"Thay vì coi hiện tượng băng tan ở Bắc Cực như một lý do thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu thì lãnh đạo các nước vùng cực lại đầu tư vào thiết bị quốc phòng để chiếm lấy nguồn dầu mỏ bên dưới". Băng tan: Thách thức hay cơ hội? Ben Ayliffe, thành viên tổ chức Hòa Bình Xanh đã đưa ra nhận định trên trước thềm hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước vùng cực, nhóm họp tại Greenland từ ngày 12/5. Ben Ayliffe, thành viên tổ chức Hòa Bình Xanh đã đưa ra nhận định trên trước thềm hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước vùng cực, nhóm họp tại Greenland từ ngày 12/5. Với sự tham dự của đại diện Mỹ, Canada, Nga, Na Uy, Phần Lan, Iceland, Thụy Điển, Đan Mạch và đại biểu một số nhóm thổ dân, hội nghị này sẽ thảo luận về nhiều chủ đề quan trọng liên quan đến việc phân chia trách nhiệm và quyền lợi tại Bắc Cực.
|
Trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của Bắc Cực thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia. |
Khảo sát của các nhà địa chất học Mỹ cho thấy, vùng đáy biển tại Bắc Cực chứa đựng 25% lượng dầu mỏ và khí tự nhiên chưa được khai thác của toàn thế giới. Ngoài ra, ở khu vực này còn có nhiều mỏ đồng, niken, bạch kim, vàng, kim cương và nhiều kim loại quý hiếm khác...
Do hiện tượng ấm lên toàn cầu, trong vòng 20 năm qua khối lượng băng tại Bắc Cực đã giảm 20%. Theo dự báo mới nhất của các nhà khoa học Mỹ, đến năm 2016, Bắc Cực sẽ không còn băng vào mùa hè. Điều này có thể gây ra nhiều hậu quả về môi trường, nhưng ngược lại, nó sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các nước vùng cực. Một khi băng tan, việc đi lại, đánh bắt hải sản và thăm dò tài nguyên thiên nhiên trong khu vực sẽ dễ dàng và ít tốn kém hơn hiện nay rất nhiều.
Ai cũng muốn có phần
Là nước có đường bờ biển tiếp giáp với Bắc Cực lớn nhất, có sẵn đội tàu phá băng quân sự và dân sự hoạt động dọc ngang khắp Bắc Băng Dương, đồng thời có những thành phố lớn trong vành đai Bắc Cực, không có gì khó hiểu khi Nga luôn tỏ ra sốt sắng với những hoạt động thăm dò, khai thác vùng đất băng giá này. Tham vọng của Nga được thể hiện rõ ràng lần đầu tiên năm 2007, với việc cắm lá cờ Nga bằng hợp kim titan siêu bền xuống đáy Bắc Băng Dương. Chuyên gia kỹ thuật Nga cũng tiến hành phân tích mẫu đất đá thu được từ khu vực này để chứng minh rằng địa tầng đáy đại dương ở Bắc Cực là phần kéo dài các dãy núi Lomonosov và Mendeleev của Nga.
Những động thái này của Nga đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia vùng cực khác. Peter MacKay, bộ trưởng Ngoại giao Canada khi đó cho rằng: "Giờ đâu còn là thế kỷ XV. Anh không thể đi khắp thế giới, cắm cờ rồi tuyên bố ’tôi có chủ quyền với lãnh thổ này".
Không thua kém Nga trong cuộc đua ở Bắc Cực là Mỹ. Mục tiêu cụ thể là gây ảnh hưởng đối với Greenland, vùng đất rộng lớn, có vị trí chiến lược ở Bắc Cực, hiện đang nằm dưới sự bảo hộ của Đan Mạch, nhưng xu hướng tách ra độc lập hoàn toàn ngày càng rõ ràng. Một tài liệu ngoại giao của Mỹ vừa được WikiLeaks tiết lộ có đoạn viết: "Chúng ta có lợi ích an ninh thiết thực và lợi ích kinh tế ngày càng lớn ở Greenland". Cũng trong tài liệu này, một nhà ngoại giao Mỹ cho rằng: "Hoạt động tiếp cận mạnh mẽ của chúng ta với người dân Greenland sẽ giúp họ tránh được sự lựa chọn sai lầm giữa Mỹ và châu Âu, đồng thời củng cố mối quan hệ của chúng ta với Greenland trong cuộc đua với Trung Quốc, nước đang tỏ ra ngày càng quan tâm đến tài nguyên thiên nhiên ở đây".
Sự lo ngại của Mỹ đối với Trung Quốc không phải là không có lý do. Từ năm 1986 đến nay, các nhà khoa học Trung Quốc đã tổ chức 26 chuyến thám hiểm đến Bắc Cực, với tần suất ngày càng tăng. Mặc dù Trung Quốc chưa từng khẳng định tham vọng bắc tiến, nhưng theo một báo cáo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), nước này đã có chiến lược hành động một khi Bắc Cực không còn băng. Sở dĩ họ im lặng vì đang thăm dò phản ứng của các nước vùng cực. Nếu hội nghị bộ trưởng tại Greenland phát tín hiệu tích cực, có thể Trung Quốc sẽ ra mặt.
Hương Tiên (theo Guardian, Independent và Asia Times, 13/5) |
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét