Trần Bích Đăng
Chiến hạm mang tên lửa điều khiển diễn tập trên biển Đông 29/10/2009 (Ảnh Chinamil)
Sáng nay nhận được e-mail của một nhóm bạn mà có chút vui cho dân tộc nếu… nhưng rất buồn lo cho nhân loại. Cứ mỗi năm chi phí mua sắm vũ khí ngày càng tăng, số lượng bom nguyên tử đủ để giết mấy chục lần nhân loại, số bom đạn chế tạo, thay thế và tích lủy sẵn sàng nã vào nhau đã nặng hơn hàng ngàn lần số lượng lương thực cho con người thì… Người ta hỏi Einstein về Thế Chiến thứ 3, ông bảo không biết nhưng biết Thế Chiến thứ 4, lúc ấy người ta vác đá ném vào nhau. Số người ta lúc ấy không cần vi tính cũng đếm được với tờ giấy và cái bút chì.
Xem thống kê chi phí quân sự: Wikipedia.org
Cái e-mail giới thiệu bài (Vietnamdefence.com) làm cho tôi có chút vui là câu “hệ thống hoả tiễn mới trước hết là dành cho các nước có bờ biển dài, ví dụ như cho vùng Đông Nam Á.”. Vào Wikipedia kiếm cụm từ “Tên lửa Club-K: Vũ khí chiến lược” là ra hàng chục websites, một số thêm cho tròn câu “vũ khí chiến lược con nhà nghèo” (Việt Nam ta là một nước nghèo). Tên lửa Club-K có tầm xa 200 hải lý (1 hải lý = 1,852 km) giá 15 triệu một container chứa 4 tên lửa bay theo địa hình do vệ tinh dẫn đường
Tôi ước ao phải chi Việt Nam mình có ngay một ngàn container-tên lửa hay chừng một trăm cũng được. Tàu lạ đánh ta, ta có cái mà đánh lại và khoá ngay đường biển chở dầu, hàng đi về nước lạ. Ai mà không biết cái thủy lộ Đông Tây thêm cái nút thắt Malaca? Một trăm cái là một tỷ ruỡi đô la, mức này con nhà nghèo chúng ta chơi được. Mà tôi nghĩ, nếu ông anh khó chịu cứ muốn cho ta thật nhiều bài học thì họ được gì? Một viên đạn bắn ra cũng phải tính bằng tiền, một mạng người ngã xuống cũng tính bằng đau thương. Họ chiếm Biển Đông, ai mà chấp nhận thủy lộ luôn kèm hai chữ “huyết mạch” ấy bị khống chế? Họ chiếm tài nguyên nhưng phải trả giá vì những chống đối chính trị, thương mãi và có khi cả quân sự. Bù qua sớt lại coi bộ không đáng.
Nhưng câu hỏi là ta có mua được thứ tên lửa-container ấy không? Sức mấy mà các nước có liên quan “đối thọi” với ta lại không có động tác ngăn chận? Thậm chí họ còn có thể bao mua hết (giàu vì gạo bạo vì tiền) để trừ hậu hoạn. Anh làm ra vũ khí, ai mua giá cao thì ta bán. Chuyện đang xảy với BP đấy thôi. Hắn đang làm ăn khai thác dầu với Việt Nam, Trung Quốc doạ một cú, ngưng ngay, đang lo bán phần đang có ở Việt Nam. BP bây giờ xoay ra cùng hợp tác với Trung Quốc khai thác dầu ở vùng biển Hoàng Sa (mai mốt không khéo lại lấn xuống phía Nam xa hơn). Nghĩ đi nghĩ lại, mừng lại không mừng, một thứ mừng với chữ “nếu” to như con bò mộng.
Thế thì ta (xin lỗi quí vị cho phép tôi đứng vào vị thế nhà lãnh đạo Việt Nam, ít ra tôi hoàn toàn do tình yêu Tổ Quốc dẫn dắt trong suy nghĩ, hành động) phải làm gì để xây dựng và “bảo vệ” (như một đại biểu yêu cầu thêm vào Cương Lĩnh Đại Hội XI mới đây). Nội lực và nội lực, thuốc bổ (bạn bè) nếu cần. Nội lực thì đầu tiên và đơn giản là phải làm một cuộc xét nghiệm tổng thể cái thân và thần xác của mình, từ đó mới quyết những kế sách chữa bệnh. (Tôi đang viết chuyện vô duyên, vì ai cũng thấy Việt Nam ta đang bệnh gì. Thôi thì cứ xem như một khúc dạo đàn để nhắc lại). Thân thì đầy bệnh tật: tham nhũng, xa rời nhân dân, giáo dục xập xệ, phân hoá trầm trọng giàu nghèo, ô nhiễm môi sinh (môi trường, tiếng động) xem ra có lẽ mạnh ở phần cơ bắp đủ để lùa thiên hạ trong nhà vào lề cho đúng ý, phần cơ bắp coi chừng người lạ thì cố gắng tối đa. Thần trí thì coi bộ đang bị đang bị “an xai mơ” (alzheimer). Nội cái đuôi “định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” cũng đã làm nảy sinh bao nhiêu câu hỏi. Tìm khắp Google cũng không thấy cái định nghĩa thực dụng của nó (functional definition). Hỏi phải kiểu mấy nước Bắc Âu (Na Uy, Thụy Điển) không? Hỏi như thế vì rất nhiều người biết đời sống nhân dân hai nước ấy hạnh phúc, tự do và độc lập thế nào. Thế mà các nhà lãnh đạo, đặc biệt là vị đang lo về Tư Tưởng vẫn không có một câu trả lời cho rõ ràng gãy gọn. Rốt cuộc cái đuôi vẫn là cái đuôi với cái vị trí cố hữu của nó trên một cơ thể của sinh vật… có đuôi… Xin hỏi “quí vị còn là người Cộng Sản nữa không?” khi quí vị hùng hồn bài Quốc Tế Ca? Cứ lấy mấy thước đo “tư hữu”, “tư liệu sản xuất”, “giai cấp”, “tư sản”, “vô sản”, v.v. của mấy cụ Mác, Lê Nin mà so thì thấy cái lộn xộn trong phần tâm trí nó lớn thế nào? Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi lại nghĩ đến Chúc Thư của Bác, không biết có tin được quí vị không? Bác đã bảo mang tro cốt của Bác rải trên ba miền Đất Nước mà.
Tôi rất hiểu là không phải dễ dàng để “chăm lo” cho một đất nước mà đất thì chật người thì đông. Một cục chỉ rối mà cứ nắm bên này kéo, nắm chỗ kia giật thì chỉ có rối thêm. Bây giờ ta đã biết bệnh sao không chịu tiến hành chữa bệnh? Cái lớn nhất, cái làm xói mòn nội lực nhất xét cho cùng vẫn là tham nhũng. Có quá nhiều thứ, biện pháp để đưa kính chiếu yêu soi ra kẻ có quá nhiều tiền không có nguồn gốc chính đáng. Cái nhiêu khê là không lẽ ta lại chiếu yêu ta? Thôi thì van xin quí vị, vì Dân Tộc, ăn đủ thì thôi, lo làm việc đi. Nếu cảm thấy mình không thích hay không khả năng thì về vui với đống tiền gom bấy lâu nay. Đừng biện minh hay viện cớ gì mà gài Dân Tộc vào thế ân tình với quí vị từ hồi kháng chiến chống Pháp dành Độc Lập cho Dân Tộc. Kampuchia mới ra Luật buộc các nhà chính trị đương quyền phải khai tài sản thì lập tức một số quan xin từ chức. Ta cũng có, nhưng quí vị không khai (xin vinh danh những đảng viên đã minh bạch tài sản) rốt cuộc quí vị còn tệ hơn mấy quan chức nước em nhỏ bên cạnh.
Có một biện pháp khác là nhân dân đang và sẽ ghi sổ sự “tiến lên” qua cơ ngơi nhà cửa, xa hoa phung phí của quí vị và vào lúc thuận lợi nhân dân sẽ tính sổ mang đến công bằng cho xã hội…
Bài học sức mạnh của nhân dân ở Roumanie hạ Ceaucescu, của Philippines, những cuộc Cách Mạng màu và mới đây ở Tunisie là những bài học rất cụ thể. Chính thể nào đồng hành với Dân Tộc, chính thể đó sẽ lâu dài với Dân Tộc.
TBĐ
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét