Posted by truongthondlb1
Đào Tuấn – Có lẽ, khi chém gió về việc cấm kinh doanh vàng miếng, Thủ tướng Dũng, Bộ trưởng Ninh, hay thống đốc Giàu đều không thực sự biết số vàng thực sự trong dân là bao nhiêu. Chưa bao giờ trả lời câu hỏi vì sao dân lại chăm chăm mua vàng tích trữ.
Câu hỏi vì sao cấm, đã được lần lượt các quan chức trả lời. Phó Thống đốc Bình nhấn mạnh NHNN sẽ “ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động đầu cơ, găm giữ, thao túng thị trường”. Một quan chức khác còn nói toẹt luôn rằng: Làm sao đưa toàn bộ lượng vàng vật chất có trong dân chúng vào kho quản lý tập chung do nhà nước quản lý. Và, trên cơ sở vàng của mình nằm trong “ống bơ nhà nước” này người dân có vàng “có thể mở tài khoản tại công ty kinh doanh vàng và yêu cầu các công ty này thực hiện việc lưu ký vàng…”. Hình như từ sau những “ngày thứ tư đen tối”, liên tiếp trong hai năm vừa rồi, với các cơn điên loạn của giá vàng, các nhà quản lý mới chợt phát hiện rằng sàn vàng, bản chất đúng là một thứ sòng bài, càng để càng bất ổn. Còn nhận ra thêm rằng với cả trăm, ngàn tấn vàng “còn tồn” trong dân, Nhà nước đang chỉ nắm trong tay nguồn dự trữ lớn trên sổ sách. Rằng vàng nằm trong ống bơ, chôn đầu giường, chỉ là thứ vàng chết – khi không được đưa vào lưu thông.
Khá khen cho sáng kiến “đưa vàng của dân cho Nhà nước quản lý” bởi ở giác độ quản lý, ai cũng biết việc đưa vàng vào tập thể- nhà nước vừa huy động được nguồn lực, vừa tiện bề quản lý. Làm sao có chuyện mua đi bán lại ngoài thị trường tự do, làm sao có những cơn điên loạn của giá vàng khi vàng đã vào tập thể! Nhưng vấn đề là bao nhiêu phần trăm dân chúng sẽ đồng ý giao vàng cho nhà nước? Bao nhiêu phần trăm, trong số hàng chục triệu người tích vàng trong ống bơ từ thế hệ này qua thế hệ khác, đủ trình độ để “mở tài khoản”, thực hiện lưu ký?
Nói không quá lời rằng trong mỗi gia đình người Việt, không nhiều thì ít, đều có vàng tích trữ phòng lúc sa cơ. Một sự phòng xa đã được kiểm chứng bằng những cơn “binh biến” của một thời ký “giá – lương – tiền” nhiễu loạn, khi lạm phát lên tới gần 400%. Chính vì sự tích trữ sinh ra từ tâm lý, từ sự mất lòng tin, thì chỉ có thể xoá bỏ tích trữ bằng niềm tin. Bởi nếu chỉ buộc người dân “đưa vàng vào tập thể” bằng biện pháp hành chính trong nỗi nơm nớp lo sợ sẽ rất khó để có thể thực hiện. Ai dám cam kết vàng miếng – một cách rất đơn giản – sẽ không ngay ngày mai biến thành vàng trang sức để vẫn có thể tích trữ, mua bán khi dân chưa tin.
Mặc dù chế độ Kim bản vị (đảm bảo bằng vàng) đã được xoá bỏ từ năm 1972 nhưng các đồng tiền giấy trên thế giới – có mức độ chuyển đổi cao – được đảm bảo bằng sự ổn định kinh tế, sức mạnh tài chính và mức độ tự do của thị trường. Khi tiền VND hầu như chưa được bất kỳ một quốc gia nào khác chấp nhận thì người dân tích trữ tài sản bằng vàng là chuyện rất đỗi giản dị, dễ hiểu. Với việc cấm kinh doanh vàng miếng, có vẻ người dân đang bị tước đoạt quyền sở hữu đối với thứ kim loại quý, đồng thời là tài sản của mình – khi việc kinh doanh – bao hàm cả nghĩa mua bán, bị coi là bất hợp pháp.
Trên các tờ USD, từ năm 1957 đã in rành rành dòng chữ “In God we trust”- Chúng tôi tin vào chúa.
Nhưng giờ thì những người dân Việt biết tin vào điều gì đây? Vàng hợp tác? Tiền đồng mất giá mỗi năm ít nhất hai con số? Hay là những lời hứa?
Đào Tuấn
http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=5156
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét