Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Vinashin không thể đắm và thư gửi những linh hồn đau khổ

Vinashin không thể đắm và thư gửi những linh hồn đau khổ
Posted on 22/10/2010 by danlambaoblog
Trực Ngôn – Xon tàu “Vinashin tài sản” có thể coi là mất tích vĩnh viễn, nhưng con tàu “Vinashin trách nhiệm” không thể để mất tích được. Nó phải được “trục” lên để chúng ta nhìn rõ trách nhiệm ấy thuộc về ai. Bởi nếu chúng ta không một lần dám dũng cảm để chỉ ra trách nhiệm và xử lý nghiêm minh vụ đắm tàu siêu khổng lồ này thì sự vô trách nhiệm sẽ mãi mãi bám theo chúng ta và càng ngày càng phình to. Nếu chúng ta không làm được điều ấy thì trong tương lai chúng ta sẽ phải chứng kiến nhiều “con tàu” nữa chìm xuống cái “đại dương không đáy”. Đó mới là nguy cơ khổng lồ đối với đất nước này…

*

“Con tàu trách nhiệm” Vinashin không thể chìm. Sự thờ ơ, vô cảm, thói vô trách nhiệm trước sinh mạng con người. Những công trình nghìn tỷ mừng Đại lễ vừa khai trương xong đã hỏng. Đó là những day dứt của nhà báo Trực Ngôn khi nhìn lại các sự kiện của tuần qua.

Không được để con tàu “Vinashin trách nhiệm” bị đắm

Cho dù đã có nhiều nỗ lực giải cứu, chưa thể nói con tàu Vinashin đã thoát khỏi nguy cơ bị chìm và mang theo khối tài sản hơn 4 tỷ đô la. Hay sự thật trần trụi như TS Nguyễn Đức Kiên, ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói thẳng ra rằng: “Chúng ta tiến hành tái cơ cấu lại Vinashin thì về mặt khoa học coi như chúng ta đã chấp nhận cho Vinashin phá sản, chỉ có vấn đề là mình tuyên bố hay không tuyên bố phá sản mà thôi”. Ông Kiên gọi đây là “phá sản theo kiểu Việt Nam”.

Chúng ta đã từng biết có những cuộc săn tìm những con tàu bị chìm xuống đáy đại dương để vớt của. Đó là những con tàu chở vàng bạc và các đồ vật quí giá trên những con tàu của bọn cướp biển, trên những con tàu của các đội quân xâm lược và trên những con tàu chở hàng hoá đặc biệt bị tại nạn. Theo những thông tin mà tôi được biết thì chưa con tàu nào trong “lịch sử đắm tàu” chìm xuống biển mang theo một khối tài sản lớn như con tàu Vinashin của chúng ta.

Cho đến bây giờ chúng ta phải cay đắng thừa nhận rằng: chúng ta thật khó còn cơ hội để “trục vớt” toàn bộ khối tài sản ấy lên được. Đã từng có những “con tàu” nhỏ hơn Vinashin bị đắm mang theo một khối tài sản nhất định nhưng chúng ta chẳng bao giờ tìm lại được.

Nhưng ai là người chịu trách nhiệm chính về vụ đắm con tàu siêu khổng lồ Vinashin? Cho đến lúc này, chúng ta vẫn chỉ nhận được một nửa câu trả lời. Một nửa câu trả lời hay nói cách khác một nửa sự thật về vụ đắm tàu siêu khổng lồ ấy vẫn còn chìm trong “nước”. Chúng ta vẫn nói: Một nửa chiếc bánh mỳ là chiếc bánh mỳ còn một nửa sự thật không phải là sự thật.


Con tàu trách nhiệm Vinashin đang bị chìm, Ảnh VietNamNet
Trả lời báo chí, ông Vũ Quang Hải (đại biểu Hưng Yên) nói: Sau khi có kết luận của Bộ Chính trị về Vinashin, tôi đã gửi chất vấn tới tổng Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ hỏi rằng tại sao có tới 11 lần thanh tra, kiểm toán vào mà tình hình Vinashin vẫn như thế? Do năng lực thanh tra, kiểm toán yếu hay có tiêu cực gì ở đây?

Kỳ này Chính phủ có báo cáo riêng gửi Quốc hội về Vinashin, tôi chờ đợi một bản báo cáo đầy đủ và trung thực nhất về tình hình Vinashin, nguyên nhân của sự đổ bể, hậu quả đến mức nào và nhất là ai phải chịu trách nhiệm chính về vụ việc này. Cần phải làm rõ trách nhiệm quản lý và trách nhiệm chính trị của Chính phủ, các bộ ngành liên quan, không thể kết luận chung chung được, phải có cá nhân nhận trách nhiệm chính về việc này.

Có thể coi là tín hiệu đáng mừng khi trong ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ đã nhận trách nhiệm về mình trong câu chuyện Vinashin:

“Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ liên quan trong việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu. Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, xác định nguyên nhân và đề ra kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh các hoạt động của tập đoàn”.

Thế nhưng, chúng ta lại thất vọng bao nhiêu khi đọc bài trả lời phỏng vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Lý giải cho câu hỏi của công luận: vì sao có 11 lần thanh tra kiểm toán vào mà tình hình Vinashin vẫn như thế, ông Truyền trả lời thế này:

“Tôi cho rằng dù có cuộc thanh tra toàn diện kịp thời từ ban đầu và chỉ ra hết những sai phạm nhưng nếu họ không tự giác chấp hành và không khắc phục mà̀ cứ tiếp tục sai trái như vậy thì tất yếu dẫn đến hậu quả như bây giờ. Cơ chế giám sát thanh tra của chúng ta đang có vấn đề. Hiện nay, ngay cả khi có kết luận của Thủ tướng thì cũng có ai phúc tra đâu? Đã không phúc tra thì có chấp hành nghiêm hay không cũng không ai biết. Mà cho dù nếu biết có chấp hành không nghiêm thì cũng không có chế tài xử lý. Do đó mà sai phạm cứ kéo dài. Nhiều khi cứ bị che lấp.

Chung quy lại là do cơ chế này có vấn đề mà tới đây phải rút kinh nghiệm, phải có sự phân công rành mạch”.

Hỡi ôi, nếu “cơ chế” mà có mồm để nói hẳn “cơ chế” sẽ gào lên, khóc lên tủi hận mà rằng: Các ông ơi, xin các ông đừng đổ tội cho tôi nữa. Tôi là con đẻ của các ông cơ mà…

Xin thưa, công luận đã chán ngấy đến tận cổ những câu nói kiểu “lỗi tại cơ chế…” này lắm rồi.

Xon tàu “Vinashin tài sản” có thể coi là mất tích vĩnh viễn, nhưng con tàu “Vinashin trách nhiệm” không thể để mất tích được. Nó phải được “trục” lên để chúng ta nhìn rõ trách nhiệm ấy thuộc về ai. Bởi nếu chúng ta không một lần dám dũng cảm để chỉ ra trách nhiệm và xử lý nghiêm minh vụ đắm tàu siêu khổng lồ này thì sự vô trách nhiệm sẽ mãi mãi bám theo chúng ta và càng ngày càng phình to. Nếu chúng ta không làm được điều ấy thì trong tương lai chúng ta sẽ phải chứng kiến nhiều “con tàu” nữa chìm xuống cái “đại dương không đáy”. Đó mới là nguy cơ khổng lồ đối với đất nước này.

Ôi cái đầu của những con vịt!

Báo chí đưa tin: Chưa được 10 ngày sau khi đưa vào sử dụng, Công viên Hòa Bình (Từ Liêm, Hà Nội) một công trình trọng điểm chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã trở có dấu hiệu xuống cấp.

Theo ghi nhận của Đất Việt, hầu hết đá xẻ được lát dưới nền, các bờ tường quanh công viên đã bị vỡ. Nhiều chỗ bị lốc lên từng mảng lớn chòi hết cả lớp xi măng phía dưới nền. Ở bậc lên xuống trước cổng chính của công viên, hàng chục viên đá lát đã bị bong tróc. Hàng dào bằng dây xích quanh hồ nhiều đoạn bị đứt khỏi cột, Cột đèn mất nắp để lộ những sợi dây điện ra ngoài rất nguy hiểm cho người ra vào công viên… Đặc biệt mấy ngôi nhà trên những mô đất hầu như đã bị nứt toác nền móng, các công trình phụ ở bên trở nên xiêu vẹo.


Nhiều đoạn dây xích hàng rào quanh hồ của Công viên Hòa Bình bị đứt. Ảnh Đất Việt
“Từ ngày công viên này đưa vào sử dụng chiều nào tôi cũng ra đây chơi, hóng mát cùng các cháu nhưng thấy công viên xuống cấp nhanh quá. Chỉ đi trên nền thôi mà đã thấy đá lát bung lên rồi. Không những thế, các bậc lên xuống được lát bằng đá sẻ để dư ra một đoạn chừng 5cm khi người dân đi, chạy, nhảy… hay vô tình va phải vào đó cũng sẽ làm cho đoạn đá lát dư ra bị vỡ nên hầu hết các bậc lên xuống ở công viên này đều bị sứt mẻ nham nhở cả”, bà Nguyên Thị Mến, người dân gần công viên cho biết.

Chuyện các “công trình ngàn tỷ” mới làm xong đã xuống cấp như chuyện về công viên Hòa Bình nói trên chẳng hề làm cho người dân giật mình kinh hãi hay tròn mắt ngạc nhiên nữa. Người dân đã quá quen với thói làm ăn như thế này rồi.

Một con đường cao tốc vừa làm xong đã lún, một đường ngầm vừa làm xong đã rỉ nước rạt rào, một cây cầu “vĩ đại” vừa làm xong đã nứt dọc nứt ngang…Hỏi nguyên nhân vì sao thì những người chịu trách nhiệm “tung” ra đủ lý do và lý do nào cũng là tại.. mưa, tại gió cả thôi. Chưa một công trình nào như thế được một ai đó có trách nhiệm nhận lỗi về mình. Và điều làm cho người dân tròn mắt ngạc nhiên chính là việc họ không thể nào hiểu được vì sao những việc làm như thế bị người dân lên tiếng phê phán và Nhà nước nhắc nhở mà chẳng hề thay đổi một chút nào.

Hậu quả tồi tệ của các công trình nói trên có nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất chính là sự vô trách nhiệm. Vô trách nhiệm đã làm “thối” cái tai của những người chịu trách nhiệm, và thế là mọi phê phán, nhắc nhở, cảnh báo của dư luận và của chính Nhà nước chỉ như là nước đổ đầu vịt và thôi. Nước cứ đổ xuống đầu vịt hết ngày này, tháng nọ, năm kia mà chẳng làm cho một cái lông vịt nào thấm nước.

Nếu chúng ta cứ sống với lối sống này và làm việc với thói làm việc này thì biết bao tiền của đổ vào các công trình cho vừa. Đất nước ta mãi mãi chỉ là một công trường ngổn ngang gạch đá và mù mịt bụi bặm. Một công trường với những công trình không có ngày “khánh thành”. Giống như những con đường của chúng ta cứ làm xong đến cuối con đường thì quay lại đào bới sửa chữa đầu con đường. Cái vòng tròn ấy như những vòng trong ma quỷ không bao giờ chấm dứt. Nghĩa là, chúng ta đang trong nguy cơ rơi vào cái vòng luẩn quẩn mà chưa tìm thấy đường ra.

Ôi những con vịt, biết đến bao giờ cái đầu của các người mới thấm “nước” đây ???


Chiếc xe khách gặp nạn đang được vớt lên, Ảnh VietNamNet
Thư gửi những linh hồn đau khổ:

Hỡi linh hồn khổ đau của những người đã chết trên chuyến xe bất hạnh.

Nước lũ đã rút đi một chút trên dòng sông Lam, nhưng cơn lũ của đau thương đang dâng ngập trên xứ sở này. Bao nhiêu niềm vui mà chúng tôi dành dụm trong những ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long giờ như tan biến tất cả. Kể từ khi nghe tin chiếc xe khách bị dòng lũ cuốn xuống sông Lam, hàng triệu người Việt Nam đã hướng về dòng sông ấy. Có biết bao người không cầm được nước mắt. Trong dòng nước lạnh và chảy xiết kia, những người đàn ông, đàn bà, những cô gái và những đứa trẻ bất hạnh đang ở đâu. Tất cả những người Việt Nam có lương tâm đều thấy mình có lỗi. Hỡi các linh hồn đau khổ, xin hãy tha tội cho những người đang sống.

Những con người ấy đang trên đường trở về ngôi nhà của mình. Nhưng họ đã không về được nhà mình nữa. Trong những ngày này và mãi mãi về sau trên dòng sông ấy, đêm đêm trong mưa gió buồn bã, chúng tôi còn nghe mãi lời kêu cứu sặc nước của các linh hồn. Có những người trong chúng tôi bắt đầu cảm thấy sợ hãi khi nghĩ rằng trong một ngày nào đó, chúng tôi phải đi qua khúc sông ấy và chúng tôi không chịu được nỗi buồn đau và ân hận. Chúng tôi sẽ không bao giờ trả lời được câu hỏi của các linh hồn: “Các người hãy trả lời đi, vì sao chúng tôi phải chết như thế? Vì sao các người không chặn chiếc xe ấy lại? Vì sao người lái xe cứ lao thẳng chiếc xe đưa chúng tôi vào cái chết?”

Nước sông Lam có bao giờ buốt lạnh như những ngày này không? Gió đôi bờ sông Lam có bao giờ gào thét bi thương như những ngày này không? Trong tâm trí đau buồn của biết bao người đang sống, những đứa trẻ vẫn lang thang dọc đôi bờ sông tìm mẹ. Chúng không bao giờ lớn lên được nữa. Chúng bỏ lại những đồ chơi rẻ tiền mà ông bà, cha mẹ, chú bác đã giành dụm tiền mua tặng chúng trong mùa Trung thu vừa qua. Những người đàn ông, đàn bà chết oan uổng vẫn ngơ ngác với câu hỏi “Vì sao chúng tôi phải chết?”. Họ lang thang dọc hai bờ sông Lam. Họ mãi mãi không bao giờ về tới nhà mình. Và những người sống chúng ta mãi mãi không bao giờ được tha thứ.


Đưa xác nạn nhân ra khỏi ô tô gặp nạn, Ảnh VietNamNet
Trong những ngày này, chúng ta lại nghe tin những hành khách trên một chuyến bay của Vietnam Airline đi Pháp bị thương. Rất nhiều người đặt câu hỏi: vì sao chuyến bay đó không quay lại Việt Nam hay tìm cách hạ cánh xuống một sân bay nào đó để cứu chữa những hành khách bị thương và để trấn an tinh thần họ hay để kiểm tra lại những gì cần thiết cho chặng bay tiếp theo rất dài. Cũng như những người làm nhiệm vụ trên tuyến đường có chuyến xe khách bất hạnh đi qua và cả người lái xe nữa sao không dừng lại. Sao người ta lại có thể để một chuyến xe chở hàng chục mạng người đi vào nơi mà cái chết đang rình rập họ?

Chúng ta đang thờ ơ với mạng sống con người. Chúng ta đang nghĩ đến lợi ích vật chất hơn mạng sống của những hành khách trên chuyến xe kia và trên chuyến bay kia. Chúng ta đang đầu độc những dòng sông,đang đầu độc những nguồn nước, đang đầu độc thực phẩm…Bởi thế chúng ta có những làng ung thư. Tất cả những gì chúng ta đang làm giống như những trò độc ác của ma quỷ là vì những đồng tiền. Chúng ta còn bao nhiêu phần trăm nhân tính trong trái tim mình?

Cho dù chúng ta đã làm lễ cầu siêu bên bờ sông Lam, những tôi biết linh hồn của những người chết oan uổng vẫn không thể ra đi. Họ vẫn đứng trong gió và nước lạnh bên bờ sông nhìn chúng ta và hỏi: ” Vì sao chúng tôi phải chết như thế này?” Những linh hồn chỉ thực sự siêu thoát khi hàng ngày trong từng hành động, những người còn sống phải làm với lương tâm và tình thương yêu con người thực sự. Nếu chúng ta thực sự thương yêu đồng loại mình, chúng ta sẽ luôn luôn dõi theo họ và bảo vệ họ. Nhưng chúng ta đã bỏ mặc họ. Chúng ta xây đủ loại công trình để kinh doanh lấy tiền và lấy thành tích, nhưng chúng có bao giờ tỉnh giấc trong đêm nghĩ đến những công trình cho những đứa trẻ và những người già chưa? Một rạp chiếu phim giành cho trẻ con được xây lên nhưng chúng ta chẳng nghĩ được phải làm gì cho những đứa trẻ trong cái rạp chiếu phim ấy.

Chúng ta bày ra các loại trường không phải để làm ra những thế giới kỳ diệu cho những đứa trẻ mà để “ra giá cao” đối với cha mẹ chúng. Chúng ta lợi dụng những đứa trẻ một cách gián tiếp để kiếm tiền. Chúng ta thờ ơ với những hệ thống dây điện để dòng điện giết chết những đứa trẻ. Chúng ta để cả những máy ATM hở điện như những cái bẫy của thần chết đợi con người. Chúng ta không thể biện minh cho trái tim vô cảm, lối sống ích kỷ và ác độc của chúng ta. Chúng ta thực sự chưa vì con người.

Những ngày này nơi tôi đang ở mùa thu thật đẹp. Nhưng mùa thu ấy đã chết khi chiếc xe chìm xuống dòng sông buốt lạnh và vang lên lời kêu cứu thảm thiết của những con người bất hạnh. Có bao nhiêu người trong đêm nay nghe được tiếng kêu đau khổ ấy?

Hỡi những linh hồn khổ đau,

Chúng tôi cầu xin sự tha thứ. Nhưng xin đừng tha thứ cho chúng tôi. Hãy để trái tim chúng tôi phải đau đớn. Hãy để tiếng kêu thảm thiết trong nước xiết đêm đêm dội vào những căn nhà của chúng tôi. Hãy trở về đêm đêm và đứng trước cửa nhà chúng tôi và đặt vào những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi của chúng tôi câu hỏi về tình yêu thương và trách nhiệm với con người. Hãy làm cho chúng tôi không được ngủ ngon bởi sự vô cảm và vô trách nhiệm. Mọi tai nạn có thể xẩy ra trên mặt đất này, nhưng nếu chúng ta đã thực sự vì con người thì dù có chuyện gì bất hạnh xẩy ra với con người, chúng ta vẫn còn một chốn nhỏ trong trái tim mình để tự an ủi rằng: chúng ta đã làm hết trách nhiệm và với tình yêu thương chân thành giành cho con người.

Hỡi những linh hồn đau khổ,

Chúng tôi, những người có lương tâm đang sống xin cúi đầu nhận tội.

http://www.tuanvietnam.net/2010-10-22-pn-and-hd-vinashin-khong-the-dam-va-thu-gui-nhung-linh-hon-dau-kho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét