Posted by truongthondlb1
Lê Diễn Đức - Đảng Cộng Sản Việt Nam hãy nhớ rằng, “CHXHCN Việt Nam” không phải là đất nước Việt Nam, không phải là Tổ Quốc Việt Nam của mọi người Việt, mà là một hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam áp đặt, một triều đại phong kiến mới với những vị vua mới: “Vua Tập Thể” (như nhận định của cựu Chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An).
Tôi gọi điện thoại về Việt Nam nói chuyện với anh trai của mình.
Anh tôi thuộc lớp giáo viên đầu tiên của Trường Cao đẳng Pháp lý, tiền thân của Đại học Luật ở Hà Nội.
Đến thập niên 90, sau những năm tháng mở cửa, rồi nỗ lực “vươn ra biển lớn”, có lẽ muốn cho thiên hạ thấy mình chẳng kém ai, rất nhiều trường đại học ở Việt Nam bị đẻ non hoặc các trường đạo tạo chuyên ngành được đổi ngôi thành đại học, trong đó có Đại học Luật, mà thực tế về quy mô, cơ sở vật chất và trình độ của đội ngũ giáo viên còn rất lâu, rất lâu nữa, mới có thể nằm ở vị trí chót trong bảng xếp hạng hàng năm cho 500 trường đại học tốt nhất trên thế giới.
Cũng phải thôi, nhu cầu có học vị, bằng cấp của quan chức nhà nước và trí thức xã hội chủ nghĩa bức xúc quá! Cần phải có nhiều trường đại học, ta tự phong học hàm, tự cấp bằng cho người của ta, oai với ta đã, thế giới tính sau.
Chẳng thế mà trên báo chí của Việt Nam, học hàm giáo sư, tiến sĩ gắn với tên các nhân vật lãnh đạo của Việt Nam xuất hiện nhiều nhất thế giới. Trong khi đó, các nhà báo ở Mỹ, Đức, Pháp và nhiều nước văn minh khác, thường xuyên gọi các lãnh đạo nhà nước cộc lốc. Đơn giản là W. Bush, Barack Obama, Nicolas Sarkozy, Markel Angiela, v.v… Đôi khi không viết tên mà chỉ mỗi họ. Chẳng biết có phải do tiết kiệm diện tích mặt báo hay không. Rất có thể, bởi vì nếu kê hết học hàm, bằng cấp của họ ra sẽ dài lắm, mà toàn các trường danh tiếng cả!
Có lần tôi làm ông anh giận lắm khi nói Việt Nam xử lý theo kiểu luật rừng, vậy trường của anh dạy luật gì? Còn cô cháu, con anh trai, là luật sư của đoàn luật sư Hà Nội, nghe tôi hỏi một số chuyện liên quan đến luật quốc tế thì lễ phép nói cái này tụi cháu được học ít lắm chú ạ!
Quay lại cuộc điện thoại với anh tôi.
Chúng tôi trao đổi về tình hình chính trị và ý thức muốn cải cách hệ thống của trí thức Việt Nam. Tôi nêu lên sự cảm phục của mình đối với nhiều người bất đồng chính kiến trong nước bị bắt giữ, tù đày, về bản lĩnh can đảm và trong sáng cho tiền đồ tốt đẹp hơn của Việt Nam của một số trí thức trong nước, như nhóm các nhà khoa học, học giả của Viện IDS (đã giải thể) hay Ban biên tập trang web Bauxite Việt Nam, đứng đầu là giáo sư Nguyễn Huệ Chi.
Khi tôi nói về trường hợp anh Cù Huy Hà Vũ, anh tôi nói ngay “cái thằng ngông nghênh ấy sẽ bị bóp chết thôi”.
Thế là cuộc điện đàm trở thành khẩu chiến giữa tôi và ông anh. Có lúc tôi nói như thét. Rằng, anh có biết anh Hà Vũ là con Cụ Cù Huy Cận, người thân cận của Hồ Chí Minh, một trong 11 người được Quốc hội khóa I trong 1946 bầu vào Ban Dự thảo Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam không? Anh có biết anh Hà Vũ là tiến sĩ luật được đào tạo tại Pháp, có văn phòng luật sư ở Hà Nội không? Một người như anh Hà Vũ có thể được rất nhiều, từ tiền bạc, đến danh vọng, nếu sống khác đi không? Anh Hà Vũ chắc chắn không thuộc “lực lượng thù địch” ở nước ngoài, đúng không? Vậy dưới góc độ pháp luật của chính thể mà anh đang sống, cùng với kiến thức và lòng trung thực, anh hãy chứng minh anh Hà Vũ “chống” nhà nước CHXH Việt Nam ở đâu, chỗ nào trong các bài viết, bài phỏng vấn với các cơ quan truyền thông quốc tế? Anh có thấy những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay nhẫn tâm và bội bạc với một vị tiền bối đã góp công sức xây dựng nên chế độ mà hôm nay họ đang ngồi chễm chệ hưởng phú quý và giàu sang không? Vân vân…
Tôi nói xối xả, như “tấn công”, nên ông anh phía bên kia có vẻ nhận ra lẽ phải, vì thấy im lặng nghe.
Cuối cùng anh tôi nói chú để anh nói với. Anh tôi nói rằng, chú hoàn toàn có lý. Nhưng chú ở nước ngoài, nói gì cũng được, anh khác. Tuy nhiên, với hiểu biết của anh và cái nhìn từ gia tộc, thân thế của anh Cù Huy Hà Vũ, anh thấy anh ta không hề có ý “chống” nhà nước như bị quy kết. Anh ta là người yêu nước! Kể cả anh ta đòi bỏ điều 4 của Hiến pháp cũng nên xem là một khả năng có thể, chứ không phải chống Đảng. Nếu Đảng thực sự muốn chứng minh là nhà nước của dân, vì dân và hoạt động theo cơ chế pháp trị, thì bỏ đi điều 4 đi, đảng vẫn cầm quyền, nhưng vì được dân giao trách nhiệm lãnh đạo, Đảng cũng phải tuân thủ Hiến pháp là khung luật cao nhất của toàn dân. Nếu Đảng cầm quyền đứng trên cả hiến pháp thì dẫn đến lạm quyền là tất yếu, xã hội sẽ mất chức năng kiểm soát và do đó tiêu cực sẽ phát triển…
Anh tôi cho rằng, nếu những người lãnh đạo có thái độ cởi mở, dân chủ, hướng về tinh thần phê, tự phê như trong các tiêu chí của Đảng, muốn cải thiện hệ thống tốt hơn, giữ quyền lực với uy tín cao hơn, thì đúng ra quan điểm của anh Hà Vũ phải được Đảng tôn trọng và nghiên cứu. Có thể có điểm anh Hà Vũ nói làm lãnh đạo khó nghe, khó chấp nhận, cũng là chuyện bình thường. Tại sao không đối thoại thẳng thắn? Nhà nước có cả một hệ thống báo chí, truyền thông rộng lớn, có Học viện Nguyễn Ái Quốc, Viện Mác – Lênin, có cả Ban Tuyên giáo với nhiều trí thức giỏi, có kinh nghiệm, tại sao không mở diễn đàn tranh luận ai đúng ai sai? Nếu Cù Huy Hà Vũ sai, dư luận xã hội sẽ phê phán, anh ta sẽ phải nhìn nhận, như thế càng nâng cao tiếng nói chính nghĩa của Đảng. Nếu quan điểm của anh ta đúng, thì tiếp thu, sửa đổi, điều chỉnh. Quyền lực trong tay mình, công an, quân đội trong tay mình, việc gì lại đi sợ tiếng nói phản biện của một trí thức yêu nước. Tại sao lại bắt giam, hành hạ một trí thức trung thực, con một gia đình có công lớn với cách mạng như thế chỉ vì dũng cảm nêu ra những mặt yếu kém của hệ thống, có nguyện vọng thay đổi. Có hệ thống nào hoàn hảo đâu…
Nhưng rồi cuối cùng anh tôi buông một câu chán ngắt: Anh nói vậy với chú thôi. Khó lắm. Tự chú biết. Anh nhắc lại, những người như Cù Huy Hà Vũ sẽ bị bóp chết. Nhà nước này không chấp nhận bất kỳ ai nói khác mình đâu!
Không chấp nhận ai nói khác mình? Cho dù đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam hiện đang nảy sinh những vấn đề kinh tế xã hội hết sức nghiêm trọng, cần phải có những cải cách cấp thiết?
Tôi tìm tư liệu xem những chỗ anh tôi dùng chữ “nếu” có hợp lý không, thì đúng là có rất nhiều lời khuyên vàng ngọc của các bậc đi trước của Đảng Cộng sản Việt Nam mà những người lãnh đạo hôm nay đã quên hoặc cố tình làm ngơ. Xin đưa ra vài ví dụ.
Hồ Chí Minh đã từng nói: “Trong phê bình còn thiếu dân chủ, cấp dưới không dám thẳng thắn phê bình cấp trên. Cấp trên có nơi không lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng. thậm chí còn trù úm, trả thù, coi đó là luận điệu của kẻ xấu. Trong nhân dân và cán bộ có câu nói :”Đấu tranh rồi tránh đâu”…
“Tuyệt đối không được áp bức phê bình”; “Phải mở rộng dân chủ; phải mở rộng phê bình và tự phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên trên; Chúng ta còn phải hoan nghênh những lời phê bình thật thà của nhân dân; Phải kiên quyết chống lại thói “cả vú lấp miệng em”, ngăn cản quần chúng phê bình. Một Đảng viên ở địa vị càng cao thì phải giữ đúng kỷ luật của Đảng càng phải làm gương dân chủ”.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng”.
“Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào”.
“Nói thẳng với nhau: cũng như những người đối lập bây giờ, có những ý kiến khác nhau, chính kiến khác nhau, thì mình xử lý không được tốt, và phải nhìn lại”.
Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, người cho rằng, góc nhìn của ông đôi chỗ có thể “khó nghe” hoặc cần phải tranh luận thêm, nhưng với trách nhiệm Đảng viên, trách nhiệm công dân, ông mạnh dạn đưa ra, như một sự xới xáo vấn đề trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, tôn trọng những ý kiến khác biệt mà Đảng luôn kêu gọi.
“Lỗi hệ thống là lỗi từ gốc đến ngọn, từ lý thuyết đến mô hình và đã được cuộc sống kiểm nghiệm là chưa phù hợp với thời đại ngày nay. Lâu nay chúng ta thường mới nói tới cái lỗi của mô hình thôi”.
“Có lẽ, lỗi hệ thống rõ ràng nhất, cụ thể nhất, toàn diện và triệt để nhất chủ yếu là từ khi chúng ta chuyển từ Cách mạng dân tộc dân chủ sang Cách mạng xã hội chủ nghĩa theo mô hình của Cộng hòa Xô Viết – một mô hình rất xa lạ với những mô hình và lý thuyết phổ quát. Mà mô hình của Cộng hòa Xô Viết thì lại bắt nguồn từ những lý thuyết của chủ nghĩa Marx-Lenin”.
Lời kết
Anh Cù Huy Hà Vũ sẽ bị bóp chết ư?
Vâng! Anh Cù Huy Hà Vũ có thể bị xử thậm chí rất nặng, 10 – 12 năm tù, nếu lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam muốn, bởi vì Đảng muốn dằn mặt những người còn lại, buộc họ phải cúi đầu, rụt cổ nghĩ rằng, Cù Huy Hà Vũ còn bị đối xử như thế, huống là thường dân thấp cổ, bé miệng.
Vâng! Đảng Cộng sản Việt Nam có thể quy chụp cho anh Cù Huy Hà Vũ chống lại “CHXHCN Việt Nam”! Có chế độ nào người chống không bị nghiêm trị đâu.
Nhưng xin hãy nhớ cho rằng, “CHXHCN Việt Nam” không phải là đất nước Việt Nam, không phải là Tổ Quốc Việt Nam của mọi người Việt, mà là một hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam áp đặt, một triều đại phong kiến mới với những vị vua mới: “Vua Tập Thể” (như nhận định của cựu Chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An),
Cho nên xử tù và hành hạ tiếp anh Cù Huy Hà Vũ, Đảng Cộng sản Việt Nam có thể bảo vệ được “CHXHCN Việt Nam” của riêng mình! Luật trong tay các người. Nếu các người vẫn chưa nhìn thấy hậu quả tai hại của tính ngạo mạn, kiêu căng trong quá khứ, bất chấp dư luận của nhân dân và quốc tế, các người cứ việc làm! Các người sẽ mất nhiều hơn. Con cháu những gia đình cách mạng đang làm việc trong bộ máy của CHXHCN Việt Nam sẽ nhận diện rõ hơn một lần nữa bản chất của các người!
Và các người sẽ làm ô danh một Việt Nam đúng nghĩa, không cộng thêm bất kỳ tính từ nào, một đất nước Việt Nam với truyền thống cao thượng, bác ái, nhân nghĩa, “uống nước nhớ nguồn”.
Những ai làm điều này, lịch sử sẽ không bao giờ quên và các thế hệ kế tiếp chắc chắn không tha thứ! ■
Ngày 18 tháng 3 năm 2011
© 2011 Lê Diễn Đức
http://www.rfavietnam.com/node/477
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét