Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

Bài viết về tranh chấp trên biển Đông đăng trên báo Asia Sentinel

Bài viết về tranh chấp trên biển Đông đăng trên báo Asia Sentinel
THỨ BA, 12 THÁNG 10 2010 22:57
Bài này do 2 thành viên của Quỹ là Dương Danh Huy và Lê Trung Tĩnh viết cùng với sự đóng góp quý báu của các bạn Hoàng Anh Tuấn Kiệt, Phạm Quang Tuấn, Lê Thị Vân Trình, Lê Minh Phiếu. Bài viết về tuyên bố của Clinton tại AFR và phản ứng của TQ. Bài này viết bằng tiếng Anh và được đăng trên tờ báo điện tử châu Á, Asia Sentinel. Mời các bạn đọc bài viết ở link sau:

http://www.asiasentinel.com/index.php?option=com_content&task=view&id=2750&Itemid=171

Dưới đây là bản dịch tiếng Việt.

Tuyến bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông

Thứ hai 11/10/2010

Dương Danh Huy, Lê Trung Tĩnh (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông)

Lê Vĩnh Trương dịch sang tiếng Việt

Song phương hay đa phương ? Quốc tế hóa hay phi quốc tế hóa?

Những tháng ngày gần đây (2010), quan ngại đã ngày càng gia tăng đối với sự hung hãn của Trung Quốc khi họ tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông như thể đó là ao nhà của họ. Gần đây nhất, sự quan ngại lại nóng hơn lên liên quan đến việc triển khai một đoàn tàu chiến hiện đại nhất của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa trong khuôn khổ một cuộc tập trận kéo dài ba tuần.

Trung Quốc đã vẽ một đường hình chữ U vươn khắp phần lớn Biển Đông một cách bất chấp để biểu hiện một yêu sách mà Trung Quốc không hề xác định bản chất hay cơ sở. Đó là một đường không phù hợp với bất kỳ luật lệ quốc tế nào, kể cả Công ước quốc tế về Luật Biển 1982. Trung Quốc luôn lẩn tránh cho biết đường tự vẽ đó dựa vào đâu để tuyên bố chủ quyền.

Trước một Trung Quốc ngày càng gia tăng áp lực, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton đã phát biểu tại diễn đàn ASEAN Hà Nội tháng bảy 2010 vừa qua rằng Hoa Kỳ “chống lại việc sử dụng hay đe dọa sử dụng võ lực từ bất cứ phía tranh chấp nào. Trong khi Hoa Kỳ không đứng về phía nào trong các tranh cãi về lãnh thổ trên Biển Đông, chúng tôi cho rằng các bên tranh chấp cần theo đuổi các tuyên bố về chủ quyền và những bước kế tiếp cũng như quyền sử dụng không gian biển trên tinh thần nghiêm tuân Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Trung thành với luật quốc tế thông thường, các tuyên bố hợp pháp về không gian biển tại Biển Đông cần phải hoàn toàn dựa vào những tuyên bố hợp pháp về chủ quyền đất liền."

Tuyên bố của bà Clinton phù hợp với luật quốc tế, cấm sử dụng hay đe dọa sử dụng võ lực để giải quyết tranh chấp. Tuyên bố này cũng song hành với Luật Biển và với chính sách trước nay của Mỹ là trung lập trong các tranh chấp đối với Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Hơn nữa, sự việc này đáng khích lệ ở chỗ có một quốc gia đưa ra đề nghị tạo điều kiện cho các nước tranh chấp thảo luận với nhau.

Tuy vậy, Trung Quốc đã phản ứng lại một cách giận dữ. Nhà đương cục nước này luôn khăng khăng rằng các tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết bằng đàm phán song phương và họ đã phát triển chính sách “hai không” khi đề cập đến Biển Đông: không đàm phán đa phương, không “quốc tế hóa." Do vậy, đáp lại tuyên bố của bà Clinton, Trung Quốc đã công kích việc mà họ cho là “quốc tế hóa” vần đề Biển Đông và lý luận rằng các tranh chấp cần phải được giải quyết thông qua bàn đàm phán tay đôi.

Giải pháp song phương hay đa phương?

Vấn đề Biển Đông bao gồm một số các tranh chấp riêng rẽ. Trung Quốc và Việt Nam tranh chấp quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc và Philippin tranh chấp bãi ngầm Scarborough và quần đảo Trường Sa được tuyên bố chủ quyền toàn bộ hay một phần bởi các nước Brunei, Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam. Có những tranh cãi trên các vùng biển, như vùng đặc quyền kinh tế và vùng kéo dài thềm lục địa.

Cuối cùng và có lẽ quan trọng hơn cả là “đường chữ U” đang bao trùm một cách vô lối hầu hết Biển Đông, đã tạo ra tranh chấp biển giữa Trung Quốc với Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia và tiềm ẩn tranh chấp giữa Trung Quốc với tất cả mọi nước trên thế giới,vốn cùng có quyền lợi tại Biển Đông, như công ước Liên Hiệp Quốc đã định.

Hiển nhiên, vấn đề Hoàng Sa là tranh chấp song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam và nên được giải quyết tay đôi giữa hai nước Việt Trung. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, Trung Quốc và Việt Nam nên tìm kiếm trung gian phán quyết, như Indonesia và Malaysia đã từng đưa tranh biện các đảo Ligitan và Sipadan ra Tòa án Công Lý Quốc Tế (TACLQT-IJC), hay như Malaysia và Singapore đã làm tương tự đối với các bất đồng tại Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Ledge và South Rock.

Tương tự như vậy, tranh chấp bãi cạn Scarborough cũng là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Philippin và cũng nên được giải quyết cùng cách thức.

Tranh chấp toàn bộ hay từng phần đối với Trường Sa giữa Brunei, Trung quốc, Malaysia, Philippin và Việt Nam là một tranh chấp đa phương, theo đúng định nghĩa của từ “đa phương” ́. Dị biệt quan điểm giữa nhiều bên cần có cách giải quyết đa phương. Bàn đàm phán song phương không phải là cơ chế phù hợp để xử lý các khác biệt quan điểm giữa nhiều bên. Việc giải quyết chỉ giữa hai bên trong khi còn nhiều bên khác cùng tuyên bố chủ quyền sẽ khó mà chấp nhận được cho các bên còn lại. Chẳng hạn, nếu như Philippin và Việt Nam tiến hành đàm phán song phương và tiến tới hướng giải quyết cho chỉ riêng hai nước này đối với chủ quyền Trường Sa thì liệu Bắc Kinh có chấp nhận cách đó hay không?

Những bất đồng đối với vùng biển có khả năng thuộc về Trường Sa cũng đều là các tranh chấp đa phương và đều cần những giải pháp đa phương liên quan đến tất cả các bên tuyên bố chủ quyền. Bàn đàm phán tay đôi sẽ không thể cho ra một đường hướng nào khả dĩ. Thế thì vì lẽ gì mà Bắc Kinh luôn khăng khăng rằng các thảo luận song phương phải là cơ chế duy nhất để tháo gỡ vấn đề, mặc cho sự thực là phương cách này không thể cho ra đáp án?

Rõ ràng đây là một phần của chiến lược chia để trị. Trung Quốc hy vọng rằng các bên tranh chấp sẽ nhượng bộ từng bên từng bên một và sẽ chấp nhận những cách xử lý ít công bằng hơn.

Cũng vậy, bằng cách bám chặt vào cách tiếp cận không phù hợp, Trung Quốc đang cố khóa chặt các khả năng tiến triển cho những giải pháp thảo luận. Là nước mạnh nhất trong các bên tranh chấp trước nay, cùng với tình hình thiếu vắng những đường hướng ôn hòa đã tạo thuận lợi ngày càng gia tăng cho Trung Quốc củng cố vị thế của mình và làm suy yếu các bên có ý kiến khác biệt khác. Cho nên, việc khăng khăng đòi hỏi một cơ chế đàm phán không phù hợp để làm đóng băng các khả năng hướng đến sự tháo gỡ thông qua đàm phán sẽ làm Bắc Kinh có thêm ưu thế.

Luật Biển và đường “chữ U” của Trung Quốc

Có những điểm trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển khiến cho các tranh nghị về vùng biển trong Biển Đông trở nên quan trọng không chỉ đối với các bên tuyên bố chủ quyền mà còn có tính huyết mạch đối với tất cả các nước khác trên thế giới.



Đường “chữ U” của Trung Quốc nằm xa hẳn khoảng cách 12 hải lý trong phạm vi chủ quyền, xa hẳn những giới hạn có thể là khu vực kinh tế đặc quyền và xa hẳn cả những đường trung tuyến giữa Trường Sa, Hoàng Sa và các bờ biển đối diện.

Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển đã được 160 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, phê chuẩn đã nêu rõ rằng một nước ven biển chỉ có chủ quyền trong vùng lãnh hải rộng tối đa là 12 hải lý (22 km) nằm giáp ngoài đường cơ sở. Trong vùng lãnh hải này, quốc gia ven biển sẽ có toàn quyền hành xử; những nước khác không có quyền gì khác ngoài quyền "đi qua không gây hại", chủ yếu là đi ngang qua các vùng nước liên quan để đến một nơi nào khác.

Ngoài 12 hải lý, nước ven biển sẽ không có chủ quyền, họ chỉ có những quyền cụ thể do luật biển minh định như là độc quyền kinh tế đối với khu vực đặc quyền kinh tế, và độc quyền khai thác đáy biển và lòng đất trong khu vực thềm lục địa mở rộng.

Nói nôm na, điều đó có nghĩa là chỉ có một dải biển có diện tích rộng 12 hải lý ra bên ngoài các đường cơ sở ven biển và xung quanh các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough là có tiềm năng nằm trong vùng chủ quyền của một nước nào đó.

Nếu một quốc gia tuyên bố có chủ quyền, thay vì chỉ có độc quyền kinh tế, ngoài các giới hạn này, quốc gia đó thật ra đã có ý đồ áp đặt quyền định đoạt toàn bộ của họ trên những vùng nước vốn phải chịu sự tài phán tối thượng của luật quốc tế. Do vậy cộng đồng quốc tế có quyền quan tâm, và thế giới sẽ có quyền đưa ra lý lẽ để kháng nghị một cách rõ ràng.

Cũng vậy, khi một nước có yêu sách quá đáng về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế, sự tuyên bố đó là một sự xâm phạm đối với vùng biển của các láng giềng hoặc xâm hại vào vùng biển quốc tế, nơi cột nước và một phần đáy biển là của chung của cộng đồng thế giới. Quốc tế cần phải cảnh giác về điều này và phản bác lại các yêu sách quá đáng về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế vi phạm vùng biển quốc tê.

Đường “chữ U” có thể là một yêu sách hợp lý cho vùng đặc quyền kinh tế thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa hay không?

Theo những phán quyết trong quá khứ của Tòa án Công lý Quốc tế và các hiệp định biên giới giữa các nước với nhau, ngay cả cả các đảo có diện tích lớn hơn các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cũng chỉ̃ được ban các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay vùng thềm lục địa nhỉnh hơn 12 hải lý theo bề rộng. Cách tính như vậy sẽ để lại một khu vực ở giữa Biển Đông xem như vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, đường “chữ U” nằm tràn ra bên ngoài 12 hải lý tính từ Hoàng Sa và Trường Sa và vi phạm toàn bộ khu vực này.

Ngoài ra, luật quốc tế và thông lệ quốc gia không bao giờ đồng ý cho một đảo có được vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nằm vươn qua phía bên kia đường trung tuyến giữa quốc gia đó và các bờ biển đối diện, thuộc về những đảo lớn hơn hay thuộc về những vùng đất lục địa. Tuy nhiên, đường “chữ U” của Trung Quốc không chỉ bao trùm ra ngoài 12 hải lý mà nó còn khuất lấp bất kỳ đường trung tuyến nào mà ta có thể hình dung ra.

Do vậy, nếu như đường chữ U là biểu thị cho tuyên bố chủ quyền của một vùng đặc quyền kinh tế nào đó phát xuất từ Hoàng Sa và Trường Sa, thì tuyên bố chủ quyền đó là một tuyên bố quá trớn, vi phạm hoàn toàn một khu vực có thể thuộc vùng biển quốc tế- chưa kể đến sự việc không có gì để nói chắc rằng Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc Trung Quốc.

Thêm nữa, quan điểm hạn hẹp của Trung Quốc về tự do thông thương trong vùng đặc quyền kinh tế, ví dụ tiêu biểu là sự cố tàu Trung Quốc quấy phá tàu khảo sát Impeccable của Mỹ, lại càng làm cho tuyên bố của họ về vùng đặc quyền kinh tế dôi dư ấy càng thêm phức tạp cho cộng đồng quốc tế nói chung và cho các láng giềng Đông Nam Á nói riêng.

Liệu đường chữ U có hợp lý không nếu như nó nhằm biểu thị cho thềm lục địa dựa trên sự kéo dài tự nhiên của thềm lục địa từ đất vươn thoai thoải ra đáy biển?

Do Việt Nam có đường bờ biển dài và thềm lục địa Sunda kéo dài từ phía nam Biển Đông, việc áp dụng nguyên tắc kéo dài tự nhiên của thềm lục địa và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) sẽ dành cho Việt Nam, Malaysia và Philippin hầu hết các thểm lục địa trong Biển Đông.

Vì lẽ đó, không thể biện luận cho đường chữ U bằng cách áp dụng nguyên tắc kéo dài tự nhiên của đất lục địa xuống đáy biển.

Cũng nên lưu ý rằng trong khi tại Biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã dùng nguyên tắc kéo dài tự nhiên để đòi hỏi toàn bộ thềm lục địa kéo dài từ bờ biển lục địa của họ cho đến mép lục địa tại Rãnh Okinawa, bỏ qua các đảo Lưu Cầu của Nhật, thì tại Biển Đông, Bắc Kinh lại chống Việt Nam và Malaysia áp dụng nguyên tắc này.

Một điểm bất nhất nữa trong yêu sách của Trung Quốc là trong khi tuyên bố chủ quyền về thềm lục địa tại Biển Hoa Đông sẽ chỉ để lại cho quần đảo Lưu Cầu của Nhật các vùng biển lùi sâu vào trong đường trung tuyến, còn với đường chữ U thì Bắc Kinh lại cho quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang trong tình trạng tranh chấp chủ quyền, một vùng biển vươn ra bên ngoài đường trung tuyến!

Thế nên Trung Quốc đang đối diện với một lựa chọn phải từ bỏ đường chữ U để tuân thủ Luật Biển Quốc Tế hoặc bảo lưu đường này chống lại tất cả các quy tắc và các tiền lệ đã được chấp nhận toàn thế giới. Đáng tiếc là Trung Quốc có vẻ đang sa đà vào con đường thứ hai. Trong những năm gần đây, họ đã thông qua một đạo luật cấm các bản đồ không vẽ các đường chũ U trên đó. Năm 2009, lần đầu tiên họ đã đệ nạp một bản đồ có đường chữ U lên Liên Hiệp Quốc. Tất cả các biểu hiện này có nghĩa là Trung Quốc đang cố gắng leo thang về tuyên bố đường chữ U trong khi cố ý lòa lòa chớp chớp về bản chất và cơ sở của tuyên bố này.

Bởi đường chữ U không thể biện giải như là vùng kinh tế đặc quyền hay thềm lục địa phát xuất từ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một số học giả Trung Quốc đã cố biện bạch cho nó bằng cách dùng các lập luận mà họ gọi là danh nghĩa chủ quyền lịch sử đối với vùng biển này. Tuy nhiên, một tuyên bố phát xuất từ lý giải “danh nghĩa lịch sử” đối vùng biển hoàn toàn không phải là một tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phát xuất từ địa lý, và do vậy không phù hợp vời Luật Biển quốc tế. Đó là một phần lý do tại sao Trung Quốc cảm thấy mình bị phê bình khi bà Clinton tuyên bố rằng các bên tranh chấp cần phải theo đuổi các tuyên bố chủ quyền của mình phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Quan ngại nghiêm trọng hơn là, các tuyên bố chủ quyền đối với biển dựa trên lập luận “danh nghĩa lịch sử” và “vùng nước lịch sử” có thể là tuyên bố chủ quyền đối với biển vượt quá 12 hải lý – một điều rất phương hại cho khu vực và thế giới. Và, xét thái độ mập mờ của Trung Quốc trong vấn đề này, không ai có thể biết được Trung Quốc có đòi chủ quyền đối với biển vượt quá 12 hải lý, hoặc trong tương lai họ có sẽ làm điều đó hay không.

Tựu trung, đường chữ U của Trung Quốc hoặc là một yêu cầu quá lố về vùng đặc quyền kinh tế, hoặc là một yêu sách quá mức về thềm lục địa, hoặc là một đòi hỏi quá đáng về chủ quyền đối với biển, tất cả đều không biện luận được dẫu vẻ như có xuất phát từ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa-vẫn trong vòng tranh chấp- trong khuôn khổ Luật Biển quốc tế.

Quốc tế hóa hay phi-quốc tế hóa?

Trên cơ sở Luật Biển định nghĩa quyền hạn của tất cả các nước đối với biển và đại dương và đã được

160 nước phê chuần, trong đó có Trung Quốc, cộng đồng quốc tế cần kháng nghị đường chữ U dưới mọi hình thức. Trong khi cộng đồng thế giới có thể đứng trung lập trong vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough, thế giới không thể bàng quan đối với đường chữ U.

Trong suốt chiều dài lịch sử, Biển Đông đã luôn là một biển quốc tế cũng như Địa Trung Hải. Theo Luật Biển, các quốc gia ven biển có chủ quyền trong lãnh hải 12 hải lý. Phần còn lại, chiếm phần lớn Biển Đông, sẽ phải nằm trong vùng định đoạt của Luật Biển. Điều này có nghĩa hầu hết Biển Đông là một biển quốc tế như Địa Trung Hải, và cộng đồng quốc tế có quyền quan tâm đến các tuyên bố chủ quyền tại đây.

Sự kiện Trung Quốc chống lại việc “quốc tế hóa” Biển Đông thực chất là một nỗ lực để phi–quốc tế hóa một biển quốc tế. Một khi Biển Đông đã bị phi-quốc tế hóa, Trung Quốc sẽ có thể áp đặt sức mạnh của họ trên các nước Đông Nam Á và buộc các nước này phải theo luật chơi của họ, thay cho luật lệ đã được chấp nhận trên toàn thế giới đối với các vùng biển này. Việc này sẽ biến Biển Đông thành một ao nhà của Trung Quốc, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng cho vùng Đông Nam Á và cho cả thế giới.

TS Dương Danh Huy là một chuyên viên IT tại Anh. Ông đã có bài viết về Biển Đông trên BBC và VietNamNet. TS Lê Trung Tĩnh là một chuyên gia về khoa học hạt nhân tại Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét