Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Xô đẩy, chen lấn nhau để lấy... sách

Dung P.

Thôi thì cướp sách cũng còn văn minh gấp triệu lần cướp đất, mà thử xem, kẻ cướp đất trên toàn cõi nước Nam này có ai không giàu nứt đố đổ vách, chiếc ghế quan chức của họ không ngày càng cao ngất ngưởng? Còn kẻ bị cướp... tức là hàng triệu dân oan trên khắp nước, thì trở thành sống dở chết dở, bị hành hạ, bị xua đuổi, và bị tù rục xương. Vào khoảng thế kỷ IV trước CN Trang Tử đã chẳng nói về điều này rồi ư? (Kẻ cướp một vài món đồ lặt vặt thì trở thành Đạo Chích mà kẻ cướp cả một vùng rộng lớn thì được tôn là vương - “Thiên Khư khiếp”). Có gì đâu vài cuốn sách mà đã sợ mất thuần phong mỹ tục.

Bauxite Việt Nam



Từ sáng sớm, rất đông các bạn trẻ đã tới tham dự Ngày hội Đọc sách Việt Nam 2011 tại sân Thái học Văn Miếu Quốc tử giám. Ảnh: Dung P.


SGTT.VN - Giữa một không gian nghiêm trang và được coi là biểu tượng của giáo dục và văn hóa như sân Thái học của Văn Miếu Quốc tử giám, các bạn trẻ đã gây ra một cảnh tượng rất phản cảm, đó là chen lấn, xô đẩy và để xin được… một quyển sách.

Sáng 23.4 tại sân Thái học trong khuôn viên Văn Miếu Quốc tử giám đã khai mạc ngày hội đọc sách Việt Nam 2011 do bộ Văn hóa, thể thao & du lịch tổ chức với chủ đề Đọc sách cho ngày mai.

Một chương trình khá đa dạng và thú vị được xây dựng và tổ chức trong vòng một ngày với các hoạt động như thi xếp sách nghệ thuật, tặng sách miễn phí, thi vẽ và viết về sách, chương trình trình diễn thơ và truyện ngắn, tọa đàm về văn hóa đọc… Thời tiết mát mẻ của Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi cho ngày hội đọc sách thu hút rất đông người tới tham dự từsáng sớm.

Dịch giả Thúy Toàn chia sẻ: “Tôi thấy ngày hội đọc sách là ý tưởng rất hay. Thấy các bạn trẻ tới đây và tìm hiểu về sách, tôi rất vui. Nhưng theo ý kiến tôi, đã gọi là ngày hội đọc sách thì nên có chỗ để đọc sách. Chứ chủ yếu ở đây là các gian trưng bày của các NXB thì có vẻ giống… hội chợ sách hơn là một ngày dành cho việc đọc sách”.

Ông Thúy Toàn cũng gợi ý nên có các khu vực trưng bày những cuốn sách quý, giới thiệu về những cuốn sách hay hoặc những bản sách hiếm. “Có làm như vậy, các bạn trẻ mới hiểu giá trị của sách là gì. Tại sao chúng ta cần đọc và giữ gìn sách”, ông Toàn nói.



Các em nhỏ tham gia vẽ tranh về sách, một góc đẹp của ngày hội. Ảnh: Dung P.


Trong chương trình của sự kiện, từ 10 – 11 giờ sáng sẽ có buổi phát sách miễn phí với hơn 1.000 cuốn sách và 2.000 chiếc bút bi dành cho bất cứ ai tới dự ngày hội. Mặc dù với ý tưởng ban đầu tích cực, nhằm kích thích văn hóa đọc, nhưng sự kiện này đã phải chấm dứt chỉ sau 10 phút thực hiện.

Mặc dù ban đầu có xếp hàng nhưng khi giờ phát sách chính thức bắt đầu, tình trạng chen lấn xô đẩy đã xảy ra. Không thể kiểm soát nổi tình hình, ban tổ chức đã quyết định dừng luôn phát sách để tránh chuyện không hay xảy ra. Giữa một không gian nghiêm trang và được coi là biểu tượng của giáo dục và văn hóa như sân Thái học của Văn Miếu Quốc tử giám, các bạn trẻ đã gây ra một cảnh tượng rất phản cảm, đó là chen lấn, xô đẩy và để xin được… một quyển sách.

Bác Trần Văn Mai, 67 tuổi ngán ngẩm nhận xét: “Đọc sách chứ có phải… cướp sách đâu. Nếu các cháu ứng xử như vậy với sách thì liệu các cháu có biết đọc một quyển sách là như thế nào?”

Đọc là một quá trình tư duy. Triết gia người Pháp Réne Descartes từng nói: “Tôi tư duy nên tôi tồn tại”. Như vậy hiểu theo cách này, đọc sách cũng là sự tồn tại. Nhưng để hiểu được điều đó, người ta cần phải vượt qua giới hạn của một cách tư duy đơn giản: tới ngày hội đọc sách để mua sách giá rẻ hoặc thậm chí để… xin được quyển sách đã nhàu nát vì chen lấn.

Trong dịp này, hơn 20 gian hàng của các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách lớn của Việt Nam đều giới thiệu những đầu sách mới và có các chương trình giảm giá sách bán để tạo kích thích cho người mua sách.

D.P.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét