Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Báo Nhà nước nên đăng lại bài: TẠI SAO, BẢN GIỐC?



Mai Thanh Hải
 NTT: Theo đường dẫn của anhbasam, tôi đọc được bài viết rất tâm đắc của nhà báo Mai Thanh Hải. Một bài viết “tai nghe mắt thấy”, khiến tôi nhớ lại 32 năm về trước khi tôi và Chu Lai mang ba lô đến Cao Bằng những ngày chiến tranh biên giới còn khét mùi thuốc súng. Thực trạng hôm nay đúng như bài của MTH, là một cay đắng khi thấy rằng Nhà nước ta chưa thực sự dốc lòng vì xây dựng biên giới vững mạnh. Tôi nghĩ: Các báo Nhà nước nên đăng tải bài báo này nhằm thúc đẩy Nhà nước tiến hành hơn nữa những việc làm chính đáng đối với dân với nước. Cám ơn nhà báo Mai Thanh Hải và anhbasam.

TẠI SAO, BẢN GIỐC?…

Mai Thanh Hải Blog – Khoảng năm 2000, lần đầu tiên mình lên Cao Bằng. Địa điểm đầu tiên mình đến là Khu Di tích Pắc Bó và Thác Bản Giốc. Thuê 1 chiếc xe máy và lọ mọ lang thang cả tuần, nhưng nhớ nhất là 2 ngày ở Thác Bản Giốc. Hồi ấy, con đường mòn từ Trạm Kiểm soát Biên phòng băng qua cánh đồng xuống bãi đất ngắm thác vẫn còn lầy lội và chi chít vết chân trâu ngọn hoắt. Thác đẹp mê mẩn nhưng vắng vẻ. Mấy cậu Biên phòng khoát tay chỉ bãi đất nổi giữa sông, giữa mù mịt bụi nước, thì thầm: “Mình cứ trồng ngô là họ sang nhổ. Xô xát suốt. Chỉ còn thiếu nước… nổ súng” và ao ước: “Giá khu vực này được đầu tư, phát triển bằng một phần bên kia, bọn em cũng đỡ buồn và đỡ… tủi thân”. Lặng người: Biên phòng ở biên giới, quanh đi quẩn lại toàn núi đồi, cây lá, thôi thì cũng quen dần. Thế nhưng ở cái nơi hùng vĩ, tuyệt đẹp và “nhạy cảm” này, cứ phải chong ống nhòm, theo dõi bờ sông bên kia tấp nập khách du lịch đàn ông đỏ đắn béo tốt, con gái mặc áo trễ váy ngắn khoe đùi dài trắng nõn, nhà cửa xây cao kiên cố mọc lên từng ngày… thì đúng là tủi thân thật.

Toàn cảnh Thác Bản Giốc
Bây giờ lên Thác Bản Giốc, cột mốc 836 đã được cắm trên đỉnh ngọn thác và mọc thêm 2 cột phụ ở phía bên ta và bên Trung Quốc. Đường từ Trạm Kiểm soát Biên phòng xuống cánh đồng để vào chân thác đã được bạt đất đồi và trải đá dăm cho dễ đi. Thế nhưng vẫn cứ thấy tủi thân khi đi ngang những chiếc cầu bắc bằng tre – gỗ ọp ẹp, đặt chân lên con đường quanh co, bé tý như thể bờ ruộng để ra với “Khu Thương mại… chợ” nằm cạnh thác.
Cây cầu tre dẫn ra Thác

Hai dãy lều tranh tre nứa lá, xiêu vẹo dọc đoạn đường dài khoảng 100m, bán đủ thứ đồ chơi, mỹ phẩm – nước hoa, quần áo nón mũ lưu niệm, nước giải khát – thuốc lá. Tất cả, chiếm đến 95% là hàng… Trung Quốc. Những mặt hàng Madein Việt Nam, đếm trên đầu ngón tay: Thuốc lá Vinataba, Ngựa Trắng, bia lon Hà Nội, nước giải khát đóng chai và… chiếc nón cùm cụp, nặng trịch đan tre, đặc trưng của đồng bào Tày – Nùng Cao Bằng.
Dưới chân Thác Bản Giốc: Hàng quán tạm bợ phía Việt Nam
Nhìn sang bên kia, những tòa nhà sơn xanh liên láo ô cửa kính trắng, trố mắt nhìn chòng chọc; mái ngói sùm sụp nặng mi trên những khối bê tông xám ngoét; con đường bê tông ngoằn ngoèo, bí ẩn qua những gốc cây, bờ sông, ì ì tiếng động cơ ôtô chở nặng trèo lên tận điểm ngắm nhìn mới xây, lưng chừng con thác; những chiếc bè mảng ghép tre treo khung gỗ loằng ngoằng chữ Hán, lượn le ve trên sông bởi tay chèo đàn ông vâm vấp, mặc áo xanh da trời… 
Khu Du lịch của Trung Quốc bên Thác Bản Giốc
Chiều xuống, những bố, những mế nháo nhác dọn hàng sớm, lịch kịch chất lên xe máy, phi qua cánh đồng, trượt trên con dốc sỏi, lên đường nhựa về bản. Cả cánh đồng rộng, nửa sông rộng và thác phụ mờ mờ rộng, so vai lại co ro trong sương lạnh và hoang vắng, u buồn. Phía bên kia, điện bừng lên sáng trắng, rực rỡ kèm tiếng hoa đài, hát hò ông ổng. Cậu lính Biên phòng người Nam Định tha thẩn tựa hiên cửa ngoài Trạm, nhìn sang nơi sáng rực rỡ, huyên náo nhạc và buồn buồn: “Tủi thân lắm! Chỉ ước bên mình có thêm vài cái nhà xây cao rộng. Dưới chân thác, ven bờ sông, nếu có mấy ngọn điện sáng thì cột mốc đỡ lạnh và đường biên tuần tra cũng đỡ hoang vắng”…

Cách đây gần 5 năm, người ta đã vạch ra cái gọi là Dự án Khu Du lịch Thác Bản Giốc với cơ man các khu chức năng (Trung tâm đón tiếp, điều hành du lịch và dịch vụ công cộng; cơ sở lưu trú; thể thao nước; thăm quan và nghiên cứu hang động kết hợp thể thao leo núi; bản văn hóa các dân tộc…) do 1 Phó Thủ tướng Chính phủ ký đàng hoàng. Thế nhưng, đến bây giờ, cái mà dự án làm được, chỉ là đoạn đường trải đá dăm đã trôi hết đá, lổn nhổn đá xanh u cục, chiếc cầu tre đủ 2 người tránh nhau và… mấy tấm biển gỗ nền xanh, chữ trắng nhắc nhở “Không tè bậy, vứt rác”…
Lại nhớ hôm rồi, hình như Thác Bản Giốc lại được đưa lên “bàn hội đàm” cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc với nội dung ngắn gọn nhưng… khó hiểu là “Hiệp định hợp tác và khai thác tài nguyên du lịch khu vực Thác Bản Giốc”. Không hiểu cái “Hiệp định” đao to búa lớn, có phải là tiền đề để những tòa nhà xanh, nằm phía bên kia kéo sang chềnh ềnh trong cánh đồng, để những bóng điện nối bập bõm lội sông, kéo chân sang soi sáng đất của ta… Thế nhưng có một điều đơn giản mà ai cũng biết: Một quốc gia, dù nghèo khó đến mấy, cũng không phải không làm nổi một con đường, 1 tòa nhà và kéo 1 hàng bóng điện ở nơi thắng cảnh nổi tiếng – duy nhất và đang rất nhạy cảm về chính trị, trước dư luận. Nhất là khi Khu Du lịch đó đã được vẽ rõ ràng, rành mạch và cụ thể hóa bằng hẳn vài trang quyết định có ký tên, đóng dấu của người đứng đầu Chính phủ…

Mấy trăm mét đường biên giới thiêng liêng, nơi địa đầu Tổ quốc, ở địa điểm mang tính nhạy cảm nhất nhì, mà không kéo được ngọn điện soi sáng, mà hình như có ý định nhờ láng giềng bên cạnh, nổi tiếng là thâm hiểm – tham lam soi hộ… thì việc người dân đặt câu hỏi về phương thức ngoại giao “buôn bạc giả” cũng là điều dễ hiểu và nguy cơ bị mất đất, nói thật, cũng không thể không xảy ra…
MỘT SỐ HÌNH ẢNH THÁC BẢN GIỐC
Khẩu hiệu chăng ngang đường lên Thác Bản Giốc
Guồng lấy nước từ suối – Đặc trưng rất riêng của Cao Bằng
Trạm Kiểm soát Biên phòng Thác Bản Giốc
Căn lều duy nhất có người ở ban đêm gần Thác Bản Giốc
Bên trong lều là những chiếc can nhựa của Trung Quốc
Đống vỏ chai bia Trung Quốc dọc đường ra thác
“Trung tâm thương mại” Thác Bản Giốc phía Việt Nam
Những người bán hàng vất vả
Thiếu nữ Thác Bản Giốc
Mảng chở khách ra thăm thác của Việt Nam
Toàn cảnh Thác
Thác chính, bây giờ chia mỗi bên 1 nửa
Thác phụ nằm hoàn toàn trong địa phận Việt Nam
Cột mốc phụ
Mảng Việt Nam chở khách Việt Nam
Bè Trung Quốc chở người Trung Quốc
Người chèo bè Trung Quốc không có khách, ngồi buôn dưa lê
Mấy chú Trung Quốc này thì ngồi nhậu nhẹt
Quà lưu niệm duy nhất đặc sắc Cao Bằng: Nón đan bằng tre
 
Gà vịt đường biên

Thuyền bơi giữa đường biên giới mong manh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét