"Tối nay đi uống cà fê hả?" tôi rủ người bạn luật sư và bị từ chối ngay: "Chịu thôi, trời mưa đường ngập, lỡ sụp hố là tiêu đời ông ơi".
"Dũng cảm lên, sụp hố thì ông kiện làm gương đi".
"Còn lâu mới tìm ra mấy công ty làm cống thì kiện thế nào được."
"Sao lại kiện công ty?", tôi hỏi và bị vặn lại "Chứ biết kiện ai?"
Ai cũng từng nghe câu "Quân vương không bao giờ sai".
Không phải vì Vua là thiên tài, hiểu biết tất cả, mà chỉ đơn giản vì đó là Vua.
Nhà Vua ban hành luật lệ, nhưng không bị ràng buộc hay hạn chế bởi luật lệ. Chế độ quân chủ được thay thế bởi chế độ cộng hòa. Thoạt đầu, Nhà nước thay thế vị trí của Vua và cũng không bao giờ sai, vì hiển nhiên Nhà nước không thể sai. Chỉ có nhân viên Nhà nước làm sai mà thôi.
Trách nhiệm của Nhà nước
Cùng với sự hình thành Nhà nước pháp quyền là sự xuất hiện ý thức, triết lý pháp lý mới. Bản chất Nhà nước pháp quyền là sự ràng buộc Nhà nước và việc sử dụng quyền lực Nhà nước bằng pháp luật.
Như vậy Nhà nước có thể sai, có thể vi phạm pháp luật. Theo nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước phải chịu hoàn toàn trách nhiệm- kể cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại-đối với những hành vi vi phạm pháp luật của mình như mọi thành viên khác trong xã hội.
Điều 2 Hiến pháp 1992 của nước CHXHCN Việt nam (sửa đổi năm 2001), nêu rõ Nhà nước là của dân, do dân, vì dân, toàn bộ quyền lực Nhà nước là của dân. Chính điều này xác định rõ quan hệ giữa Nhà nước với người dân (công dân).
Người dân trao quyền lực Nhà nước cho cơ quan hiến định là Quốc hội, Chính phủ và Tư pháp sử dụng. Vì vậy, các cơ quan này phải chịu trách nhiệm trực tiếp với người dân về việc sử dụng quyền lực Nhà nước đúng mục đích vì dân, trên cơ sở và trong khuôn khổ pháp luật.
Cùng với sự phát triển quan niệm về quyền lực Nhà nước, người ta cũng chứng kiến sự thay đổi quan niệm về người phải chịu trách nhiệm khi sử dụng sai quyền lực công.
Trước kia, công chức nào nào làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm, vì Nhà nước không thể sai. (Chẳng hạn như Luật nước Phổ- nước Đức xưa- năm 1794 qui định).
Ngày nay, khi quyền lực Nhà nước bị sử dụng sai, người chịu trách nhiệm là người trực tiếp nhận quyền lực ấy từ người dân: cơ quan hiến định. Trên nguyên tắc, ngay cả khi cá nhân công chức làm sai thì Nhà nước cũng phải là người chịu trách nhiệm, vì công chức chỉ là người được Nhà nước ủy quyền thực hiện quyền lực Nhà nước cho những trường hợp cụ thể.
Trong ý nghĩa pháp lý, điều đó có nghĩa là người dân có thể và trước tiên cần khởi kiện trực tiếp Chính phủ khi Chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ của mình.
̣ĐIỂM BÁO VỀ TAI NẠN
- Ngày 25/8/2010 tại khúc cua giao cắt giữa đường Pháp Vân và đường Giải Phóng đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm (do vấp phải ổ gà rồi ngã vào ô tô) khiến chị Bùi Thị Thắm (quê Thái Bình) và hai đứa trẻ chết thảm.
- Ngày 9/9/2010: anh Nguyễn Duy Lượng là một trong những nạn nhân bởi cái "ổ voi" quái ác trên đoạn đê ở gần trụ sở UBND xã Phú Cường, Ba Vì khiến cả xe và người lăn xuống chân đê, xương sườn bị gãy.
- Ngày 20/4, Bệnh viện đa khoa Phú Yên cho biết bệnh nhân Phạm Đình Thống, 28 tuổi, ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên đã tử vong sau hai ngày được phẫu thuật chấn thương sọ não, do bị ba trụ cáp viễn thông đổ đè vào người.
- Chiều 21/4, khoa chấn thương sọ não Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết ông Lý Văn, nạn nhân của vụ tai nạn do vướng dây thông tin rớt từ trụ điện tại ngã tư đường Trần Phú - Nguyễn Tri Phương, Q.5, TP.HCM hiện vẫn còn trong tình trạng hôn mê sâu
Trong Nhà nước pháp quyền, quyền lực được trao là để hoàn thành những nhiệm vụ xác định. Người dân trao cho ba cơ quan hiến định Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, quyền lực Nhà nước là để hoàn thành những nhiệm vụ vì dân được qui định trong Hiến pháp, gồm những nhiệm vụ cơ bản chung, trong đó có nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự công cộng, bảo đảm các điều kiện sống tối thiểu …
Điều 3 Hiến pháp CHXHCNVN còn qui định nhiệm vụ cao hơn thế cho Nhà nước: Nhà nước phải đảm bảo thực hiện mục tiêu cho „mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện…“. Các cơ quan hiến định phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước dân khi không hoàn thành những nhiệm vụ cơ bản chung này.
Nhà nước- cụ thể là Chính phủ- có nhiệm vụ bảo đảm và bảo vệ an toàn giao thông (là một trong những nhiệm vụ công cơ bản dẫn ra từ Điều 3 Hiến pháp). Nhiệm vụ này bao trùm cả trước, trong và sau khi sửa chữa, tu bổ nâng cấp hệ thống giao thông công cộng. Người tham gia lưu thông phải được quyền tin rằng họ đang lưu thông trên những con đường an toàn.
Chính phủ phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm khi không đảm bảo giữ gìn được các điều kiện bảo đảm an toàn tối thiểu cho hệ thống giao thông.
Đổ tại trời mưa?
Trời mưa, đường ngập nước làm ách tắc giao thông thông, thậm chí gây tai nạn chết người; lưu thông trên đường bị sụp ổ "voi“, sụp "hố tử thần“, bị cột điện đổ, vướng dây điện thoại khi đang lưu thông gây tai nạn đều là do hệ thống giao thông chưa được đảm bảo an toàn. Chính phủ phải là người chịu trách nhiệm trước tiên do không hoàn thành nhiệm vụ công cơ bản này.
Vụ ông Lý Văn chết do vướng dây điện thoại khi đang đi trên đường; vụ anh Thống, anh Bảo chết do bị trụ mắc cáp viễn thông đổ trúng khi đang đi xe máy trên đường, trước tiên là do Chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho hệ thống đường giao thông.
Chính phủ lẽ ra phải nghiên cứu kỹ lưỡng kế hoạch xây dựng cột viễn thông, kế hoạch bố trí dây điện thoại ven đường sao cho chúng không thể gây nguy hiểm cho người đang lưu thông trên đường trong bất cứ hoàn cảnh thời tiết nào mà trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay dự báo được.
Khi cấp phép cho công ty điện lực, công ty điện thoại lắp đặt đường dây, Chính phủ có trách nhiệm đề ra tiêu chuẩn, điều kiện mà các công ty này phải tuân theo để đảm bảo an toàn cho người lưu thông trên đường. Chính phủ chỉ không phải chịu trách nhiệm, khi chứng minh được tai nạn đã không xẩy ra, nếu các công ty này tuân thủ những qui định đó của Chính phủ.
Xây dựng, bảo trì hệ thống thoát nước, bảo vệ môi trường, hệ thống cấp nước, cấp điện cũng là một trong các nhiệm vụ công cơ bản của Nhà nước. Ngoài việc phải chịu trách nhiệm về sự hoạt động thông suốt có hiệu quả của các hệ thống này (nhiệm vụ chung), Chính phủ còn phải chịu trách nhiệm lựa chọn phương án và các nhà thầu phù hợp cho việc xây dựng, bảo trì chúng. Nghĩa là Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm trước dân về sự chậm trễ, về chất lượng công trình của nhà thầu được Chính phủ chọn.
Trách nhiệm theo hợp đồng giữa Chính phủ và nhà thầu là chuyện riêng của hai bên. Khi nhà thầu vi phạm hợp đồng mà gây thiệt hại (không mang yếu tố hình sự) cho người dân, thì Chính phủ cũng là một bên liên quan trong tư cách người giao việc thực hiện một nhiệm vụ công ích cho công ty trúng thầu.
Đường dây điện, cáp viễn thông do các công ty nhà nước quản lý, chúng là tài sản của Nhà nước. Chính phủ có nhiệm vụ quản lý tài sản công, bảo đảm sự vận hành an toàn của hệ thống cấp điện, hệ thống viễn thông. Vì vậy cũng phải chịu trách nhiệm nếu đường dây điện công cộng, cột cáp viễn thông gây tai nạn.
Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất và trực tiếp. Nó cũng không cần (không cho phép) bất cứ một nghị định hướng dẫn thực hiện nào. Trên nguyên tắc, Hiến pháp 1992 cho phép người dân khởi kiện Chính phủ khi bị thiệt hại do Chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Người bị kiện là cơ quan công quyền, chính quyền địa phương được Chính phủ giao quyền quản lý lĩnh vực xẩy ra vụ việc.
Nếu người dân không xác định được bị đơn trực tiếp, họ vẫn có thể và cần khởi kiện trực tiếp Chính phủ. Chính phủ có trách nhiệm chỉ ra cơ quan nào là bị đơn trực tiếp.
Việc ta chưa có đủ những qui định bảo đảm quyền của người dân khởi kiện Nhà nước cho những trường hợp nói trên, không thể loại trừ quyền khởi kiện của họ, vì giản dị là họ đã được Hiến pháp cho phép.
Nói một cách nghiêm khắc, ở đây, Chính phủ cũng chưa hoàn thành nhiệm vụ phải tạo đầy đủ điều kiện để Người Dân kiểm tra, giám sát Chính phủ sử dụng quyền lực công mà họ trao cho như thế nào trong một Nhà nước là của họ, do họ và vì họ.
Bài viết thể hiện quan điểm của tiến sĩ luật Nguyễn Vân Nam từ CHLB Đức, hiện sống và hành nghề tại TP HCM.Quý vị có ý kiến gì về chủ đề này, xin chia sẻ vớiBấmDiễn đàn BBC.
---------------------
yang huynh, tp.hcm:
Bài "Kiện chính phủ" hay đấy chứ. Nhưng sao đọc comment của các bạn sao thấy nản quá, mà xã hội này tệ hại vì ai, xin lỗi nhưng những con người đang ngồi trong các cơ quan công quyền là ai? họ là con, là cháu, là người thân của các vị đấy. Cái gì khiến họ như vậy? Cái gì cũng có lý do của nó...Các vị vì quyền lợi của mình, xem quyền lợi của mình to như cái bánh xe bò rồi xem cái gì trái ý mình là sai cả. Tôi cũng một thời chỉ nhìn được từ phía bên kia chiến tuyến, nhưng giờ đã khác rùi.
vu minh thanh, Huế:
Tôi đã kiện được cơ quan đại diện cho luật pháp Việt Nam, rất đơn giản, bạn hãy nêu lên những điều có thật và những điều có quy định rõ ràng trong văn bản pháp luật.
Noname, tphcm:
Chúng tôi hoàn toàn bất lực trước những ông "vua". Dân sai là chỉ nghĩ đến hai chữ "nhà đá" nhưng "vua" sai thì do thiếu quan tâm..xem lại, hứa lần sau, vụ này sẽ làm sáng tỏ. Nghe riết thấy quen rồi, chán chết. Không làm được thì để người tài đức lên làm xin đừng làm dân đen đã khổ càng thêm khổ.
Batbinh:
Đi kiện chính phủ à, đừng có mà nằm mơ! Chỉ vài anh "công an" quèn bắt người trái phép, rồi tạo hiện trường giả về vụ chết người tại đồn công an còn không làm gì được bọn nó kìa, ở VN cái việc gì đụng đến công an, chính quyền (những đứa con cưng của đảng" dù là bọn cò con bọn nó cũng binh nhau là đằng khác. Chỉ có bọn dân đen chịu thiệt thòi thôi.
Trương Anh Bảy:
Kiện ai bây khi mà chúng nó bao che từ trên xuống dưới? Từ giao thông khi kỉ niệm 1000 năm đại lộ thăng long bị rạn nứt, đến cầu thăng long, đến vụ vinashin , giờ đến vụ evn... chuẩn bị rồi đến xây dựng , y tế ...cuối cùng chết người dân thôi mọi người ơi.
Haiau, Atlanta:
Đọc bài này mình thấy cũng hơi tiếu lâm. Nhưng tác giả bài này chỉ nghỉ về quyền lợi cho bản thân của mình thôi, mọi cái đều đổ tội cho nhà nước, nhưng phải nhìn lại mình. Bản thân là một công dân mình đã làm tròn nghĩa vụ công dân của một nước chưa? Quyền và Nghĩa Vụ đều đi đôi với nhau. Đừng bao giờ xúi bẩy người ta đi vào chỗ nguy hiểm, rủi khi gạp tai nạn chết tồi thì kiện ai? Thật là tức cười cho mấy bác.
Ngoclan, Việt Nam:
Mọi thứ đều ngẫu nhiên, đâu ai có thể lường trước được đâu. Nếu ông người Canada kia nói như thế không khác nào khơi mào cho bạo động chống lại chính phủ Việt Nam hay sao? Số tiền của ông ta có thể nuôi sồng cho bao nhiêu người Việt Nam?
Mai Trương Tú Oanh, Việt Nam:
Tiến sĩ Nam thật là: 'Những người thích đùa'.
Người Sài Gòn:
Chính xác là dân Việt Nam quá vô tư đóng thuế nuôi chính phủ (và Đảng) nhưng không hề biết họ sử dụng tiền mồ hôi xương máu của người dân vào việc gì!
Phuc Thach, Canada:
Bài viết của TS luật Nguyễn Vân Nam đọc thật thú vị, kiện chính phủ là một điều cần thiết, thế nhưng xã hội VN thú thật rằng rằng nếu bạn thắng kiện tôi cho là hy hữu. Con kiến kiện củ khoai, hay Được và má đã xưng vêu lên rồi. Tôi sẵn sàng tặng tiền cho ai đó nếu thắng kiện chính phủ VN. Xưa nay lý thuộc về kẻ mạnh...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét