Con sâu làm rầu....
Vũ Thế Long
Không biết câu tục ngữ “ Con sâu làm rầu nồi canh” có từ bao giờ và bắt nguồn từ nơi đâu ? Rầu là gì? Mở từ điển thì được giải thích : “ Rầu là héo hon trong lòng”. Lạ thật, con sâu là động vật sống. Động vật sống thì cũng có vui, có buồn là chuyện thường. Nhưng con sâu lại làm cho nồi canh, héo hon trong lòng thì thật khó mà hiểu được. Kì lạ thay Lối ví von của người Việt chúng ta.
Bây giờ, cứ mở báo ra thì thấy. Hễ có một nhân viên, một quan chức nào vấp phải khuyết điểm, vướng phải tham nhũng và bị lộ thì trả lời báo chí, trả lời công luận, các vị lãnh đạo bộ, lãnh đạo ngành lại xin lỗi nhân dân và câu xin lỗi ấy vẫn thường là “ Con sâu làm rầu nồi canh”. Hình như bát canh ấy, nồi canh ấy vẫn còn sạch lắm. Vứt con sâu ra khỏi bát canh là cả nhà lại có thể tiếp tục “ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” . Cứ coi như bát canh thật sạch, thỏa thuê mà tận hưởng cái hanh phúc ẩm thực, hạnh phúc chan chứa tình gia đình.
Có một lần. Và chỉ một lần trong đời tôi. Tôi được mẹ dạy cho một bài học nhớ đời về lối ăn lối uống của một con nhà tử tế phải như thế nào. Thuở ấy, tôi còn là một thằng bé lên năm là đứa con trai được cả nhà cưng chiều. Quần tụ hàng ngày trong hai bữa cơm nhà có ông bà, bố mẹ và anh chị em chúng tôi ngót cả chục người. Hồi ấy cả nước ta còn nghèo. Ăn uống đạm bạc nhưng sạch và ngon. Sạch vì chẳng ai bị ngộ độc bởi ăn phải thuốc sâu, thuốc chuột . Ngon vì từ con tôm con tép đến miếng thịt miếng cá trên mâm cơm đều là sản phẩm của trời cho, tuyệt không có hoóc môn hoóc miếc gì. Làm gì có gà công nghiệp, thịt lợn lai... hễ ăn vào là cảm thấy có vị hôi hôi của cám con cò . Miếng thịt thì bở bùng bục. Nhai thịt mà như thể nhai rơm.
Tôi nhớ mãi cái bữa cơm chiều hôm ấy. Trời nóng vã mồ hôi, mâm cơm dọn ra có bát canh cải xanh nấu cá rô. Mẹ tôi kì công lọc thịt cá, nhặt hết xương dăm vì sợ lũ trẻ ăn vào bị hóc. Thịt cá ướp gừng và nước mắm thơm phức. Đầu, xương cá được mẹ giã nhỏ rồi lọc rất kĩ khiến nước canh ngọt lừ. Bát canh múc lên phả mùi gừng quện mùi cá rô thơm kì lạ. Canh cá ăn với mấy quả cà pháo tự tay mẹ muối nén trong vại nhà, nhai vào giòn tan . Sau này, mẹ đã qua đời thỉnh thoảng tôi mới được thưởng thức những quả cà muối như thế chỉ ở những bữa ăn ở nhà của cô em gái tôi thôi. Lạ thật! Mẹ tôi muối cà giỏi thế nhưng học được lối muối ấy chỉ độc có cô em gái thứ hai của tôi mà thôi. Thì ra nghệ thuật ẩm thực nó cũng có di truyền. Không phải là cứ mẹ nấu ăn giỏi thì con sẽ trở thành nghệ nhân ẩm thực. Vì thế. khi ra ở riêng, chỉ cô em gái tôi được mẹ cho cái cối đá vừa để nén cà vừa để giã cua mà bây giờ cô vẫn giữ nó như một của gia bảo bên cạnh những bộ nồi inox sáng choang và dàn bếp ga, lò vi sóng bóng lộn.
Chan vội bát canh và cố tình voóng mấy mẩu cá tận đáy bát. Bất thần, tôi nhìn thấy một chú sâu xanh lẫn trong đám lá rau cải nhừ. Như bị điện giật. tôi hét toáng lên “Ối mẹ ơi, có con sâu”. Cả nhà tròn mắt nhìn tôi. Ông bà tôi hơi khó chịu vì thằng cháu đích tôn có một cử chỉ quái đản bất lễ. Mẹ tôi, người tổng đạo diễn của những bữa ăn của cả nhà. Bà biết rõ ai là người nhặt rau và rửa rau hơn ai hết. Tuyệt không một lời phàn nàn. Bà nhẹ nhàng thu lại bát canh đang toả hương thơm nhưng nay đã trở thành dị vật ô nhiễm. Lẳng lặng bê cả nồi canh, một tác phẩm nghệ thuật công phu mà bà sắp được công diễn để chiều cả nhà đổ toẹt vào nồi nước gạo cho lợn. Thế là chỉ béo lũ lợn. Bà vội vã bắc bếp, vặt mớ rau muống nấu vội nồi canh suông để kịp thời bù lại bát canh sâu bất đắc dĩ. Chuyện rồi cũng qua đi. Ai nấy ăn qua quýt cho xong bữa và cả nhà đều cố lảng đi chuyện canh có sâu, coi như không có chuyện gì. Chẳng ai nỡ làm buồn thêm một lần nữa cái sơ xuất không đáng có của mẹ tôi, chị tôi. Những người đã vất vả, tận tình với cả nhà nhưng gặp phải sơ xuất không may.
Sau bữa ăn chiều, lũ trẻ chúng tôi đứa nào đứa ấy ngồi vào bàn làm nốt bài vở để sáng mai còn đến trường. Dọn dẹp nhà cửa bếp núc xong, mẹ gọi tôi và chị cả xuống nhà dưới. Bà nhẹ nhàng khuyên : “ Từ nay trở đi, nhặt rau, rửa rau con phải cẩn thận. Con sâu nó nhỏ tí mà lại xanh như màu lá nên khó nhận ra lắm con ạ. Cũng là lỗi tại mẹ cả. Lẽ ra mẹ phải kiểm tra kỹ trước khi bỏ rau vào nồi” . Chị tôi, người có lỗi lớn nhất. Chị rầu rĩ ấm ức suốt từ chiều sau bữa ăn, bỗng oà lên khóc. Khóc vì cái lỗi của mình. Khóc vì thương mẹ. Sau lời nhắc nhở chị, mẹ lại trách tôi: “ Lần sau, nếu con thấy có sâu hay có gì không sạch như bữa hôm nay, con nói nhỏ với mẹ là đủ. Mẹ sẽ đổ đi. Đừng làm ầm lên như thế. Làm như vậy thì ông bà, bố mẹ và cả nhà sẽ mất vui “ Tôi thực sự ấm ức. Mình thấy sâu thì kêu lên. Mình có lỗi gì ? Thấy sai không dám nói mà phải giữ bí mật, báo cáo bí mật ! Thật vô lí!
Là thằng con trai lớn, lại là đích tôn trong nhà nên tôi có phần được cưng chiều. Bởi thế, trong nhiều bữa ăn. thấy cá kho mặn là tôi chê “Ối măn quá mẹ ơi!”...Mẹ tôi nếm thử và bà không bao giờ giận tôi về những lời chê hỗn xược như thế. Bà thường từ tốn nhận :“ Thôi được con ạ. Hôm nay mẹ cho muối hơi quá tay” . Mẹ không bao giờ muốn tỏ ra cái quyền uy mà nhiều bậc phụ huynh khác thường đối xử với con cái mình. Ấy là “Tao có quyền thì tao muốn làm gì thì làm”. Mặn mà tao bảo nhạt thì chúng mày cũng phải ăn, phải nghe”. Ấy là cái quyền của lề thói gia trưởng, cái thói ứng xử hống hách của những kẻ ngu dốt mà có quyền lực trong tay.
Sau này ra đời. Không còn nhớ tôi đã bao lần gặp lại cái cảnh tìm thấy vật lạ trong bát canh như ngày nào. Thời chiến, cả tập thể có mỗi cái chảo gang to đùng. Cấp dưỡng thì chỉ có một. Anh em phải phân công nhau mỗi ngày cử thêm hai người xuống làm phụ bếp. Cả một chảo canh mà mấy chục miệng cùng ăn. Dăm miếng thịt vịt lèo tèo và hàng chục mớ rau muống thả vào để tạo ra một thứ nước đen đen đục đục váng tí mỡ được gọi là canh. Kèm theo là mấy viên lạc rang xì dầu mặn chát để đưa đẩy bát cơm độn ngô độn mì vơi vơi. Xong bữa mà vẫn thấy đói thấy thèm . Nếu có cả cân sắn luộc ăn tiếp vẫn có thể ních cho căng cái dạ dày luôn luôn lép kẹp. Những bữa được phân công vào phụ bếp như thế. nhớ lời mẹ dặn ngày nào, tôi vẫn cố nhặt rau cho cẩn thận. Chị cấp dưỡng nhìn tôi như một người từ hành tinh lạ . Chị dạy tôi cầm cả mớ rau muống rồi lấy dao phay thái xoẹt phần gốc, quẳng vào rổ xề mang ra giếng rửa. Thế là xong. “Việc gì phải nhặt kỹ như thế. Cậu rõ là con nhà tiểu tư sản....” Những bữa ăn tập thể như thế, cũng không ít lần trong cà mèn canh được chia của tôi có xuất hiện những chú côn trùng xinh xinh nhùn nhũn. Cặp lồng ai người nấy ăn. Thấy sâu thì đành đổ đi mà cũng chẳng thể nào thông báo cho người khác biết là trong chảo canh vĩ đại của tập thể có sâu. Những hôm trong cà mèn canh của mình không có sâu nhưng ai dám chắc là trong cả chảo canh lớn kia lại không có cả dăm chục chú kia chứ ? Thôi, khuất mắt trông coi là được. Biết làm sao ?
Sau này, chị cấp dưỡng người đã dạy tôi cách nhặt rau nhanh gọn của bếp tập thể được cử đi học chính trị và ít năm sau, chị trở thành cán bộ dạy triết của một trường đại học. Không biết bây giờ chị còn giữ cái phong cách nhặt rau thưở nào hay lại giống lũ chúng tôi trưa trưa ra cơm bụi. Chẳng biết rau ở hàng cơm bụi có sâu không nhưng rõ ràng là nếu bạn vào nhà hàng gọi bát canh mà gặp con sâu trong bát thì thực là chuyện rắc rối cho chủ quán.
Trong đời, tôi cũng nhiều dịp được đi ăn cỗ. Có lần, không hiểu do vô ý của đầu bếp hay của chủ nhân mà trong bát gà hầm vẫn còn nguyên cả chiếc diều gà với những cục bánh đúc được nhồi bên trong. Nhớ lời mẹ dặn thuở nào. Tôi giữ nguyên tắc “ im lặng là vàng” để khỏi mất lòng chủ nhân và xin kiếu cái món gà hầm hảo hạng ấy. Bụng thì vẫn nơm nớp chỉ lo nhỡ quá chiều khách mà chủ nhà lại gắp vào bát mình mấy miếng thì chẳng biết làm sao. Ăn cũng dở mà bỏ thì chẳng được.
Hồi học đại học, tôi có ông thày rất giỏi. Ông là giáo sư côn trùng học nổi tiếng. Với ông, côn trùng là một trong những động vật vô cùng quan trọng của hành tinh chúng ta. Ông còn truyền cho chúng tôi câu nói của một nhà côn trùng học nổi tiếng thế giới “ Liệu tương lai thuộc về côn trùng hay thuộc về chúng ta” và ông chứng minh những khả năng ưu việt của côn trùng trong sự thích nghi với mọi hệ sinh thái trên trái đất so với loài người. Tôi nghe mà sợ. Sâu bọ mà lên làm người thì cũng đáng sợ thật! Vị giáo sư của tôi biết rất rành rọt loài sâu nào có hại, có chất độc và loài sâu nào không độc mà ta có thể ăn được. Ông còn nghiên cứu cả những phong tục ăn sâu bọ của các dân tộc trên thế giới và đôi khi còn ăn thử một số loài sâu xem hiệu quả ra sao. Nghe nói, có lần ông được mời đến xơi cơm tại nhà của bà vợ chưa cưới. Trong bát canh hôm ấy có một chú sâu béo mẫm. Ông khoan thai gắp con sâu trong bát canh lên xoay đũa đi xoay đũa lại và ngắm nghía cái mẫu vật tuyệt vời vừa thu thập được. Mắt ông sáng lên trong nỗi hoảng sợ cực điểm của cô vợ tương lai. Và, một cử chỉ làm thất kinh cả họ nhà gái: ông từ từ bỏ con sâu vào miệng rồi tợp một chén rượu ngang, lim dim thưởng thức....Chẳng hiểu hồi kết của câu chuyện sẽ diễn ra thế nào. Người thì cho rằng ông làm như vậy để gỡ danh dự cho bà mẹ vợ tương lai đã chót làm bữa cơm ẩu đãi khách nên được gia đình gả con gái cho. Kẻ thì nói sau trận ấy nhà gái sợ chết khiếp chàng rể có cử chỉ man rợ ghê người...Kết cục thì bà vợ ông bấy giờ vẫn chính là một trong những người vào bếp để nấu bữa ăn khoản đãi ông chồng tương lai hôm nào.
Lâu lắm, tôi không gặp lại thày. Nghe nói thày đi làm chuyên gia dạy học ở một xứ sở Châu Phi xa xăm nào đó. Ở xứ này, nhiều món ăn được chế biến từ sâu bọ và biết đâu gặp những dạng sâu ngon lành bổ béo xuất hiện trong bát canh với họ lại chẳng là một điềm lành ?
Ngày nay, thuốc trừ sâu dùng vô tôi vạ. Có lẽ vì thế mà những nồi canh bị làm rầu cũng gần như biến mất trong mọi bữa ăn của từng gia đình. Người ta vẫn ăn nhưng bây giờ tuy không có sâu mà ăn đâu có sạch. Thậm chí còn nguy hiểm và bẩn hơn xưa nhiều. Hàng năm, biết bao người bị ngộ độc và tử vong vì ăn phải rau, hoa quả còn tồn đọng thuốc trừ sâu độc hại. Làm thế nào mà biết được rau sạch, không có thuốc trừ sâu ? Một số bà bán rau gánh cố chứng minh rằng rau của mình thực sự là rau sạch bằng cách giữ nguyên những chú sâu vẫn bò trên lá để chứng tỏ với các bà nội trợ rằng rau có sâu mới chính là rau sạch, vô hại.
Nguy hiểm thay ! Con sâu lại một lần nữa có cơ hội làm rầu những nồi canh sinh thái, canh nấu bằng rau sinh thái ! Biết làm sao bây giờ ?
Cho đến giờ, tôi vẫn không khỏi ấm ức khi nhớ lại lời mẹ khuyên thưở ấu thơ “ Lần sau nếu thấy như thế con đừng làm toáng lên mà chỉ cần nói nhỏ với mẹ”. Duy chỉ có một điều tôi suốt đời thực hiện như bà đã làm: canh có sâu thì đổ đi cho lợn! Dù có ngon đến mấy, đắt đến mấy cũng vứt. Nấu một nồi canh suông khác mà ăn. Chớ dại mà ăn bẩn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét