Sau cuộc đào phá mộ, bị “ma hành” náo loạn, người dân thôn Bãi Dài không ai dám đến khu vực Khe Nghệ nữa. Thung lũng Khe Nghệ càng trở nên huyền hoặc. Những câu chuyện ly kỳ, rùng rợn quanh lăng mộ được anh Nguyễn Văn Chạm ghi chép lại cẩn thận.
Trong số 8 lăng mộ vua Trần ở An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh), có lẽ 2 lăng mộ vua Trần Minh Tông và Trần Nghệ Tông là thảm hại nhất. Lăng vua Trần Minh Tông bị ủi mất hoàn toàn khi đắp đập nước. Người ta đã ủi, lăn cổ vật làm vật liệu đắp chân đập, rồi dồn cả vào một hố để lấp lại. Lăng mộ vua Trần Nghệ Tông thì bị rất nhiều người trong xóm Bãi Đá (thôn Bãi Dài) đào bới, tranh cướp tài sản.
Đền Trần thờ các vị vua Trần ở Nam Định.
Theo lời anh Nguyễn Văn Chạm, người sống cách lăng mộ vua Trần Nghệ Tông chừng 300m, sau khi người dân trong xóm bỏ chạy tán loạn vì có người nói đây là mộ hủi, thì một thời gian sau, có một nhóm người săn đồ cổ tiếp tục tìm đến đào bới. Nhóm người này đào rộng và sâu xuống lòng đất. Tuy nhiên, khi xuống dưới lớp gỗ một chút, thì gặp một phiến đá lớn.
Phiến đá này rất dày, rộng cả chục mét vuông, nặng hàng chục tấn. Nhóm người này đã dùng đủ phương pháp, kéo nhiều thiết bị lên cẩu trục, song phiến đá khổng lồ vẫn không nhúc nhích. Không làm gì được, nhóm người săn đồ cổ đành bỏ cuộc. Họ mặc lăng mộ tan hoang trên mỏm đồi giữa thung lũng Khe Nghệ.
Cổ vật ở lăng mộ vua Trần bị bỏ mặc, cỏ mọc rậm rạp trùm kín.
Theo lời kể của ông Hứa Văn Phán, thủ từ đền Sinh, sau khi đào phá lăng mộ vua Trần Nghệ Tông, hàng loạt tai họa đã đổ lên đầu người dân trong xóm.
Đầu tiên là ông Nguyễn Văn H., người xóm Bãi Đá. Ông này là người tích cực nhất trong việc đào phá mộ. Sau khi đào mộ, vài tháng sau ông bị chết đuối ở con sông nhỏ chảy qua xã khi xuống sông tắm. Lúc xác nổi lên, mọi người ra vớt, thì kinh hoàng với cảnh tượng đỉa bâu đen xác. Người dân phải dùng thòng lọng kéo xác ông lên bờ, rồi lấy que gạt từng con đỉa.
Bọn săn của đập nát sạch sẽ các cổ vật để tìm vàng bạc.
Cái chết của ông H. khiến người dân vô cùng sợ hãi, liên tưởng đến cuộc đào phá… “mộ hủi”. Tiếp đó, rất nhiều biến cố xảy đến với người dân nơi đây. Những gia đình gặp tai họa đều mang những thứ lấy từ mộ trả lại. Nhiều người đã nung những chân tảng, tượng đá thành vôi, dù đã tôi vôi, cũng gánh vôi ra trả. Nhiều người mang bàn, ghế, giường, tủ đóng bằng gỗ lấy dưới mộ cũng đem ra mộ đốt. Những cục đá dùng lăn lúa, kê bờ ao cũng được khiêng ra trả lại cho vua.
Ông Đào Văn Hồng vẫn còn sợ hãi khi nhớ lại cuộc đào mộ 20 năm trước. Tôi đến thăm ông khi ông đang nằm còng queo trong giường vì ốm. Vợ ông bảo, từ ngày đào mộ, ông Hồng trở nên ốm yếu hẳn, lại lắm bệnh tật.
Những súc gỗ đào từ lăng mộ vua Trần Nghệ Tông được người dân xẻ ra làm vật dụng. (Ảnh chụp những súc gỗ tương tự vừa đào được từ một ngôi mộ gỗ ở An Sinh).
Theo ông Hồng, sau cuộc đào phá mộ vua, cả xóm đều gặp vận rủi, các gia đình lục đục, đau ốm, vợ chồng đánh chửi nhau lung tung phèng… Ông Hồng rầu rĩ: “Không biết có phải vì người dân trong xóm xâm phạm mộ vua, rồi bị vua phạt hay không, mà cái xóm này cứ mãi nghèo xác nghèo xơ, nghèo nhất xã, nhất huyện”.
Ngày đào phá mộ, ông Hồng lấy gỗ, vợ ông gánh vôi về bón ruộng. Lúc gánh vôi thì vợ ông mang bầu, chửa 7 tháng. Khi đẻ, con đứa con đã chết vì nhau thai phủ mặt. Nói rồi, vợ ông Hồng dẫn tôi ra thăm mộ con bà. Ngôi mộ vừa được vợ chồng ông xây lại, nhỏ bé, xinh xắn.
Vợ ông Hồng vẫn hãi hùng khi nhớ lại chuyện gánh vôi từ mộ vua Trần về bón ruộng.
Tai họa không chỉ đổ lên đầu vợ chồng ông Hồng, mà đứa cháu ngoại ông cũng thi thoảng lại dở chứng lạ. Thi thoảng bé lại lăn ra nhà, mắt mũi trợn ngược. Em trai ông Hồng thì bị ung thư phổi, vừa mới chết năm ngoái. Người dân trong làng cũng đồn rằng, do anh này làm nhà vệ sinh quay thẳng về phía mộ vua, nên mới chết!
Sau cuộc đào phá mộ, bị “ma hành” náo loạn, người dân thôn Bãi Dài không ai dám đến khu vực Khe Nghệ nữa. Thung lũng Khe Nghệ càng trở nên huyễn hoặc. Những câu chuyện ly kỳ, rùng rợn quanh lăng mộ được anh Nguyễn Văn Chạm ghi chép lại cẩn thận.
Anh Chạm là người nắm rất rõ những câu chuyện kỳ quái xảy ra trong xóm Bãi Đá.
Vợ chồng anh Chạm mới chuyển về khu vực đồi Khe Nghệ từ năm 1996. Trước đó, gia đình chú ruột ông Chạm ở mảnh đất này. Chú anh mua từ năm 1990, ngay sau cuộc đào phá mộ. Tuy nhiên, cả gia đình đau ốm triền miên, trẻ con quấy khóc. Sợ quá, nghĩ bị “ma hành”, ông chú đã bán rẻ cho anh Chạm, bỏ đi chỗ khác ở.
Gia đình anh Chạm về ở, vợ chồng cũng lục đục, nay ốm mai đau, mắc đủ các bệnh. Vợ anh mắc bệnh gì chả rõ, thở không ra hơi, sức khỏe suy kiệt không đi nổi. Lúc trèo cây vải, anh Chạm ngã gãy rời xương tay. Sau này, biết ngôi mộ trên đồi là mộ vua, vợ chồng anh phá nhà làm theo hướng khác (ngôi nhà cũ hướng thẳng vào mộ), đặt bát hương thành tâm cúng bái cả ở mộ lẫn trong nhà.
Gạch đặc trưng thời Trần.
Ngay sau lưng nhà anh Chạm, cách lăng mộ vua Trần Nghệ Tông không xa là nơi vợ chồng người em trai của anh sinh sống. Tuy nhiên, vợ chồng suốt ngày lục đục, quanh năm bần hàn vì bệnh tật. Mấy năm trước, hai người bỏ nhau, vợ đi nơi khác, còn em trai anh chuyển xuống chân đồi sinh sống. Mảnh đất ở Khe Nghệ không dám ở nữa, bán cũng chẳng ai mua.
Hãi hùng nhất là câu chuyện liên quan đến mảnh đất của ông Thảnh và ông Viện. Hai ông này ở huyện Kinh Môn (Hải Dương), không biết đồi Khe Nghệ có mộ vua, nên đã mua chung 2,5 héc-ta đất trên đồi. Toàn bộ mảnh đất của hai ông này nằm trọn trong khu vực có lăng mộ.
Có đất rồi, hai ông đã dựng nhà, trồng vải. Tuy nhiên, những sự kiện kinh hoàng diễn ra liên tục với hai ông này. Theo lời anh Chạm, vợ ông Thảnh khi lên đồi bẻ vải, tự dưng lăn đùng ra đất giãy dụa, trợn mắt, sùi cả bọt mép. Lúc đó, nghe dân làng kể nhiều chuyện “ma hành” rùng rợn, ông Thảnh và ông Viện sợ hãi, không dám sống ở thung lũng Khe Nghệ nữa.
Ngôi nhà...
...và công trình phụ trong khu vườn vải của ông Thảnh và ông Viện không ai dám ở, đổ vỡ hoang phế.
Ông Thảnh và ông Viện đã thuê ông Sỹ trông coi nhà cửa, vườn vải thiều ở Khe Nghệ. Trong khi ông Sỹ đang nhặt những tảng đá, di vật ném xuống hố để lấp lại, thì đột nhiên ông Sỹ lăn đùng ra đất, mắt cứ trợn ngược, co giật toàn thân. Mọi người phải đưa sông Sỹ đi cấp cứu.
Theo anh Chạm, tiếp sau đó, hàng loạt người dẫy cỏ, hái vải thuê cho ông Thảnh và ông Viện, gồm chị Huệ, chị Thu, chị Chiếm, anh Tuấn, trong lúc làm việc trên đồi, cũng đột nhiên chung một triệu chứng là lăn đùng ra đất, mắt trợn ngược như người bị động kinh. Nhưng khi khiêng những người này vào nhà, họ lại hồi tỉnh, đưa đi viện khám thì không ra bệnh gì.
Vườn vải của ông Thảnh và ông Viện bỏ hoang cho cỏ mọc.
Sau khi hàng loạt người làm vườn thuê cho ông Thảnh và ông Viện bị “ma hành”, lời đồn “thánh vật” càng trở nên ghê gớm. Không ai dám làm thuê cho hai ông này nữa, khu vườn bỏ hoang hoàn toàn, lau lác mọc cao hơn cả vải. Ngôi nhà dựng trong vườn vải, gần khu mộ cũng không có ai ở, mưa gió thổi bay cả mái, trâu húc đổ tường.
Còn tiếp...
(Theo VTC News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét