân, đặc biệt là của giới trí thức thì có thể đạt tới nhà cầm quyền, ngay cả Tổng thống bằng nhiều ngả, trực tiếp bằng thư tín hoặc gián tiếp qua báo chí và quốc hội. Những đóng góp của học giới Việt Nam cần phải được viết bằng tiếng Anh hay dịch sang tiếng Anh thì mới có thể lôi cuốn được sự chú ý của học giới và báo giới ngoại quốc, và của những nhà làm chính sách ở Mỹ và các nước khác.

Chính quyền phải “dễ hiểu” hơn


Trân Văn: Tôi lại có một câu hỏi nữa mong ông Phúc giải đáp. Đó là ở phần trước của cuộc trò chuyện này, ông cho rằng, trong những vấn đề có liên quan đến biển Đông Nam Á, chính sách đối ngoại của Việt Nam không đơn thuần chỉ phục vụ cho lợi ích của đảng cầm quyền.


Chúng tôi cũng thấy rằng, vì thế và lực của Việt Nam như thế, đồng thời vì biển Đông Nam Á là khu vực có sự đan xen quyền lợi của các nước lớn nên mọi bước đi đúng là cần phải thận trọng. Tuy nhiên, thận trọng tới mức phải gọi Trung Quốc là “nước ngoài” một cách chung chung, gọi tàu Trung Quốc là “tàu lạ”, chỉ trích những hành vi ngang ngược của Trung Quốc, kêu gọi minh định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa lại bị xem là “bị các thế lực thù địch, phản động kích động” thì sự thận trọng đó trở thành khó hiểu.


Ông có thể giải thích vì sao sự thận trọng lẽ ra rất cần thiết lại trở thành khó hiểu như vậy hay không?


Ông Đinh Kim Phúc: Tôi hiểu những vấn đề mà anh đặt ra, điều đó đúng là tâm trạng của nhiều người. Nhưng tôi cũng hiểu được những khó khăn của nhà nước Việt Nam hiện nay trong việc ứng xử đối với những vấn đề liên quan đến biển Đông Nam Á. Dù sao cũng phải giữ mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì Việt Nam là một nước nhỏ mà lịch sử đã chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm trong quan hệ với Trung Quốc.


Mặt khác, việc nghiên cứu về mối quan hệ đa chiều trong vấn đề biển Đông Nam Á không phải ai cũng biết tường tận, nhưng quan điểm của tôi là phải tôn trọng sự thật lịch sử, bên cạnh đó, tôi nghĩ những người có trách nhiệm phải thấy được những gì đang diễn ra và người dân phải được quyền biết sự thật trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay.

Với tôi, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ là trên hết. Tôi tin nhà nước Việt Nam cũng nghĩ như thế. Tại sao các anh không trực tiếp nêu những câu hỏi này với nhà nước? Không có thông tin rõ ràng, không có thái độ đúng mực thì không thể có niềm tin. Thiếu tin cậy thì khó đồng thuận, mà không đồng thuận thì chắc chắn khó đoàn kết. Tôi nghĩ nhà nước Việt Nam đã thấy được điều đó.

Ngọc Trân: Còn ông, thưa ông Lê Xuân Khoa, ông nghĩ thế nào ạ?

Ông Lê Xuân Khoa: Để bảo vệ độc lập, chủ quyền và duy trì sự tồn tại của nòi giống Lạc Hồng, tổ tiên người Việt Nam đã áp dụng nhu đạo vào cả hai lãnh vực quân sự và ngoại giao để đối phó với láng giềng khổng lồ phương Bắc. Nói cách khác, các vua chúa đời trước chống sức mạnh của giặc ngoại xâm không bằng sự đối đầu mà bằng mưu trí, khi thắng trận thì dùng lời lẽ khôn khéo để không làm cho kẻ địch bị mất mặt.

Trong thế giới ngày nay, nếu chính quyền Việt Nam muốn giao hảo thân thiện với các nước lớn và tránh đụng độ về quân sự thì cũng đúng với truyền thống dân tộc sinh tồn bằng nhu đạo của tổ tiên. Nhưng như vậy thì phải giữ được sự cân bằng trong cách đối xử, không được thiên vị chỉ vì muốn duy trì độc quyền cai trị nhân dân và bảo vệ đặc quyền đặc lợi. Trong 20 năm qua, chính quyền Việt Nam đã thiên về phía Trung Quốc vì lợi ích riêng tư ấy. Tuy nhiên, trước thái độ lấn át trắng trợn của Trung Quốc đưa đến nguy cơ mất nước, lãnh đạo Việt Nam có vẻ muốn dựa vào thế quốc tế để lấy lại thế quân bình với Trung Quốc.

Ông Đinh Kim Phúc tin là nhà nước Việt Nam cũng đặt độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ lên trên hết. Ông nhắc nhở Đài Á châu Tự do nên trực tiếp đặt câu hỏi với nhà nước để có được thông tin rõ ràng và từ đó có thể có niềm tin và đồng thuận dân tộc. Tôi đề nghị Đài Á châu Tự do nên tìm cách phỏng vấn các nhà lãnh đạo Việt Nam trong những ngày tháng sắp tới.

Links: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Which-ways-that-vietnam-can-perform-to-internationalize-the-disputes-in-south-china-sea-part1-ntran-tvan-08152010103303.html?searchterm=None

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Which-ways-that-Vietnam-can-perform-to-internationalize-the-disputes-in-South-China-sea-part-2-08162010063951.html?searchterm=None

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Which-ways-that-Vietnam-can-perform-to-internationalize-the-disputes-in-South-China-sea-part3-TV-NT-08162010113023.html?searchterm=None

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét