Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Thất bại trong kinh doanh: cần nhìn thẳng vào sự thật!

Được đăng bởi mocxi.vn
Xét cho cùng, chẳng phải tinh thần dám làm dám chịu của những người Mỹ tiên phong - những người sẵn sàng chấp nhận vấp ngã trong suốt hành trình của họ - đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để thành công đó sao?

Từ châu Á tới châu Âu, các nhà hoạch định chính sách đều cổ vũ cho tinh thần dám chấp nhận thất bại nhằm thúc đẩy những doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Thậm chí, trong buổi phát động sáng kiến "Startup America" của Nhà Trắng mới đây, một thành viên tham dự đã đưa ra lời kêu gọi hết sức tha thiết rằng nước Mỹ hãy ủng hộ ý tưởng này. Xét cho cùng, chẳng phải tinh thần dám làm dám chịu của những người Mỹ tiên phong - những người sẵn sàng chấp nhận vấp ngã trong suốt hành trình của họ - đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để thành công đó sao?

Tuy nhiên, dù cho họ thiện chí đến đâu chăng nữa, những nỗ lực nhằm tán dương thất bại thực sự là sai lầm. Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa "sợ hãi" và "lo lắng" - và việc ngợi ca thất bại dường như chỉ nhằm mục đích giảm bớt nỗi lo lắng của doanh nhân mà thôi.

Theo kiến giải của nhà tâm lý học nổi tiếng Freud, lo lắng là khi bạn phản ứng một cách vô lý trước một cái que như thể đó là một con rắn độc. Sợ hãi là khi bạn phản ứng trước một con rắn độc đúng với bản chất của nó - một con vật nguy hiểm. Lo lắng là hành vi bất thường, nhưng sợ hãi thì có thể có lợi: nó giúp bảo vệ chúng ta khỏi những điều nguy hiểm, chẳng hạn như khi gặp rủi ro. Các doanh nhân cần phải phát triển nỗi sợ hãi "lành mạnh" về những sai lầm có thể xảy ra, chỉ có điều không được để cho nó làm nản chí.
Đối mặt với sai lầm trong kinh doanh, các doanh nhân phải có cách nhìn nhận và giải quyết thích hợp, đầy đủ.



Dưới đây là 3 ý tưởng nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách "điều chỉnh" nỗi sợ thất bại và cổ vũ tinh thần kinh doanh mà không tán dương sai lầm của doanh nghiệp.

Chấp nhận sự thật: Thất bại là một phần tất yếu của kinh doanh

Ở các nước có tinh thần kinh doanh cao như Israel, Đài Loan và Iceland, thất bại khi khởi nghiệp kinh doanh là điều rất phổ biến. Và ở bất cứ đâu, các nhà đầu tư mạo hiểm cũng thấm nhuần tư tưởng về đường cong J nổi tiếng: Thất bại luôn đến sớm, thành công cần thời gian. Những thất bại ban đầu có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó đem lại bài học thấm thía về cái gì là cơ hội (và cái gì không) và làm thế nào để nắm bắt chúng; đồng thời thất bại sẽ nhanh chóng giải phóng nhân lực, nguồn vốn cũng như ý tưởng cho các dự án tiềm năng hơn. Các thất bại đến sớm hoạt động giống như cách chúng ta thông gió trong ống khói: Những người thất bại nhanh chóng rút lui sẽ thu hút những gương mặt mới trên thương trường.

Tuy nhiên, rất nhiều nhà hoạch định chính sách vốn ủng hộ việc khởi sự kinh doanh và xem đó là một chiến lược phát triển kinh tế lại coi tỉ lệ thất bại thấp là một dấu hiệu cho thấy các chính sách của họ có hiệu quả. Mặc dù thành công luôn có giá hơn thất bại song họ nên xem xét cả hai, về mặt số lượng hay về tác động, hoặc cả hai phương diện này.

Xóa bỏ những rào cản về cơ chế nhằm giảm các nguy cơ khách quan

Rất nhiều quốc gia, ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển, đang vô tình làm nản lòng doanh nghiệp bằng cách trừng phạt các công ty phá sản: Họ ngăn không cho các nhà đầu tư thất bại được tiếp tục theo đuổi công việc kinh doanh trong tương lai, thậm chí không được mở tài khoản ngân hàng, và trong một số trường hợp phá sản còn bị coi là phạm tội. Luật pháp khiến cho tổn phí của thất bại tăng lên và dập tắt ý định tham gia của những tay chơi mới, giống như ống khói bị bịt kín ngăn cản ôxy duy trì ngọn lửa trong lò. Về điểm này, luật lao động của nước Mỹ cũng gây thêm một khó khăn khác: nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc loại trừ những người phá sản khiến cho các chủ doanh nghiệp rất khó tuyển nhân viên và thay vì hỗ trợ cho những người thất nghiệp để các doanh nhân sẵn lòng thuê họ khi khởi sự kinh doanh, thì điều này lại khiến cho họ hạ thấp cấp bậc của mình nếu cần.

Ngăn chặn trước khả năng thất bại

Trái ngược với những lời đồn đại, các doanh nhân không phải là những con bạc liều lĩnh. Thực tế, kinh doanh mạo hiểm là một khía cạnh bản chất của việc thúc đẩy phong trào đổi mới. Nhưng điều quan trọng là cần có hướng dẫn để các doanh nghiệp chỉ thất bại ở mức vừa phải, nhanh chóng với giá rẻ. Những thất bại ít tốn kém sẽ không gây sự chú ý và cũng làm cho doanh nghiệp không phải lúng túng hay xấu hổ. Các nhà hoạch định chính sách cũng có thể hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp về các chiến lược và kỹ năng giảm thiểu rủi ro.

Nếu bạn làm theo những gợi ý này, bạn sẽ không cần bật sâm-panh mỗi khi doanh nghiệp thất bại. Coi thất bại là một điều bình thường khi bắt đầu kinh doanh và phát huy quan điểm đúng đắn về giá trị của nó sẽ giúp bạn khắc phục nỗi sợ thất bại cũng như tránh được sự tán dương quá mức mỗi khi nhắc đến nó

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét