Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Giáo sư Trần Văn Giàu qua đời

Giáo sư Trần Văn Giàu qua đời

Vào lúc 17g20 ngày 16-12, giáo sư Trần Văn Giàu – một trong những nhà cách mạng kỳ cựu của Đảng CSVN đã qua đời, tại bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), hưởng thọ 100 tuổi


Ông là một trong những Đảng viên Đảng Cộng Sản sớm nhất. Khi Đảng CSVN ra đời, ông trở thành đảng viên chính thức vào tháng 8 năm 1930. Năm 2009, ông được trao huy hiệu 80 năm tuổi Đảng

Ông Trần Văn Giàu sinh năm 1911, tại Long An, từng làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, tham gia lãnh đạo cuộc cách mạng Tháng Tám ở miền Nam năm 1945.

Sau năm 1945, lo ngại ảnh hưởng của Trần Văn Giàu ngày càng gia tăng trong hàng ngũ Đảng viên Cộng sản miền Nam, phe nhóm miền Bắc quyết định điều ông ra Hà Nội. Trong khoảng thời gian này, ông Trần Văn Giàu giữ những chức vụ không mấy quan trọng, sau đó được giao công tác nghiên cứu lịch sử Đảng.

Ông Trần Văn Giàu còn được Nhà nước VN xem là một trong những cây đại thụ trong ngành sử học. Ông còn là một học giả, nhà nghiên cứu triết học Marxist, một nhà giáo… đã được tặng thưởng nhiều huân chương, danh hiệu. Năm 2002, tên của ông được đặt cho giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu chuyên về Lịch sử được xem là khá uy tín tại VN

Theo thông tin báo chí, ông qua đời do tuổi cao sức yếu, các nghi thức tang lễ sẽ được thông báo sau.

danlambao

*

Vĩnh biệt Giáo sư Trần Văn Giàu!

TTO - Vào lúc 17g20 ngày 16-12, tại bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), trái tim của nhà cách mạng lỗi lạc, nhà khoa học, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động, giáo sư Trần Văn Giàu - đã ngừng đập.

Đất nước và dân tộc Việt Nam mất đi một người con ưu tú. Đảng cộng sản Việt Nam mất đi một chiến sĩ cách mạng kiên trung. Giới khoa học Việt Nam mất đi một người thầy lỗi lạc. Cả nước Việt Nam mất đi một người anh hùng.

Giáo sư Trần Văn Giàu sinh năm 1911, tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An). Từ năm 15 tuổi ông đã lên học tại Sài Gòn rồi sang du học tại Pháp và đến năm 1930 thì bị trục xuất về nước sau khi tham gia biểu tình trước dinh tổng thống Pháp đòi hủy án tử hình đối với các chiến sĩ cách mạng tham gia khởi nghĩa Yên Bái.


Giáo sư Trần Văn Giàu chụp ảnh lưu niệm cùng các cháu thiếu nhi TP.HCM – Ảnh tư liệu
Sau đó, ông tham gia cách mạng, bị thực dân Pháp bắt, kết án năm năm đày đi Côn Đảo. Tháng 4-1940, ông ra tù tiếp tục hoạt động cách mạng, rồi lại bị địch bắt đưa đi giam ở Tà Lài và sau đó vượt ngục trở về, tiếp tục hoạt động cách mạng.

Năm 1943, ông được bầu làm Bí thư xứ ủy Nam Kỳ, lãnh đạo cách mạng Tháng Tám ở miền Nam năm 1945 và được cử làm Chủ tịch ủy ban hành chính kháng chiến Nam bộ.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông giữ nhiều trọng trách trong bộ máy nhà nước, tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu ở lĩnh vực khoa học xã hội.

Ông vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (1992), danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác.

Bước sang tuổi 100, sức khỏe của giáo sư Trần Văn Giàu đã suy giảm nhiều. Từ mồng 9 Tết Nguyên đán năm 2010, ông được đưa vào điều trị và an dưỡng tại Bệnh viện Thống Nhất. Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 16-11 vừa qua, ông Lê Thanh Hải – Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM - đã đến thăm và chúc mừng Giáo sư trên giường bệnh.

GS được Đảng, nhà nước, ngành y tế và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng do tuổi cao sức yếu đã từ trần, thọ 100 tuổi.

Các nghi lễ trang trọng, thành kính sẽ được cơ quan có thẩm quyền thông cáo trên báo chí ở bản tin tiếp theo.

N.TRIỀU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét