Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

Huyền thoại Trung Quốc sẽ sớm chấm dứt

Tác giả: FOREIGN


Dự đoán huyền thoại Trung Quốc sẽ chấm dứt là một trong các đặc điểm chính của các nhà phân tích phương Tây kể từ cuối thập niên 70 khi Trung Quốc bắt đầu phát triển nhanh chóng cho tới nay.

Tạp chí chính trị nổi tiếng Chính sách ngoại giao (Foreign policy) số tháng 1-2/2011 có bài Suy nghĩ lại vấn đề Mỹ suy thoái, tác giả là Gideon Rachman bình luận viên trưởng ban Quốc tế của Thời báo Tài chính (Financial Times) và là tác giả sách Tương lai cuộc chơi kết cục Zero: Sức mạnh Mỹ trong một thời đại lo âu. Tóm tắt nội dung như sau.

"Trước đây chúng ta đã nghe nói về sự suy thoái của nước Mỹ"

Lần này chuyện ấy sẽ khác. Rõ ràng nước Mỹ đã trải qua chu kỳ suy thoái. Trong đợt tranh cử Tổng thống năm 1960, John Kennedy oán trách: "So với Liên Xô, sức mạnh Mỹ luôn luôn trượt dốc, chủ nghĩa cộng sản vững bước tiến lên trong mọi lĩnh vực trên khắp thế giới." Cuốn Nhật Bản số Một của Ezra Vogel xuất bản năm 1979 mở ra một thập niên, khi ấy mọi người ngày một lo ngại về công nghệ chế tạo và chính sách ngoại thương của Nhật.

Dĩ nhiên, thực tế cuối cùng chứng minh mối đe dọa do Liên Xô và Nhật Bản gây ra đối với quyền bá chủ của Mỹ đều là sự hão huyền. Bởi vậy có thể thông cảm với người Mỹ nếu họ hăng hái nói về sự thách thức mới đến từ Trung Quốc theo kiểu như cậu bé nọ kêu lên Sói đến kìa! Nhưng câu chuyện ngụ ngôn ấy có một yếu tố thường bị người ta bỏ qua: cuối cùng sự thật chứng tỏ cậu bé nói đúng. Sói đến thật - con sói ấy là Trung Quốc.

Về mặt kinh tế và số dân, sự thách thức của Trung Quốc đối với Mỹ gay go hơn. Liên Xô suy sụp là do chế độ kinh tế có hiệu suất quá thấp. Nhược điểm chết người ấy kéo dài trong một thời gian rất lâu bởi lẽ Liên Xô không có ý định cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngược lại, Trung Quốc đang chứng minh sức mạnh kinh tế của họ trên sân khấu toàn cầu. Nền kinh tế Trung Quốc mạnh mẽ, khác hẳn Liên Xô.

Nhật trải qua nhiều năm tăng trưởng kinh tế nhanh, hiện nay vẫn là cường quốc xuất khẩu, nhưng Nhật chưa bao giờ được thừa nhận là ứng viên cho địa vị cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Số dân nước này chưa bằng nửa số dân Mỹ, nghĩa là kinh tế Nhật muốn vượt Mỹ thì người Nhật ít nhất phải giàu gấp đôi người Mỹ. Chuyện ấy không thể xảy ra. Trong khi đó số dân Trung Quốc gấp hơn 4 lần Mỹ. Trước cuộc suy thoái kinh tế năm 2008, công ty Goldman Sachs từng có một dự đoán nổi tiếng: trước năm 2027, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Căn cứ theo tốc độ tăng trưởng hiện nay thì kinh tế Trung Quốc có thể chẳng cần lâu thế để trở thành số 1 thế giới.

Ảnh: Freaking News, Investment Feeder
Sức mạnh kinh tế Trung Quốc đã cho phép Bắc Kinh thách thức ảnh hưởng của Mỹ trên phạm vi thế giới. Trung Quốc trở thành đối tác bạn bè được rất nhiều chính phủ châu Phi ưa thích lựa chọn, cũng là đối tác buôn bán lớn nhất của Brazil, Nam Phi và các nước mới nổi lên khác. Trung Quốc còn bắt đầu mua trái khoán của những nước kinh tế gặp khó khăn trong khối đồng Euro như Hy Lạp, Bồ Đào Nha.

Trên sân khấu quốc tế đang diễn ra một câu chuyện hoành tráng hơn: sự trỗi dậy của những nền kinh tế mới nổi và các nhà chính trị; Trung Quốc chỉ là nội dung chính trong câu chuyện đó. Mỹ cùng các đồng minh truyền thống của họ tại châu Âu như Anh, Pháp, Ý thậm chí Đức đều không ngừng trượt dốc trên bảng xếp hạng kinh tế. Các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ thì không ngừng trỗi dậy. Các quốc gia này đều có chính sách ngoại giao của họ; xu hướng của các chính sách đó có tác dụng chung là hạn chế khả năng Mỹ ảnh hưởng tới thế giới. Hãy xem Ấn Độ và Brazil ủng hộ Trung Quốc trong cuộc đàm phán về thay đổi khí hậu toàn cầu, hoặc tại Liên Hợp Quốc, Thổ và Brazil bỏ phiếu phản đối Mỹ trừng phạt Iran. Đó chỉ là khởi đầu mà thôi.

"Trung Quốc sớm hoặc muộn sẽ tan vỡ"

Khi lo lắng chuyện nước mình suy thoái, người Mỹ thường bỏ qua những nhược điểm của đối thủ đáng gờm nhất. Chỉ khi nào nhớ lại quá khứ thì các khiếm khuyết chế độ của Liên Xô và Nhật mới trở nên rõ ràng. Những người tin tưởng quyền bá chủ của Mỹ sẽ tiếp tục rất lâu nữa thì vạch ra các khuyết điểm tiềm tàng của Trung Quốc. Mới đây khi trả lời báo Times của London, Tổng thống G. W. Bush nói rằng các vấn đề nội bộ Trung Quốc sẽ làm cho kinh tế Trung Quốc, trong một tương lai dự kiến được, chưa thể ngang ngửa với Mỹ.

Dự đoán huyền thoại Trung Quốc sẽ chấm dứt là một trong các đặc điểm chính của các nhà phân tích phương Tây kể từ cuối thập niên 70 khi Trung Quốc bắt đầu phát triển nhanh chóng cho tới nay. Thập niên 90 thế kỷ XX, các nhà quan sát kinh tế hay nhắc tới tình cảnh nguy hiểm của ngành ngân hàng và của các xí nghiệp quốc doanh Trung Quốc. Song kinh tế Trung Quốc luôn luôn phát triển và cứ khoảng 7 năm lại tăng gấp đôi quy mô.

Dĩ nhiên, sẽ không thực tế khi cho rằng Trung Quốc không gặp thách thức lớn nào. Nhưng nếu chỉ xét tới tình trạng bất ổn kinh tế và chính trị của họ mà cho rằng sự thách thức của Trung Quốc gây ra đối với ảnh hưởng của Mỹ sẽ biến mất thì lại là sai lầm lớn. Khi một quốc gia đã nắm được bí quyết phát triển kinh tế thì rất khó làm cho họ có thể đi trệch quỹ đạo.

Trong thời đại hạt nhân, Trung Quốc sẽ không thể cuốn vào một cuộc đại chiến thế giới, cho nên họ sẽ còn xa mới rơi vào cảnh rắc rối và hỗn loạn như nước Đức hồi thế kỷ XX. Bất cứ khó khăn kinh tế hoặc chính trị nào đều không đủ để ngăn bước đi của Trung Quốc trỗi dậy trở thành quốc gia lớn mạnh.

"Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới"

Hiện nay, Mỹ có nền kinh tế quy mô lớn nhất thế giới, có những trường đại học hàng đầu thế giới, có rất nhiều công ty lớn nhất thế giới. Quân đội Mỹ vẫn là vô địch, mạnh hơn hẳn bất kỳ đối thủ nào. Chi phí quân sự Mỹ hầu như bằng tổng chi phí quân sự của tất cả các quốc gia và lãnh thổ còn lại, Ngoài ra cần cộng thêm các tài sản vô hình của Mỹ.

Điều đó không sai, song có lẽ nó không phải là vững chắc như bạn tưởng tượng. Đại học Mỹ vẫn là một tài sản lớn mạnh. Nhưng nếu kinh tế Mỹ không thể tạo thêm nhiều việc làm thì số lượng lớn sinh viên châu Á tài hoa tốt nghiệp ĐH Stanford và Học viện Công nghệ Massachusetts sẽ trở về nước họ. Nếu nước Mỹ không còn gắn liền với cơ hội, sự phồn vinh và thành công như trước kia, thì sức thu hút của Mỹ sẽ có thể sa sút.

Còn nói về quân sự, bài học chiến tranh Iraq và Afghanistan cho thấy vũ lực Mỹ kém hữu dụng so với sự tưởng tượng của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld và những người khác.

Chẳng những người Mỹ dần dần mất đi hào hứng ra nước ngoài mạo hiểm, mà ngân sách quốc phòng Mỹ rõ ràng cũng sẽ chịu sức ép co lại trong thời đại mới khắc khổ. Chả trách Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân, đô đốc Mike Mullen nói, nợ nhà nước tăng nhanh là đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Trong lúc đó chi tiêu quân sự của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng nhanh. Nước này sẽ sớm tuyên bố đóng tàu sân bay đầu tiên và kế hoạch đóng tất cả 5-6 chiếc. Có lẽ điều nghiêm trọng hơn là các loại tên lửa và công nghệ chống vệ tinh kiểu mới do Trung Quốc nghiên cứu sẽ đe dọa quyền kiểm soát biển và kiểm soát bầu trời, chỗ dựa quyền bá chủ của Mỹ tại Thái Bình Dương. Trong thời đại hạt nhân, quân đội Mỹ và Trung Quốc sẽ khó có thể xung đột với nhau. Phần lớn người Trung Quốc cho rằng cuối cùng Mỹ sẽ thấy họ không có điều kiện duy trì địa vị quân sự tại Thái Bình Dương. Bạn đồng minh của Mỹ ở vùng này - Nhật và Hàn Quốc, ngoài ra còn có Ấn Độ ngày càng triển khai hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ nhằm đối phó thế lực Trung Quốc trỗi dậy. Nhưng do khó khăn về ngân sách, Mỹ không thể không thu nhỏ lực lượng quân sự tại Thái Bình Dương, các đồng minh của Mỹ sẽ bắt đầu tự điều chỉnh nhằm thích ứng với một Trung Quốc đang không ngừng trỗi dậy. Ảnh hưởng của Bắc Kinh sẽ tăng lên và vùng châu Á-Thái Bình Dương sẽ trở thành sân sau của Trung Quốc.

"Toàn cầu hóa không phải là cuộc chơi kết cục zero"

Từ Bush cha cho tới Obama, mấy vị Tổng thống Mỹ kế nhiệm này đều nói rõ họ hoan nghênh Trung Quốc trỗi dậy. Trước chuyến thăm Trung Quốc, khi tổng kết phương thức truyền thống Mỹ, Obama nói: "Cường quốc không cần cuộc chơi kết cục zero (zero-sum game), các nước không cần phải lo ngại sự thành công của nước khác... Chúng tôi hoan nghênh Trung Quốc cố gắng phát huy tác dụng lớn hơn trên sân khấu thế giới."

Thế nhưng cho dù có nói gì trong các phát biểu chính thức đi nữa, rõ ràng nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu lo ngại, và điều đó không phải không có lý do. Kinh tế học hiện đại có một học thuyết cho rằng thương mại là việc có lợi cho cả hai bên, là cùng thắng (win-win) chứ không có kết cục zero. Nhưng điều đó cũng ngầm cho thấy khi ấy luật chơi phải không bị thao túng. Rõ ràng chính phủ Mỹ cho rằng đồng tiền Trung Quốc định giá quá thấp là một kiểu chủ nghĩa bảo hộ nào đó dẫn đến sự mất cân đối trong buôn bán toàn cầu và gây ra thất nghiệp ở Mỹ. Các nhà kinh tế nổi tiếng như Paul Krugman bình luận viên Thời báo New York và C. Fred Bergsten ở Viện Peterson đều có quan điểm như vậy, họ cho rằng áp thuế (lên hàng Trung Quốc) hoặc các biện pháp trả đũa khác là phản ứng hợp lý. Như vậy "thế giới cùng thắng" sẽ chấm dứt ở đây.

Khi đề cập tới bức tranh địa chính trị lớn hơn, xem ra thế giới trong tương lai sẽ càng giống một cuộc chơi kết cục zero. Thực ra cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc đang trỗi dậy và Mỹ đang sa sút đã thể hiện rõ trên nhiều vấn đề từ tranh chấp lãnh thổ châu Á đến vấn đề nhân quyền. Điều may mắn lớn trong sự không may là Mỹ và Trung Quốc sẽ không thực sự gây chiến tranh với nhau, nhưng đó là do hai bên đều có vũ khí hạt nhân chứ không phải là do toàn cầu hóa đã loại bỏ được sự bất đồng giới hai bên.

Trong các trường hợp công khai, nhà lãnh đạo Mỹ từ chối lý thuyết cuộc chơi kết cục zero; làm như vậy là đúng. Không làm thế thì sẽ gây ra ý nghĩ thù địch của người Trung Quốc một cách không cần thiết. Nhưng chớ nên mơ hồ về một sự thực không thể tránh khỏi: cùng với sự chuyển dịch sức mạnh kinh tế và chính trị từ phương Tây sang phương Đông, một cuộc cạnh tranh quốc tế mới sẽ xuất hiện không thể tránh khỏi.

Nước Mỹ vẫn có sức mạnh làm kẻ khác sợ hãi. Kinh tế Mỹ cuối cùng sẽ hồi phục. Quân đội Mỹ có sức ảnh hưởng toàn cầu, đồng thời có ưu thế công nghệ bất cứ nước nào cũng không thể so đọ. Nhưng Mỹ không còn có thể có ưu thế toàn cầu như thời kỳ 17 năm kể từ năm 1991 khi Liên Xô tan rã cho tới cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Thời đại đó đã qua rồi.

Nguyên Hải lược dịch theo Foreign Policy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét