Phạm Viết Đào.
Đây là đề tài nhiều lần được đưa ra trao đổi, bàn luận tại trụ sở Hội Nhà văn VN số 9 Nguyễn Đình Chiểu, tất nhiên không phải tại các cuộc hội thảo chính thức mà tại các câu chuyện bàn trà giữa các nhà văn thường hay quan tâm tới chuyện thế sự…
Tôi đã nhiều lần nghe một số nhà văn trạc tuổi với ông Nguyễn Khoa Điềm, từng tham gia chiến tranh cho biết: Có nhiều khả năng, ông Nguyễn Khoa Điềm đã được đích thân Tướng Nguyễn Khoa Nam can thiệp, cứu để được phóng thích ra khỏi nhà lao Thừa Phủ-Huế mà không bị kèm theo một điều kiện gì ?! Bởi hai ông có quan hệ họ hàng thân tộc khá gần gũi với nhau…Tôi cũng chưa biết rõ quan hệ của 2 ông như thế nào; có người bảo ông Nguyễn Khoa Nam là chú ông Nguyễn Khoa Điềm, cũng có người cho biết là anh con ông bác ?
Đây là một dấu hỏi nghe nói sau này nhiều lần được đặt ra đối với sự nghiệp tham chính của ông Nguyễn Khoa Điềm. Có một số người biết rõ tình hình nội bộ thuộc chiến trường Trị Thiên-Huế trước giải phóng cho biết: sau khi được phóng thích, ông Nguyễn Khoa Điềm hình như không được tin dùng lắm…Đại loại là một nhà thơ đã có tên tuổi nhưng ông Nguyễn Khoa Điềm có lúc lại được bố trí đi chăn bò, trồng sắn để thử thách, canh chừng…
Nghe nói do được biệt phái đi chăn bò, trồng sắn nên Nguyễn Khoa Điềm có được cảm hứng để viết bài thơ: Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ; sau đó được Trần Hoàn phổ nhạc thành bài Lời ru trên nương...Trong bài thơ này Nguyễn Khoa Điềm danh nghĩa là viết thơ ru cậu bé " Cu Tai " ( Tai Họa ) nhưng thực ra là để ru " Cu Điềm " qua cơn bĩ cực:
Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka Lưi
Em ngủ ngoan em đừng làm mẹ mỏi...
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka Lưi
Em ngủ ngoan em đừng làm mẹ mỏi...
Bởi vì thông thường khi bị địch bắt, hoặc là anh chiêu hồi, đầu thú, khai báo gì đấy thì may ra mới được ưu đãi, không bị tra tấn hành hạ; nếu anh không nhận hợp tác, hoặc không có gì ràng buộc với phía bên kia mà tự nhiên được thả tất nhiên sẽ bị đặt dấu hỏi…Cái sự được thả, được phóng thích của ông Nguyễn Khoa Điềm khác với hàng loạt tù binh được trao trả năm 1973 theo Hiệp định Pari…
Cái câu chuyện bí ẩn này bây giờ chỉ có ông Điềm kể ra thì may ra mới tin được, còn như các ý kiến theo kiểu “ cờ ngoài, bài trong “ thì cũng chỉ là thứ đoán già đoán non mà thôi theo kiểu của anh em nhà “Mao Tôn Cương” về Tam Quốc diễn nghĩa để cho thế sự thêm phần huyền bí…
Theo như dân văn hóa-thông tin đồn: ông Nguyễn Khoa Điềm đã gặp rắc rối khi nằm trong top được thăng tiến vào vị trí “ tứ trụ “; Khi ông làm Chủ tịch Hội Nhà văn VN kiêm Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin thì việc vào Bộ Chính trị để đảm nhận chức Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa không mấy chướng ngại; vì đây là mảng mà ít đối thủ cạnh tranh…Còn khi vào “ tứ trụ “ thì nghe nói cuộc chiến khốc liệt lắm, nhiều đơn kiện lắm, nhiều chuyện từ củ tỷ, củ tỏi được lôi ra bằng hết…
Nghe đồn các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, xác minh chuyện này chuyện kia qua các tàng thư của chế độ cũ và không phát hiện ra điều gì nặng nề với ông Nguyễn Khoa Điềm? Sau vụ này khi ông Nguyễn Khoa Điễm vững ghế, người ta thấy ông tự nhiên ưu đãi một vài người, điều này khiến cho dân văn hóa cũng cảm thấy chắc là phải có ân nghĩa gì sâu sắc lắm…
Trở lại mối quan hệ giữa ông Nguyễn Khoa Điềm và Tướng Nguyễn Khoa Nam, trong bài Hỏi chuyện người trong nhà của nhà văn Hoàng Minh Tường, được mạng Trannhuong.com đưa có đoạn đối thoại giữa nhà văn Hoàng Minh Tường và nhà văn Lê Văn Thảo sau đây, trong chuyến bay do hai người cùng ngồi trong máy bay bay sang Nga; ( nhà văn Lê Văn Thảo là cháu của cựu Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh ):
“- Nghe nói, cách đây hơn chục năn, các nhà lãnh đạo cao nhất Đảng và Nhà nước ta đã từng bàn đến chuyện tấn phong cho Tổng thống Dương Văn Minh danh hiệu Anh hùng?- Tôi hỏi nhà văn Lê Văn Thảo.
- Có chuyện đó đấy.
- Tổng thống Dương Văn Minh xứng đáng với danh hiệu ấy.-Tôi nói – Bởi khi ấy, chỉ cần một hành động quá khích, chỉ nghĩ đến hận thù, đến tử thủ mà quên sự tồn vong của dân tộc, quên cốt nhục đồng bào… thì sẽ thành nồi da nấu thịt, máu hàng triệu người lại tiếp tục đổ xuống, và Sài Gòn sẽ thành bình địa... Lịch sử sẽ phải ghi công cho ông Dương Văn Minh…
Nhà văn Lê Văn Thảo dốc bầu tâm sự:
- Đó là thời kỳ ông Võ Văn Kiệt còn làm Thủ tướng và ông Nguyễn Khoa Điềm đang giữ chức Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương. Chính tôi đã nghe nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nói về chuyện này… Nhưng có một số người phản đối… Rồi ông bác tôi mất…
- Thật tiếc - Tôi thở dài. Nghe thấy tiếng Lê Văn Thảo cũng thở dài…”
Qua chi tiết này được phát lộ một cách tình cờ, vô tư cho thấy, ông Nguyễn Khoa Điềm chừng mực nào có sự giao cảm với người của phía bên kia, do đo ông mới ủng hộ cái việc phong anh hùng cho Tướng Dương Văn Minh; mặc dù vẫn là có tiếng là rắn về lập trường…Tỷ như việc ông ngăn không cho báo đăng thư của ông Võ Văn Kiệt khiến cho ông Kiệt phải làm toáng lên? Hay vụ ứng xử với đám tang ông Trần Độ? Vụ này diễn ra dưới thời ông Nguyễn Khoa Điềm làm Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa...
Nhưng có lẽ do bởi tình thế lúc đó, và còn vì sự an toàn cho sự nghiệp chính trị của bản thân, do đó nên cái tình cảm le lói lên đó nhanh chóng bị vụt tắt…Bởi theo sự suy đoán của những “ Mao Tôn Cương “ thời nay thì: nếu ông Dương Văn Minh được chiêu tuyết, thài độ với tướng lĩnh quân đội của chính quyền Sài Gòn cũng sẽ nhẹ bớt, sự hòa hợp sẽ dễ thở hơn…
Nhân dịp 30/4, người viết bài này có tình cờ xem trên truyền hình VTV1 một đoạn nói về cụm điệp báo A.10 hoạt động trong nội thành Sài Gòn, không xem được từ đầu nên không nhớ kỹ. Qua câu chuyện của một điệp báo của ta, được cài vào Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn ông này đeo lon Thượng sĩ, ông có một ý kiến tôi cho là rất xác đáng và phù hợp với tiến trình lịch sử của đất nước nói chung và ngành tình báo nói riêng. Ông cho biết đại ý: Khi quân đội Mỹ sang đây, họ đã không bao giờ lường tới những quan hệ huyết tộc trong những con người Việt Nam với nhau; cái quan hệ đó rất mạnh nên đôi khi lấn át các quan hệ chính trị…Mà mối quan hệ này có trong rất nhiều gia đình Việt Nam nhất là ở miền Nam: Nhiều gia đình có người tham gia cả 2 phía. Đó chính là cơ sở tốt nhất để cho ngành tình báo Việt Nam hoạt động vượt qua mặt những cơ quan tình báo Mỹ giỏi nhất, trang bị tối tân nhất…
Trở lại chuyện ông Nguyễn Khoa Điềm và Tướng Nguyễn Khoa Nam nhiều nhà văn đều thống nhất: Nếu không có ông Nguyễn Khoa Nam can thiệp khó lòng ông Nguyễn Khoa Điềm được phóng thích vô điều kiện như vậy. Có điều, chắc ông Nguyễn Khoa Nam với tình huyết tộc chắc thế nào cũng khuyên ông Nguyễn Khoa Điềm nên hồi chánh; có điều chắc ông Nguyễn Khoa Điềm không nghe nên ông Nguyễn Khoa Nam can thiệp để tha cho ông…
Nhắc lại câu chuyện này cũng để thấy thêm một dấu ấn lịch sử của cuộc chiến tranh Việt-Mỹ đã ăn sâu vào từng gia đình như thế nào; ngoài ra viết lại câu chuyện này cũng để ghi thêm cho ông Nguyễn Khoa Nam một điểm về tư chất nghĩa hiệp của một chiến binh ngoài phát súng ông tự bắn vào đầu; nếu quả đúng chính ông là người đã can thiệp để ông Nguyễn Khoa Điềm ra khỏi nhà lao Thừa Phủ…
P.V.Đ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét