Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Chuyện học đại học tại chức của tôi

Sáu Nghệ

Đầu năm mới, tôi xin viết chuyện học đại học tại chức của tôi. Dĩ nhiên, không phải để khoe. Học đại học tại chức không vẻ vang, không đáng khoe. Thiên hạ có câu: Dốt chuyên tu, ngu tại chức. Nhiều người tốt nghiệp đại học tại chức, khi giới thiệu hay nói lấp lửng để thiên hạ tưởng là tốt nghiệp đại học chính quy, giống mấy ông Phó tiến sỹ khi được đôn lên Tiến sỹ nhờ một quyết định hành chính cũng hay lấp lửng như thể là Tiến sỹ khoa học, tức là Tiến sỹ có nghiên cứu khoa học, không phải phun-thuốc-sâu, nói trại theo chữ viết tắt PTS. Hoặc như cái hồi quân đội chẳng biết học từ đâu, bỏ cấp Thượng tá, đang Trung tá mang quân hàm có hai sao được phong lên một cấp là thành Đại tá, quân hàm gắn thêm một sao thành ba sao. Nhưng trước đó, Đại tá mang quân hàm bốn sao, thế là cùng tồn tại Đại tá ba sao và Đại tá bốn sao. Ông Đại tá ba sao khi tự giới thiệu chỉ nói là Đại tá thôi, lấp lửng để cho người ta hiểu như là Đại tá bốn sao.

Dù thiên hạ khoái mập mờ tại chức với chính quy, tôi vẫn viết chuyện tôi học đại học tại chức. Tôi chẳng việc gì phải giấu, học đại học tại chức đến nơi đến chốn, có bằng tốt nghiệp được cấp đàng hoàng, hơn khối người học đại học tại chức không đến nơi đến chốn, bằng tốt nghiệp được cấp lén lút. Có ông quan học đại học tại chức chỉ hơn năm mà cũng có bằng tốt nghiệp. Khi ông chuẩn bị lên chức cao hơn thì xuất hiện thư tố cáo ông học giả bằng thật, cơ quan kiểm tra liền lập đoàn xác minh. Nhưng đoàn chưa lên đường mà tin về đoàn xác minh đã về nơi cần xác minh, một tháng sau đoàn xác minh đến, hồ sơ cần xác minh đã được hoàn chỉnh đẹp như mơ. Bằng giả qua xác minh được khẳng định là bằng thật, ông quan được thăng chức to hơn và cứ thế thăng vù vù. Ông đến đâu nói chuyện, thiên hạ vỗ tay rần rần. Cái bằng tại chức của ông làm sao so với bằng tại chức của tôi được!

Tôi học tại chức đủ thời gian, không thiếu một ngày và đủ chương trình, không thiếu nửa môn, như đứa trẻ trong bụng mẹ đủ ngày đủ tháng, không sinh non, ra đời không sợ gió, sợ nắng. Thời nay nhiều vị quan học tại chức với trường đại học nước ngoài mở chi nhánh trong nước mới ghê chứ, học không tính năm nữa, chỉ tính tháng, mà lấy được bằng Thạc sỹ, Tiến sỹ. Thật là ngồi ở nhà có bằng cấp của cả thế giới. Hồi nào có người sang Ấn Độ, đến gốc Bồ đề đạo tràng, nơi Đức Phật tịnh tâm tìm đường giải thoát con người, muốn chiếc lá bồ đề mà nhằm lúc không có bán, liền gửi tiền lại và về nhà, một thời gian sau đường bưu điện gửi lá bồ đề đến đúng địa chỉ, đã bái phục thời hiện đại có tiền muốn hàng hóa gì cũng có. Nay sửng sốt hơn, có tiền ngồi một chỗ muốn bằng cấp chứng chỉ loại gì cũng có, bằng Tiến sỹ hay Viện sỹ đều nhỏ như con thỏ, mà xứ ta cái bằng chữ Tàu chữ Tây hay chữ Ả Rập, nom khiếp lắm, treo lên tường là thiên hạ lóa mắt. Kỳ lạ chỗ này, có bằng là coi như có kiến thức, mặt có thể vênh lên nói thánh nói tướng, còn dễ thăng chức lương cao bổng hậu. Các quan khi tự giới thiệu đều dõng dạc Tiến sỹ nước nọ nước kia, không nói tại chức tại chỗ hay du học chính quy gì cả, thiên hạ lác mắt ù tai và vỗ tay đôm đốp, thế là sướng hể hả cả trên lẫn dưới.

Còn tôi học tại chức với bằng thật, kiến thức không đầy đủ nhưng thật sự có học. Nói kiến thức không đầy đủ bởi vì học tại chức, một tháng đi học mấy tháng đi làm, kiến thức không toàn diện, có hệ thống như học chính quy. Lại rời trường phổ thông đã lâu, bị xoáy vào cuộc sống nhiều bầm dập, kiến thức rơi rụng khá nhiều, nay cố gắng lắm cũng không gom nhặt về đủ được. Sự rơi rụng kiến thức này để lại dấu ấn rất nặng nề trong tâm thức, đến nỗi nhiều năm sau, thỉnh thoảng tôi vẫn nằm mơ đến trường đại học nhưng không làm được bài hoặc thi không đậu. Có giấc mơ làm tôi giật mình tỉnh dậy còn run. Kiến thức rơi rụng, hẫng hụt đeo bám tâm trí khủng khiếp như thế thì ngược lại, không bao giờ trong giấc mơ tôi thấy lại cho rõ ràng nơi học hành của mấy năm tại chức. Giảng đường đại học tại chức đều đi mượn, khi chỗ này khi chỗ khác, tất cả tạm bợ, không in dấu vết gì trong tâm trí của tôi cả. Mang tiếng học đại học với trường nọ, nhận bằng của trường kia, nhưng đã bao giờ tôi tới trường đại học ở đó đâu, không biết trường nằm góc trời nào. Trường liên kết với mấy cơ quan, tổ chức học tại địa phương tôi đang sinh sống, lớp học tại chức như con một, không có anh em, không ai chuẩn bị sẵn giảng đường và nói chung là mọi thứ phục vụ cho nó đều đi mượn, gặp chăng hay chớ. Bữa học trong một trường tiểu học, bữa khác ngồi bệt trong một cái nhà kho. Giảng viên được thuê từ nhiều nơi, giảng mấy ngày kiểm tra xong là chia tay, có người chưa quen mặt biết tên đã chia tay. Hôm làm lễ trao bằng tốt nghiệp cũng mượn một phòng họp của một cơ quan. Học tại chức như du học theo nghĩa đen, không có gì gắn bó sâu sắc, học xong chỉ thời gian ngắn là tên thầy tên bạn quên gần hết. Nơi học thì không những không nhớ mà sau này nhiều ngôi nhà không còn tồn tại, vì những nơi mượn để học người ta đã đập phá sửa chữa, xây mới hoặc bán mất. Cả lớp học tại chức chúng tôi tựa như khách du lịch vậy, đi lướt qua, xong thôi, quay lại không còn dấu vết.

Kiến thức thu lượm trong môi trường tạm bợ, không nhà cửa, không cha mẹ anh em, nó cũng giống như con mồ côi, bơ vơ, vong bản. Kiến thức đại học nhưng không gắn được với một ngôi trường để có thể tự hào, để có thể hãnh diện giới thiệu, kiến thức ấy giống như con người không quê hương, không nơi chôn rau cắt rốn, không có địa điểm quyến luyến, không có thời gian bịn rịn. Nhìn tấm bằng không có cảm xúc thức dậy trong ký ức, đọc những hàng chữ cứ trôi tuột đi và cái thời văn bằng viết tay nét uốn éo chỉ gợi băn khoăn, tại sao chữ viết uốn éo như thế, lại với văn phong cầu kỳ khiến cho tâm trạng cô đơn bơ vơ thêm buồn bã.

Khoa học dù cao siêu đến mấy cũng phải có dây mơ rễ má gắn bó với cuộc sống thì mới có ích, mới cần thiết, trở thành máu thịt. Như cây cối phải bám rễ vào mặt đất mới xanh tươi, khoa học phải bám rễ vào cuộc sống mới tồn tại và phát triển. Con người có thể ngắm Hằng Nga trên trời trong chốc lát chứ không thể yêu Hằng Nga trọn đời.

Kiến thức đại học tại chức vì thế, thiếu kỷ niệm. Không có kỷ niệm thì chỉ có khoảng trống. Nơi có kỷ niệm không cần lời nói. Nơi không có kỷ niệm, việc gì cũng phải giải thích, mà lời giải thích có hạn chế là càng nói càng thiếu. Một gốc cây già cỗi bên đường, thân xiêu vẹo và đầy vết sẹo thời gian, nếu lưu giữ kỷ niệm của tôi và em thì gặp lại xiết bao bồi hồi xúc động, vạt cỏ xác xơ dưới gốc có màu xanh của mùa xuân tươi đẹp thuở nào, cành lá lơ thơ phe phất trên đầu tấu lại bản nhạc một thời say đắm. Tôi và em im lặng, không nói và không cả thở mạnh, không cả nhìn nhau, nhắm mắt lại tận hưởng thời gian xa xưa ngọt ngào, không gian xa xưa dịu êm, tất cả trọn vẹn ấm áp. Có kỷ niệm là có quá khứ, cũng có hiện tại và cả tương lai, có cuộc sống đủ đầy yêu dấu liền mạch. Không có kỷ niệm, lời nói nào diễn tả được cuộc sống trong dòng chảy thời gian, không gian?

Nhà toán học Ngô Bảo Châu, người được tặng giải Fields ngày 19 tháng 8 năm 2010, nói rằng toán học là một khối thống nhất, không thể chia ra toán học lý thuyết với toán học ứng dụng hoặc gì khác nữa. Môn khoa học cực khó và trừu tượng bậc nhất còn như vậy, những môn khoa học khác làm sao có thể phân chia mà vẫn giữ được vẻ đẹp vẹn nguyên? Suy cho cùng, tất cả các môn khoa học làm nên một thể thống nhất thế giới này, cuộc sống này. Nên làm sao có thể tượng tưởng, có thứ khoa học không gắn với quá khứ, không đi từ máu thịt của cuộc sống đã qua, không lưu luyến hiện tại và không hướng tới tương lai nơi nó muốn tồn tại? Gắn bó với cuộc sống là phải gắn bó với suốt chiều dài lịch sử, toàn bộ cuộc sống ở thể trọn vẹn nhất, không phải gắn bó với một khúc, một phần.

Kiến thức tại chức là kiến thức lỗ mỗ, có nhiều lỗ hổng, nhưng thói đời lỗ mỗ lại hay tưởng rằng không lỗ mỗ, đã thông tỏ hết mọi điều của cuộc sống. Cho nên giới học tại chức chúng tôi hay tranh cãi về mọi vấn đề, tranh cãi nóng nảy, không đủ kiến thức để thuyết phục nên không đủ kiên nhẫn, cứ áp đặt, đa số trường hợp nói lấy được, hung hăng, hỗn hào, ngang ngược, chỉ biết nói mà không biết nghe. Hiểu vấn đề không đến đầu đến đũa, đụng tý là cãi, có lẽ cũng là một nét đặc trưng của giới tại chức. Trong mỗi con người tại chức, thường tồn tại những mâu thuẫn ngộ nghĩnh: Đạo mạo nhưng dễ mất bình tĩnh, việc gì cũng xía vô mà không hiểu việc gì đến đầu đến đũa, không có khả năng học người khác chỉ hay muốn dạy người khác, vợ cũng sợ và mọi cấp trên đều sợ nhưng bàn chuyện hòa bình thế giới thì không ai bằng.

Tôi nhớ mãi vụ cãi nhau về hành vi người thái thịt chín ở bếp ăn tập thể. Hồi còn nghèo đói, người thái thịt chín nếu vừa thái vừa nói chuyện thì được coi là người trong sạch, tin cậy được, bởi miệng nói chuyện thì không thể ăn vụng. Nhưng cũng có người cho rằng, khi thái thịt mà nói chuyện sẽ bắn nước bọt vào thịt, mất vệ sinh. Thế là sinh ra hai phe cãi nhau. Phe ủng hộ việc vừa thái thịt vừa nói chuyện nhưng cãi mãi không thắng bèn quay sang quy kết, cho rằng bảo người thái thịt nói chuyện bắn nước bọt vào thịt mất vệ sinh là mất lập trường giai cấp. Đồng đội, đồng chí sống chết có nhau mà ghê sợ nước bọt của nhau ư? Vậy có lúc đồng đội, đồng chí nhai cơm cứu nhau trong chiến đấu thì thế nào? Phe kia nghe thế không dám nói gì nữa. Phe này được đà phát động luôn cuộc thi sáng tác bài hát cho người thái thịt chín, ca ngợi lao động quang minh chính đại, thái thịt đều tay nghìn miếng như một và khi thái xong cân lại không thiếu một mi-ly-gờ-ram nào. Bài hát có những câu: “Tay nhanh tay, dao đều dao, sáng trưa chiều thái thịt vui sao, thái thịt cùng tư tưởng tiến công, nghìn miếng thịt tăm tắp đẹp không, thịt không thừa không thiếu cọng lông”. Từ đó, trong bếp tập thể mỗi lúc thái thịt chín là vang lên bài hát ấy, về sau thái rau hay bổ củi cũng vang lên bài hát thái thịt chín. Đơn vị ấy được nhiều nơi đến học tập, còn có một cơ quan lập đề tài nghiên cứu khoa học để xây dựng phong trào vừa lao động vừa ca hát gọi là nâng cao khí thế cách mạng tiến công mọi lúc mọi nơi. Phong trào ra đời ồn ào nhưng biến mất rất lặng lẽ, từ khi có thừa ăn thừa mặc và những người thái thịt chín không những không được hát, nói chuyện mà còn phải đeo khẩu trang.

Từ cuộc cãi nhau “thái thịt chín”, tôi để ý quan sát thì thấy trong giới tại chức có vô số cuộc cãi nhau như thế. Đặc trưng của chúng là cảm tính, hoàn toàn cảm tính, ít kiến thức mà nhiều quy kết, lại không có mục đích hữu ích cho cuộc sống, chủ yếu chỉ nhằm làm sao cho mình thắng. Tranh luận không có mục đích tìm kiếm chân lý, chỉ nhằm khẳng định điều đã muốn khẳng định từ trước, nghe rất buồn cười, tựa như người say rượu cãi nhau, to tiếng trong trạng thái tơ lơ mơ nhìn thế giới, lải nhải dai dẳng một cách cố chấp, và ngang ngược, quyết ăn thua.

Còn khi giới tại chức đã ca ngợi điều gì đó thì cũng thường ca ngợi bằng được, ca ngợi say sưa bất chấp hiện thực, nếu thấy sai quá rõ thì tìm cách khác để ca ngợi tiếp. Trong lớp tại chức chúng tôi có một người lớn tuổi, nghèo nên chỉ mua được đám ruộng nằm giữa cánh đồng không có đường đi vào. Ông giải thích là ông dự đoán tương lai, nhà nước sẽ mở một con đường lớn chạy ngang đám đất và ông đi tắt đón đầu để chớp thời cơ. Chúng tôi ồ lên ca ngợi ông nhìn xa trông rộng, khôn ngoan hơn người, tương lai gia đình ông sẽ giàu có thành tỷ phú hay đại tỷ phú, mặc dù không hiểu sự tính toán của ông căn cứ vào đâu. Chúng tôi cũng không cố gắng hình dung con đường lớn ông nói, trên thực địa nó như thế nào, chạy từ đâu tới đâu và vì sao nó phải chạy ngang đám đất của ông. Nghe ông nói chúng tôi tin tưởng, thấy ông hào hứng với tính toán của ông chúng tôi trầm trồ tán thưởng, thậm chí có vài người trong lớp tại chức cũng theo ông mua đất khu vực đó để đi tắt đón đầu. Lâu chẳng thấy nhà nước mở đường gì cả, tính toán của ông rõ là sai lầm, ít nhất đời ông không thể thấy được con đường mơ ước, đến đời con cháu ông thì chẳng biết thế nào. Không có đường vào nhưng ông và mấy người theo ông vẫn phải làm nhà để ở vì không ở đó không biết ở đâu, và họ phải tìm đủ cách để có đường đi vào. Rất gian nan, khổ sở, phải hạ mình với hàng xóm láng giềng nằn nì mua và xin, cả gian lận lấn chiếm. Cuối cùng họ cũng có được con đường vô ra, nhỏ bé và ngoằn ngoèo, mưa lầy nắng bụi, hàng ngày qua lại vất vả không thể tả. Nhưng có đường đi còn hơn không có đường đi, họ lại tự ca ngợi là họ thông minh và sáng tạo, khai phá được một con đường, dù đường không ra đường, chẳng biết tồn tại được bao lâu, nhưng họ cứ hể hả tự ca ngợi là đã làm được con đường để đi ở nơi trước đó chưa có đường và giới tại chức chúng tôi cũng ca ngợi theo. Thật ra chúng tôi cũng không biết trên thế giới này có ai tìm kiếm nơi sinh sống lại nhảy vào nơi không có đường đi như thế, để phải loay hoay làm đường tốn công tốn của, mất thời gian mà không yên ổn, không phát triển được, chẳng biết đến đời nào mới bằng được thiên hạ. Nhưng chúng tôi đã rơi vào cái gọi là não trạng ca ngợi và làm toáng lên để ca ngợi, kiếm cớ ca ngợi bằng được mới thôi.

Nhưng cũng phải nói thêm, bản thân việc học đại học tại chức không xấu, kiến thức thu lượm trong học đại học tại chức không phải vô ích, ít nhất cũng còn hơn không học. Chưa kể, khi kiến thức chưa tròn trịa, chưa bị đóng khuôn, ra cuộc sống ít bị gò bó trong lý thuyết, tư tưởng được tự do thu lượm nhiều kiến thức khác, dễ trở nên cởi mở, phóng khoáng, phong phú. Như một người chưa no nê còn có thể ăn thêm nhiều thức bổ béo, một người ở lưng chừng núi còn có thể leo lên cao hơn, một cô gái chưa phải hoa hậu còn có thể trang điểm để đẹp như hoa hậu. Nhưng tại chức muốn không lạc hậu, ra cuộc sống phải quyết liệt tự học để làm giàu có thêm tri thức, đẹp thêm tư tưởng. Bạn bè lớp tại chức của tôi, nhiều người đã quyết liệt học thêm và có những thành công rất đáng khâm phục. Nhưng cũng không ít người không học thêm vì không có thời gian, chủ yếu thuộc hàng ngũ quan chức, càng có chức vụ cao càng ít có thời gian để học thêm, đọc thêm, nghe thêm, ngẫm nghĩ thêm và hiểu thêm.

Với vốn kiến thức lỗ mỗ học tại chức, những người bạn làm quan của tôi cứ thế đem xài, càng ngày càng vơi và lên càng cao thì càng cạn. Họ rơi vào một tình trạng mà tôi là bạn bè, dẫu không còn thân thiết như hồi đi học và thỉnh thoảng mới gặp hoặc thấy trên ti vi thì cũng nhận ra, đó là sự mất tự tin, tự chủ. Làm việc gì cũng sợ sai, càng lên cao có nhiều quyền hành càng hay sợ, đến suy nghĩ cũng sợ sai nên thường nói theo. Sợ sai mà phải giải quyết nhiều việc nên sinh thói giấu giếm, có việc nếu công khai sẽ tốt hơn cũng giấu giếm, hỏi đến là loanh quanh úp mở. Nông cạn, hay giấu giếm dần dần sinh gian lận và càng gian lận lại càng hay giấu giếm. Thiếu kiến thức và gian lận dẫn tới đôi khi làm ác, tích tụ lâu ngày thành tính thành nết, nom không còn ra con người nữa. Họp hành nhiều và càng họp càng lờ đờ, phát biểu nhiều nhưng toàn mờ nhạt, tựa như tấm gương buổi sớm bị sương phả vào, ban trưa bị bụi phủ lên, đến chiều lại gặp mưa nhòe nhoẹt, chẳng soi rọi được gì cho rõ ràng. Cũng giàu có, một số người giàu nhanh, nhưng một biến động nhỏ ở đâu đó cũng khiến họ giật mình, hoảng hốt. Động tí là dớn dác, thấy tụ tập đông người gần nhà mình là dớn dác, tụ tập xa nhà mình cũng dớn dác, thấy người khác thầm thì là lo sợ, thấy người khác ồn ào cũng lo sợ. Làm quan mà như đang ngủ gà ngủ gật, hễ có tý động đậy làm tỉnh giấc là càu nhàu, nạt nộ, la lối, cho rằng làm mất trật tự, mất ổn định. Cuộc sống nhiều cao lương mỹ vị mà không khỏe mạnh, ở biệt thự bề thế mà không yên ổn, mặt phương phi mà thiếu sinh khí, thần sắc nhợt nhạt, nói cười nhăn nhở. Và kỳ lạ, hễ xã hội có động đậy chưa biết tốt xấu là liên tưởng đến đánh nhau, giành giật của nhau, dễ dàng đưa ra phán xét: “Hòa bình thế giới có vấn đề”. Giọng oang oang vẻ dẫn đường, chỉ lối nhưng không giấu được nỗi thảng thốt bên trong. Khi có biến, người nói giọng nhẹ nhàng mới là người thật sự bình tĩnh. Lúc nguy nan khảng khái thì dễ, ung dung mới khó. Ung dung và chân thành là sức mạnh chỉ có ở tri thức và lòng nhân hậu.

Tháng 2-2011

SN

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét